Cả nhà theo nghề giáo

Thứ Tư, 26/11/2008, 14:55
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, chúng tôi về Thanh Hóa tìm gặp Nhà giáo nhân dân Ngô Khắc Minh, 81 tuổi, được mọi người kính trọng, mến mộ. Ông chính là người Việt Minh đầu tiên xung phong lên rừng để làm cách mạng để rồi trở thành người thầy đầu tiên "cõng" cái chữ lên "gieo mầm" ở vùng núi Tây Thanh Hóa.

Lên núi... gặp "người hiền"

Mấy chục năm trước, ông lên miền Tây tỉnh Thanh Hóa dạy học, gieo những mầm chữ đầu tiên trên đất cằn sỏi đá thì nơi này còn hoang vu, còn cảnh hổ vồ người làm mồi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông bỏ qua định kiến gia đình và quyền lợi của bản thân xung phong lên miền Tây gieo mầm con chữ. Hồi đó, miền Tây Thanh Hóa là một nỗi khiếp sợ của bao nhiêu người. Ngay như bọn lính Pháp kéo bè, kéo lũ, súng đạn lăm lăm trên tay mà còn bị thú vồ mất xác.

Lúc đó, chàng trai Ngô Khắc Minh, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Trung học Việt - Pháp (Một trường đặc biệt của xứ Thanh, chỉ dành cho con em quan lại thân Pháp và con cháu bọn xâm lược). Vốn xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản lại học giỏi, Minh được tuyển ngay từ đầu.

Nhưng ngay từ thời gian đầu vào trường, anh đã nhận ra bản chất của cái khai hóa bằng súng đạn, dân chủ bằng gông xiềng của chế độ thực dân. Anh bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, sinh viên đòi quyền dân sinh, đòi tăng lương, giảm giờ làm...

Bước đầu, anh đã đứng trong đội ngũ của giai cấp vô sản. Lúc này, anh bị mật thám theo dõi gắt gao. Chính quyền thực dân Pháp và bọn tay sai liệt anh vào sổ đen, cần "giải quyết", nhưng bước đầu là đuổi khỏi ghế nhà trường. Cũng may là bố anh có quen biết với các quan lớn, nên chỉ bị kỷ luật nhẹ.

Cũng vào thời điểm này, có một quan lớn ở tỉnh hứa gả cô con gái duy nhất cho anh với điều kiện anh ra trường là phải làm tay sai cho Pháp, trái với những gì là vỏ bọc do anh tạo ra để vực dậy phong trào học sinh, sinh viên. Ra trường với tấm bằng loại ưu, anh đã quyết tâm theo đuổi lý tưởng cách mạng đến cùng. Nhưng lúc đó không ai dám tin, một công tử con nhà giàu có lại có thể đi theo cuộc sống cần lao.

Sau  cách mạng nổ ra được vài hôm, hòa cùng không khí lên đường, anh Minh liền đăng ký xung phong lên miền Tây - nơi có cơ sở Đảng còn yếu, bà con dân tộc thiểu số nghèo cái chữ, chưa ai biết mặt con chữ của cách mạng, nghèo dân trí, dễ bị bọn phản động lôi kéo. Minh đã dứt bỏ cuộc sống phồn hoa nơi chốn thị thành, lên rừng làm thầy giáo bản.

Phải mất gần một tháng trèo đèo lội suối, vượt qua rừng nguyên sinh, thú dữ, nước độc, Minh nhịn đói đến ngất lịm giữa rừng già. Khi mở mắt ra, anh thấy mình đang nằm giữa một căn chòi tre nứa, xung quanh là tiếng hú, tiếng dân tộc xì lồ. Ánh lửa bập bùng như muốn táp lên khuôn mặt hốc  hác của anh. Một ông lão (sau này anh mới biết là già làng) râu tóc bạc phơ, miệng ngậm tẩu thuốc thổi phù phù và quát: "Mầy là bọn xấu, là Việt gian ở mô tới". Anh ú ớ:

- Dạ, con là cán bộ dưới xuôi mới lên.                     

- Mần răng lén lén lút lút giữa rừng?

- Dạ, con bị lạc đường!...

Anh Minh nói mãi, bà con không nghe, liền khám người, lấy được tờ giấy giới thiệu, lật ngang, đè ngửa mãi mà vẫn không đọc được. Chẳng ai biết đọc, nên liền dựng anh dậy, trói gô cổ, đánh, tra khảo. May có một anh cán bộ nằm vùng xuất hiện kịp thời, giải thích cho bà con hiểu. Bà con biết nhầm nên lo cuống quýt. Nhìn cảnh đó, Minh càng thấy áy náy, buồn vì chẳng ai biết mặt con chữ. Rồi già làng hú gọi bản làng mở hội đón "cán bộ chữ" (đây là cách gọi thân thiện của bà con thời đó)...

Nhường lớp cho... hổ đẻ

Năm 1946, huyện miền núi Cẩm Thủy chưa có  một thầy giáo chứ đừng nói gì đến giáo dục. Những ngày đầu tiên thầy Minh mở lớp, nghe đến học chữ, bà con nói còn khó hơn đánh bọn phỉ và Pháp. Nắm được tâm lý của bà con, thầy vác cuốc ra nương làm cùng mọi người.

Tối đến, thầy băng rừng đến từng nhà chỉ dạy các em và vận động bọn trẻ đến lớp. Nhưng họ lại thắc mắc và nói: "Không đi học mà bà con vẫn đánh được giặc. Bọn trẻ lớn lên đều biết vót chông, cầm cung tên...". Thầy lại nói khéo: “ Học chữ là làm cách mạng, là tham gia đánh giặc. Thử hỏi, bà con không học chữ không đọc được cái chữ của Bác Hồ, cũng không đọc được công văn, giấy tờ đánh thằng Pháp. Còn đọc tư liệu làm súng, cách đánh giặc, đánh kiểu du kích... đều phải từ chữ mà ra!”.

- Thật chứ cán bộ? Học chữ là biết đọc thư Bác Hồ, biết làm súng? Bản làng nớ, tau phải học cái chữ thôi!

Vậy là bà con mình hò nhau chặt cây, cắt dây, dựng lớp học. Trẻ con được ưu tiên học ban ngày. Lớp xóa mù cho người lớn được tổ chức về ban đêm. Vì có em ở tít tận bản cao, phải đi học từ nửa đêm, nguy hiểm bởi đường rừng, nên được vài buổi các em lại bỏ lớp ở nhà vót chông đánh giặc. Thầy lại cho lớp nghỉ học để băng rừng đi vận động các em trở lại lớp.

Một hôm, mặt trời vừa reo cười ấm áp trên các khóm rừng già thì thầy trò dắt díu nhau vào lớp, từ bên trong vọng ra tiếng rên ư ử... Mấy em học sinh chạy vào lớp, rồi quay ra và la toáng lên. Thì ra, trong lớp có mấy chú hổ con còn đỏ hỏn, người còn chất nhầy, mắt nhắm tịt. Đó chính là một vụ sinh đẻ của hổ mẹ, nó mượn lớp học làm nơi sinh đẻ, xong rồi chưa kịp tha con về rừng thì trời đã sáng.

Tình huống bất ngờ mà thầy Minh và học trò chưa gặp bao giờ. Anh liền cấp báo cho chi bộ Đảng tình huống trên. Đồng thời, đưa học sinh ra xa khu lán học, tạo cơ hội cho hổ mẹ vào tha con ra rừng. Mãi sau này, khi công tác về miền xuôi, thầy vẫn nghe người ta kháo nhau là thầy Minh lên rừng dạy hổ.

Còn tôi, đến bây giờ tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng như từng giáo viên, học sinh còn tại lớp, thế hệ sau vẫn còn kể như một huyền thoại của ngành Giáo dục Thanh Hóa.

Bao nhiêu lần thầy di chuyển công tác là những lần nước mắt thầy trò lại rơi: Từ năm 1951 đến 1954, thầy Minh là Hiệu trưởng Trường Tân Phúc - Lang Chánh; từ năm 1954 - 1957 là Hiệu trưởng Trường Cao Khuê - Ngọc Lặc; rồi lần lượt làm Hiệu trưởng các trường Quan Hóa (1958-1961), Bá Thước (1962-1965), Thạch Thành (1965-1969). Từ năm 1969 thầy Minh được Sở phân về Thọ Xuân công tác cho đến lúc nghỉ hưu.

Dù ở bất kỳ đâu, cương vị nào, thầy cũng đưa lên thành trường điểm. Bản thân thầy được Nhà nước, ngành Giáo dục phong là chiến sỹ thi đua, được dự đại hội tại Hà Nội, được gặp Bác Hồ và nhận Huân chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Một gia đình, bảy nhà giáo

Sáu người con của thầy cũng đi theo con đường làm nghề sư phạm và đều công tác ở nơi thâm sơn và đều là giáo viên giỏi, là chiến sỹ thi đua trong ngành Giáo dục. Hiện nay, 4 người con của thầy đang ở cương vị Hiệu trưởng các trường cơ sở, THPT miền núi và một số là giáo viên cắm bản.

Năm qua, ba người cháu nội ngoại vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, cũng xung phong lên miền núi để cắm bản, đó cũng là theo gương ông. Còn ba cháu nội hiện đang tu nghiệp tại các trường đại học.

Bây giờ, lớp học xoá mù gồm gần 20 học sinh ở mọi lứa tuổi được mở tại nhà ông vẫn do ông đứng lớp. Noi gương ông, các con và cháu cũng đứng lớp dạy miễn phí. Nhất là mùa hè, nhiều lớp học thêm được mở ra, lớp nâng cao, lớp xoá mù… con cháu thi nhau chạy đua dạy học cho người vùng cao.

Ông nói, còn chút sức lực cuối cùng, ông sẽ giúp những em nhỏ, những người không có điều kiện đến trường học thêm cái chữ, mong con cháu tiến bộ

Thanh Nam
.
.
.