Những món quà độc đáo của Việt Nam dành tặng khách quý APEC

Thứ Hai, 12/02/2018, 15:29
Trang phục truyền thống, chén ngọc, tranh gốm và quốc yến là bốn điểm nhấn trong những món quà trang trọng nhất mà Việt Nam dành tặng lãnh đạo các nền kinh tế trong năm APEC 2017.

Góp phần vào sự thành công của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 không chỉ là những kết quả tốt đẹp đạt được về mặt nội dung, đó còn là những dấu ấn mà Việt Nam để lại trong lòng những vị khách quốc tế nhờ vào công tác chuẩn bị vô cùng chu đáo, từ an ninh, y tế tới văn hoá và công tác lễ tân, với điểm nhấn là các món quà đặc biệt dành tặng riêng cho những vị khách quý.

Trang phục truyền thống, chén ngọc, tranh gốm và quốc yến là bốn điểm nhấn trong những món quà trang trọng nhất mà Việt Nam dành tặng lãnh đạo các nền kinh tế trong năm APEC 2017. Tất cả các món quà đều được tạo ra từ tâm huyết, tài hoa của các nghệ nhân và lòng hiếu khách truyền thống của dân tộc Việt. Nhiều người thậm chí từng nói rằng, những món quà đó mang theo mình cả sức mạnh văn hoá và tinh thần Việt Nam.

Trang phục truyền thống - tinh hoa nghề thủ công

Có thể nói rằng, trang phục "thửa riêng" cho các nhà lãnh đạo APEC đã trở thành một truyền thống rất riêng của mỗi lần tổ chức Tuần lễ Cấp cao. Khác biệt với kỳ đăng cai APEC lần đầu tiên vào năm 2006, Việt Nam không chọn áo dài làm trang phục chính thức mà thiết kế một mẫu trang phục hoàn toàn mới, kết hợp của kiểu dáng hiện đại, sự tiện dụng tối đa cùng sự kết nối với tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trang phục APEC 2017 được may từ loại lụa tơ tằm Việt Nam cao cấp nhất, được dệt, nhuộm thủ công theo bí quyết gia truyền của nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống. Kỹ thuật nhuộm thủ công, pha trộn sợi đặc biệt tạo ra màu sắc đặc trưng của trang phục với hai màu nổi bật: trắng ngà, xanh nước biển, đem lại sự sang trọng, nền nã cho trang phục. 

Màu trắng ngà của tơ tằm tự nhiên, màu xanh thắm của biển trời Đà Nẵng cùng hòa sắc trang trọng trong sự kiện trọng thể của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; đồng thời chia sẻ sự thân thiện, ước nguyện hòa bình của nhân dân Việt Nam tới bạn bè thế giới. 

Chiếc khuy cài áo được các nghệ nhân làng nghề truyền thống nổi danh đất kinh kỳ Thăng Long chế tác bằng kim loại quý, lấy ý tưởng thiết kế từ biểu trưng của năm APEC 2017, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của APEC với 21 tia mặt trời, tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên. 

Đặc biệt họa tiết đàn chim Lạc bay - một biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn - thể hiện tinh hoa văn hóa Việt Nam, một đất nước giàu truyền thống và luôn hướng về cội nguồn. Chiếc áo được đặt trong một hộp quà làm từ tre ép với màu sắc tự nhiên, tạo nên sự hòa điệu với chất liệu tơ truyền thống. Tên các vị khách được khắc chìm trên miếng đồng. Nắp hộp được trang trí bằng họa tiết hoa sen, lấy mẫu từ họa tiết Bảo tướng liên hoa trên thành bậc thềm Rồng điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Trong suốt quãng thời gian tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo còn mang theo mình một huy hiệu APEC vô cùng độc đáo, với mẫu hoa được thiết kế theo logo APEC, biểu trưng của Năm APEC Việt Nam 2017 thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của APEC với 21 tia mặt trời tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên. 

Trong một chiến dịch tặng quà Giáng sinh mang tên "ông già Noel bí mật" được tổ chức vào tháng 12-2017, chiếc huy hiệu APEC 2017 tới từ Việt Nam đã có dịp nổi tiếng trên khắp các mặt báo ở New Zealand, sau khi nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern quyết định dành tặng nó cho một người dân may mắn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân bên cạnh các nhà lãnh đạo APEC trong trang phục APEC 2017.

Tuyệt phẩm chén ngọc APEC

Chén ngọc lấy cảm hứng từ chiếc chén mà người Việt xưa thường sử dụng, các nghệ nhân gốm đã cho ra đời Cúp APEC 2017 và đặt tên là chén ngọc APEC. Hoa văn trang trí chủ đạo trên chén ngọc là hoa sen – loài hoa tượng trưng cho sự tinh khiết, cao quý và cũng là quốc hoa của Việt Nam - được khắc họa tinh tế. 

Nổi bật nhất là búp sen bằng vàng trên đỉnh chén ngọc, mang thông điệp về sự phát triển liên tục của một đất nước. Trên chén ngọc, có một biểu tượng khác cũng tượng trưng cho lịch sử lâu dài của Việt Nam – đất nước ngàn năm văn hiến - là hai chùm hoa và lá của cây dương xỉ (loài thực vật có sớm nhất, trường tồn theo thời gian) được nghệ nhân khắc họa rất nghệ thuật. Một bên là họa tiết rồng Việt biểu tượng cho đất nước Việt Nam, một bên là biểu tượng của APEC 2017 uy nghi đối xứng trên đỉnh nắp.

Đặc biệt, chén ngọc được nâng bởi ba linh vật vừa rồng vừa phượng (thời Lý – Trần), là biểu trưng cho nòi giống Tiên Rồng của người Việt và cũng là chi tiết thể hiện sự đoàn kết ba miền đất nước. 

Các họa tiết, hoa văn được trang trí bằng vàng 24K trên tông xanh cobalt (blue Huế) đặc trưng, mang ý nghĩa thịnh vượng, sang trọng và đẳng cấp. Mỹ thuật, độ tinh xảo hoàn toàn không thua kém châu Âu nhưng nhìn sâu vào sản phẩm vẫn thấy bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Tuyệt tác chén ngọc APEC vừa thể hiện nét văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa trang nhã, sang trọng, mang tầm quốc tế. Đây là vật phẩm có ý nghĩa tôn vinh và lưu lại dấu ấn lịch sử của Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại Việt Nam.

Tranh gốm chân dung các nhà lãnh đạo APEC

Tới Việt Nam dự APEC, ngoài những món quà lưu niệm đậm chất APEC như trang phục và chén ngọc, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC còn được nhận một món quà vô cùng độc đáo từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đó là những chân dung của chính họ, nhưng được thể hiện trên chất liệu gốm. 

Bộ tranh do họa sĩ Mai Văn Nhơn và nhóm tác giả là các họa sĩ, nghệ nhân của Đồng Nai chế tác trong 2 năm, gồm 21 tấm đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam thẩm định, công nhận đạt chất lượng tiêu chuẩn trở thành quà tặng quốc gia.

Trong thể loại tranh ghép gốm sứ thì ghép chân dung con người được xem là khó nhất, bởi vậy loại hình này đến nay dường như chỉ dành cho số ít họa sĩ. Để từng cơ mặt, đường gân với thần thái những vị lãnh đạo cấp cao APEC được thể hiện chính xác và nghệ thuật trên tranh, nhóm họa sĩ đã phải tách miếng gốm cứng thành các mảnh ghép thật tinh tế, chính xác theo đúng gam màu và sắc độ của từng vị trí một cách công phu và tỉ mỉ. 

Ban đầu, các họa sĩ phải lựa chọn những tấm ảnh chân dung của nhân vật, đây phải là những tấm ảnh "chuẩn" nhất rồi tìm thêm vài tấm khác tham khảo. Sau đó, các họa sĩ thể hiện hình ảnh lên trên tranh sơn dầu. Tiếp đến, khi các công đoạn trên đã hoàn thành, họ sẽ nung gốm cho ra màu cần thiết. Cuối cùng, những mảnh gốm đó được bẻ nhỏ ra rồi ghép lại thành một bức tranh hoàn chỉnh.

 "Có khi chỉ một nụ cười mà ghép rất nhiều mảnh gốm nhỏ mới có thể tạo ra gam màu chuẩn", hoạ sĩ Nhơn cho biết. Có thể nói rằng, tất cả những bức tranh chân dung đã được các tác giả lựa chọn và phác họa lại một cách tinh tế, sinh động, thể hiện được phong cách riêng của từng lãnh đạo thành viên APEC.

Chén ngọc APEC.

Tinh hoa ẩm thực Việt

Món quà thứ tư mà chủ nhà Việt Nam dành tặng các nhà lãnh đạo APEC là quốc yến tối 10-11-2017 ở Đà Nẵng. Với chủ đích giới thiệu ẩm thực Việt, nhưng để phù hợp với khẩu vị của những vị khách quý, chủ nhà đã chuẩn bị một bữa tiệc ngon miệng với sự pha trộn độc đáo giữa những nét tinh hoa ẩm thực của quốc gia với thế giới. 

Trong thực đơn, món khai vị dành cho các nhà lãnh đạo và phu nhân/ phu quân gồm có gỏi cuốn tôm hùm Nha Trang, chạo tôm lụi mía, nem cuốn hải sản/trứng cua, sò điệp nướng sả hương vị miền Nam. 

Thực đơn còn có súp thịt cua và bào ngư, bên cạnh món chính là tôm hùm Nha Trang sốt me, sườn cừu nướng sốt tiêu đen. Chè hạt sen và long nhãn là món tráng miệng. Ngoài thực đơn trên còn có các món không kém đặc biệt, dành cho những khách mời có yêu cầu riêng biệt như salad cà chua, đậu phụ với dầu ô liu và húng quế, rau củ hầm kiểu Pháp gồm củ cải, cà rốt, hành tây, khoai tây dùng kèm với muối thảo mộc Việt. 

Bàn tiệc được bài trí cẩn trọng, chu đáo, thanh lịch và sang trọng trong không gian rộng 1.300m² Từng vị trí, từng chi tiết của bàn tiệc đều được cân nhắc kĩ lưỡng để tạo nên sự an toàn và thoải mái cho các khách mời.

Một đầu bếp tham gia chuẩn bị cho bữa tiệc nay cho biết, ông đã bắt đầu công việc từ cách đó nửa năm, để đảm bảo thực đơn lẫn khẩu vị phù hợp với từng vị đặc khách. Một điểm đáng chú ý khác tại buổi quốc yến là tất cả những khâu từ chuẩn bị thực phẩm, chế biến đến phục vụ món ăn đều có sự giám sát và kiểm tra kỹ càng của các nhân viên an ninh và y tế thuộc Tiểu ban An ninh – y tế APEC do Bộ Công an chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những vị khách quý trong chuyến công du tới Việt Nam.

Trước đó 1 ngày, để thết đãi các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và doanh nhân nổi tiếng thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit), TP Đà Nẵng đã lựa chọn mỳ Quảng làm món ăn chính cho buổi tối ngày 9-11-2017. 

Đây có lẽ là lần đầu tiên đại biểu APEC thưởng thức món ăn dân dã nhưng cũng rất tinh tế, thơm ngon nổi tiếng của người miền Trung Việt Nam. Từ các hàng rong, vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, món mì Quảng xuất hiện với nhiều biến tấu, mang đến những hương vị và cảm xúc khó quên. 

Sông Thương - Thiện Nhân
.
.
.