Những hầm chứa vũ khí đặc biệt tại Sài Gòn:

Nơi hầm tối là nơi sáng nhất

Thứ Tư, 29/04/2015, 16:00
Cũng thuộc hệ thống di tích lịch sử nhưng tại TP Hồ Chí Minh có một hệ thống các di tích lịch sử đặc biệt luôn gây nhiều bất ngờ cho các đoàn du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan du lịch thành phố: các hầm chứa vũ khí của lực lượng biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sự đặc biệt gây nhiều tò mò đầu tiên của các di tích này và vị trí. Phần nhiều, các di tích đều nằm kín đáo và khiêm nhường trong các ngôi nhà riêng của người dân thành phố.

Tuy nhiên, khiến du khách bất ngờ hơn cả luôn là những "kho" chuyện về lực lượng biệt đồng Sài Gòn huyền thoại phía sau từng căn hầm, vũ khí được trưng bày.

Trở thành một trong những "địa chỉ đỏ" nổi tiếng nhất của thành phố kể từ sau thời điểm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải kể đến căn hầm chứa vũ khí tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3.

Tọa lạc trong căn nhà có bề ngang chỉ chừng hơn 2m nhưng  hầm chứa vũ khí là cả một hệ thống gồm hầm ngầm dưới lòng đất với sức chứa trên 10 người, có bậc lên xuống, có chỗ thông hơi để người xuống ở thở được và không bị ngộp, có đường cống ngầm ăn thông từ sau ra trước và từ trước ra sau, có nắp lỗ ga để tạm rút hoặc chiến đấu với địch và hệ thống hầm nổi trên trần nhà có chốt khóa, dây thừng và móc câu để khi vào hầm là đóng nắp, khóa chốt lại rồi di chuyển qua các nhà kế cận hoặc xuống đất rút lui an toàn được hoàn thành.

Cửa hầm và nắp hầm đúc bằng khuôn sắt dày và khít, diện tích 6 viên gạch hình chữ nhật được bịt kín nằm ngay vị trí phòng khách giữa nhà, nếu không được báo trước thì không một ai có thể tìm ra được miệng hầm.

Chủ nhà và cửa hầm vũ khí tại di tích 183/4 đường 3-2, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Theo nhiều tư liệu, đầu năm 1963 do nhu cầu chiến lược cần phát động mạnh phong trào vũ trang đánh địch ngay trong lòng địch, chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai thuộc đơn vị 159 Biệt động thuộc Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định được tổ chức cài vào cơ quan đầu não của địch dưới vỏ bọc ông chủ thầu Dinh Độc Lập - Mai Hồng Quế.

Năm 1966, chấp hành yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân khu về tổ chức xây dựng hầm chứa vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội thành Sài Gòn, ông chủ thầu Mai Hồng Quế chọn mua căn nhà nhỏ trong khu lao động Bàn Cờ (nay là chợ Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đêm đêm, Trần Văn Lai trút bỏ vỏ bọc sang trọng, tính toán và hì hục đào hầm. Sau một thời gian, hệ thống hầm bí mật hoàn thành cũng là lúc Trần Văn Lai nhận chỉ thị chuẩn bị tiếp nhận vũ khí.

Kể về việc vận chuyển vũ khí về hầm, anh Trần Vũ Bình, con trai của ông Trần Văn Lai cho biết, lúc sinh thời, cha anh có kể rằng, trái với việc vận chuyển nhỏ giọt vũ khí về Sài Gòn, với đặc quyền riêng của nhà thầu Dinh Độc Lập, Mai Hồng Quế - Trần Văn Lai chọn phương án chở từng xe lớn.

Tháng 9/1967, chuyến xe chở nặng vũ khí đầu tiên được chuyển về hầm. Để đảm bảo bí mật, vũ khí được để trong hai bộ ván ngựa rỗng ruột và nhiệm vụ chỉ được Trần Văn Lai thực hiện một mình. Chiếc xe lại quá lớn, căn nhà có hầm bề ngang vừa đủ bề ngang xe, nếu chệch tay lái qua phải hay sang trái một chút sẽ gây ảnh hưởng đến nhà hàng xóm. Xe vào đúng vị trí như mong muốn nhưng cái khó tiếp theo là tìm cách đưa từng khối vũ khí nặng mấy trăm cân vào hầm.

Sợ để va chạm mạnh, mìn hay đạn trong tấm ván sẽ nổ, ông Trần Văn Lai dùng kích xe ôtô nâng một đầu tấm ván lên cao, rồi đặt một ống nước tròn xuống dưới làm con lăn, quơ chiếc đệm mút và toàn bộ chăn màn, chiếu gối, quần áo dùng để kê, lót và dùng đôi vai của mình vừa đỡ, vừa kéo, hạ một đầu tấm ván xuống. Khi toàn bộ vũ khí xuống hầm an toàn cũng là lúc trời sáng. Trần Văn Lai phải trở lại với vỏ bọc ông chủ thầu giàu có...

Sau 3 chuyến xe, hàng tấn vũ khí được chuyển về hầm an toàn. Đúng nửa đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, 19 cán bộ chiến sĩ biệt động Đội 5 vận chuyển toàn bộ vũ khí, thuốc nổ trên 2 chiếc xe tải hạng nhẹ và 3 xe mô tô lặng lẽ tiến đánh Dinh Độc Lập…

Là nơi tập kết đơn vị (Đội 5 Biệt động - 02 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng) xuất phát tấn công đánh chiếm mục tiêu Dinh Độc Lập. Được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1988.

Ông Trần Văn Lai lúc sinh thời cùng gia đình hướng dẫn khách tham quan hầm vũ khí tại gia đình.

Hiện gia đình đồng chí Trần Văn Lai đang quản lý, hướng dẫn, phục vụ các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, các đoàn viên thanh, thiếu niên thành phố đến tham quan, học tập và làm Lễ tuyên thệ kết nạp Đảng, Đoàn.

Thực tế, ngoài hầm chứa vũ khí nói trên, trong thời gian này, khá nhiều nhà chứa vũ khí và giấu cán bộ được chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai  tổ chức xây dựng thành công: Nhà số 592B Võ Di Nguy - Phú Nhuận (nay là 720 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận), Nhà số 314/3 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, phường 5, quận 3). Đây là các địa điểm có hệ thống hầm bí mật (hầm nổi và hầm ngầm) ém giấu cán bộ, vũ khí tấn công mục tiêu Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968...

Cùng khoảng thời gian ông Trần Văn Lai tổ chức xây hầm chứa vũ khí còn có một số hầm bí mật chứa vũ khí khác cũng được biệt động Sài Gòn tổ chức xây dựng. Trong đó, hầm vũ khí tại 183/4 đường 3-2, quận 10 được chiến sĩ biệt động Đỗ Văn Căn (anh Ba Mủ) xây dựng thành công.

Năm 1969, Đỗ Văn Căn bị địch bắt và ra sức tra khảo nhưng chúng vẫn không khai thác được thông tin nào. Sau này, Đỗ Văn Căn vẫn cùng với vợ tiếp tục chuyên chở và cất giấu hàng tấn vũ khí các loại để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hiện nay, hầm vũ khi là một trong những di tích lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía ông Trần Văn Lai, và các hầm vũ khí do ông xây dựng, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, thân phận thật của Trần Văn Lai bị bại lộ. Khi phát hiện căn nhà 287/70 là một trong những nơi trú ém của lực lượng cộng sản, địch đã đưa một lực lượng lớn cảnh sát đến bao vây. Sợ còn người trú ẩn phía trong có vũ khí, chúng dùng súng bắn, phá cửa rồi mới dè dặt tiến vào.

Thời điểm chúng tôi đến tham quan, trên cánh cửa nhà vẫn còn lỗ chỗ vết đạn. Sau này, căn nhà được bàn giao cho một tên trung úy ngụy sử dụng, song sau 7 năm sống tại đây, địch vẫn không hề phát hiện ra căn hầm chứa vũ khí ngay dưới chân chúng.

Về phía Trần Văn Lai, ông được Bộ Chỉ huy Quân khu tặng thưởng lần hai Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba về thành tích hoàn thành thiết bị vũ khí, đạn dược và lái xe đưa đồng đội tấn công Dinh Độc Lập đợt 1 Tết Mậu Thân 1968...

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các hệ thống hầm bí mật chứa vũ khí do chiến sĩ biệt động xây dựng trở thành những "địa chỉ đỏ" cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

Trong số các hiện vật, sổ lưu niệm còn lưu giữ tại các di tích, chúng tôi nhận thấy có nhiều bút tích, hình ảnh của khá nhiều đoàn khách các nước và đoàn viên thanh niên đến tham quan, tìm hiểu. Trong đó có phái đoàn nước Cộng hòa Cu Ba do bà MELBA HERNANDEZ, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cu Ba, Anh hùng Cu Ba dẫn đầu đến thăm tháng 6/1975.

Năm 2005, kỷ niệm 30 năm giải phóng thành phố Sài Gòn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân đã đến thăm lại căn hầm lịch sử này, Đại tướng viết bút ký vào sổ lưu niệm di tích:

“Tôi rất hoan nghênh tinh thần của tập thể các đồng chí cán bộ và chiến sỹ biệt động Sài Gòn hiện đang giữ gìn di tích hầm chứa vũ khí tiến công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 - Chúc các đồng chí luôn gương mẫu trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, gia đình hạnh phúc”. Tường Vi, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh viết: Chỉ cần ngắm nhìn ngôi nhà, các kỷ vật, đủ hiểu người Việt Nam đã anh dũng như thế nào. Tôi tự hào là người Việt Nam”...

Ngọc Nguyễn
.
.
.