Hậu Giang:

Cam go cuộc chiến chống săn bắt động vật hoang dã

Thứ Ba, 08/03/2005, 08:16

Người giữ gìn, kẻ hủy diệt. Đó là nghịch lý đang diễn ra ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang).

"Khi các nhân viên bảo vệ Tiểu khu 1 đến, hai đối tượng vẫn xiệc cá một cách ngang nhiên. Họ không rút lui mà còn chống trả lực lượng chức năng bằng chính cây chỉa, mũi nhọn quắc thường dùng để chỉa rắn, chỉa cá. Quá bất ngờ, một nhân viên không kịp tránh đã bị thương!". Câu chuyện của ông Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho thấy sự nan giải trong việc bảo vệ động vật hoang dã tại đây.

Chuyện từ quán nhậu ven quốc lộ 1A

Tôi bước vào một quán nhậu nằm gần cầu Phụng Hiệp (Hậu Giang). Thực đơn không ghi các món đặc sản như trước đây nhưng cô nhân viên phục vụ "tiếp thị" giọng ngọt như đường phèn: "Anh ơi, có đặc sản rắn, rùa. Ăn ủng hộ quán em đi!". Tôi vẻ thạo chuyện ăn đặc sản, buông câu thăm dò: "Rắn, rùa bây giờ nuôi không hà, ăn đâu có ngon!". Cô chủ quán phản đối liền: "Bộ mấy anh mới tới đây lần đầu hả. Vùng chợ Ngã Bảy này, ai dại gì đi bắt đồ nuôi về bán!".

Tôi gãi đầu ra vẻ ngu ngơ và nghe cô nhiệt tình giới thiệu về cái chợ đầu mối động vật hoang dã bậc nhất tại miền Tây này: "Không phải chỉ có rắn, rùa mà còn có kỳ đà, các loại dơi, chim ăn thịt, chim kiểng để nuôi, cá sấu giống, trăn lấy da… Dân đi buôn đường dài từ Nam ra Bắc cũng xuống đây; hàng trăm quán xá, nhà hàng của Tp.HCM, Cần Thơ và các tỉnh miền Tây cũng đặt hàng thường xuyên ở đây; khách du lịch ngang qua cũng dừng lại mua…".

Trước lúc rời quán, tôi cố tình để lộ ý định tìm mua một số rắn, rùa về làm… quà cho bạn nhậu. Anh chủ quán nãy giờ ngồi im, nghe thế lên tiếng lưu ý liền: "Mấy anh tự tìm mua không dễ như hồi trước đâu. Mấy ổng (kiểm lâm - PV) giờ làm dữ lắm. Thấy ai đem ra bán mà không giải trình được nguồn gốc là không chỉ tịch thu mà còn phạt nặng nữa đó!". Cô nhân viên chen vào: "Khi nào mấy anh về cứ cho em biết đi. Em nhờ người chạy tìm mua giùm cho!".

Cam go!      

Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết động vật quý hiếm ở đây hiện còn rùa nấp, chồn đèn, chồn mướp, rái cá lông mũi, một số loài rắn, chim… Công tác bảo tồn quả thật rất cam go. Theo lời ông Thọ, lo nhất vẫn là số 163 hộ (gần 800 nhân khẩu) đang sống trong “ruột rừng” từ bao đời nay. Mức thu nhập bình quân của người dân trong toàn khu bảo tồn này là 3 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao (chiếm đến 55%), kế đến là hộ trung bình (còn 38%). Ý thức bảo tồn động vật nói chung của không ít người dân nơi đây vẫn còn nặng thói quen "chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn".

Chỉ tay ra con kênh Hậu Giang 3, nước đục ngầu, nằm trước cửa trụ sở Khu bảo tồn, ông Thọ cho biết, các phương tiện vào đây mua hoặc vận chuyển cá đồng (thậm chí là rùa, rắn) vào mỗi buổi sáng rất nhộn nhịp. Các loại đặc sản này được đem đến các chợ thị trấn Ngã Bảy, thị trấn Cây Dương, chợ Bún Tàu, chợ Phương Bình (đều thuộc huyện Phụng Hiệp) để tiêu thụ.

Công tác bảo vệ trong "ruột rừng" đã khó khăn, ở khu vực vùng đệm càng khó khăn hơn nếu không nói là bị thả nổi. Ông Thọ cho biết, vùng đệm rộng gần 8.900 ha, gồm 7 xã, 1 thị trấn, giáp ranh với địa phận tỉnh Sóc Trăng và dân số đông gần 40.000 người. Vẫn chưa có một quy định cụ thể nào phân biệt giữa dân trong “ruột rừng” và dân vùng đệm.

Trước khi đến gặp lãnh đạo khu bảo tồn, chúng tôi có ghé qua Long Trị (huyện Long Mỹ, Hậu Giang). Khi tôi hỏi thăm nguồn gốc mấy con cá rô, cá trê đồng trong thau, chị bán hàng nói tỉnh bơ: "Chồng và con trai tui đi câu, giăng lưới trong Phương Ninh (tức khu vực của Lung Ngọc Hoàng). Mỗi đêm được 3 đến 5 ký". Một nhân viên của khu bảo tồn cho biết, khi phát hiện những người câu, lưới cá, săn tìm rùa, chim, mình chỉ giáo dục, giải thích cho họ hiểu. Tất nhiên, số tang vật bị tịch thu và phải thả lại vào Lung thôi!. Riêng với lực lượng kiểm lâm, hình thức nặng nhất theo chúng tôi được biết đến thời điểm này cũng chỉ phạt hành chính một vài trường hợp. Lý do là tại Lung chưa có chốt kiểm lâm nào "cắm chốt". Những chuyến kiểm tra đột xuất xem ra không thấm thía gì.

Cuộc sống của nhiều người dân vùng đệm cũng chẳng mấy khá giả hơn. Một nhân viên khu bảo tồn cho biết: "Địa bàn quá rộng, người quản lý lại ít. Mùa khô, anh em tập trung cho công tác phòng chống cháy đã đứt hơi rồi. Các đối tượng cũng nắm quy luật đó nên tranh thủ cơ hội này. Và quan trọng nhất là cho đến giờ, chúng tôi vẫn chưa có trong tay một biện pháp chế tài nào để trị bọn săn bắt chuyên nghiệp cả. Vì thế, mới đầu họ còn lén lút, nhưng riết rồi công khai ra mặt, thậm chí khi bị phát hiện còn chống trả tới cùng..."

Thái Bình
.
.
.