Chuyện tình chưa trọn của người lính biệt động và trận đánh khó quên

Thứ Năm, 01/02/2018, 13:15
Cựu binh Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) sinh ra ở vùng đất thép Củ Chi, ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng. Năm 1960, khi mới 16 tuổi ông đã tham gia lực lượng du kích địa phương.

Sau đó, ông vào bộ đội, trải qua nhiều đơn vị, đến giữa năm 1967 được bổ sung vào lực lượng biệt động thành-niềm mơ ước của các chiến sĩ lúc bấy giờ. Chiến sĩ Bảy Hôn biên chế ở Đội 5, gồm 17 chiến sĩ được đào tạo bài bản về chiến thuật quân sự, võ thuật… Ông đã cùng đồng đội tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập, Tết Mậu Thân năm 1968, gây chấn động Sài Gòn lúc bấy giờ.

Đầu năm 2018, tôi tìm đến nhà ông Bảy Hôn nằm trên mặt tiền đường Trung Lập, xã Trung Lập Thượng. Trong khuôn viên khoảng 1.000m² là nơi ở của vợ chồng ông và 5 người con đã dựng vợ, gã chồng. 

“Chú có cả thảy 10 đứa cháu nội, ngoại. Tụi nó quậy phá suốt ngày, mệt mà vui, tài sản lớn nhất của chú đó” - ông Bảy cười hiền lành cho biết. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Bảy trông rất khỏe, giọng nói sang sảng; tính tình chân chất, thật thà, ở xóm này ai cũng biết. 

Lúc tôi hỏi nhà ông Bảy, có người nói ông có biệt danh mới là ông Bảy MC. Tôi hỏi chuyện này, ông Bảy cười hiền lành, bảo có MC gì đâu. Số là mấy người trong xóm, bà con họ hàng, vốn không quen ăn nói nên khi tổ chức đám cưới, đám hỏi nhờ ông phát biểu hộ giùm. Lâu ngày, “tiếng lành đồn xa”, không chỉ có dân trong xã mà nhiều nơi khác mỗi khi dựng vợ, gả chồng liền “alô” cho ông. 

Đến nỗi, bây giờ ngày nào ông cũng bận bịu tiệc tùng; chuyện ruộng nương, nuôi bò giao lại hết cho các con. “Giờ già rồi đâu làm việc nặng nhọc được nhưng cũng không tiêu xài chi nhiều nên tiền trợ cấp của nhà nước cũng đủ để trang trải lúc tuổi già” - ông Bảy chân tình nói.

Cựu binh Bảy Hôn say sưa kể lại trận đánh Dinh Độc Lập.

Kể về cuộc đời hoạt động cách mạng, người chiến sĩ biệt động năm xưa vẫn nhớ như in trận đánh Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) vào Tết Mậu Thân. Bởi đó là ký ức không thể phai mờ, là một phần máu thịt, một kỷ niệm bi hùng mà rất ít người có vinh dự trải qua. 

Trước trận đánh này 2 năm, khi còn công tác ở Trung đoàn Quyết Thắng, Bảy Hôn đem lòng yêu thương cô gái cùng xã ở ấp Ràng là y tá B.T.C, cũng tham gia cách mạng ở địa phương. Hai bên gia đình đã làm lễ hỏi, nhưng do nhiệm vụ cấp trên giao, cô C. phải học các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nên hẹn nhau mùa Xuân 1968 sẽ làm đám cưới. Trong thời gian này, do nhiệm vụ công tác, thi thoảng mới gặp lại nhau, không nói được gì, chỉ thổ lộ tình yêu bằng đôi mắt.

Sau bao ngày rèn luyện và chiến đấu, gần Tết Mậu Thân, Cụm trưởng Cụm 1 Biệt động Sài Gòn Tư Tăng (tức đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Anh hùng lực lượng vũ trang) thông báo cấp trên sẽ giao nhiệm vụ cho 3 Cụm của Biệt động Sài Gòn thực hiện những trận đánh lớn trong lòng địch, Đội 5 nằm trong số đó nhưng mục tiêu cụ thể không được tiết lộ. 

Dẫu biết rằng trận chiến lần này có thể một đi không trở lại nhưng ai cũng vui bởi họ có cùng chung lý tưởng cao đẹp là đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà. 

Riêng với Bảy Hôn, ông nghĩ đây là trận quyết định, trận cuối cùng để cách mạng giành thắng lợi nên trong lòng nao nao khó tả. Bảy Hôn tranh thủ chia tay với người yêu để lên đường. 

Ông nói hạnh phúc của mình sẽ trọn niềm vui khi cách mạng giành thắng lợi và anh trở về cưới em. Còn anh chết, em cũng đừng quá đau buồn mà phải tiếp tục đứng dậy chiến đấu để trả thù cho anh… 

Và đây cũng là lần cuối cùng hai người gặp lại nhau, bởi sau khi vượt ngục vào năm 1973 và trở lại quê nhà, Bảy Hôn nghe tin sét đánh ngang tai là người yêu đã hy sinh trong một trận càn của địch vào năm 1969.

Trở lại trận đánh vào Dinh Độc Lập của Đội 5, sau khi được cấp trên triển khai nhiệm vụ cụ thể đến từng người, toàn đội 15 chiến sĩ hẹn gặp nhau trong một cơ sở của cách mạng ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bảng, Tây Ninh vào đêm 29 Tết. Khi ấy mọi người mới có dịp tường tận mặt nhau vì bình thường, lúc gặp gỡ, họp hành ai cũng phải che mặt để đảm bảo nguyên tắc bí mật chung.  

Buổi cơm thân mật trước giờ xuất trận để lại rất nhiều cảm xúc khó tả, vì chưa biết sau trận đánh lớn có còn gặp lại nhau. Nhưng trong ánh mắt của từng người đều thể hiện sự quyết tâm cao độ. Họ một lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thề sống chết có nhau, không lay chuyển tư tưởng, không phản bội nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Chiến sĩ nữ duy nhất trong đội là Chính Nghĩa (tức đồng chí Vũ Minh Nghĩa) năm đó 19 tuổi nhưng đã có 7 năm theo cách mạng, một giao liên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt nhiều năm liền kể từ khi tham gia vào lực lượng biệt động Sài Gòn vào năm 1965. 

Trước Tết Mậu Thân, Đội trưởng Đội 5 Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) hỏi Chính Nghĩa có nguyện vọng gì khác không so với nhiệm vụ đang làm. Chẳng đắn đo, Chính Nghĩa nói muốn trực tiếp cầm súng đánh giặc. Sự gan dạ, dũng cảm của Chính Nghĩa cấp trên rõ mười mươi nên Ba Thanh gật đầu, đồng ý cho Chính Nghĩa tham gia trận đánh lớn.

Để đảm bảo bí mật, đồng chí Nguyễn Văn Tăng yêu cầu các chiến sĩ Đội 5 chia nhau di chuyển về căn nhà của đồng chí Mai Hồng Quế (tức Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) nằm trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) để chờ lệnh. Anh hùng Trần Văn Lai hoạt động cách mạng giữa đô thị Sài Gòn trong vai nhà thầu khoán giàu có Mai Hồng Quế, chuyên trang trí cho Dinh Độc Lập. 

Ở vị thế đó, ông Mai Hồng Quế có thể đi ôtô ra vào Dinh dễ dàng. Đó chính là lý do mà cách mạng sử dụng hai chiếc ôtô của ông để phục vụ cho trận đánh vào Dinh Độc Lập của Đội 5. Đặc biệt, Anh hùng Trần Văn Lai còn là chủ nhân của căn nhà có hầm bí mật chứa vũ khí phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Rạng sáng mùng 1 Tết, 15 chiến sĩ chia nhau đi bằng nhiều phương tiện đến điểm hẹn mà không gặp bất cứ sự trở ngại nào. Cựu binh Bảy Hôn nhớ lại: “Vào nhà anh Năm (tức Anh hùng Trần Văn Lai), chú ngó trước nhìn sau thấy chẳng có vũ khí gì, nghĩ cũng lạ nhưng không dám hỏi, mấy người khác cũng vậy. Chừng hầm bí mật được mở ra, nào là B40, AK, lựu đạn, thuốc nổ… ai cũng mừng như bắt được vàng. Sau đó anh em quây quần lắp ráp, lau chùi súng đạn trong niềm hân hoan”. 

Càng tự hào hơn khi họ biết được mục tiêu mà Đội 5 sắp đánh là Dinh Độc Lập. Nhiệm vụ, phương án tác chiến đã được vạch ra. Chỉ huy trưởng là đồng chí Tô Hoài Thanh, chỉ huy phó đồng chí Hai Thanh (tức Lê Thanh Vân) và Chính trị viên là đồng chí Trương Văn Rồi (Sáu Rồi), còn lại 12 đồng chí là chiến đấu viên. Giờ G đã điểm, 1h30 mùng 2 Tết Mậu Thân 3 chiếc ôtô chở theo 15 người đi các hướng khác nhau tiến về cổng sau của Dinh Độc Lập nằm trên đường Nguyễn Du. 

Khi xe tiếp cận cổng, đồng chí Bảy Hôn dùng súng hạ gục các tên lính gác cổng để đồng đội đặt trái nổ phá cổng nhưng không nổ. Thêm một quả khác được quăng bồi và phát nổ nhưng không đủ lực để làm sập cửa cổng. 

Cùng lúc, trên nóc Dinh Độc Lập địch xả súng như mưa, đồng chí Tô Hoài Thanh hy sinh. Bốn chiến sĩ lập tức trèo vào tổng chiếm lĩnh trận địa bằng B40. Nhưng không bao lâu sau đó địch phản công dữ dội, 4 chiến sĩ đã hy sinh. 

Phía bên ngoài, những người còn lại chiến đấu quyết liệt giành trận địa chờ đến chi viện. Khi mặt trời sắp ló dạng, không thể cầm cự ở bên ngoài, 8 chiến sĩ rút vào một cao ốc đối diện cổng sau của Dinh và chiến đấu ngoan cường, hạ gục nhiều tên lính...

Sau ngày giải phóng, cựu binh Phan Văn Hôn công tác tại UBND xã Trung Lập Thượng rồi về nhà làm nông cho đến bây giờ. Hiện tại, 15 chiến sĩ Đội 5 ngày nào giờ chỉ còn lại 4 người. 

Ông lấy ngày mùng 1 Tết hàng năm để làm ngày giỗ chung cho các anh em trong đơn vị đã hy sinh. Ngày giỗ các anh cũng là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng anh hùng với trận đánh để đời góp phần giành lấy độc lập nước nhà dù có quá nhiều mất mát…

Mã Hải
.
.
.