Cà Ná - có một lớp học tình thương

Thứ Sáu, 29/05/2009, 17:30
Đã không ít lần tôi được tham dự lễ tổng kết năm học tại các trường tiểu học nhưng chưa bao giờ tôi được dự lễ tổng kết năm học rất đặc biệt tại một lớp học tình thương nằm bên bờ biển lộng gió. Những em có học lực loại khá và giỏi thì được nhận phần thưởng, song tất cả các em ai cũng đều có phần thưởng chung - phần thưởng của sự hiếu học.

Đó là lớp học tình thương của bà Ngô Thị Quyên mà người dân trong vùng thường gọi bà bằng cái tên trìu mến: Bà Năm Tốt.

Những năm trước đây, khi nhắc đến đoạn đường ngang qua biển Cà Ná, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, ai cũng biết đến một ngôi làng mà ở đó mọi người phải chấp nhận cuộc sống 4 không "không điện, không nước, không hộ khẩu và cái không thứ tư lại rơi vào lũ trẻ: không được đi học".

Mà chúng cũng chẳng màng đi học vì ngày ngày thức dậy, chạy ra biển bắt con ốc, con còng bán cho các trại nuôi tôm kiếm 5-10 ngàn đem về phụ cha mẹ mưu sinh. Và với cuộc sống như vậy thì tương lai của chúng không biết sẽ đi về đâu nếu không có một ngày...

Sau khi về hưu, bà Ngô Thị Quyên (60 tuổi) gom góp vốn liếng cùng chồng mở một quán ăn tại vùng biển Vĩnh Hảo thuộc thôn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Các em học sinh chăm chỉ học tập.

Sau một thời gian sống ở đây, bà biết rằng lũ trẻ con trong cái xóm nghèo này chẳng có đứa nào được đến trường. Trăn trở nhiều đêm, bà Quyên bàn với chồng mở một lớp học tình thương ngay tại quán ăn của bà. Song khó khăn đầu tiên mà bà gặp phải chính là thái độ quyết liệt phản đối của chính cha mẹ lũ trẻ với cái lý sự cùn "Học hành đâu có đem cơm đem gạo lại mà học".

Bằng những lời lẽ chân thành, đầy tình cảm, bà thuyết phục họ bằng cái lẽ giản đơn "thử cho con đi học xem sao, chớ đâu có mất mát gì đâu...". Bởi lẽ bà đã lo đủ mọi thứ cho bọn trẻ, từ sách vở, bút viết, cặp sách, đến cả bộ đồ đồng phục thể dục bà cũng sắm cho luôn...

Vào mỗi buổi trưa, sau khi quán cơm vãn khách, bà cùng các nhân viên trong quán lại trở thành những thầy cô giáo dạy cho lũ trẻ. Lúc đầu bà Năm Tốt chỉ nghĩ "để cho chúng biết đọc, biết viết trước đã".

Ngày qua ngày, lũ trẻ đến lớp của bà đông hơn, và khi ấy bà không thể đơn giản truyền đạt con chữ theo cách của bà và những nhân viên trong quán. Lặn lội vào thị xã Phan Rang nhờ người quen tìm cô giáo, khi được giới thiệu cô giáo Nguyễn Thị Tố Oanh vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, dù đã cam kết lo lắng chế độ lương bổng, chuyện ăn ở cho cô Oanh, thậm chí đóng bảo hiểm xã hội, nhưng phải thuyết phục mãi, cô Oanh mới đồng ý khăn gói cùng bà về lớp học tình thương.

Các em học sinh nhận phần thưởng tại buổi lễ tổng kết. Ảnh: Phạm Dung.

Tìm được cô giáo, bà lại tất tả vào UBND huyện Tuy Phong xin được bỏ tiền ra xây một lớp học tình thương trên diện tích đất của bà ở gần quán. Được sự ủng hộ nhiệt tình của các cán bộ huyện, bà bỏ ra gần 50 triệu đồng để xây một phòng học rộng hơn 30m2 trang bị bàn ghế, bảng đen đầy đủ, ước mong sao ngày càng có đông con trẻ theo học.

Khi cô Oanh nghỉ dạy vì lý do gia đình, bà Năm lại tìm được cô giáo Phụng. Trong một lần chị Phụng về thăm chị gái ở Vĩnh Hảo, chị được nghe nhiều điều từ lớp học tình thương của bà Năm Tốt, chị đã tình nguyện ở lại phụ trách lớp cho bà.

Hiện nay, lớp học của bà Năm có 67 em theo học được chia thành 4 lớp, buổi sáng cô Phụng dạy lớp mẫu giáo và lớp 1, buổi chiều cô dạy lớp 2 và lớp 4. Mỗi tháng cô Phụng được bà Năm trả lương 1,2 triệu đồng, lo luôn chuyện ăn ở, sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc mỗi khi ốm đau.

Để đảm bảo chất lượng học tập cho lũ trẻ, bà còn liên hệ mời các thầy ở Phòng Giáo dục huyện Tuy Phong về để kiểm tra trình độ, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Vĩnh Tân cũng thường xuyên ra thăm và tổ chức thi kiểm tra để có cơ sở cấp học bạ cho các em.

Mỗi kỳ nghỉ hè, lũ trẻ đến làm công cho bà, ngoài nuôi cơm ngày ba bữa, bà còn trả lương 450 ngàn  đồng để chúng đem về phụ giúp cha mẹ. Chính từ nghĩa cử của bà Năm Tốt dành cho lũ trẻ cho nên bây giờ chẳng đứa nào muốn rời xa lớp học của bà Năm.

Hầu hết lũ trẻ ở lớp học tình thương này chúng đều mong sao: "Ngoại Năm khỏe mãi..." để chúng được bà yêu thương, chăm sóc những tháng ngày tuổi thơ nơi vùng quê gió cát này

Phạm Dung
.
.
.