Buồn đau bên đứa con bị ung thư xương

Thứ Tư, 14/04/2010, 10:28
"Chân của con đâu?", vừa tỉnh cơn mê sau ca phẫu thuật để làm sinh thiết, bé Ngô Hải Đăng đã hốt hoảng vùng dậy hỏi Thượng uý Ngô Thanh Tùng. Kể cả khi bố em lật tấm chăn lên, nhìn thấy đôi chân của mình rồi, em vẫn không tin. Thượng úy Tùng phải cấu một cái thật đau vào chân Hải Đăng, thấy cảm giác đau, em mới lại thiêm thiếp chìm vào cơn mê.

Chiếc miệng nhỏ xíu xinh xắn của em mím chặt, hai môi trắng bệch như sáp. Căn bệnh ung thư xương quái ác đã hành hạ bé Hải Đăng từng giây, từng phút, kéo cả gia đình Thượng úy Tùng kiệt quệ cả thể xác và tinh thần từ nhiều tháng nay.  

Bé Hải Đăng là con trai lớn của vợ chồng Thượng úy Ngô Thanh Tùng, Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Bắc Kạn. Vẫn biết việc phải cưa chiếc chân phải của Hải Đăng là giải pháp duy nhất lúc này để cứu sống em nhưng mà sao phũ phàng, đớn đau đến vậy? Căn bệnh K xương lại rơi đúng vào em, một đứa trẻ từ khi biết đi vững đã yêu thích bóng đá.

Mẹ em, Đại uý Đinh Thị Thu Hà (chị Hà công tác ở Đội Tham mưu tổng hợp, Công an thị xã Bắc Kạn) kể, Hải Đăng đúng là "ăn bóng đá, ngủ bóng đá". Ngày được tuyển vào Đội bóng của Trường Tiểu học Đức Xuân của thị xã Bắc Kạn, Hải Đăng rất sung sướng.

Vậy mà sắp tới, chiếc chân phải khoẻ khoắn của em sẽ không còn lạnh lặn. Chỉ cần nghĩ đến hình ảnh Hải Đăng phải chống nạng đến trường, đứng bên ngoài sân bãi nhìn các bạn đá bóng với ánh mắt tiếc nuối, tuyệt vọng mà chị thấy lòng xót xa.

Thượng úy Tùng quê ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Năm 1999 sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng truyền hình ở Thường Tín, Hà Tây (cũ), anh xin lên công tác ở Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Bắc Kạn.

Bé Hải Đăng và mẹ.

Công việc của anh cũng tựa như một phóng viên. Đội Tuyên truyền của anh lúc đông nhất cũng chỉ có 5 CBCS, nhưng một tháng phải đảm nhiệm 3 chuyên mục trên chương trình PTTH của tỉnh và 1 trang báo trên Báo Bắc Kạn, phản ánh về tình hình ANTT, phong trào bảo vệ ANTQ ở tỉnh nhà.

Trung tá Ngô Đức Biên, trước đây là Đội trưởng Đội Tuyên truyền, kể với chúng tôi rằng, khi giao công việc cho Tùng, anh luôn thấy yên tâm vì Tùng có thái độ làm việc rất nghiêm túc, nhiệt tình. Có thời điểm, hai con còn nhỏ nhưng vì công việc, Tùng sẵn sàng nhận đi đến bản làng xa xôi để thu thập tư liệu viết bài.

Có lần, do Công an tỉnh không bố trí được xe ôtô, không ngại ngần, anh lấy chiếc Wave "tàu" xe công chở PV Báo CAND xuống bản. Đường Bắc Kạn dốc cua nhiều hơn mặt bằng, chiếc xe Wave cứ rung lên như "cối xay gió", bở hơi tai. Anh đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 2000, anh Tùng và chị Đinh Thị Thu Hà, Đội Tham mưu Tổng hợp Công an thị xã Bắc Kạn kết hôn. Cả Công an tỉnh mừng cho đôi vợ chồng trẻ được cả vợ cả chồng. Hà cũng là một mẫu người dành cho công việc, từng nhiều năm đạt Chiến sỹ thi đua. Ngoài công việc chuyên môn, chị còn làm công tác phụ nữ.

Thời gian đầu hai vợ chồng chị còn phải thuê nhà. Sau đó, vay mượn hai bên nội ngoại, họ dựng được một gian nhà cấp bốn. Trong gian nhà nhỏ chỉ có vài vật dụng đơn sơ, bé Ngô Hải Đăng và bé Ngô Xuân Bảo lần lượt ra đời. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng ríu ran ríu rít tiếng cười của lũ trẻ.

Thế nhưng, đến giờ phút này thì cả hai vợ chồng Thượng úy Tùng đang sống trong nỗi đau đớn. Khi đặt tên con là Hải Đăng, chị Hà mong con mãi mãi là ngọn hải đăng sáng ngời của vợ chồng chị. Từ lúc chào đời, Hải Đăng chưa bao giờ phải uống một viên thuốc kháng sinh nào. Mới học lớp 3 nhưng Hải Đăng đã nặng tới 38kg, khuôn mặt trắng trẻo thông minh. Em có thể ăn hai gói xôi vào bữa sáng. Và mỗi buổi chiều đi học về, Hải Đăng thường ghé vai cõng bà ngoại. Em và bé Xuân Bảo là những thiên thần của vợ chồng Thượng uý Tùng. Nhưng số phận thật trớ trêu!

Ngày 3/12/2009, hôm đó, Hải Đăng đi tập bóng về, em kêu đau chân. Nghĩ con bị bạn đá vào chân, chị Hà lấy lá cây hoa đại và lá láng bó chân cho con. Đau chân nên Hải Đăng xin mẹ cho nghỉ học. Nhưng chiều hôm đó, đi làm về chị thấy Hải Đăng bò ra giữa nhà khóc ngằn ngặt vì chân đau như có người chọc kim vào xương. Chị vội đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn khám lại.

Xem lại phim chụp X. quang cũ của Hải Đăng, bác sỹ khuyên chị cho con uống thêm vitamin C và hạn chế vận động mạnh. Nhưng chân Hải Đăng ngày một sưng to, lúc đầu bằng quả trứng, sau to hơn. Với mẫn cảm của người mẹ, chị Hà đã nhận ra điều gì đó bất thường, nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đó là một căn bệnh hiểm nghèo.

Chị lại đưa Hải Đăng trở lại phòng khám 103 và xin siêu âm. Kết quả siêu âm cho thấy, tại ổ khớp chân của Hải Đăng có một ổ dịch. Bác sỹ chỉ định hút dịch, nhưng dịch không thấy đâu, chỉ thấy máu. Biết có sự bất thường, bác sỹ khuyên chị đưa con lên bệnh viện tuyến trên. Ngày 16/12/2009, chị Hà lại đưa con lên Viện C Phổ Yên (Thái Nguyên) khám.

Sau khi chụp chiếu cẩn thận, bác sỹ chẩn đoán có "đám cỏ đen trong xương" và đề nghị chị đưa con lên bệnh viện Trung ương. Lúc này những cơn đau đã bắt đầu tăng tốc hành hạ Hải Đăng. Có lúc đau quá, cháu đã ngất đi. Bác sỹ phải nẹp cố định chân cháu lại tránh cử động. Và ngày 17/12/2009, Hải Đăng được GS Nguyễn Văn Toàn, Bệnh viện Việt - Đức khám. Giáo sư kết luận: Hải Đăng bị K xương!

Kể từ khi Hải Đăng mang bệnh, vợ chồng Thượng úy Tùng chỉ quanh quẩn bên con. Ai mách thuốc gì, Thượng uý Tùng tìm mua cho bằng được. Anh đã cõng con đi khắp nơi để xin thuốc nam, thuốc bắc, có khi phải đến cả những bản làng xa xôi. Nhưng bệnh tình của Hải Đăng không đỡ. Bao đêm, anh ngồi thức trắng để Hải Đăng dựa vào lưng anh ngủ. Vợ chồng Thượng uý Tùng đang nỗ lực với tất cả tình thương yêu để chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, giành giật sự sống cho con.

Tiền thuốc điều trị cho những bệnh nhân ung thư thật là tốn kém. Chỉ riêng một liều thuốc kích bạch cầu cho bé Hải Đăng đã mất hơn 1 triệu bạc. Có ngày vợ chồng Thượng úy Tùng phải kích cho con 3 liều. Gần 3 tháng qua, vợ chồng Thượng uý Tùng đã tốn cho Hải Đăng hơn 100 triệu đồng, trong khi Hải Đăng chỉ được hưởng bảo hiểm học sinh, không đáng là bao.

Những chỗ nào có thể vay mượn, vợ chồng anh cũng đã vay. Bán được cái gì trong nhà, anh cũng đã bán. Anh buồn rầu bảo tôi, sắp tới anh chưa biết xoay xở ra sao…

Khi bài báo này lên khuôn, có lẽ lúc đó chiếc chân phải của Hải Đăng không còn nữa. Một phép màu kỳ diệu lúc này chính là lòng trắc ẩn, sự hảo tâm của tất cả mọi người, nhất là những người đồng đội. Mọi sự giúp đỡ bé Hải Đăng xin được gửi tới Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm Hà Nội, hoặc điện thoại trực tiếp cho Thượng úy Tùng theo số máy 0912.557262

Thu Phương - Cao Hồng
.
.
.