Bí mật ở rừng Y Tý

Thứ Tư, 08/07/2009, 15:31
Có dịp được lên rừng đầu nguồn ở Bát Xát (Lào Cai), tôi không khỏi ngạc nhiên. Khi mà những cánh rừng đại ngàn tôi đã từng đi qua như ở Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La), Trạm Tấu (Yên Bái), Điện Biên Đông (Điện Biên) vẫn đang phải nói lời kêu cứu khẩn thiết, thì rừng già Y Tý vẫn là rừng nguyên sinh. Tìm hiểu, chúng tôi mới khám phá ra những bí ẩn trong khu rừng này và một lời thề giữ rừng đầy trách nhiệm.

Bí ẩn rừng thiêng Y Tý

Trong ánh lửa bập bùng một đêm mùa hạ tháng 6/2009, "Gạ ma à guy" (người chịu trách nhiệm tế lễ cúng rừng) Chu Thó Xe (bản Lao Chải, Y Tý, Bát Xát) kể với chúng tôi bằng cái giọng ề à của người không thạo nói tiếng Kinh.

"Trận "đại hồng thủy" ở Bát Xát (Lào Cai) tháng 8 năm ngoái đã khiến hơn 40 người chết và mất tích, cuốn trôi hàng trăm căn nhà. Tuy nhiên, riêng xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) chỉ có 3 người bị chết và mất tích do lũ cuốn trôi trong khi đang đi làm ở địa bàn xã khác và sập vài căn nhà thôi à. Chính là do rừng thiêng đã phù hộ cho cư dân ở đây".

Năm nay ông Xe đã 64 tuổi nhưng vẫn còn khỏe lắm. Đặc biệt ông có thể uống liền tù tì cả chai rượu Shan lùng trứ danh đất Lào Cai. Trong men say của thứ rượu "nặng đô" này cùng tiếng gió vi vút quanh căn lều giữa rừng già Y Tý, Chu Thó Xe kể cho chúng tôi nghe những giai thoại xung quanh khu rừng thiêng.

Hồi ông còn bé tý, khi ấy rừng già rậm rạp hơn bây giờ nhiều. Trong rừng còn rất nhiều loài thú quý hiếm. Tuy nhiên, theo như tập tục ngàn đời truyền lại thì người Hà Nhì không bao giờ được vào rừng chặt phá cây cối hoặc săn bắt thú một cách bừa bãi. Tất cả những hành vi liên quan tới rừng đều phải hỏi ý kiến của Giàng (Trời, quan niệm của người dân tộc ít người) thông qua các thầy mo, thầy cúng.

Ngày ấy ở bản có anh Lù Si Nế khỏe mạnh lực lưỡng nhất bản, sức vóc vật ngã cả con trâu mộng, lại có tài bắn cung rất giỏi. Ỷ vào sức mạnh, Nế thường vào rừng bắn chim, bẫy thú mang về nhà ăn. Bỗng nhiên một hôm người ta thấy Nế... "lặn" hàng tháng trời không "sủi tăm". Dân làng ai cũng tưởng anh ta đang lang thang ở một khu rừng già nào đó, hoặc xuống dưới xuôi bán lông thú.

Ít lâu sau, thầy cúng Pìu Cheo Ly dẫn cả dân bản đi xem một cơ thể người đang trong thời kỳ phân hủy. Cạnh cái xác là cây cung - vật bất ly thân của Lù Si Nế. Xem kỹ, người ta còn phát hiện ra trái tim trong lồng ngực chàng thanh niên này đã bị móc mất. Xung quanh xác là những vết chân hổ to như cái bát ôtô. Thầy cúng bảo, thần rừng đã hóa thân thành "ông Hổ" trừng phạt những kẻ đã ngang nhiên vi phạm vào luật lệ của rừng.

Đó là chuyện xưa, còn chuyện nay. Năm kia, nhà Tráng A Do nghèo nhất bản. Trong khi nhà nào cũng có gạo ăn, củi sưởi trong mùa đông thì nhà nó chả có gì. Nó phải nuôi mẹ già, vợ ốm và đàn con 5 đứa nheo nhóc. Trông cảnh mấy đứa con kêu gào vì rét, Do mới vác dao vào rừng, chặt mấy cành củi khô về sưởi. Vừa chặt hôm trước, hôm sau chẳng hiểu vì lý do gì, Do bỗng nhiên... lăn đùng ra ốm.

Nghe tin ấy, bố Do liền mời thầy cúng về rồi xin phép vào khu rừng thiêng, lập lễ tạ lỗi với thần rừng. Vài hôm sau thì bệnh của Do đỡ hơn, song vẫn chưa đi lại bình thường được. Thương gia cảnh của Do, cả bản xúm lại, người cho vay giống, người góp công gieo mạ, lấy nước về đám ruộng nhà nó. Rồi chính quyền xã còn cho vay tiền nuôi gà, nuôi lợn. Tết năm nay thì nhà nó hết đói rồi, lại có lợn, có gạo để "trả nợ" lần phá rừng trước.

Ông Ly Cò Dớ là người Hà Nhì song gốc gác ở mãi tít bên Ka Lăng  (Mường Tè, Lai Châu). Từ nãy giờ ông ngồi im nghe Chu Thó Xe kể chuyện, bây giờ mới lên tiếng. Ở quê ông, người ta chọn rừng thiêng bằng một cách rất đặc biệt. Ông trưởng làng (thôn trưởng) - "Gà ma pố" đứng ở đầu bản ném lên phía trên bản quả trứng gà. Quả trứng rơi ở vị trí nào thì đó sẽ là ranh giới thôn trại (nơi ở) với khu rừng thiêng. Mỗi khi gieo hạt cho một vụ mùa mới người Hà Nhì bao giờ cũng phải khấn hồn cây và thần rừng "A Pố Xả Kha".

Chu Thó Xe quay sang giải thích, "A Pố Xả Kha" theo truyền thuyết của người Hà Nhì là con thứ 5 của Ngọc Hoàng. Thần rừng "A Pố Xả Kha" là phúc thần nhưng cũng trừng trị nghiêm khắc những kẻ nào phá hoại cây rừng, thú rừng.

Chúng tôi đề nghị Chu Thó Xe làm lễ xin phép thần rừng cho vào thăm khu rừng cấm. Ông nhìn thẳng vào chúng tôi một cách chăm chú, đôi mắt ông bỗng sáng rực lên. Rồi ông quay lên bàn thờ, miệng lầm rầm khấn vái. Lát sau, ông quay lại bảo: "Giàng đã cho phép anh được vào thăm rừng thiêng. Anh nên ngủ sớm lấy sức, mai đi sớm".

5h sáng hôm sau, Chu Thó Xe đã lôi tôi dậy lên đường  vào rừng. Từ xa, rừng hiện lên như cánh cung khổng lồ treo trên hai đầu núi đá. Con đường hướng về phía khu rừng mỗi lúc một dốc ngược lên, quanh co, len lỏi trong biển sương giăng, đúng như người Mông và người Hà Nhì thường gọi: "đường lên giời".

Chúng tôi mải miết leo dốc cả trưa, người vã hết mồ hôi nhưng khi vừa chạm vào phía dưới "cánh cung rừng" thì bất ngờ khí trời mát lạnh ùa tới, ngỡ như đang ở Sa Pa. Dưới bìa rừng, cây thảo quả phủ một màu xanh nâu trải dài bạt ngàn...

Nơi thờ thần rừng Gà ma do (Ảnh: Mã Anh Lâm).

Gần đến khu rừng cấm "Gà ma do", Chu Thó Xe đi chậm dần vạch đường dẫn lối cho chúng tôi vào. Đến một chỗ có hai cây cổ thụ uốn như chiếc cổng chào, ông ra hiệu cho chúng tôi quỳ lạy, miệng lại một lần nữa khấn vái xin phép "thổ công" cho người lạ được vào thăm rừng.

Rồi ông quay lại, bảo: Thần rừng chưa cho phép vào thăm, anh chịu khó ra gốc cây kia ngồi chờ. Tôi cứ nằn nì, đòi vào bằng được. Xe mới bày kế, cho tôi mượn chiếc áo của ông để "lừa" thần rừng và bảo: "Nhưng chỉ được vào thăm cho đến khi có ánh nắng chiếu vào là phải ra ngay, nếu không sẽ bị thần rừng trừng phạt". Tôi lập tức đồng ý.

Mặc xong chiếc áo, tôi vạch lá bước qua tán cây cổ thụ vào trong khu rừng cấm đầy những cây gỗ to xù xì, dây leo chằng chịt huyền bí. Bên gốc một cây tống quá sủ cổ thụ có chiếc miếu nhỏ lợp cỏ tranh, bên trong có đặt ba chiếc chén và một chai rượu nhỏ. Tôi đoán đây chính là nơi thờ thần rừng bản mệnh của bản.

Nhìn quanh, bốn bề lặng ngắt như tờ. Một không khí vắng lặng bao trùm khiến tôi cảm thấy rờn rợn. Đột nhiên có tiếng động phía sau lưng làm tôi dựng tóc gáy. Giật mình quay lại, thì ra Chu Thó Xe sợ tôi đi lạc đã "đột nhập" vào rừng thiêng để dẫn tôi ra.

Trên đường về, ông giải thích. Với người Hà Nhì, rừng thiêng quan trọng nhất là rừng thờ thần hộ mệnh của thôn trại (người Hà Nhì đen gọi là "Gà ma do". Người Hà Nhì hoa gọi là "Gà ma thú"). Khu rừng thiêng này nằm ở phía trên thôn trại, từ đây có thể nhìn bao quát toàn thôn trại. Rừng thiêng "Gà ma do" ở phía trên thôn trại "Phu" nên các gia đình không được làm nhà vượt qua rừng thiêng. Khi lập thôn trại, các già làng, thầy cúng phải chọn khu rừng thiêng "Gà ma do" đầu tiên.

Nơi tục lệ biến thành... “kiểm lâm”

Có thể nói trên đất nước ta, ngoài một số khu rừng cấm ở Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu ra thì chỉ còn ở Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) là còn tục lệ cúng thần rừng. Cũng cần phải nhấn mạnh một điều rằng tỉnh Lào Cai với 8 huyện, một thành phố tổng diện tích 6.383,88km2, chỉ có một khu vực duy nhất có người Hà Nhì là Y Tý... Người Hà Nhì tập trung đông ở khu vực Mường Tè, Mường Nhé bên Điện Biên, Lai Châu và ở khu Giào San cũng của Lai Châu.

Để tìm hiểu tập tục cúng rừng của người Hà Nhì, chúng tôi tìm đến nhà Chủ tịch xã Y Tý Ly Dờ Có. Ly Dờ Có tự hào kể với chúng tôi, nhờ có những "lời thề giữ rừng" truyền từ đời này sang đời khác, cộng với việc lãnh đạo huyện, xã luôn quán triệt tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân bảo vệ rừng mà gần 6.000hecta rừng nguyên sinh của xã mấy trăm năm tuổi vẫn được giữ nguyên vẹn.

Mỗi năm vào đầu xuân, xã đều tổ chức ngày hội trồng rừng để cho nhân dân trong xã trồng thêm cây mới vào những chỗ mà cây cũ bị mục. Rồi Chủ tịch Có dẫn chúng tôi đến nhà Kiểm lâm viên thôn Lao Chải Phu Chê Sa -  một trong số những người hiểu rõ nhất về tập tục giữ rừng ở Y Tý.

Chia lộc cho nhau sau lễ tế thần rừng (Ảnh: Mã Anh Lâm).

Phu Chê Sa kể, từ khi anh còn bé tý mỗi khi nhà có đám hiếu hỷ thì người cao tuổi nhất của cả họ sẽ gọi mọi người quây quần bên bếp lửa thuật lại những câu chuyện mà các cụ đã truyền lại. Rằng từ xa xưa dân ta (người Hà Nhì) làm nương giỏi và rất yêu quý rừng. Mọi người chỉ khai phá vừa đủ diện tích canh tác, còn lại là dành đất cho rừng. Ai có việc cần gỗ, phải xin thôn, bản và cũng chỉ được chặt vừa đủ, chủ yếu là tỉa cành khô, cây bệnh, cớm nắng, cây leo...

Mỗi năm, cứ vào đầu xuân mới, cả làng cả bản lại nô nức tổ chức lễ "cúng rừng" (gọi là lễ cúng "Gà ma do") cũng là để cụ thể hóa lời hứa với thần rừng không xâm hại đến rừng thiêng.

Trước khi vào buổi lễ chính, các già làng trưởng bản sẽ tổ chức bầu 2 người vừa chủ trì các lễ cúng ở rừng, vừa thay mặt cộng đồng quản lý các khu rừng thiêng, rừng cấm.

Phu Chê Sa đang say câu chuyện. Rồi như đã nhớ ra, anh kể tiếp. Những người chủ trì lễ cúng "Gà ma do” phải đạt những yêu cầu rất khắt khe. Trước hết họ phải là người am hiểu phong tục tập quán, khỏe mạnh, có cả con trai và con gái, trong 3 năm liền trong gia đình không có người chết vì tai nạn, không có người đẻ sinh đôi, sảy thai hoặc vợ đang mang thai, mới sinh con... Có cả một "cuộc tuyển chọn" rất gắt gao nữa.

Mỗi thôn trại ít hộ thì chọn 5-6 người tham dự cuộc tuyển chọn. Nếu đông hộ thì chọn 9-10 người. Họ được bốc thăm 1 trong số 9-10 hòn bi đất bày trên một chiếc sàng. Hòn bi của người nào có nhân là 2 lá xanh được chọn làm thầy cúng chính "Gạ ma à guy". Người bốc thăm hòn bi chỉ có một lá làm nhân thì là người thầy cúng phụ, giúp việc "La chạ".

Trước lễ cúng thần rừng nhiều ngày, các kiểm lâm viên của các bản cũng họp bàn, chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cúng. Theo tục lệ, ngày đẹp phải vào ngày Rồng (tức ngày Thìn), tháng Giêng. Và ngày 10/1(âm lịch) vừa qua đã được chọn.

Lễ vật để cúng thần rừng gồm có một con lợn mán chừng 60kg, 6 con gà, 6 mâm xôi và 6 lít rượu. Mỗi nhà phải cử ít nhất một người ăn mặc theo trang phục cổ truyền để vào khu "rừng thiêng" của thôn để cúng. Đặc biệt, tất cả mọi người phải bỏ giày dép, chỉ được đi chân đất. Theo quan niệm của người Hà Nhì thì như vậy mới thể hiện sự tôn trọng đối với thần rừng.

Buổi sáng hôm ấy, đoàn người tay dắt lợn, tay xách lồng gà, xôi, rượu tiến vào khu rừng cấm. Đến cửa rừng, nhiều người mang củi khô đem theo nổi lửa, chọc tiết lợn, vo gạo thổi xôi.

Đúng giờ ngọ, một mâm cỗ được sắp lên gồm thịt lợn, gà, xôi, rượu đặt vào một chiếc miếu nhỏ bằng đá dâng lên thần rừng. Ông Phu Chê Vù, kiểm lâm viên của thôn thay mặt cả thôn đọc lời cúng bằng tiếng Hà Nhì, dịch ra nôm na là: "Hôm nay ngày lành tháng tốt, chúng con là người dân thôn Lao Chải có chút lễ vật mọn dâng lên thần rừng. Rừng cho nước khai ruộng bậc thang. Rừng cho nước trồng cây thảo quả. Rừng cho gỗ làm nhà, cho củi sưởi ấm mùa đông, cho mộc nhĩ, mộc hương. Rừng giúp tránh bão lũ và không gây sạt lở núi. Mong Ngài phù hộ độ trì cho thời tiết thuận hòa, mùa màng tốt tươi. Chúng con xin hứa sẽ không động vào một cái lá cây, ngọn cỏ trong khu rừng thiêng này...".

Cúng xong, mọi người xẻ thịt lợn, gà, xôi chia nhau ăn ngay tại trong rừng thiêng. Những thứ thức ăn thừa, rác đều được gói ghém cẩn thận mang ra khỏi khu rừng thiêng.

Chị Hầu Thị Mỷ, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Y Tý kể với chúng tôi. Người Hà Nhì cũng có một điều luật bất thành văn truyền từ mấy trăm năm nay để bảo vệ rừng, đó là người nào muốn xin gỗ về dựng nhà, làm vật dụng như giường tủ... đều phải xin phép kiểm lâm viên. Xin bao nhiêu, để làm gì đều phải ghi rõ vào một tờ trình, khi kiểm lâm viên thống nhất đồng ý ký duyệt vào đó thì mới được vào rừng khai thác. Bên cạnh đó, trong tờ trình ghi xin bao nhiêu cây thì phải lấy đúng số đó, nếu lấy hơn là bị phạt.

Vẫn theo chị Mỷ, cách đây mấy năm, có một nhóm lâm tặc ở dưới xuôi mò lên đây định "kiếm ăn". Bọn chúng mang cưa máy, xe tải rồi lập lều lán nhăm nhe định "xẻ thịt" rừng già Y Tý. Thế nhưng chúng vừa động vào một thân cây liền bị kiểm lâm viên tổ chức cùng Công an xã, người dân địa phương bao vây bắt giữ, giải lên Công an huyện xử lý.

Phu Chê Sa nhớ lại. Có lần một nhóm người từ Lai Châu kéo sang đây. Lúc đầu, bọn chúng tỏ ra rất tử tế, nhận Sa làm... anh em kết nghĩa. Thế rồi thỉnh thoảng chúng lại mời rượu thịt. Một đêm nọ, chúng chuốc cho mấy kiểm lâm viên say túy lúy, rồi hò nhau vác cưa máy ra xẻ thịt rừng. Không may cho chúng là nhân dân kịp thời phát hiện, dùng cuốc thuổng gậy gộc đuổi đánh khiến chúng phải cuốn xéo khỏi đất này.

Cứ như thế, rừng già Y Tý được bảo vệ qua bao đời nay. Nó đã và đang trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Bát Xát nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung

Minh Tiến - Thanh Ngọc
.
.
.