Bộ sưu tập ấn triện vô giá

Thứ Hai, 03/10/2005, 08:59

Sinh ra ở đất võ Bình Định, không những nổi danh với bộ sưu tập đồ cổ thời Tây Sơn, ông Nguyễn Văn Phẩm còn bôn ba khắp Nam Bắc để gom góp cho mình bộ sưu tập ấn triện có một không hai. Ấn triện - vật bất ly thân của những vị quan, tướng quyền thế một thời, của cả những kẻ tử tội còn lưu giữ lại cho đến ngày nay, phần lớn đều nằm trong tay ông.

Ông Nguyễn Văn Phẩm là một trong những thành viên của Hội Cổ vật Tp.HCM. Không như Hội Cổ vật Thiên Trường hay Thăng Long, Hội Cổ vật Tp.HCM mới chỉ là hội “nghiệp dư” của những người “ham chơi”, như họ tự nhận!

Hồi nhỏ, vùng quê ông có rất nhiều đồ cổ, đồ Champa, đồ Tây Sơn, khi ấy chúng bị vất văng vưởng, lăn lóc, không ai thèm để ý đến giá trị của chúng. Cậu bé Phẩm đã bỏ hàng giờ đi gom chúng lại, đánh bóng sạch sẽ để làm đồ... chơi cho mình và chúng bạn. Dần lớn lên, các món đồ “cậu bé” Phẩm lưu giữ ngày xưa cũng dần mất theo năm tháng.

Mãi đến năm 1993, sau khi gia đình chuyển vào Tp.HCM, ở tuổi 37, ông Phẩm mới tập tành sưu tập, rồi dần thành chuyên nghiệp.

Rất tình cờ, trong một lần về quê, bắt gặp trong đống phế liệu có hơn 30 chiếc ấn triện bằng đồng của một người làm nghề đồng nát, nhìn những chiếc ấn triện, ông chắc rằng, mỗi chiếc ấn triện đều có số phận và đều đã chứng kiến những thời khắc thăng trầm của một địa phương, của hàng ngàn bá tánh. Và, ông “nổi hứng” bỏ tiền mua lại toàn bộ số ấn triện khi ấy, dù người đồng nát ra giá cao gấp ba lần hàng phế liệu.

Bộ sưu tập ấn triện.

Căn nhà nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 của ông Phẩm luôn dành những vị trí trang trọng nhất cho những món đồ cổ, đồ đá, gốm sứ, tượng Chăm. Riêng bộ sưu tập ấn triện, ông lại cẩn thận lưu giữ trong... phòng ngủ. Ông mân mê từng chiếc ấn triện rồi cười hể hả. Ông bảo, số ấn triện ngày xưa ông mua với giá đồng nát bây giờ là... vô giá. Tôi hỏi số lượng, ông mới giật mình, xưa nay ông chỉ lo sưu tập, chưa bao giờ ông mang ra đếm xem mình có bao nhiêu.

Ấn là tên gọi chung các loại con dấu của vua quan, coi đó như là những vật biểu trưng quyền lực và biểu trưng pháp lý của người sở hữu nó, triện là con dấu của các chức dịch địa phương như: lý trưởng, chánh tổng. Sau nhiều năm nghiên cứu riêng về ấn triện, trong bộ sưu tập ấn triện hơn 300 chiếc của mình, ông tiếc là không có ngự ấn, còn gọi là quốc ấn - ấn của vua - thường được đúc bằng vàng, nếu có người bán ông sẽ mua bằng được... Ông bảo, dường như không thể tìm thấy quốc ấn trong dân gian, bởi khi một triều đại mới lên thay thế, những dấu tích, hình ảnh, hiện vật của triều đại trước đều bị tiêu hủy, đặc biệt là quốc ấn.

Lẽ thường, ấn triện càng lớn thì chức quan càng to, chất liệu ấn triện mà ông đang sở hữu đa phần bằng đồng, một số ít ấn triện làm bằng ngà (đều là ấn triện thời Nguyễn). Chiếc triện thời Lê có khắc chữ Hồng Đức Nhị Niên (năm 1471) là chiếc triện cổ nhất, ông còn sở hữu chiếc triện hiếm hoi mà nhiều nhà sưu tập cổ vật Thiên Trường mơ ước, chiếc triện Thiên Trường phủ ấn (dấu của phủ Thiên Truờng, nay là tỉnh Nam Định). Nhưng chiếc ấn triện ông quý nhất là chiếc Phù Cát ấn, đây là chiếc triện của tri phủ Phù Cát, quê ông. Đáng quý hơn, ông còn sở hữu luôn tấm sắc phong mà tri phủ huyện Phù Cát bổ nhiệm lý trưởng làng ông. Ông đang nắm trong tay ấn triện của những đại đô đốc, đô đốc và quan khâm sai, quan coi trường thi, tri châu, tri phủ, tri huyện...

Trong những bộ sưu tập ấn triện các triều đại ông “mê” nhất là những chiếc ấn triện thời Tây Sơn, cũng bởi triều đại ấy xuất phát từ Bình Định, nhưng ông tiếc rằng mình chỉ có hơn 10 chiếc, của tả bộc, tả quân, đô đốc. Vì sau khi hạ được nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã cho tiêu hủy tất cả những gì gợi nhớ đến triều đại trước. Ấn  triện của triều đại cuối cùng - triều Nguyễn - ông có đến hơn 200 chiếc. Triều Nguyễn tồn tại đến 143 năm và gần đây nhất nên số ấn triện ít bị thất lạc. 

Có lần nghe tin ở tận Lạng Sơn có chiếc ấn triện rất hiếm, ông đã không ngần ngại bỏ tiền triệu đi máy bay ra Bắc, nhảy tàu lên xứ Lạng để dò tìm chiếc ấn quý đó. Đận ấy, ông cũng chỉ mua được 1 chiếc ấn của châu Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn, đầu thế kỷ XX với giá rẻ. Tính ra, chi phí đi lại gấp trăm lần chiếc triện... hiếm có ấy. Ông tâm sự: “Sưu tập ấn triện đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Nhiều lần nghe tin về ấn triện nhưng chần chừ đến chậm bị các nhà sưu tập khác mua mất, mình tiếc hùi hụi, đêm ngủ không được. Chỉ tội bà xã cũng lo cho mình đến mất ngủ theo! May mà bà xã mình hiểu nỗi đam mê ấy, nếu không mình đâu có được bộ sưu tập thế này...”.

Chơi ấn triện, đấy không chỉ để thỏa nỗi đam mê sưu tập, ông Phẩm còn chú ý đến số phận của những chiếc ấn triện, đến dấu tích của một thời đại, chế độ mà ấn triện được khắc lên. Ông đã cố gắng lục tìm trong sách vở, từ những nhà nghiên cứu để tìm hiểu chiếc ấn triện ấy được “sinh” ra từ đâu và nhiều khi cả những thăng trầm của người sở hữu nó.

Trò chuyện với nhà sưu tập về báu vật, ông trả lời báu vật đối với ông không phải là mấy bộ sưu tập, mà là... những người con. Ông có 3 người con đẻ và 1 người con nuôi, đều học thành tài, đó mới là niềm tự hào của ông. Ông coi sưu tập đồ cổ chỉ là một phần tất yếu trong cuộc sống của  mình.

Sau khi hạ nhà Tây Sơn, triều Nguyễn đã ban sắc lệnh xử tử tam tộc của người nào lén sở hữu những hiện vật liên quan đến triều Tây Sơn. Vậy mà, những chiếc ấn triện triều Tây Sơn vẫn được người dân bất chấp hiểm nguy lưu giữ mới có thể tồn tại đến ngày nay, còn được một người con đất Bình Định lưu giữ cẩn thận. Chơi đồ cổ như ông Phẩm “Bình Định” đâu đơn giản chỉ là... ham chơi

Thuận Thiên
.
.
.