Vụ vận chuyển gần 10 triệu USD tiền mặt từ Ban Ngân tín R

Thứ Ba, 28/04/2015, 15:37
Trong buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng cho Ban Ngân khố tín dụng R (Ban Ngân tín R), thuộc Trung ương Cục miền Nam và NHNN Việt Nam được tổ chức vào ngày 5/2 tại TP HCM, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến đã khẳng định: Ban Ngân tín R đã thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi tiếp nhận, vận chuyển, chế biến, bảo quản, giữ gìn tuyệt đối an toàn hàng trăm triệu USD, cung cấp kịp thời cho tiền tuyến.

Năm 1968, trước yêu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, trong đó nhu cầu cung cấp tài chính tiền tệ phục vụ chiến trường ngày càng lớn, Trung ương Cục miền Nam thành lập Ban Ngân khố tín dụng R, lấy phiên hiệu đơn vị là C32. Khi đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ vô cùng quý báu về kinh tế, chính trị và quân sự của các nước XHCN và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Đặc biệt là sự giúp đỡ quan trọng bằng ngoại tệ để mua sắm vũ khí, khí tài quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với nhiệm vụ tiếp nhận an toàn các khoản viện trợ này trong điều kiện hết sức khó khăn, đòi hỏi từng cán bộ, chiến sỹ Ban Ngân tín R phải có sự dũng cảm, mưu trí; sẵn sàng hy sinh để xây dựng, bảo vệ con đường lưu chuyển tiền tệ huyền thoại này góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những năm tháng bảo vệ dòng lưu chuyển tiền tệ bí mật đã có không ít những gương sẵn sàng hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. 

Trong hồi ức của ông Đào Trọng Thiêm, một cán bộ được tăng cường từ miền Bắc vào nhận nhiệm vụ tại Ban Ngân tín R, hiện ngụ tại TP Hồ Chí Minh, năm 1969, khi còn đang là học viên Trường Trung học Tài chính - Kế toán 1, ông vinh dự được chọn tăng cường vào chiến trường miền Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng Ban Ngân tín R.

Sau nhiều tháng ròng rã hành quân bộ xẻ dọc Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây dưới mưa bom bão đạn, tháng 5/1970, ông Thiêm cùng đoàn cán bộ tín dụng chi viện đã vào đến căn cứ Ban Ngân tín R đóng ở khu vực biên giới giáp tỉnh Tây Ninh và nước bạn Campuchia.

Sau nhiều lần phải sơ tán, rút sâu vào khu vực rừng già của Campuchia để tránh các đợt bố ráp, càn quét của Mỹ ngụy, tháng 9/1970, ông Thiêm cũng được đồng chí Tư Đức, cán bộ Ban Ngân tín R giao nhiệm vụ đi cùng đoàn công tác xuống Ban Kinh tài Khu Bà Rịa – Long Khánh. Chỉ kịp được huấn thị phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của trưởng đoàn, rồi cách ứng phó linh hoạt khi gặp máy bay địch, tình huống khi gặp biệt kích, gặp địch càn, bố ráp cũng như cách xử trí khi gặp bom, đạn pháo của địch…, ngày hôm sau, ông Thiêm đã cùng đoàn rời căn cứ để hành quân về Ban Kinh tài Bà Rịa – Long Khánh.

Đội hình hành quân gồm 8 người, do đồng chí Năm Lưu, cán bộ Ban Kinh tài Bà Rịa – Long Khánh làm Trưởng đoàn. Ngoài dụng cụ nấu ăn, còn lương thực nên mỗi người phải mang vác khá nặng, đoàn được trang bị một khẩu B40; mỗi cá nhân đều phải mang theo súng AK, súng AR15 hoặc súng ngắn để sẵn sàng chiến đấu khi gặp địch. Tuy đã được phổ biến là đi bảo vệ chuyến hàng, nhưng do quy định tuyệt đối giữ bí mật cho từng cá nhân và cả đoàn, không phận sự không được hỏi han bất cứ thông tin gì với các thành viên khác trong đoàn nên ông Thiêm chỉ lờ mờ hiểu rằng, đây là chuyến đi hết sức quan trọng để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt.

Sau một tuần hành quân từ rừng già Đầm Be của Campuchia, càng về đến khu vực gần biên giới giáp tỉnh Tây Ninh, ông Thiêm càng cảm nhận được mức độ ác liệt trên đường hành quân. Máy bay do thám BO10, máy bay đầm già liên tục bay vo vo trên đầu, thỉnh thoảng lại khạc rốc két, pháo điểm xuống rừng chỉ điểm cho pháo binh, máy bay địch oanh tạc. Trên đường đi, đoàn công tác còn phải lo đối phó với biệt kích địch cải trang nằm trong rừng nghe ngóng, chỉ điểm.

Hơn một tháng hành quân cắt rừng lội suối, đi vòng, đi tắt, khi đi ngày nghỉ đêm, lúc đi đêm nghỉ ngày… để tránh địch phục kích, đoàn công tác của ông Thiêm cũng về đến giáp biên giới. Vào một buổi trưa, khi đoàn chuẩn bị cùng một đơn vị bộ đội vượt sông Tây, một nhánh của sông Mekong trên đất bạn để về nước thì trời đổ mưa rất lớn ở thượng nguồn. Nước sông chảy cuồn cuộn, hai bên sông là rừng rậm rạp với các bụi tre gai tua tủa nhưng đoàn vẫn quyết định phải qua sông ngay do sợ địa điểm dừng chân này bị lộ.

Trong lúc chia nhau trên đò qua sông, một cuộn xoáy nước trên thượng nguồn đổ xuống đã hút chiếc đò vào giữa, chỉm nghỉm, các thành viên của đoàn trên đò một người mất tích, người bị nước đánh trôi dạt mắc kẹt trong bụi tre, người phải đánh vật với nước lũ để bơi vào bờ.

Trước tình huống nguy hiểm, để cứu bọc hàng được bọc gói cẩn thận đang bị dòng nước xiết cuốn đi, lúc nổi, lúc chìm trên sông, bỏ qua nguyên tắc bí mật, Trưởng đoàn Năm Lưu quay sang các thành viên đoàn và lực lượng đang cùng chờ sang sông hô to nhiều lần phải cứu lấy bọc hàng quan trọng, không được để mất. Không một giây chần chừ, ông Thiêm lập tức đứng lên xung phong trước nhiều ánh mắt ái ngại, sợ chàng thư sinh lẻo khẻo sẽ bị nước nhấn chìm. Được Trưởng đoàn đồng ý, ông Thiêm nhảy ngay xuống dòng nước xiết.

Sau một hồi đánh vật với cơn cuồng nộ của hà bá, ông Thiêm cũng chạm tay vào được bọc hàng. Thêm một hồi đánh vật với cơn lũ dữ, khi sức đã kiệt ông Thiêm cũng kịp đưa được bọc hàng vào bờ trước sự thán phục của nhiều người. Thêm nhiều ngày cắt rừng lội suối, vừa đi vừa tránh địch, đoàn công tác cũng về đến nơi đóng quân của Ban Kinh tài khu Bà Rịa – Long Khánh.

Nhớ lại kỷ niệm đặc biệt của chuyến đi bảo vệ việc vận chuyển tiền này, sau 45 năm, ông Thiêm vẫn bồi hồi, rằng chỉ đến lúc về đến căn cứ tập kết, ông mới được đồng đội cho biết chính xác rằng đây là chuyến hàng đặc biệt, gồm gần 10 triệu USD tiền mặt, được Ban Ngân tín R cấp cho Ban Kinh tài Bà Rịa – Long Khánh. Số tiền này được chia nhỏ và bao gói cẩn thận trong nhiều lớp nilon, phần do đồng chí Trưởng đoàn Năm Lưu gùi sau lưng và phần suýt bị lũ sông Tây cuốn trôi. 

Đức Thắng
.
.
.