Cảm nhận về người dân Mai Long (Cao Bằng)

Thứ Sáu, 11/04/2008, 10:32
Đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được tấm lòng của những dân nơi này. Đó là giá trị văn hoá mang trong từng cá nhân và cộng đồng của họ; đó là lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, là chén rượu mời khách, là nụ cười thân thiện trên môi, là sự hiếu khách chân chất của những người dân tộc thiểu số vùng rẻo cao.

Tôi bắt đầu một tuần thực địa mới ở xã Mai Long, một trong những xã nghèo chưa có điện của huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng, tỉnh đứng thứ 60 về tỷ lệ nghèo đói trong cả nước.

Cao Bằng là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, trong đó người Kinh chỉ có 5%, người Tày 42%, người Nùng 35%, người Dao 9%, người Mông, ngoài ra còn có người Lô Lô, người Sán Chỉ sống ở những dãy núi cao. Đồng nghiệp của tôi vẫn trêu đùa tôi là dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.

Công việc chủ yếu của tôi là đi khảo sát khả năng tiếp cận thông tin thị trường của người dân, từ đó giúp người dân xây dựng những kênh thông tin về hàng nông sản, với sự giúp đỡ từ nguồn vốn của tổ chức Thụy Sỹ vì sự hợp tác quốc tế (Helvetas).

Ở một xã hoàn toàn không có điện, chợ Cao Bằng cách 25km, chợ Bắc Kạn cách 11km đường rừng như Mai Long, để tiếp cận thông tin thị trường quả là điều khó khăn. Biết vậy, nhưng chúng tôi vẫn đi vào tận từng xóm để xem nhận thức về sản phẩm nông sản hàng hoá của người dân như thế nào.

Đi cùng tôi là anh cán bộ khuyến nông xã, người Dao đỏ nhưng nói được cả tiếng Mông và tiếng Tày. Đi cùng tôi, ngoài nhiệm vụ dẫn đường, giới thiệu, anh chàng còn kiêm luôn cả nhiệm vụ phiên dịch.

Nếu có ai hỏi về cảm nhận những ngày ở Mai Long, chắc chắn tôi sẽ kể về những đêm núi rừng không điện, chỉ có ánh đèn lấp lánh và ánh trăng, điều mà lần đầu tiên cô gái đến từ một phố miền Trung thế hệ 8X như tôi được trải qua.

Tôi lặng lẽ ngắm rừng núi, ngắm cảnh màn đêm buông xuống, chậm buồn và trầm lắng. Núi rừng khoác lên mình màu áo bàng bạc, vừa lạnh lùng, kiêu hãnh nhưng cũng thơ mộng và nguyên sơ. Thấp thoáng những mái nhà trên các vách núi ánh lên ánh đèn yếu ớt.

Từ cuộc gặp với một trưởng xóm được đi thăm Thủ đô

Sau bữa ăn tối, dưới ánh trăng bàng bạc, thanh niên cầm đèn pin đi chơi. Tối nay có cán bộ về, mặc dù bận rộn giữa mùa gieo ngô, do đợt rét hại khiến vụ mùa chậm hơn, nhưng nhà Trưởng xóm Lý Văn Quẩy vẫn tấp nập người trong xóm đến chơi. Ngồi bên bếp lửa nhà Trưởng xóm Sáng Lìn, một xóm người Dao đỏ, câu chuyện của chúng tôi rôm rả lắm, mặc dù tôi không hiểu hết những điều họ nói.

Nhà của Trưởng xóm Quẩy khá nhất xóm Sáng Lìn này nhưng nhìn quanh nhà thì chẳng có vật gì đáng giá, và chiếc điện thoại bàn dùng nguồn điện nước tự sản xuất theo quy mô gia đình của Nhà nước trang bị cho các trưởng xóm là cái duy nhất trong nhà nói lên sự có mặt của khoa học kỹ thuật.

Nơi sáng sủa nhất nhà, cũng là nơi có bàn thờ tổ tiên đặt ở bên trái, là nơi trang trọng treo ảnh của Bác Hồ. Ngoài ra, còn có một vài bức ảnh của chủ nhà được treo ngay ngắn trên tường.

Quây quần bên bếp lửa là các con trai, con gái, con dâu và hàng xóm của ông Quẩy, họ là những người Dao đỏ (Mán) điển hình với đầu cạo trọc, vấn khăn và những người phụ nữ khoe những chiếc răng bọc vàng như biểu hiện của sự giàu có.

Ông Quẩy tất tả đi lấy rượu, điều mà vào nhà người Dao, Tày, Nùng ở đây tôi đều được mời. Tôi bắt đầu câu chuyện về những bức ảnh treo tường, trong đó ông mặc quần áo người Dao, đứng trước Lăng Bác chụp ảnh.

Như vào đúng mạch, người đàn ông 62 tuổi, nhưng vẫn có tác phong nhanh nhẹn và hoạt bát này thao thao bất tuyệt về chuyến đi Hà Nội của ông và vào thăm quê Bác ở Nghệ An tháng 10/2007 bằng cả tiếng Kinh và tiếng Dao.

Tôi không hiểu được hết những gì ông nói nhưng cái vẻ hồ hởi, vui vẻ của ông, tôi hiểu là ông rất say sưa, tự hào về chuyến đi đó. Cả xã chỉ mỗi mình ông đi, cả huyện chỉ có 2 người được đi. 

Rồi chậm lại, như để giải thích cho việc ông không thể kể chuyện bằng tiếng phổ thông, ông bảo, ông chỉ học hết lớp một nhờ lớp bình dân học vụ những năm 60, sau đó ông tham gia dân quân tự vệ, ông muốn đi bộ đội Cụ Hồ nhưng vì nhà mỗi mình ông với bố mẹ già nên ông không đi được, ông lắc đầu tiếc lắm lớ, tiếc lắm lớ. Nhưng ông bảo là dù ở xã, ông vẫn hoạt động hết mình từ hơn 40 năm nay vì công việc chung của xã, ông là ông Hội đồng xã và cũng là Trưởng xóm được dân tín nhiệm.

Chúng tôi nói về việc trâu, bò bị chết trong đợt rét vừa rồi và chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, ông vui mừng lắm, rồi ông bảo “Nhà nước, Đảng thương dân lắm lớ, Nhà nước có làm trâu, bò chết đâu, mà vẫn cho tiền lớ ằ”.

Câu nói của ông khiến tôi thấy thực sự xúc động, xúc động như Lá cờ Việt Nam cùng bài Quốc ca vang lên khi Việt Nam đạt Huy chương vàng nào đó ở SEA Game.

Đến những bất ngờ của các vị khách phương Tây

Những buổi tối bên bếp lửa nồng, hơi ấm từ rượu ngô, từ lòng người hiếu khách, nồng hậu như lấn áp hết cái rét cuối đông nơi núi rừng. Tôi chợt nhớ lại những chuyến đi của mình ở các huyện, xã khác trong tỉnh. Ở đâu chúng tôi, những cán bộ dự án của các tổ chức phi chính phủ cũng cảm nhận được cảm giác ấm áp từ tấm lòng của mỗi người dân.

Bởi vậy, các đồng nghiệp nước ngoài của tôi chẳng mấy ngại ngần khi vào xã, xóm, ở hàng tuần với người dân địa phương, thậm chí còn lên nương tỉa ngô với họ.

Cảm nhận của các đồng nghiêp Thụy Sỹ và Đức về những nông dân này, đó là giá trị văn hoá của những người nông dân này mang trong từng cá nhân của họ, và cộng đồng của họ; đó là lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, là chén rượu mời khách, là nụ cười thân thiện trên môi.

Cảm nhận của tôi, một người Việt miền xuôi đó là sự trân trọng dòng máu Việt đang chảy trong mình, sự tự hào về nét đa dạng văn hoá của Việt Nam trước bạn bè quốc tế, cũng như niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế, xã hội của người dân nơi đây.

Giữa bữa ăn chỉ có một phần cơm, hai phần ngô, nhưng vẫn có mấy đĩa thịt gà, mà chủ nhà thấy có khách, bắt gà thịt, chúng tôi cảm nhận rõ hơn lòng hiếu khách của những người dân nghèo.

Chắn chắc họ biết rằng giá gà đang tăng ngoài chợ, và họ cũng chưa biết rằng những vị khách này có giúp được gì trước mắt cho họ không, nhưng họ vẫn nhiệt tình mang những gì quý nhất trong nhà ra mời.

Không phải vì lợi lộc, không phải vì nhiệm vụ được giao, chỉ hồn nhiên là lòng yêu Tổ quốc trong trẻo như dòng suối, là sự hiếu khách chân chất của những người dân tộc thiểu số nơi rẻo cao này

Nguyễn Thảo Huyền
.
.
.