Cần Thơ: Nỗ nực vượt khó của 5 chị em mồ côi mẹ

Thứ Hai, 05/11/2007, 11:09
Năm đứa trẻ mồ côi mẹ. Cha bỏ đi không về. Lũ trẻ chập chững dìu nhau bước vào cuộc sống nghèo khó bữa đói bữa no, bên cạnh bà ngoại năm nay đã 82 tuổi. Nghèo như vậy mà không đứa nào bỏ học, hư hỏng...

Để đến ngôi nhà có 5 chị em mồ côi, chúng tôi phải vượt qua 4, 5 con hẻm nhỏ xíu, dài loằng ngoằng. Căn nhà nhỏ nằm cặp bờ sông Hậu lộng gió.

Bà Lê Thị Cho, người đang cưu mang 5 đứa cháu ngoại, lấy tay quệt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo vì tuổi tác: "Biết làm sao được chú. Nghèo, nhưng bà cháu có nhau là tui vui rồi. Bữa nào hết gạo, tụi nhỏ bẻ chuối trong vườn nấu lên, đâm thêm chén muối ớt, vậy cũng xong bữa". Bà Cho nói thêm, lâu lâu được bà con lối xóm thương tình tạt ngang cho ít tiền, ít gạo. Còn đồ ăn thì mấy đứa nhỏ đi mò cua, bắt ốc.

Cách đây gần hai mươi năm, chị Hồ Thị Hậu  - người con gái xóm Lưới, Bình Thủy kết hôn với anh Trần Quốc Thắng (nhà ở phường An Thới, quận Bình Thủy). Cuộc sống vợ chồng ngần ấy năm không lấy gì làm khá giả, nhưng khéo thu vén nên cũng đủ ăn và lần lượt năm đứa con chào đời.

Vợ chồng kiếm sống bằng nghề thợ hồ, thu nhập chẳng lấy gì làm khá giả nhưng họ không để những đứa con phải thất học. Năm đứa con đều được đến trường, học hành đến nơi đến chốn.

Cuộc sống gia đình quây quần, đầm ấm phút chốc chỉ còn là ký ức khi đột ngột chị Hậu lâm bệnh vào năm 2005. Thúy Anh, con gái thứ ba của chị Hậu nhớ lại: "Mẹ bệnh có một năm là mất, tụi em chỉ nghe người ta nói mẹ bị bệnh ung thư gì đó…".

Cuối tháng 9/2006, 5 đứa con thơ mất đi người mẹ. Người cha ban đầu còn chăm lo đến các con, nhưng dần dần sự quan tâm ấy phai lạt và gần như trách nhiệm chăm lo cho năm đứa trẻ được người cha "đẩy" cho bà ngoại già yếu đã bước qua cái ngưỡng tám mươi.

Ăn Tết Nguyên đán xong, đến mùng 9 là người cha không về nhà nữa. Mất mẹ, đàn con thơ đã trở nên bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược, vậy mà người cha - trụ cột trong gia đình cũng xa đàn con nên lũ trẻ lâm vào cảnh bơ vơ, cuộc sống khó khăn trăm bề.

Cả 5 em đều đang tuổi ăn, tuổi học nên khi lâm vào cảnh ấy đã không biết xoay xở ra sao. Bà ngoại già yếu, không có thu nhập gì ngoài hoa lợi từ mấy cây chuối trồng ở khoảnh vườn trước nhà.

Biết hoàn cảnh nhà nghèo bọn trẻ không đòi hỏi gì. Sau mỗi buổi học, Trinh và Anh đi hái rau vườn, hái lá lốt rồi chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng chạy tuốt lên chợ Hồi Lực, chợ An Hòa và ra tận chợ Xuân Khánh để bán. Rổ rau đầy ắp chỉ được vỏn vẹn 15-20 ngàn đồng, có khi người ta còn kỳ kèo trả giá. Có bữa bán xong rau, hai chị em đói bụng mà không dám mua ổ bánh mì…

Còn thằng Dương, thằng Bảo và thằng Long thì kéo nhau đi mò ốc, lượm ve chai để kiếm thêm chút tiền mua gạo. Năm nay, em Trần Hồ Diễm Trinh, Trần Hồ Thúy Anh học lớp 12, Trần Hồ Thái Dương, Trần Hồ Thái Bảo học lớp 7 và em Trần Hồ Thái Long học lớp 4. 

Anh Huỳnh Văn Lợi - Phó KV 1, phường Bình Thủy, kể: "Mất mẹ, thiếu tình thương yêu chăm sóc của người cha, nhưng lũ trẻ vẫn còn tình thương yêu, đùm bọc, dạy dỗ của bà ngoại, dù cuộc sống của mấy bà cháu rất khó khăn".

Lũ trẻ vẫn chấp nhận sống giữa cái nghèo và thậm chí có lần đang ngồi học giữa lớp bất chợt ngất xỉu vì đói. Bạn bè, thầy cô phải đưa về tận nhà. Với những bữa đói nhiều hơn bữa no và chuyện ăn chuối luộc chấm muối ớt trừ cơm là chuyện bình thường của 6 bà cháu.

Nghe không tin. Cứ ngỡ là chuyện của "ngày xưa", nhưng có ghé vào ngôi nhà của bà ngoại già ngoài 80 tuổi vẫn cưu mang, đùm bọc năm đứa cháu ngoại để bảo ban, dạy dỗ cháu nên người thì mới thấu hiểu, sẻ chia với họ những khó khăn…

Nỗ lực vượt khó của các em cả khu phố ai cũng cảm thông, ghi nhận, song rất cần sự tiếp sức của các nhà hảo tâm, để các em có điều kiện học hành, vươn lên trong cuộc sống

Nam Thơ
.
.
.