Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn với gia đình tôi

Thứ Hai, 27/01/2014, 17:58
Cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, lòng tôi lại rưng rưng khi nhớ tới những người mà tôi yêu quý, kính trọng đã không còn nữa. Người để lại ấn tượng trong tôi nhiều nhất là bác Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an. Bởi lẽ, khi còn bé tôi ước mơ sau này trở thành chiến sĩ tình báo. Lẽ thứ hai là tôi có may mắn được gặp và trò chuyện với bác nhiều lần.

Con cái nhớ tới bố mẹ là lẽ thường tình. Nhất là bố mẹ tôi lại mất trong những ngày giáp Tết (28 Tết). Nhưng còn một người mà tôi vẫn thường nhớ tới khi mỗi lần tôi thắp hương cho bố mẹ tôi. Đó là cố Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), bố tôi đang là học sinh trường Bưởi (Hà Nội) theo tiếng gọi của Việt Minh, trốn gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1948, trong chiến khu, bố tôi được bác Trần Quốc Hoàn - lúc đó là Bí thư Liên khu ủy 10 trực tiếp giáo dục, rèn luyện và giới thiệu vào Đảng. Khi bố tôi còn sống, ông thường kể cho hai anh em chúng tôi nghe về những ngày tháng gian khổ ở Việt Bắc, vừa đói, vừa rét nhưng thắm tình đồng chí, anh em. Có lần ông cho tôi xem một bức thư mà bác Trần Quốc Hoàn viết cho ông ở chiến khu khi bác đi công tác. Bức thư có đoạn viết “Em Thế (bác Hoàn gọi bố tôi là Thế - tên thật của bố tôi là Bùi Thế Huy), anh dặn em phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngừng học tập, phấn đấu để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân”. Khi bác về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, bố tôi được bác đưa về giúp việc văn phòng riêng của bác.

Năm 1952, bác Trần Quốc Hoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng điều sang làm Giám đốc Nha Công an Trung ương (sau là Bộ trưởng Bộ Công an). Hai người bạn thân của bố tôi trong chiến khu là chú Nguyễn Thanh (nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bí thư Đảng ủy Bộ Công an), chú Nguyễn Trường (nguyên Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị Bộ Công an) theo bác về công tác ở ngành Công an. Còn bố tôi xin bác ở lại Thành ủy Hà Nội làm công tác Đảng cho đến khi nghỉ hưu. Mặc dù bố tôi không được cùng làm việc với bác nữa nhưng gia đình tôi những năm sau đó vẫn thường xuyên qua nhà riêng thăm bác.

Bác Trần Quốc Hoàn và bác gái là Song Toàn coi bố mẹ tôi như hai đứa em thân thiết và coi hai anh em tôi như con cháu trong gia đình.

Năm nào cũng vậy, kể cả những lúc Mỹ ném bom miền Bắc, cứ vào ngày Tết gia đình tôi lại đến thăm và chúc Tết hai bác. Nhà của bác lúc đó ở ngã ba Trần Bình Trọng - Trần Hưng Đạo (nay là Bảo tàng Công an nhân dân), kể cả lúc gia đình bác chuyển sang phố Thuyền Quang (khi bác làm Trưởng ban Dân vận Trung ương).

Có đôi lần bác đến nhà tôi, ôtô của bác không bao giờ đỗ trước cửa nhà tôi mà đỗ ở đầu phố. Bác đi bộ trên vỉa hè một quãng, sau đó rẽ vào ngõ lên nhà tôi ở tầng 2. Nhà tôi sàn gỗ lại trông ra mặt đường nên rất bụi và ồn. Hầu như ngày nào tôi cũng phải lau nhà. Tôi sợ nhất là lau nhà vì mỗi lần phải xách nước từ tầng 1 lên sau đó lại xách xuống đổ nước bẩn đi. Bác Trần Quốc Hoàn là khách quý nên không phải cởi giày vào nhà. Nhưng tôi vẫn thấy bác cởi giày. Bác nói với bố mẹ tôi: “Nhà sạch như thế này, đi giày vào nó bẩn ra. Cháu nó lại phải lau lại, khổ nó ra”. Những lúc đó tôi thầm cảm ơn bác và kính trọng bác hơn.

Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn (người đi giữa) đến thăm gia đình tác giả vào ngày 29 Tết năm 1976.

Tết năm 1976, cả nước tưng bừng đón cái Tết lịch sử vì đất nước thống nhất. Nhưng gia đình tôi lại đón một cái Tết u ám nhất trong đời. Ngày 27 Tết, mẹ tôi kêu mệt. Bố tôi đưa mẹ tôi đi khám bệnh ở Bệnh viện Mai Hương (ngõ Mai Hương). Đêm đó bố tôi không về nhà. Sáng hôm sau, tôi nhận được tin mẹ tôi đã được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (nay là Bệnh viện Tim Hà Nội). Và 19h tối hôm đó mẹ tôi qua đời (lúc đó bà 39 tuổi) vì bệnh hiểm nghèo không kịp cứu chữa.

Sáng 29 Tết năm đó, trong dòng người kín đặc đưa tiễn mẹ tôi cả một đoàn dài ở phố Yết Kiêu, tôi có nhìn thấy bác Trần Quốc Hoàn đang đi bên cạnh bố tôi. Bác Lê Song Toàn đi bên cạnh em tôi.

Cuối năm 1978, tôi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi nói với bố tôi đưa tôi đến gặp bác Trần Quốc Hoàn để tôi xin bác vào làm việc ở ngành Công an. Lúc đó, bác hỏi tôi: “Vì sao cháu lại muốn làm Công an?”. Tôi trả lời: “Cháu thấy làm Công an ai cũng phải nể sợ. Cháu muốn cho bạn bè cháu phải nể phục”. Nghe tôi nói, bác cười và nhẹ nhàng nói: “Làm Công an không phải như cháu nghĩ đâu. Làm công an là phải biết hy sinh. Thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi. Thậm chí phải hy sinh thầm lặng và phải biết giữ bí mật”. Nghe bác nói thế, tôi hơi chột dạ vì biết tính mình hay “buôn chuyện và bốc đồng”. Tôi biết không có tố chất để làm Công an và sau đó tôi sang công tác ở ngành văn hóa.

Vào một buổi chiều tháng 8/1986, sau giờ làm việc, bố tôi bảo tôi: “Bác Trần Quốc Hoàn muốn gặp con”. Tôi hỏi bố tôi: “Bác gặp con có việc gì không?”. Bố tôi trả lời: “Con cứ vào Bệnh viện 108 gặp bác thì sẽ biết”.

Đầu tiên bác hỏi tôi về công việc làm báo, sau đó bác ôn tồn nói với tôi: “Mẹ cháu đã mất được 10 năm. Bố cháu đã ở vậy để chăm sóc các cháu. Nay các cháu đã trưởng thành. Cháu là cán bộ nhà nước. Em cháu đang ở Đức học nghề. Bác thấy bố cháu vất vả quá vì không có người phụ nữ chăm sóc. Cháu lại hay đi công tác. Bố cháu đã nói chuyện với bác chuyện lấy vợ của bố cháu rồi. Bác và bác Lê Song Toàn đã gặp cô ấy (nay là mẹ kế của tôi), bác thấy bố cháu và cô ấy cũng tương xứng. Bố cháu rất thương các cháu, nhưng các cháu phải biết thương bố, đừng ích kỷ quá. Bác nói thế có đúng không?”.

Tôi thấy lúc đó bác hơi mệt, nhưng bác vẫn nói tiếp “cháu nên ủng hộ bố cháu lấy vợ nhé”. Nghe bác nói vậy, trong lòng tôi vô cùng xúc động vì kính trọng bác và thương bố. Tôi trả lời bác “cháu nghe bác”. Bác Hoàn và bố tôi vui hẳn lên. Bác còn dặn tôi “cháu nhớ viết thư cho em cháu ở Đức khuyên em ủng hộ bố cháu nhé”. Thấy bác đang vui, tôi mạnh dạn nói: “Bác ạ! Bác cho phép cháu chiều nào cũng vào thăm bác để cháu chắp bút hồi ký cho bác nhé”. Tôi chắc mẩm thế nào bác cũng đồng ý vì tôi đã làm vừa lòng bác. Nhưng tôi bị cụt hứng vì bác nói: “Cám ơn cháu, nhưng thôi cháu ạ. Nghề của bác là nghề Công an. Công an thì phải giữ bí mật - bởi đó là nguyên tắc. Hơn nữa viết hồi ký là viết về cá nhân mình, mà bác không muốn nói về mình nhiều”. Trước khi ra về, bác dặn tôi khi nào cháu vào đây bác kể cho cháu nghe chiến công của Công an Việt Nam đánh đắm thông báo hạm Amiodelavin của Pháp năm xưa.

Nhưng Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn chưa kịp kể cho tôi nghe câu chuyện như bác đã hứa thì ngày 5/9/1986, sau một cơn đau tim đột ngột, bác đã ra đi.

Hình ảnh bác nằm trên  giường bệnh vẫn quan tâm đến hạnh phúc của một người cán bộ bình thường như bố tôi vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi. Có lẽ chỉ có tình đồng chí năm xưa coi nhau như anh em ruột thịt mới bền chặt, thương yêu nhau đến vậy.

Tôi không có ý định viết bài báo này vì muốn giữ nó ở trong lòng mãi mãi. Nhưng tôi không thể không viết vì tôi không giữ được bí mật nữa.

Hà Nội, đêm cuối năm 2013

B.T.V.
.
.
.