Cai đã cắt cơn nhưng tiền chưa cắt

Chủ Nhật, 22/05/2005, 07:50

Việc giúp cho người nghiện thoát khỏi sự níu kéo của các "nàng tiên trắng, nâu" là việc làm hết sức cao cả và nhân đạo, có tính cộng đồng lớn. Để làm được việc đó, các bác sĩ, nhân viên ở các trung tâm cai nghiện đã đổ bao mồ hôi, công sức, tình cảm đối với người được gia đình gửi vào nhờ cậy. Ấy vậy nhưng công sức của họ đã bị một số gia đình người nghiện... cho qua!

Kim H. dính vào hêrôin lúc cô tròn 18 tuổi qua sự rủ rê của đám bạn xấu. Thoạt đầu, cô nói dối cha mẹ để xin tiền học thêm môn này, môn nọ nhưng dần dần, khi liều lượng sử dụng ma túy tăng lên, H. ăn cắp đồ đạc đem bán, từ chiếc đồng hồ đến đầu nghe nhạc compact disc. Vụ việc vỡ lở khi ba cô phát hiện cô nằm co quắp trong nhà vệ sinh, mắt trợn trắng vì... say thuốc.

Vậy là, tháng 6/2003, Kim H được gia đình đưa vào Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (viết tắt là TTTĐ). Trong lá đơn xin cai, thời gian 6 tháng, ba cô đã ký tên, cam kết thực hiện tất cả những quy định của trung tâm - trong đó có khoản “thanh toán đầy đủ và đúng kỳ hạn các chi phí bao gồm ăn, ở, điều trị...”, mỗi tháng là 2 triệu đồng.

Chỉ một tuần, kết hợp giữa thuốc men và liệu pháp vật lý, các bác sĩ, cán bộ chuyên môn của TTTĐ đã giúp Kim H. cắt cơn, rồi một tháng sau đó, H. dần dần lấy lại vẻ hồng hào, khỏe mạnh. Nhưng cũng từ lúc này, gia đình Kim H. không vào trung tâm đóng tiền nữa. Đến tháng thứ 6, khi thời gian cai theo hợp đồng đã ký gần kết thúc, mà vẫn chẳng thấy gia đình Kim H. đâu, cán bộ trung tâm buộc lòng phải tìm đến nhà cô trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, Tp.HCM.

Tại đây, ba Kim H. đã phán một câu rất lạnh lùng: “Tôi không còn tiền để đóng cho nó. Quý trung tâm muốn làm gì nó thì làm, muốn đuổi nó đi đâu cũng được”. Theo nguyên tắc, khi gia đình đưa con em mình vào TTTĐ, ký hợp đồng cai nghiện thì lúc ra, cũng phải làm thủ tục bảo lãnh xin ra. Trong trường hợp này, vì cha mẹ Kim H. chưa làm gì nên TTTĐ không thể cho Kim H. về được. Một cán bộ phụ trách quản lý học viên cai nghiện cho biết: “Nếu cho cô ấy về, và xui rủi cô ấy bị chuyện gì đó, gia đình họ có thể kiện chúng tôi vì họ chưa làm đơn bảo lãnh, thì tại sao chúng tôi lại tự động cho cô ấy về?”.

Vậy là, TTTĐ phải nuôi cô gái, rồi dạy cho cô nghề may. Khi tôi viết bài phóng sự này, Kim H. vẫn là “học viên” của TTTĐ, với số tiền gia đình cô còn nợ, đã lên đến hơn 50 triệu đồng. Bác sĩ Khánh Duy, nguyên Thiếu tá trong lực lượng Công an, đã từng có thời gian công tác tại Bệnh xá Trại tạm giam Chí Hòa, bây giờ là Chủ tịch Hội đồng quản trị TTTĐ, nói: “Hiện nay, nghề may của Kim H. đã khá thành thạo. Chúng tôi  có phương án chuyển cô ấy sang bộ phận sản xuất để hàng tháng cô ấy được hưởng lương, tạm thời đảm bảo cho cuộc sống”.

Tôi hỏi Kim H. nghĩ thế nào? H. cười buồn: “Lúc đầu, em rất mặc cảm, nhất là vào bữa ăn vì em ăn mà không đóng tiền. Em cảm ơn sự rộng lượng của các chú, các bác ở trung tâm, đã cho em ở đến giờ này nhưng không hề phân biệt đối xử. Nếu làm có lương, em sẽ dành một phần tiền lương để trả nợ”.

Cũng chẳng khác gì Kim H., Trần N. được gia đình đưa vào trung tâm, tự nguyện xin cai. Sau 16 tháng, tổng chi phí lên đến 35 triệu đồng thì gia đình N. lại quay lưng với những gì đã cam kết. Lúc trung tâm mời họ đến và mặc dù kinh tế gia đình rất khá giả, nhưng ba Trần N. không thanh toán với lý do: “Tôi không còn tiền. Bây giờ trung tâm cho nó về, hay chuyển nó đi trường khác thì chuyển”.

Cho về thì không được vì hợp đồng chưa thanh lý, còn chuyển đi trường khác thì Trần N. đã cắt cơn, hết nghiện ma túy, trường nào nhận? Cả hai cách, cách nào cũng đi vào ngõ cụt nên trung tâm đành... tiếp tục nuôi dưỡng và dạy nghề.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp “xù” tiền chi phí cai nghiện xảy ra ở TTTĐ (nếu chỉ tính từ đầu năm 2004 đến nay), và tổng số tiền mà trung tâm bị gia đình học viên “xù”, đã lên đến con số gần 400 triệu đồng.

Được thành lập vào tháng 3/2000 bởi những cựu chiến binh, một thời là công an, là bộ đội mà trong đó, nhiều người mang quân hàm cấp tá, TTTĐ tọa lạc trên một diện tích 7.500m2 với 3 cơ sở bao gồm điều trị cắt cơn, vật lý trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề. Trái hẳn với quan niệm của nhiều người, rằng các trung tâm cai nghiện do tư nhân lập ra, chỉ dành cho... con nhà giàu thì ở TTTĐ, tôi đã gặp khá nhiều học viên, bố lao động chân tay, mẹ bán hàng rong, rồi chắt bóp từng đồng bạc để gửi con mình vào với niềm tin là nó sẽ từ bỏ ma túy. Phạm Văn C. chẳng hạn, bố chạy xe ôm, mẹ chết, C. nghiện ma túy từ năm 15 tuổi. Để có tiền hít, C. trộm cắp vặt, giựt dọc. Không nỡ nhìn con mình đi vào con đường phạm pháp, ba C. đưa con vào trung tâm, xin cai. Bác sĩ Khánh Duy nói: “Biết rằng nếu tiếp nhận, thì họ cũng chẳng lấy đâu ra tiền để thanh toán nhưng từ chối thì chúng tôi không đành lòng”. C. ở TTTĐ nửa năm, cắt hẳn cơn nghiện, béo tốt hồng hào.

Một thống kê của TTTĐ cho thấy, sau 3 năm liên tục theo dõi các học viên đã vào điều trị ở đây, rồi trở về xã hội thì tỉ lệ tái nghiện chỉ khoảng 8%. Chính vì thế, TTTĐ đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều gia đình, kể cả những người ở nước ngoài, có con em mình lỡ  dính vào “cái chết trắng”.--PageBreak--

Bác sĩ Khánh Duy kể: “Có một học viên là con của một đại gia ở Tp.HCM, sau quá trình cai nghiện tại TTTĐ, học được nghề vẽ, trở về đời thì một hôm, em đến gặp tôi ở nhà riêng. Em nói em đang trang trí nội thất cho một quán cà phê, và hỏi mượn tôi 500 nghìn đồng để mua vật liệu, hứa ngày mai trả. Tôi vừa lãnh lương hưu nên móc túi đưa nó 500 nghìn đồng. Thế rồi nó biến luôn, không bao giờ quay lại nữa”. Tôi hỏi: “Lúc ấy bác sĩ có nghĩ là anh ta tái nghiện, và lừa bác sĩ để lấy tiền hít hay không?”. Bác sĩ Khánh Duy trả lời: “Có, tôi có nghĩ. Nhưng tôi chỉ sợ tôi nghĩ sai cho em. Thôi, thà mất 500 nghìn đồng còn hơn là làm hỏng đời một con người nếu em làm ăn lương thiện thật sự”.

Trở lại chuyện “xù” tiền cai nghiện, thì có nhiều nguyên nhân. Lê Hùng V. được mẹ ruột đưa từ Australia về Tp.HCM rồi xin vào TTTĐ cai nghiện vì bà nghe nhiều Việt kiều nói đến sự  hiệu quả khi cai ở đây. Làm mọi thủ tục xong, bà viết giấy ủy quyền cho thân nhân ở Tp.HCM, hàng tháng thay mặt bà đóng tiền chi phí. Tuy nhiên, gần nửa năm sau đó, trung tâm không nhận được một đồng nào, còn người được ủy quyền đứng ra thanh toán thì chẳng thấy đến, nên trung tâm phải trực tiếp liên lạc với mẹ V. ở Australia để hỏi. Lúc ấy, mới ngã ngửa ra rằng tất cả tiền chi phí, mẹ V. đã gửi cho người thân nhưng người này “ẵm” luôn, báo hại mẹ Lê Hùng V. phải trả thêm một lần nữa.

Bác sĩ Khánh Duy nói: “Có trường hợp khi gia đình đưa vào TTTĐ thì còn tiền. Nhưng một thời gian sau, gia đình làm ăn thua lỗ nên không tiền để đóng. Có trường hợp người chị vì thương em, nên đưa em vào TTTĐ xin cai. Sau đó, chị lấy chồng, theo chồng, lúc ấy gia đình từ chối thanh toán vì “chị nó đưa vào thì chị nó trả...”. Năm ngoái, có  gia đình ở quận 6, cùng một lúc dẫn cả 3 đứa con vào trung tâm xin cai. Đóng tiền được 3 tháng thì họ “xù”, không đóng nữa. Một học viên khác, nhà ở đường 3/2, quận 10, mặc dù đã được TTTĐ miễn giảm 30% vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng gia đình cũng “xù” 6 triệu đồng. Một trường hợp nữa, Nguyễn P. được đưa vào cai nhưng trong thời gian cai, thì ba má P. ly dị và cả hai người, không ai chịu trách nhiệm về P. Sau nhiều lần gặp gỡ, thuyết phục, ba P. mới đến trung tâm, làm thủ tục bảo lãnh cho P. về, để lại số chi phí gần 100 triệu đồng không ai thanh toán!

Cai ma túy không khó, bác sĩ Khánh Duy nói: “Cái khó là làm sao để họ đừng tái nghiện”. Tính đến thời điểm này, TTTĐ hiện có gần 400 học viên, cả nam lẫn nữ. Sau khi cắt cơn, họ được dạy các nghề điện gia dụng, điện lạnh, máy công cụ, may mặc với đầy đủ máy móc, thiết bị thực tập. Bên cạnh đó, còn có những lớp học tiếng Anh, học nhạc, học vẽ. Một học viên cho biết, anh vào đây đã gần một  năm, được học nghề nên hiện tại, mỗi tháng anh thu nhập 400.000 đồng.

Điều đặc biệt ở TTTĐ, là thân nhân chỉ đến “thăm”, chứ không “nuôi” vì chế độ ăn cho mỗi học viên gần 30 nghìn đồng một ngày, và không hề có nạn đầu gấu, đại bàng. Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến đầu gấu, đại bàng đều từ vấn đề tiền bạc mà ra nên vì vậy, tiền do thân nhân gửi vào cho học viên, trung tâm đứng ra quản lý rồi cấp cho học viên một cuốn sổ để theo dõi việc chi tiêu. Học viên vào căng tin của trung tâm uống cà phê chẳng hạn, thì tiền cà phê sẽ được trừ trong sổ, và học viên chỉ cần nhìn sổ là biết mình còn bao nhiêu tiền.

Bác sĩ Khánh Duy cho biết tiếp: “Chúng tôi quy định mỗi học viên không được phép tiêu quá 50 nghìn đồng/ngày để tránh mặc cảm giàu, nghèo. Đồng thời, nếu học viên nào ăn, uống ở căng tin trong 3 hoặc 4 ngày liên tiếp, mà tiền lại do học viên khác trả thì chúng tôi sẽ điều tra ngay, để xem vì sao có chuyện đó...”.

Cuối cùng, bên cạnh những khó khăn về mặt bằng, về giáo trình cai nghiện hiện vẫn chưa thống nhất trong cả nước, thì chuyện “xù” tiền chi phí vẫn là một lý do khiến những người lãnh đạo TTTĐ đau đầu. Theo tôi được biết, chuyện ”xù” tiền không chỉ xảy ra ở TTTĐ, mà còn có ở một số cơ sở cai nghiện tư nhân khác.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, giảng viên Đại học Luật Tp.HCM, đồng thời là thành viên của Đoàn Luật sư thành phố cho biết: “Trong những trường hợp này, TTTĐ có thể khởi kiện dân sự với lý do người bảo lãnh cho con em mình cai nghiện đã vi phạm nghĩa vụ cam kết trả tiền”, nhưng bác sĩ Khánh Duy nói: “Việc kiện tụng sẽ khiến học viên mặc cảm với nhau, mặc cảm với cán bộ trung tâm, không yên lòng và hậu quả là biết đâu họ sẽ trốn trại, hoặc tái nghiện khi trở về với xã hội nên vì thế, chúng tôi đành chấp nhận mất mát”.

Trong năm 2005, dự kiến TTTĐ sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 học viên vào xin cai nên vì vậy, chuyện “xù” tiền chi phí còn xảy ra hay không, phần lớn vẫn tùy thuộc vào thân nhân người nghiện. Tuy nhiên, nếu nghe những lời tâm sự của bác sĩ Khánh Duy, và nhìn thấy con em mình hồng hào béo tốt, thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy, tôi nghĩ có lẽ chẳng ai lại nỡ lòng “xù”...

Vũ Cao
.
.
.