Các lực lượng phòng chống lụt bão cần nghiêm túc rút kinh nghiệm

Thứ Năm, 25/05/2006, 10:25

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBQGTKCN: "Mỗi tàu đều có máy nhưng họ thường xuyên liên lạc với gia đình là đang ở đâu, đánh được những gì. Vậy thì đi từng nhà để biết xem họ ở đâu là vai trò của địa phương".

Cơn bão số 1 (bão Chanchu) tuy không đổ bộ trực tiếp vào nước ta nhưng lại gây ra thiệt hại nặng nề cho ngư dân một số tỉnh miền Trung. Mặc dù trước đó, đường đi của cơn bão đã được thông báo liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) đã tiến hành nhiều hoạt động khẩn cấp để giúp bà con phòng tránh bão.

Vậy tại sao vẫn có hậu quả này? PV ANTG đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBQGTKCN. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 22/5/2006.

- Thưa đồng chí Trung tướng, cho đến bây giờ đã có con số cụ thể về những thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Cơn bão này gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt là về người. Tổng số các tàu của ta qua vùng gặp bão là khi họ tránh bão, họ đánh bắt cá trên vùng đông bắc quần đảo Hoàng Sa khi nghe bão vào vĩ tuyến 15-16 thuộc vùng biển phía nam, bà con mình mới tính là bão sẽ đổ bộ vào phía tây - tây bắc, mà đáng lẽ họ vào bờ nhưng  có lẽ do bà con  tiếc công ra biển mất cả một đợt đánh cá nên họ quyết định tránh bão chạy về hướng đông bắc, tức là chạy về hướng Trung Quốc, Đài Loan. Nhưng không may, ngày 15 bão đổi hướng, chạy về hướng bắc, thế nên những tàu này chạy đúng nơi bão qua. Tuy nhiên cũng chỉ là rìa cơn bão vì bà con chạy về phía đông của cơn bão, tức là họ cách bờ 1.200-1.300km.

Đà Nẵng có 25 tàu, nằm ở vùng biển Trung Quốc, tất cả nằm ở vĩ độ 20, kinh độ 117. Những tàu  của Đà Nẵng thiệt hại rất nhiều: bị chìm 7 chiếc tàu, trong đó có 169 người và 3 chiếc không liên lạc được, trong 3 chiếc không liên lạc được có 60 người trên tàu. Còn 15 chiếc trong khu vực tìm kiếm này chạy về phía Trung Quốc. Khi bão vừa tan, bà con mình tổ chức tìm kiếm nhau thì Sứ quán Trung Quốc đã điện về đề nghị  chính quyền các địa phương giúp đỡ bà con mình. Nhân dân Trung Quốc đã tích cực tổ chức tìm kiếm người bị nạn,  cho dầu máy, thuốc men và cứu chữa những người ốm đau.  Chúng ta chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

Riêng ở Đà Nẵng có 21 người chết đã được Trung Quốc vớt lên. Còn về phía ta thì số lượng người tìm được hiện nay đang tổng hợp, còn người chết chưa nắm được cụ thể.

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Trên tàu cứu hộ có bác sĩ của Bộ đội Biên phòng và Hải quân quen đi biển, chứ bác sĩ trên bờ ra thì sóng gió không đi nổi. Trên tàu đã chuẩn bị cả vôi bột, bao nilon,... dùng cho việc mang các thi thể nạn nhân về.

Mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo: thuốc men, lương thực thực phẩm. 3 tàu này sẽ chở thi thể các nạn nhân và những bà con bị nặng, quá yếu; còn lại những ngư dân khác họ sẽ điều khiển tàu và tự về. 12 tàu còn nằm lại ở vùng biển Trung Quốc thì lác đác bà con đã về. Chúng tôi đang bàn để họ tập hợp lại thành một đoàn trở về để mình đón họ. Còn số bà con mình ở vùng đảo Đài Loan là 6 tàu của Quảng Ngãi và tàu của Bình Định, Quảng Nam nữa là 7 tàu ở khu vực này thì chúng tôi đang đề nghị bà con đưa về. Hiện nay, 2 tàu lớn của Hải quân đã ở phía bắc của quần đảo Trường Sa, tức là đảo Sinh Tồn để đón và tìm kiếm bà con.

Quảng Ngãi có 11 tàu chạy ở phía đông, kinh tuyến 119. Có hai tàu bị chìm; 17 người thì 4 người chết và 13 người chưa tìm được. 3 chiếc mất liên lạc  thì có 27 người trên 3 chiếc này. 6 chiếc còn lại hiện đang nằm trên một đảo của Đài Loan. Bà con cũng đi tìm về phía Đài Loan thì đến 10 giờ tối ngày hôm kia, phía Đài Loan cũng cung cấp dầu cho các tàu này. Quảng Nam có 1 tàu, mọi người vẫn còn sống và đang neo đậu ở gần khu vực tàu Quảng Ngãi. Bình Định có 1 tàu, 7 người thì chết mất 3; 4 người còn sống.

Như  vậy, tổng số là 28 người chết: Đà Nẵng 21, Quảng Nam 4 và Bình Định 3. Chỉ có điều là, số bà con ngư dân Quảng Nam đi đánh bắt cá trên các tàu của Đà Nẵng rất nhiều, khoảng 140 người. Trong số những tàu không liên lạc được: 6 tàu có 87 người. Những tàu chìm mà bà con nhìn thấy gồm 7 chiếc của Đà Nẵng và 2 chiếc của Quảng Ngãi, có 186 người trên 2 tàu chìm này với 7 người của Bình Định nữa là 193. Vậy số người chết là 28. Còn số người mình vớt được thì cũng đang cố gắng tìm kiếm.--PageBreak--

- Qua việc này mình có thể rút được kinh nghiệm gì với bà con ngư dân mình và công tác cứu hộ cứu nạn?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát:  Bà con ngư dân là người hiểu đặc điểm thời tiết rất là rõ. Kinh nghiệm là đầu năm những cơn bão cũng ngấp nghé qua Philippines vào vùng biển của ta thông thường chạy theo hướng bắc. Khi có gió mùa đông bắc mạnh về nước mình thì hai luồng không khí áp thấp và áp cao chèn nhau, thông thường là bão khó vào và đổi hướng. Điều này cũng đã cảnh báo cho bà con là bão có khả năng di chuyển theo hướng bắc.

Chúng ta cũng đã khẩn cấp cảnh báo rất sớm và từ ngày 13, 14 đã cho máy bay gọi bà con ngoài biển về, tới ngày 17 và 18, họ mới bị bão. 28.000 phương tiện đánh bắt gần bờ đã được gọi về và neo đậu an toàn. Lực lượng Biên phòng và Hải quân làm rất tốt. Bộ Quốc phòng có họp với Biên phòng, Hải quân báo cáo thì số lượng tàu cá của Quảng Ngãi vẫn còn 100 chiếc mỗi tỉnh. Chúng ta đã gọi tiếp về nhưng bà con chưa về, họ lùi ra tránh bão để còn đánh tiếp thì đất liền không nắm được.

Tháng 5/1989, cơn bão số 2 đổ bộ vào Đà Nẵng. Tháng 6/2004, cũng có 1 cơn bão nhẹ vào Đà Nẵng rồi vào Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Còn thông thường, vào tháng 5, tháng 6, bão chưa đổ vào đất nước ta ngay, mà từ tháng 7 vào nhẹ, rồi đến tháng 8, tháng 9 mới bão mạnh. Kinh nghiệm này cũng được phổ biến trong nhiều hội nghị, nhưng đến từng ngư dân cụ thể thì không làm được. Qua lần này mới thấy thêm một điều: Địa phương không quản lý được tàu thuyền đi đánh bắt ở khu vực nào.

Mặt khác, bà con mình cũng không chịu liên lạc với dải sóng của Đài Thông tin Duyên Hải. Chúng ta có 28 đài dọc ven biển theo Quy định của Hiệp Hội Hàng hải Quốc tế. Đáng lẽ phải liên lạc với đài ấy khi bị nạn, vậy nhưng bà con mình không liên lạc mà chỉ toàn gọi về nhà. Mỗi tàu đều có máy nhưng họ thường xuyên liên lạc với gia đình là đang ở đâu, đánh được những gì. Vậy thì đi từng nhà để biết xem họ ở đâu là vai trò của địa phương. Còn Lực lượng Biên phòng làm hết sức.

Hôm kia họp với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng xong, tôi có điều một đoàn của Bộ Quốc phòng vào họp với lãnh đạo 3 tỉnh, với Biên phòng, và với một số lực lượng khác của quân đội, với Ban Thường trực UBQGTKCN ở Đà Nẵng, yêu cầu dứt khoát về vai trò quản lý số thuyền đánh bắt cá xa bờ của từng địa phương: Phải làm sao để họ thường xuyên liên lạc được với đất liền. Suốt mấy năm nay cuộc họp nào tôi cũng nói tới điều này nhưng cũng rất khó, nên để xảy ra thiệt hại thế.

Sau sự việc này sẽ phải tổ chức một cuộc rút kinh nghiệm sâu sắc với các tỉnh miền Trung và ven biển về phòng chống bão.

- Xin cảm ơn đồng chí Trung tướng

.
.
.