Bước mưu sinh qua hai đất nước

Thứ Bảy, 05/04/2008, 10:26
Nhiều người đã từng ví: Lao Bảo (Quảng Trị) như một "kinh đô hàng lậu" kể từ khi cửa khẩu của vùng đất này trở thành cửa khẩu quốc tế. Cũng từ những ngày ấy, hàng loạt thứ nghề ra đời, ăn theo trên vùng đất này, trong đó, kéo xe và đổi tiền là hai nghề chính để người dân bản địa biến thành những chiếc "cần câu cơm" kiếm sống...

Những cuộc mưu sinh nhọc nhằn, thầm lặng ở vùng đất giáp ranh 2 nước Việt Nam và Lào cứ thế lặp đi lặp lại mỗi ngày. Katăng - bản dân có lợi thế nằm sát cửa khẩu, nhưng do đất đai cằn cỗi, chịu ảnh hưởng nặng của gió lào, nên hàng trăm người dân đã tự chọn cho mình cái nghề để kiếm cơm: Nghề kéo xe.

Từ "ăn theo lốp xe"...

"Ăn theo lốp xe là nghề của chúng tôi. Mỗi khi tài xế xe chở hàng trả số, kéo thắng là chúng tôi có thu nhập" - ông Trần Hùng (32 tuổi), một người dân Katăng, hành nghề xe kéo nói chắc nụi.

Trừ những chuyến hàng xuất khẩu theo dạng chính ngạnh, được làm thủ tục hải quan và chạy thẳng qua cửa khẩu, còn lại, những xe hàng nhỏ lẻ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch được các chủ hàng thuê đội xe kéo này chuyển qua biên giới.

Cách cửa khẩu Lao Bảo chừng 400m, hàng chục chiếc xe tải chở hàng nối đuôi nhau đậu dài chờ bốc dỡ hàng hóa. Bên vệ đường, 2 mẹ Le và mẹ Xun lọm khọm khiêng hàng chất lên xe kéo vận chuyển qua chợ Karol (Lào). Đã 6 năm nay, hai mẹ chọn nghề kéo xe kiếm miếng cơm, manh áo.

"Tui có 7 người con. Làm rẫy thì không đủ sống. Chồng thì suốt ngày say rượu nên để nuôi con, mấy năm trước tui phải chung vốn với bà Le mua chiếc xe kéo kéo hàng". Ngay phía sau các mẹ là Mekhên và Mehiên - hai chị em sinh đôi, 54 tuổi, người Pakô đang kéo chiếc xe bò chất đầy hàng từ máy xay xát, dây điện, văn phòng phẩm, lương khô.

Mekhên cho hay: "Mỗi chuyến xe như thế khi vận chuyển qua biên giới, chúng tôi được chủ hàng trả 40.000 - 50.000 đồng. Hải quan Việt Nam thì quen rồi nên ít kiểm tra. Qua bên Lào nộp lệ phí 10.000 kíp (khoảng 16.000 VND) rồi kéo thẳng vào chợ Karôn tập kết hàng". Mỗi ngày vận chuyển được từ 5-7 chuyến hàng, cuối ngày hai người chia nhau cũng được 100.000 - 120.000 đồng/người - số tiền đủ để họ nuôi sống gia đình...

Cùng một nghề nhưng cách kéo xe của chị Tắk, 45 tuổi, người Lào ở chợ Karôn "độc" hơn so với những người dân bản Katăng. Hằng ngày, chị chở thuê duy nhất một chuyến hàng khoảng 3.000 đến 5.000 đôi chân gà đã nướng và hai tạ rau rừng hái bên Lào qua Việt Nam nhập cho các cửa hàng ăn ở đường 9. Đây là món ăn khoái khẩu của người Lào phục vụ cho khách du lịch. Qua cách phiên dịch của một người Việt thì mỗi chuyến kéo hàng qua cửa khẩu, chị Tắk được trả công 70.000 kíp (hơn 100.000 đồng Việt Nam)...

Theo Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo, khoảng 10 năm về trước, số lượng xe kéo còn đếm trên đầu ngón tay thì bây giờ đã lên đến trên dưới 100 chiếc.

Thông thường, công việc chủ yếu của đàn ông là nghề xe ôm chở khách nên việc kéo xe đều do phận má hồng đảm nhiệm. Vì sức khỏe có hạn nên cứ 2 -3 phụ nữ chung nhau kéo một xe. Bình quân mỗi chuyến (tùy theo đường dài, ngắn), họ được trả từ 40.000 đến 60.000 đồng.

Kết thúc mỗi ngày, họ ngồi lại chia nhau được chừng 80.000 đến 100.000 đồng/người. Số tiền coi như tạm đủ để mỗi gia đình ở nơi sơn cước xa xôi này chi tiêu trong ngày.

Còn theo thống kê của UBND thị trấn Lao Bảo thì bản Katăng có 135 hộ, gần 650 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Pakô và Vân Kiều, trong đó có đến 70% hành nghề xe kéo, xe ôm...

Đến "ngân hàng di động"

Sáng sớm. Ba chiếc xe chở đoàn khách du lịch Thái Lan vừa làm xong thủ tục hải quan qua cửa khẩu dừng tại quán cóc ven đường, chừng 40 nhân viên của một "ngân hàng di động", mặt bịt kín khẩu trang lao tới nì nèo khách đổi tiền.

Sau một hồi trao đổi bằng nhiều thứ tiếng Anh - Việt - Lào - Thái, những cuộc giao dịch từ tiền baht, USD, euro, kíp... sang tiền Việt thành công trong chớp nhoáng. Nhiều du khách không muốn tham gia vào dịch vụ nhưng do không có ngân hàng và sự kiểm soát của cơ quan chức năng nào nên họ đành chấp nhận.

Một du khách Thái Lan vừa đổi tiền cho biết: "Mỗi lần qua khỏi cửa khẩu, chúng tôi tìm mãi không ra ngân hàng nên đành đổi tiền trôi nổi. Còn tỷ giá đổi tiền tha hồ bị bắt chẹt".

Một "ngân hàng" di động ở Lao Bảo.

Một "nhân viên" của "ngân hàng di động" - chị Gấm, người Đông Hà bật mí: "Tỷ giá đồng kíp, đồng baht mỗi ngày chỉ cần bấm "dế" qua hỏi đầu nậu thu gom tiền ở Lào sẽ biết ngay. Riêng đồng USD, euro thì thấp hơn tỷ giá ngân hàng trong ngày vài giá là được. Chuyện lỗ trong hành nghề thì hiếm lắm vì chúng tôi chỉ buôn đổi chừng trên dưới 100 triệu mỗi ngày chứ không như các ngân hàng dự trữ tiền nhiều".

Cũng theo các "ngân hàng di động", nếu có ngân hàng thương mại nào thành lập ở Lao Bảo thì cũng khó mà cạnh tranh nổi "ngân hàng di động" do sự cơ động hơn về tỷ giá. Mặt khác, các con buôn có thể thiếu nợ bất kỳ lúc nào. Trước đây, nơi này từng có một kho bạc mở cửa giao dịch nhưng sau đó biến mất nên "ngân hàng di động" ngày càng nở rộ hơn.

Ông Hoàng Minh Thông - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị than thở: Hầu hết các ngân hàng đều lo lắng về việc "ngân hàng di động" mỗi ngày mỗi nhiều. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng thống nhất với chủ trương sẽ mở một quầy giao dịch tại cửa khẩu Lao Bảo nhưng từ khi đi vào hoạt động (giữa năm 2007), quầy giao dịch vẫn cảnh chợ chiều do các "ngân hàng di động" đã có đường dây từ nhiều năm nay nên họ cơ động hơn về mọi mặt như tiếp thị, chào hàng, tỷ giá.

Ông Thông cho biết thêm, ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận thì việc hình thành phòng giao dịch chính là làm đẹp cho hình ảnh cửa khẩu quốc tế trong mắt du khách, tuy nhiên để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn này cũng cần có sự can thiệp của chính quyền địa phương và các ngành chức năng...

L.T.
.
.
.