Bí đỏ rớt giá, nông dân rớt nước mắt

Thứ Tư, 31/05/2017, 09:41
Mặc dù đã gần vào cuối vụ thu hoạch, nhưng bí đỏ rớt giá thê thảm, chỉ còn từ 300 đến 700 đồng/kg. Bên cạnh đó, thương lái liên tục ép giá, thậm chí không còn mặn mà với việc thu mua khiến hàng trăm nông dân tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk rơi vào cảnh nợ nần chồng chất…


Những ngày này, đi dọc theo tuyến đường dẫn vào xã Cư Yang, huyện Ea Kar, hai bên đường là những đống bí đỏ được người dân chất cao ngất ngưởng, phủ bạt chờ người đến mua. Bên cạnh đó là những gương mặt phờ phạc, đầy vẻ lo âu của những người nông dân trồng bí.

Ngồi buồn bã bên đống bí đỏ phủ bạt ven đường, chị Phạm Thị Phương (trú xã Cư Yang) cho biết, năm ngoái giá bí đỏ được thương lái thu mua từ 7.000 - 9.000 đồng/kg nên người trồng thu lãi lớn. Đầu năm nay, chị đã hùn tiền với một số anh em thuê đất trồng tổng cộng gần 10ha bí mong kiếm lời.

Bí đỏ để chất đống dẫn đến thối rữa, hư hỏng vì không có người đến mua.

“Bí ra trái đều, ai cũng mừng. Chúng tôi mới hái được hơn 4ha đã thu trên 20 tấn, tưởng trúng lớn, ai dè giá bí rớt thê thảm. Vào đầu vụ, thương lái mua với giá trên 2.000đ, đến nay chỉ còn 300 - 700 đồng/kg. Với giá này, người trồng bí thu không đủ chi nói chi lời lãi”, chị Phương lo lắng.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Thành (trú tại Nông trường 717, xã Cư Yang) mùa vụ năm nay gia đình ông trồng 3ha bí đỏ. Đến nay, ông Thành đã thu hoạch được khoảng 10 tấn bí nhưng chỉ thu về chưa được 10 triệu đồng. Nếu chỉ tính riêng số tiền vay mượn để gieo trồng bí, gia đình ông đã phải chịu lỗ cả chục triệu đồng.

“Năm ngoái, giá bí ở vào khoảng 6.000 đồng/kg thì mỗi một hecta tôi lãi được gần 20 triệu đồng. Nhưng năm nay, với tình hình giá cả như thế này thì phải chịu lỗ khá lớn. Số bí còn lại, gia đình tôi đành chẻ làm đôi, lấy hạt bán, vớt vát được đồng nào hay đồng đó, còn phần thịt bí đành phải vứt đi”, ông Thành bày tỏ.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar, mùa vụ năm nay trên địa bàn đã có hàng ngàn hecta bí được người dân đầu tư trồng. Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến diện tích bí tăng đột biến là do mùa năm ngoái, thương lái thu mua với giá rất cao, từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg.

Vì vậy, nhiều người dân đã đổ xô đi trồng bí, thậm chí vay tiền nóng với lãi suất cao để đầu tư trồng. Nhiều diện tích đất trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều… cũng được người dân tận dụng để trồng xen.

Thế nhưng, khi bí chuẩn bị được thu hoạch, thì các thương lái lại đẩy giá bí thu mua xuống chỉ còn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và đến thời điểm thu hoạch rộ thì chỉ còn khoảng 700 đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã rơi vào tình thế lao đao.

Giá bí đỏ xuống thấp không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con nông dân, mà còn tác động trực tiếp đến những thương lái nhỏ lẻ tại địa phương. Chị Lê Thị Hoa, chủ một cơ sở thu mua nông sản tại huyện Ea Kar cho biết, từ đầu mùa, cơ sở của chị thu mua gần 10 tấn bí đỏ với giá 2.000 đồng/kg để bán lại cho các thương lái từ nơi khác đến mua. Tuy nhiên, do thương lái yêu cầu trọng lượng quả bí phải lớn (trên 4kg/quả) thì mới đạt yêu cầu.

“Ngoài yêu cầu về trọng lượng, họ còn thu lại với giá rẻ mạt nên cơ sở tôi không thể bán được hàng. Sau hai chuyến hàng, cơ sở tôi đã phải chịu lỗ cả chục triệu đồng. Do vậy, đến nay buộc phải dừng thu mua bí của người dân”, chị Hoa cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ea Kar lại cho rằng, điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá” đã lặp đi lặp lại nhiều lần, bài học thì nhan nhản nhưng nói mãi người dân vẫn vấp.

“Lãnh đạo huyện không định hướng và khuyến khích mở rộng diện tích cây bí đỏ, vậy mà diện tích trồng năm nay trên địa bàn tăng trên 1.000ha, gần gấp đôi năm ngoái. Nhiều nông dân hễ thấy năm trước có lãi là năm sau tự phát trồng nhiều hơn, vì thế rủi ro là điều khó tránh khỏi”, ông Cư khuyến cáo.

Nhiều bạn trẻ kêu gọi “giải cứu” bí đỏ cho nông dân

Gần một tuần qua, nhiều bạn trẻ trên địa bàn các tỉnh như: Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, TP Buôn Ma Thuột… đã chung ta kêu gọi “giải cứu” bí đỏ cho người nông dân ở Đắk Lắk. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, đã có hàng chục địa điểm được các bạn trẻ mở bán bí đỏ như: Cư xá 109 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận; 203 Chu Văn An, quận Bình Thạnh; 294 Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp; chung cư Võ Đình, quận 12… Ngoài ra, tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bí đỏ cũng được mở bán tại 68 Nguyễn Tất Thành, thị trấn Ea Kar; 68 Điện Biên Phủ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa…

Văn Thành
.
.
.