Bí ẩn ở chùa Đất Sét

Thứ Ba, 24/05/2005, 08:56

Sóc Trăng là "đất của chùa chiền" song, hầu hết đều là chùa Khmer. Nhưng cũng tại đó, có một ngôi chùa rất đặc biệt. Đó là chùa Đất Sét (tên chữ Bửu Sơn Tự), tọa lạc ở phường 5, thị xã Sóc Trăng. Một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ, bình dị nhưng lại mang những nét độc đáo đặc sắc, có thể nói là "độc nhất vô nhị".

Thường đã gọi là chùa thì phải có tăng ni, phật tử... nhưng ở đây thì chỉ có một ông già 87 tuổi - ông Ngô Kim Giản - và mấy người con ngày ngày lo chuyện khói nhang thờ tự. Ông cho biết, chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII. Thoạt đầu chỉ là một cái đền, được cất lên để thờ Phật tại gia. Trải bao mưa nắng hư hại, mục nát nên năm 1928, ông Ngô Kim Tòng (1909 - 1970) khi ấy là trụ trì đời thứ tư của chùa, đã thực hiện ý tưởng dùng chất liệu đất sét tại chỗ để “dựng lại” ngôi chùa. Ông đã ròng rã sáng tạo trong suốt 42 năm trời để tạc cột, kèo, phù điêu, tượng Phật và các ngôi tháp... thờ cúng trong chùa.

Hai công trình lớn phải kể đến là hai ngôi tháp: Đa Bảo và Bảo Tòa. Tháp Bảo Tòa cao khoảng 2m, thân hình bát giác,  tượng trưng cho Bát Quái trong Kinh Dịch.  Trên cùng của tháp là một tòa sen nghìn cánh. Ở mỗi cánh sen có một tượng Phật ngự. Tháp Đa Bảo cao khoảng 4,5m, 13 tầng, mỗi tầng 16 cửa, trên mỗi cạnh tháp đều có trang trí những hình rồng. Ở mỗi cửa tháp đều có một tượng Phật. Toàn bộ ngôi tháp có cả thảy 208 cửa và tương ứng có 208 vị Phật. Ông Giản giải thích, sở dĩ có những con số như vậy là do tháp được xây dựa theo nội dung của bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Ngoài ra, 24 cây cột chống toàn bộ mái nhà, có lõi bằng gỗ, cũng được đắp thêm lớp da thịt bên ngoài là các con rồng tạc bằng đất sét.

Ngoài hai ngôi tháp, trong chùa còn có một cây đèn, gọi là Lục Long Đăng và nhiều đỉnh, lư hương lớn, nhỏ; cùng với hàng ngàn bức tượng Phật (người ta đã thống kê được toàn bộ ngôi chùa có 1.991 tượng Phật) cùng các con linh thú như Long Mã, Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Hổ, Bạch Tượng..., tất thảy đều được làm nên từ độc một chất liệu là... đất sét. Theo lời kể, ông Ngô Kim Tòng đã dùng đất sét phơi khô, rồi đập nhỏ, giã thành bột, rây bỏ tạp chất, đem nhào với một loại “keo” đặc biệt - gồm bột hương (nhang) và ô dước - để tạo thành nguyên liệu. Sau khi tạo tác xong, tất cả các sản phẩm đều được phủ lên một lớp nước sơn bằng kim nhũ và dầu bóng nên trông chúng không khác gì được làm bằng chất liệu đồng.

Một điểm độc đáo khác, trong chùa còn có 4 cặp bạch lạp (nến) khổng lồ. Cặp nhỏ nhất cao khoảng 1,3m, đường kính  0,5m, nặng chừng 100kg. Ba cặp còn lại kích cỡ bằng nhau, mỗi cây cao 2,6m, vừa một vòng tay người ôm và nặng trên 200kg. Sáp để đúc đèn là sáp còn nguyên khối, được mua tận bên Pháp. Ban đầu, ông Tòng làm giàn giáo, rồi dùng hai tấm tôn lợp nhà quấn lại tạo hình ống. Sáp nấu chảy ra đến một độ nóng cần thiết được rót từ từ vào. Sau một tháng, sáp thiệt khô, ông  mới dỡ bỏ khuôn và đem những con rồng bằng đất trang trí xung quanh. Mỗi cặp nến lớn có thể đốt cháy đến 70 năm. Năm 1970, khi nghệ nhân Ngô Kim Tòng qua đời, cặp đèn nhỏ nhất đã được thắp lên. Và nó cứ cháy suốt từ đó đến nay, tính ra đã hơn 30 năm. “Dự kiến nó sẽ còn cháy được thêm hai năm nữa" - ông Giản nói.

Một nỗi buồn “không nói ra thì không ai biết”

Như đã nói, chùa Đất Sét chỉ là một ngôi chùa “tư nhân”. Anh em ông Ngô Kim Tòng là những cư sĩ tại gia nên chùa được tự lập nên mà chẳng có tăng ni, phật tử giúp sức. Chùa tồn tại bằng cách tự tu, tự tạo và cả... tự túc nữa. Ruộng nương, gia đình anh em ông tự lo cày cấy để lấy tiền đó mà tu bổ chùa và nhang khói tôn thờ Phật.

Chùa có những cái “lạ” mà nhiều nơi khác không có. Ở nhiều ngôi chùa khác, khách đến viếng, tự ý thức phải biết cởi dép để bên ngoài. Còn đến đây, nhiều người cứ luông tuồng lôi tất tần tật vào trong điện. Nhưng hãy cứ tự nhiên, bởi chủ nhà vẫn sẽ nhẫn nại quét tước dọn dẹp. Họ bảo “không thành vấn đề”. Dù nếu nhìn ở một khía cạnh khác, điều đó có nghĩa là đối với chốn linh thiêng này, không ít người đã thiếu một sự tôn trọng cần thiết.

Điều làm cho ông Giản buồn hơn là nhiều hình tượng thờ tự trong chùa qua nhiều năm đã lần hồi hư hại. Nó xuất phát từ chính thái độ thiếu ý thức của một bộ phận khách tham quan. Khách đến đây đủ cả nam phụ lão ấu; Tây có, ta có. Khi thì đôi ba chục người, lúc hàng trăm người, mà cũng có khi chỉ là một ông Tây, bà đầm balô đơn lẻ ghé ngang. Ông Giản biết được nhiều thứ tiếng, cả Việt, Triều Châu, Quảng Đông, Pháp, Khmer, nên ai thắc mắc gì cũng được ông giải thích cho nghe tường tận. Phần lớn khách Tây nghe giải thích cứ trầm trồ ngắm nghía bằng mắt. Trong khi đó, nhiều cô cậu thanh niên người Việt nghe giải thích rồi vẫn không tin, mà phải đưa tay sờ mó, bẻ thử coi có phải bằng đất sét thật không, mới chịu. Hậu quả là nhiều bức tượng cứ theo năm tháng mà “sứt đầu, mẻ trán”.

Dù không bề thế, nhưng chùa Đất Sét là một điểm tham quan hấp dẫn vào bậc nhất ở Sóc Trăng. Những người am hiểu đều biết rằng đến Sóc Trăng mà chưa ghé chùa Đất Sét thì cũng coi như chưa hề đến. Thế mà bao nhiêu năm tháng qua, trải bao nắng dãi mưa dầu, ngôi chùa đã hư hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chẳng thấy một cơ quan có trách nhiệm nào dòm ngó đến. Chỉ có gia chủ với thiện tâm mộ đạo vẫn phải bỏ công sức ra mà cố gắng gìn giữ. Nên chăng cần có một thái độ quan tâm đúng mức hơn (có trách nhiệm hơn!) của các ngành, các cấp liên quan để chùa Đất Sét không phải rơi vào nguy cơ “đất thì trở về với đất”

Bá Sơn - Hải Hà
.
.
.