Các sứ giả lo tết cho dân

Thứ Hai, 07/02/2005, 06:56

Các nhà ngoại giao khi đi sứ thường phải thực hiện hai nhiệm vụ lớn là chăm lo phát triển quan hệ giữa nước ta với nước sở tại và lo cho đời sống của đồng bào mình đang làm ăn và sinh sống ở nước đó.

Có dịp trò chuyện với một loạt cựu đại sứ của nước ta ở nước ngoài, càng thấy rõ đóng góp không nhỏ của hơn 3 triệu kiều bào, đồng thời càng thấu hiểu mối quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào ở ngoài nước, thể hiện qua sự chăm sóc toàn diện, thiết thực và tận tình của các đại sứ đối với đời sống của bà con trong các dịp ngày lễ lớn và đặc biệt là Tết cổ truyền dân tộc.

Tết nguyên đán ở Pháp

Cộng đồng người Việt ở Pháp được coi là một trong những cộng đồng lâu đời nhất của kiều bào ta ở nước ngoài. Theo cựu đại sứ nước ta tại Pháp Trịnh Ngọc Thái, hiện ở quốc gia này có khoảng 250 nghìn người Việt. Họ sang đó trong những thời kỳ khác nhau, mà đông đảo nhất là vào những năm 1939 - 1940, đây là lớp “lính thợ” và những người lính chiến đấu trong quân đội Pháp. Đợt thứ hai khá ồ ạt là sau năm 1954, khi nước ta bị chia cắt làm hai miền Nam-Bắc và đợt thứ ba khi bùng nổ làn sóng di tản sau năm 1975. Hiện ở Pháp đã có những gia đình người Việt lâu đời tới 4-5 thế hệ, cá biệt còn lâu hơn nữa.

Do những đặc điểm như vậy, nên nhiều thập kỷ trước việc tổ chức tết có những phức tạp, khó đoàn kết thống nhất. Không ít lần Đại sứ quán và các đoàn thể yêu nước tổ chức giao thừa - đón xuân, thì một số người không tham gia, mà lại tổ chức riêng với những tiêu chí không mấy tốt đẹp. Các sứ giả cùng với bà con Việt kiều yêu nước đã kiên trì tuyên truyền vận động, giáo dục bằng mọi phương tiện, nhiều hình thức, làm cho bà con dần dà giác ngộ, giờ đây lòng yêu nước đã trở thành tình cảm bao quát cộng đồng. Đặc biệt chương trình truyền hình VTV-4 đã và đang góp phần rất đắc lực, rất hiệu quả làm cho bà con ở Pháp, cũng như ở các nước khác ngày càng trở nên gần gũi với quê hương, hiểu biết hơn về sự nghiệp cách mạng, về tình hình chính trị, xã hội và đời sống mọi mặt nơi quê nhà.

Ngoài Hội người Việt Nam tại Pháp, được manh nha hình thành từ khi Bác Hồ còn hoạt động bí mật tại châu Âu, hiện nay trong cộng đồng Việt kiều tại nước này còn có một loạt đoàn thể xã hội theo nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính như: Hội doanh nghiệp, Hội bác sĩ, Hội khoa học xã hội, Hội sinh viên, Hội công nhân, Hội phụ lão, Hội thanh niên, Hội phụ nữ, thậm chí còn có cả các hội đồng hương theo xuất xứ địa phương ở trong nước, hội đồng hương theo dòng họ...Tất cả các hội đó đều hoạt động độc lập, nhưng được sự quan tâm của đại sứ quán. Bởi vậy, dù có thuộc khuynh hướng nào, thì tết đến mọi người vẫn mong được về dự buổi gặp mặt giao thừa-đón xuân ở đại sứ quán. Thế nhưng vì sứ quán không được rộng lắm, nên không thể mời tất cả, hàng năm chỉ có thể mời khoảng 1500 người.

Các vị sứ giả - chủ nhà tiếp đồng bào chỉ cần đủ rượu. Bà con đến vui xuân, ai cũng mang theo vật phẩm, người thì bánh chưng, người thì giò lụa, người thì nem công chả phượng, thôi thì không thiếu thứ gì, mà hầu hết đều do bàn tay bà con tự chế biến. Mừng xuân của kiều bào, thì hầu như ở mọi nơi, mọi nước đều giống nhau, ở đâu cũng theo những phong tục tập quán của dân tộc. Đại sứ chúc tết, bà con nâng ly chúc nhau, liên hoan văn nghệ. Nhưng ở Paris thì không thể thiếu phần khiêu vũ, nhiều người khiêu vũ suốt đêm, tới sáng mới về. Ngoài cuộc gặp mặt đêm giao thừa, Hội người Việt tại Pháp cũng như các hiệp hội khác còn tổ chức nhiều hình thức vui xuân. Có lẽ vì vậy, nên hầu hết kiều bào đều cảm thấy rất gần gũi với quê hương.

Việt kiều ở vương quốc Anh

Theo lời ông Vương Thừa Phong, cựu đại sứ nước ta tại Anh, hiện ở Vương quốc này có khoảng 35 nghìn người Việt. Đây là một cộng đồng tương đối trẻ, mới chỉ hình thành trong vòng vài ba thập kỷ gần đây. Một số rất ít đến nước Anh từ trước năm 1975, một số khá đông tới sau năm 1975, nhưng đông đảo hơn cả là đợt người di tản tới Hồng Kông được “tái định cư ở các nước thứ ba” trong những năm 1979 - 1980. Ngoài ra, còn khoảng gần 3 nghìn sinh viên đang du học.

Phần lớn Việt kiều ở Anh làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ như: Mở cửa hàng may mặc, cửa hàng ăn uống, sửa chữa và rửa ôtô, cắt tóc, cắt móng tay, tô điểm sắc đẹp. Một số làm công nhân tại các xí nghiệp công nghiệp. Số trí thức trẻ làm việc tại các văn phòng đang ngày càng đông lên. Tuy nhiên, cũng còn một số không nhỏ phải sống nhờ trợ cấp xã hội.

Cộng đồng người Việt ở Anh chưa nhiều doanh nhân, thế nhưng cũng đã có một số người làm ăn nổi đình đám, trong đó trước hết phải kể tới ông Phạm Nam. Năm 1979, khi mới tới Anh quốc, ông chỉ mở một cửa hàng may nhỏ. Nay thì ông đã trở thành chủ tịch công ty may mặc “News world fasan group”, tên Việt Nam là Đông Tài, thu hút vài trăm công nhân Việt Nam và tạo việc làm cho nhiều người dân bản xứ. Ông cũng đã trở về quê hương Hải Dương mở một xưởng may lớn mang tên Phú Thái. Sản phẩm của công ty ông được bán ở khắp các nước châu Âu. Ngoài ra, ông Phạm Nam còn là chủ một restauran lớn ở Luân Đôn. Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Anh đã nhiều lần tổ chức mừng xuân tại nhà hàng của ông. Cũng phải nói thêm rằng Phạm Nam rất mê bóng đá, vì vậy ông đã trở thành nhà tài trợ chính cho CLB bóng đá Anh Charlton.--PageBreak--

Những năm 80 của thế kỷ trước Việt kiều ở Anh còn sống rời rạc, lẻ tẻ, thiếu sự gắn kết, tết đến cũng không được tổ chức rầm rộ, ai lo người ấy. Mươi mười lăm năm trở lại đây Đại sứ quán cùng với Hội người Việt Nam tại Anh thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt nhân những ngày lễ lớn của dân tộc và tết Nguyên đán, tạo cơ hội cho bà con giao lưu, tăng cường đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa, điều đó cũng giúp bà con khoả lấp một phần nỗi nhớ quê nhà.

Ăn tết ở Cộng hoà Séc

Cộng đồng người Việt tại CH Sec còn rất trẻ, mới chỉ được hình thành từ những năm 90 của thập kỷ trước. Theo ông Doãn Thắng, người vừa kết thúc nhiệm kỳ đại sứ trở về, thì ở xứ sở này hiện có khoảng 45 - 50 nghìn người Việt. Phần lớn là công nhân theo đường lao động hợp tác và một số sinh viên các trường đại học ở lại bươn chải làm ăn, khi đất nước này “chia tay” với Xlovakia. Theo luật pháp của CH Sec, những ai đã sống ở đó 10 năm trở lên, thì được cấp thẻ định cư, vì vậy hơn 80% số người Việt ở Sec đã có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, họ không còn lo cảnh sát đòi kiểm tra giấy tờ.

Hội người Việt Nam tại CH Sec được thành lập năm 1999, ngoài ra còn có Hội doanh nghiệp, Hội thanh niên - sinh viên. Hàng năm, đại sứ quán phối hợp với các hiệp hội này tổ chức kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và tết Nguyên đán, cũng như kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại khác theo các năm chẵn. Buổi gặp mặt “Mừng xuân” thường được tổ chức trước tết vài ba ngày, với sự tham dự của khoảng 1000 - 1500 đại biểu đại diện cho các công ty và hiệp hội. Ngoài ra, cũng mời cả đại diện của các cơ quan chính quyền nước sở tại.

Theo cựu đại sứ Doãn Thắng, đối với bà con xa xứ, tết Nguyên đán phải rất quan tâm tới đời sống tinh thần và tình cảm, vì vậy không mấy tết bà con ở Sec không được xem các nghệ sĩ từ quê nhà sang biểu diễn, năm thì đoàn ca múa nhạc, năm thì đoàn cải lương và có năm là nhà hát chèo. Nguồn kinh phí bao giờ cũng thành vấn đề, phải bàn rất cụ thể. Nhưng đúng như Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Từ việc liên hoan mừng xuân, đến mời các nghệ sĩ từ trong nước sang biểu diễn... bàn với các hiệp hội, đều được giải quyết ổn thoả. Cộng đồng người Việt ở CH Séc vui tết tưng bừng không thua kém gì trong nước. Trước hết vì ở đó có thể tự do đi lại, không lo bị ai quấy nhiễu; còn các món ăn ngày tết, kể cả cành đào, chậu quất trang trí, thì từ mấy năm nay rồi đã được các nhà kinh doanh và ngành hàng không phục vụ rất chu đáo.

Tâm sự của một sứ giả đón nhiều tết ở nước ngoài

Ông Ngô Tất Tố thuộc lớp thanh niên đầu tiên được gửi sang đào tạo tại Trung Quốc (1951). Gần nửa thế kỷ làm việc, thì có tới gần 30 cái tết ông phải xa quê hương. Ông đã từng làm việc nhiều năm ở lãnh sự quán và đại sứ nước ta tại Trung Quốc và Liên Xô, mười năm làm đại sứ ở Malaisia và Liên bang Nga, đồng thời làm đại sứ kiêm nhiệm tại các nước Belorussia, Estonia, Latvia, Litva và Turmenistan. Ông tâm sự: Đi sứ cũng có cái sướng, nhưng tết đến nhớ quê hương da diết, nhất là trước kia không được đem theo gia đình và không phải ở nước nào cũng có đông đảo bà con mình.

Theo ông, đã là con cháu nòi giống Lạc Hồng thì ai cũng vậy thôi, tết Nguyên đán có cái gì đó hết sức thiêng liêng, nhất là thời điểm Giao thừa, tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới. Tết là dịp sum họp gia đình, tăng cường tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng. Tết là lúc để mọi người quên đi những rủi ro, đau buồn mất mát, hướng tới những điều thánh thiện, ước mơ sự tốt lành. Bởi thế, dân mình dù ở đâu cũng rất trân trọng mấy ngày tết.

Những năm làm báo tại Moskva, tôi đã biết đại sứ Ngô Tất Tố là người rất tình cảm, trọng tình cảm, thương dân. Từ khi tuyến hàng không Moskva - Hà Nội phát triển, hàng tuần có nhiều chuyến, nhiều bà con ở Nga thích về nước ăn tết. Đại sứ luôn là người khuyến khích nguyện vọng này và bằng mọi cách giải quyết các thủ tục giấy tờ, sao cho bà con được thuận lợi. Sứ quán ta tại Nga rất chật hẹp, nhưng tết nào đại sứ cũng mở rộng cửa đón đồng bào tới gặp mặt đầu xuân. Người Việt ở Moskva khá đông, tết đến các trung tâm thương mại, các đơn vị cộng đồng đều tổ chức gặp mặt, đại sứ Ngô Tất Tố và các cán bộ sứ quán thường phân công nhau đi chúc tết bà con, không để ai bị “lãng quên”

Vũ Anh
.
.
.