Biến tướng "cơm chém" trên quốc lộ 1A

Chủ Nhật, 02/10/2005, 08:34

"Cơm chém tái xuất". Đó là phản ánh của nhiều thực khách khi phải dừng chân ăn cơm trên quốc lộ 1A. Việc tăng giá vô tội vạ của các chủ quán cộng với tình trạng mất vệ sinh đã gây bức xúc cho khách đường dài. Chúng tôi đã đi dọc quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Khánh Hòa và ghi nhận những thông tin từ thực tế.

Quán cơm Dũng Hà nằm trên địa phận thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bàn ăn bằng inox được bày la liệt, trông có vẻ sạch sẽ. Nhưng quang cảnh bên trong như một thế giới khác: nhà vệ sinh liền kề với bếp, chứa đựng mọi sự mất vệ sinh, nhếch nhác. Phía trên bể nước, sát cửa nhà vệ sinh là một túi cuộng rau muống vàng úa có lẽ đã treo tại đó vài ngày. Còn ngay bên cạnh chễm chệ một rổ rau muống luộc đang bốc hơi nghi ngút, không được che đậy. Nước ướt loét nhoét dưới nền nhà, mùi hôi từ nhà vệ sinh bay ra trộn lẫn với mùi thức ăn...

Không uống cũng phải trả tiền

Quả thực, chúng tôi chỉ muốn chạy ra ngay khỏi quán cơm này. Nhưng đã trót vào, mà thời gian thì có hạn nên đành ngồi lại. Thức ăn mà chúng tôi gọi đều là những món ăn và đồ uống bình dân. Nhân viên quán cơm mang ra đầy bàn bia và nước ngọt. Cả nhóm nhắm mắt, lùa vội lưng bát cơm vào bụng, nhìn thức ăn mà không dám gắp vì nghĩ đến cảnh vừa thấy.

Thứ chúng tôi dám ăn duy nhất chỉ là cơm, nước rau muống luộc và mấy thứ đồ uống đóng chai. Xong bữa, cả nhóm đứng dậy bụng no căng nước. Tưởng thế đã xong, nào ngờ chúng tôi đã trở thành nạn nhân của nạn ép khách, ép giá. Một đĩa dưa xào có "hẳn"... 3, 4 mẩu dạ dày được "quát" giá 40.000 đồng. Bia, nước ngọt chúng tôi không dùng hết họ đưa ra cũng được tính giá luôn. Tất nhiên, chúng tôi phản ứng lại vì sự vô lý quá mức ấy. Nhưng nhân viên quán cơm nhất định không đồng ý với cái lý cùn của họ: "Đã lấy ra khỏi két thì phải trả tiền, kể cả không uống".

Nhà hàng cơm chém Dũng Hà (Nghệ An).

Nói là làm, một nhân viên đến bàn ăn của chúng tôi thu chai bia và nước ngọt chưa uống cất vào két (tổng số gần chục chai), còn một nhân viên thì nhoay nhoáy tính tiền. Bị ép quá mức, chúng tôi kiên quyết không trả tiền. Thấy khó bắt nạt, cuối cùng bà chủ quán cũng xuất hiện và dàn hoà: "Em xin lỗi các bác, do nhân viên của em không biết nên tính sai". Sự dàn hòa của bà chủ cũng đã giúp thực khách "hạ hỏa" chút ít, mặc dù chúng tôi vẫn biết rõ rằng bà chủ đứng phía sau theo dõi việc tính tiền từ đầu đến cuối.

Một đoàn khách của Hà Nội đi qua thành phố Vinh cũng đã dừng chân ăn một bữa trưa tại quán cơm này. Sợ nhỡ bữa hôm sau trở lại, đoàn khách đặt món ăn trước cho 12 người. Họ phải đặt cọc 100.000 đồng theo yêu cầu của chủ quán. Đúng vào ngày chúng tôi có mặt tại đây, đoàn khách đó quay trở lại ăn bữa đã đặt hôm trước. Ăn xong, chủ quán tính tiền liền ỉm đi số tiền đặt cọc. Mãi tới khi lên xe, đoàn khách mới nhớ ra và cử người xuống lấy lại nhưng thật bất ngờ, chủ quán nhất định không chịu trả mà trả lời thẳng thừng rằng: "Thanh toán xong rồi, không còn nợ nần gì". Vậy là đoàn khách kia đành chịu mất số tiền đặt cọc mà ra về. Tuy số tiền không nhiều nhưng ai cũng bực mình vì cái cách kiếm tiền không đàng hoàng của chủ quán cơm này.

Liệu có tiếp diễn nạn "cơm chém"?

Dọc đường, chúng tôi cũng ghi nhận được một số điểm bán "cơm chém" khác. Tuy họ không ép khách một cách trơ tráo nhưng mức tiền họ đưa ra để thanh toán thường là quá cao, đưa khách vào tình thế "há miệng mắc quai". Một ví dụ: Quán cơm 2 Tân Đức ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà đưa ra đĩa cá thu sốt với một miếng cá tí tẹo, nằm toen hoẻn trong cái đĩa với giá 40.000 đồng, hai con mực ống cũng bé bằng ngón tay cái có giá 45.000 đồng...

Một quán cơm khác trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh mà chúng tôi dừng chân cũng có giá cao tương tự như vậy. Khách ăn cơm dọc đường thường phải chịu ấm ức vì rơi vào tình trạng bất khả kháng, không ăn thì đói, mà ăn một bữa thì bằng nửa tháng lương. Nếu khách chỉ ăn một, hai bữa khi lỡ độ đường thì đành chịu. Đối với khách đi đường dài, ăn nhiều bữa trên nhiều địa điểm thì số tiền bị bắt chẹt sẽ không nhỏ. Và tất nhiên, mâu thuẫn giữa thực khách với chủ quán lúc ấy sẽ được giải quyết không công bằng, bởi đó là lãnh địa của các chủ quán, thực khách đành chịu thiệt về mình.

Việc bắt chẹt khách của nhiều quán cơm trên quốc lộ 1A đang gây bức xúc cho người dân. Nếu để tình trạng trên kéo dài thì nguy cơ về một vấn nạn “cơm chém” chỉ trong nay mai. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người kinh doanh mới có thể kìm chế được tình trạng trên. Chúng tôi cũng đã chứng kiến ở nhiều địa phương, người kinh doanh ngành nghề ăn uống phải có bản cam kết và công khai giá tại quán ăn, để thực khách có thể chọn lựa món ăn vừa túi tiền. Một số quán trên quốc lộ 1A có dán bản cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng giữa những dòng chữ cam kết và sự thật tại quán ăn lại mâu thuẫn nhau đến mức khó tả. Câu trả lời đành nhường cho chính những chủ quán kinh doanh, cho chính quyền và lực lượng chức năng sở tại. Càng sớm càng tốt, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý và giám sát việc niêm yết giá, giữ gìn vệ sinh theo đúng cam kết để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người dân

Việt Hà
.
.
.