Buôn thú rừng, bảo thú nhà

Thứ Tư, 18/10/2006, 14:47

Chăn nuôi thú rừng là nghề mới ở Bình Phước. Nhiều hộ dân ở đây đã bỏ vốn xây dựng trang trại, mua con giống về chăn nuôi, lấy thịt. Song lợi dụng việc này, một số đối tượng đã tổ chức buôn bán thịt thú rừng hoang dã dưới danh nghĩa thú nhà.

Năm 2004, ông Trần Văn Châu đầu tư 300 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi heo rừng tại xã Tân Hiệp, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, gọi là trại Phú Gia. Sau đó, ông Châu mua 56 con heo rừng giống từ Thái Lan về nuôi.

Do khí hậu ở Bình Phước rất hợp với heo rừng, thực phẩm chăn nuôi nhiều, giàu chất dinh dưỡng, kỹ thuật chăn nuôi được áp dụng một cách nghiêm túc… nên heo rừng ở trang trại Phú Gia hay ăn, chóng lớn, sinh sản nhiều, ít bệnh tật. Đến nay, trang trại Phú Gia đã có đàn heo rừng 216 con.

Chăn nuôi thú rừng - nghề mới, hiệu quả

Ông Châu cho biết: "Sắp tới, tôi sẽ phá bầy khoảng 40 con, chủ yếu là heo đực. Để lại 25 con làm nái hậu bị tiếp tục cho sinh sản. Từ nay đến năm 2006, bầy heo rừng trong trang trại của tôi có thể đạt gần 300 con. Giá thịt heo rừng cứ ổn định như hiện nay (100 - 120 ngàn đồng/kg), chỉ khoảng 2 - 3 năm nữa thôi, tôi sẽ thu hồi được vốn và chăn nuôi có lãi".

Khác với nuôi heo rừng, chị Nguyễn Thị Lê ở xã Thanh Bình, huyện Bình Long lại chọn giải pháp phát triển kinh tế lâu dài, ít công chăm sóc, mang  lại hiệu quả kinh tế cao là nuôi nai để bán thịt và lấy nhung. Đã từ lâu, nhung nai là một phương thuốc quý hiếm đối với sức khoẻ con người vì có nhiều dinh chất.

Năm 1997, chị Lê mua được từ một người X'tiêng 2 con nai con, 1 đực, 1 cái. Ban đầu chỉ là thấy hay hay, nuôi cho vui cửa, vui nhà. Thấy thịt nai trở thành quí hiếm, gia đình chị Lê nghĩ đến việc phát triển bầy nai. Đến nay, ngoài 20 con nai giống chị Lê đã bán cho các hộ khác trong vùng để chăn nuôi, chị còn 26 con, trong đó có 20 nai cái. Nếu không có gì thay đổi, từ nay đến cuối năm. Chị Lê sẽ có thêm 4 nai con nữa. Chị Lê tâm sự: "Mỗi năm gia đình tôi cũng thu được lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng".

Nuôi thú rừng đang là nghề làm ăn phát đạt của một số hộ gia đình ở Bình Phước. Vì thấy có hiệu quả nên hiện nay, nhiều hộ gia đình khác cũng đang mong muốn làm theo. Sự phát triền ồ ạt nghề chăn nuôi thú rừng một cách tự phát như hiện nay nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành chức năng sẽ dẫn đến việc khó phân biệt được đâu là thú rừng hoang dã và đâu là thú rừng được con người lai tạo chăn nuôi? Từ đó, một số kẻ chuyên săn bẫy thú rừng có cơ hội hoạt động.

Lập lờ đánh lận con đen

Là một hộ kinh doanh thú rừng ở chợ Bù Na (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) ngoài việc đến một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn mua thú rừng về mổ thịt, Nguyễn Thanh Tùng còn lén lút mua thịt thú rừng của một số tay thợ săn để bán.

Sau nhiều lần theo dõi, đêm 8/10, lực lượng kiểm lâm đã bắt quả tang anh Lê Văn Sáu, cư ngụ tại xã Bom Bom Bo sử dụng xe gắn máy chở một con heo rừng đến bán cho Tùng. Qua xác minh, anh Sáu khai báo là mua heo rừng của hai người thợ săn ở xã Đắk Nhau. Đến lúc này Tùng mới chịu ký vào biên bản là đã kinh doanh trái phép thịt động vật hoang dã.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có hàng trăm nhà hàng, quán nhậu có đặc sản là… thịt rừng. Mỗi ngày tiêu thụ từ 400 - 500kg thịt thú rừng các loại (đấy là chưa kể một số lượng lớn thịt thú rừng được vận chuyển lén lút về Bình Dương, TP Hồ Chí Minh). Chính việc chưa chủ động khai báo của người chăn nuôi, cùng với công tác quản lý của ngành Kiểm lâm chưa chặt chẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thú rừng hoang dã, thú rừng nuôi tại nhà lẫn lộn như hiện nay

Ngọc Ánh
.
.
.