Người cựu binh đặc công năm xưa bên cây cầu Rạch Chiếc

Thứ Ba, 28/04/2015, 15:24
Bên trụ sở UBND phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh là một bãi giữ xe hai bánh, có đôi vợ chồng người bảo vệ ở độ tuổi trung niên cần mẫn làm công việc ghi vé, trông xe đã 25 năm qua. Ít ai biết người bảo vệ đó là Trung úy đặc công Nguyễn Đức Thọ, thuộc Lữ đoàn đặc công biệt động 316, tròn 40 năm trước từng tham gia đánh chiếm, bảo vệ cây cầu Rạch Chiếc an toàn để Quân đoàn 4 từ phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Khi chúng tôi gợi lại câu chuyện hào hùng năm xưa, Trung úy Nguyễn Đức Thọ bùi ngùi tâm sự: “Đồng đội tôi không được đón ngày giải phóng, nhiều anh em đã nằm lại vĩnh viễn dưới chân cầu Rạch Chiếc”…

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, SN 1955 (60 tuổi), tại xã Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa. Năm 1972, anh tình nguyện xung phong nhập ngũ bằng huyết thư và được tuyển vào bộ đội đặc công thủy tham gia khóa huấn luyện đặc biệt do bộ đội Hải quân tổ chức đúng một năm tại vùng biển đảo Cát Hải, Hải Phòng và Quảng Ninh. Sang năm 1973, đơn vị của anh được lệnh hành quân theo đường Trường Sơn vào Bộ Tổng Tham mưu Trung ương Cục miền Nam tại căn cứ địa Tây Ninh. Từ đây, anh được phân công về đơn vị Z23 thuộc Lữ đoàn đặc công biệt động 316 thuộc Bộ Tổng tham mưu Miền.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ (bìa phải) cùng vợ trông giữ xe tại trụ sở ủy ban phường.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội đặc công được giao nhiệm vụ chiếm và giữ thông cầu cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Lính đặc công vốn chỉ quen đánh nhanh, rút gọn, nhưng nay lại phải bám trụ để giữ mục tiêu. Từ khu vực Bình Trưng, Nguyễn Đức Thọ cùng đồng đội nhận lệnh thay đổi phương án ban đầu, tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, chuyển sang đánh và bảo vệ cầu Rạch Chiếc.

Khoảng trưa 25/3, các trinh sát đặc công đã tiếp cận và quan sát, nghiên cứu thực địa chuẩn bị tấn công. Cầu Rạch Chiếc là một trong bốn cụm phòng ngự trọng yếu của địch trên tuyến xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Tại đây, lực lượng bảo an và thủy quân lục chiến quân đội Sài Gòn đã quyết liệt chống trả các đơn vị quân giải phóng thuộc Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23 (Lữ đoàn đặc công biệt động 316).

Trận chiến bắt đầu từ 3h sáng 27/4/1975. Sau hơn 2 ngày đêm chiến đấu, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại dưới vàm Rạch Chiếc. Có những người lính đặc công quả cảm, quyết nhận hy sinh một mình chiến đấu với hàng ngàn tên địch để bảo vệ, thu hút hỏa lực địch cho đồng đội rút lui an toàn như đồng chí Nguyễn Văn Thất.

Anh cương quyết ở lại ngay chân dốc đầu cầu, chặn đường truy đuổi của địch, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng thì bị địch bắt. Khi biết chỉ còn một mình anh chiến đấu để đồng đội an toàn rút lui, địch tức tối, điên cuồng chặt anh làm đôi rồi ném xác xuống bãi cỏ chân cầu. Trường hợp dũng cảm của chiến sĩ liên lạc Võ Văn Tần, bị thương gãy chân vẫn không đầu hàng địch, anh đã dùng lựu đạn quyết tử cùng chết với 5 tên địch…

Trung úy Thọ kể lại: “Sáng 27/4, mỗi người ngoài vũ khí còn tự gói cho mình 16 quả thủ pháo (mỗi quả khoảng 3 lạng thuốc nổ dẻo C4 được kích nổ bằng kíp trong thời gian 3 giây) kèm theo 2 trái lựu đạn. Tôi được trang bị một khẩu B40 và 10 trái đạn. Mỗi người mang 2 nắm cơm vắt. Đúng 17h ngày 27/4, đồng chí Tư Thinh hạ mệnh lệnh chiến đấu. D81 được phân đánh chiếm, giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), Z22, Z23 thì đánh đầu cầu phía Bắc (hướng Thủ Đức vào). Trận đầu tiên diễn ra thuận lợi, phía ta không bị thương vong.

Đến giờ G, tôi nổ quả B40 đầu tiên nhưng hụt mục tiêu bởi đứng dưới sình lầy, phía trước là hàng rào kẽm gai, tôi sợ vướng đạn nên nâng cao nòng súng. Địch liền nhả đạn liên hồi. Vừa lúc đó, Thượng sĩ Trần Đình Lạc (quê Nghệ An) đứng bên cạnh hô lên “Bắn tiếp Thọ ơi!”. Tôi liền nổ phát thứ 2 trúng ngay góc, làm tháp canh sạt đổ. Khẩu đại liên nhả đạn khi nãy im bặt. “Chỗ nào nhá lửa thì táp một trái Thọ ơi!”, đó là tiếng hét của chiến sĩ Lê Xuân Nguyệt (quê Thanh Hóa) với tôi. Chỗ nhá lửa, tức là công sự địch, lô cốt chìm bắn ra đều bị chúng tôi dùng B40 tiêu diệt”.

Sáng 28/4, quân địch bị đẩy về thế cố cùng trước cửa ngõ Sài Gòn nên huy động toàn bộ lực lượng hơn 2.000 quân, xe tăng, tàu chiến, trực thăng và vũ khí hạng nặng quyết tử. Từ xa, pháo địch từ trường sĩ quan Thủ Đức, Nhơn Trạch, Sóng Thần bắn như mưa xuống khu vực cầu Rạch Chiếc. Trên không, máy bay trực thăng từng tốp phóng rốc-két xuống đội hình ta. Trên sông, tàu địch từ các Giang đoàn thiện chiến với vũ khí hạng nặng cấp tập bắn vào. Trên xa lộ, xe tăng và xe thiết giáp địch, dẫn bộ binh nhằm hướng cầu tiến tới.

Cuộc chiến đấu khốc liệt kéo dài đến 12h trưa, Bộ Chỉ huy ra lệnh cho lực lượng đặc công phải rút qua sông, bảo toàn lực lượng. Tối 28/4, đặc công được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, quyết không cho địch phá hoại, dọn đường đón các cánh quân từ hướng Đông tiến vào Sài Gòn. Ngay đêm đó, ta tiến công chiếm lại cầu Rạch Chiếc, bí mật tiếp cận rồi dùng súng chống tăng B40 và B41 diệt phần lớn xe tăng địch án ngữ hai đầu cầu.

Mặt khác, đơn vị đặc công bố trí một tổ sử dụng thủy lôi chặn tàu địch dưới sông, sử dụng các lô cốt và công sự có sẵn của địch tạo thành lưới hỏa lực ngăn chặn từ xa không cho tiếp viện. Do đó, cả ngày 29/4, địch phản kích 7 đợt, bị ta đánh lui cả 7 lần, cây cầu vẫn do ta làm chủ, được bảo vệ an toàn...

Đến 9h30 ngày 30/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 quân giải phóng qua cầu Rạch Chiếc, tiêu diệt ổ kháng cự cuối cùng của địch tại cầu Sài Gòn rồi tiến vào Dinh Độc lập, đánh dấu thời khắc lịch sử của đất nước…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung úy Nguyễn Đức Thọ về được phân công về học tập nâng cao trình độ tại Trường Lục quân II (Long Thành, Đồng Nai). Hoàn thành khóa học, anh được giữ lại làm Trợ lý Chính trị của trường. Thế nhưng, nhiều vết thương cũ trong cơ thể người lính đặc công tái phát, hành hạ khi trái gió trở trời, ảnh hưởng đến 61% sức khỏe người lính đặc công năm xưa, buộc anh phải xin xuất ngũ về quê sinh sống. Năm 1980, anh lập gia đình với chị Võ Thị Cơ, người con gái cùng quê Quảng Xương và sinh 4 người con, 2 trai, hai gái.

Sau 7 năm sống tại quê, cuộc sống quá khó khăn, con đông, trong đó có con gái thứ ba là Nguyễn Thị Phương Đông (sinh năm 1986) từ khi mới lọt lòng đã có dấu hiệu bệnh tâm thần. Áp lực cuộc sống đã thúc bách người lính đặc công mang lại ba lô lên đường ra Hải Phòng, Quảng Ninh tìm công việc làm để nuôi gia đình, nhưng cuộc sống vô vàn khó khăn của xã hội khi đó khiến anh lại trở về và quyết định một cuộc thiên di.

Chuyến tàu Thống Nhất rời ga Thanh Hóa, mang theo một Trung úy đặc công nước vào Sài Gòn không phải để thăm chiến trường xưa, mà để anh đi tìm cuộc sống mới. UBND phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh là nơi anh tìm đến và khởi nghiệp gắn bó đến ngày hôm nay đã tròn 25 năm. Sau khi mua một căn chòi nhỏ để tạm sống qua ngày, anh tìm mối hàng may quần áo, vợ thì tảo tần buôn bán nuôi con ăn học…

Trải nhiều công việc, cuối cùng anh lựa chọn làm bảo vệ cho UBND phường 4 kiêm luôn giữ xe. Thoáng chốc mà đã 25 năm trôi qua. Anh và chị đang sống rất hạnh phúc khi các con đã lớn, có công ăn việc làm và hằng năm đến ngày 19-4 kỷ niệm truyền thống Lữ đoàn, anh và đồng đội lại đến Rạch Chiếc thắp hương cho đồng đội, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm oanh liệt năm xưa.

Hoàng Hải
.
.
.