Bí ẩn người Đàng Hạ ở Xuân Đừng

Chủ Nhật, 17/04/2005, 07:29

Ở một bán đảo cực Bắc vùng biển Khánh Hòa có một tộc người thiểu số sinh sống hàng trăm năm qua. Người ta đồn rằng, đó là tộc người chưa có trong danh sách gần sáu mươi dân tộc anh em đang sinh sống ở Việt Nam. Họ quét nhà không dùng chổi, lấy nước không cần giếng và gần biển nhưng không hề biết đánh cá...

Từ câu chuyện tình cờ nghe được trong một bữa nhậu với dân làng chài miền Trung, tôi  quyết định đi tìm sự thật. Trước khi rời phố biển Nha Trang, tôi đã liên lạc với Trung tá Trần Sự, Phó trưởng Công an huyện Vạn Ninh và được biết nơi tôi muốn đến là xóm đảo Xuân Đừng, xã Vạn Thạnh, ở đó có người Đàng Hạ(?).

Cách đây hơn một năm trở về trước, muốn đến Xuân Đừng phải mất gần ba giờ ngồi ghe máy từ bến đò Vạn Giã. Còn bây giờ đã có đường giao thông về tới trụ sở xã Vạn Thạnh, tại đó, tôi bước xuống ghe máy hơn 30 phút là Xuân Đừng hiện ra trước mắt. Từ phía biển nhìn vào, xóm nhỏ đậm nét hoang sơ buồn tẻ, nằm tựa lưng vào đồi cát và lọt thỏm giữa hai dãy núi, hiển hiện rõ nét nhất là hàng dừa xao xác trước gió và một vài phương tiện thô sơ như thúng chai, xuồng câu nhỏ bé. Từ khi con đường Cổ Mã – Đầm Môn mở ra hơn một năm nay, thỉnh thoảng mới có một ghe máy lớn trên đường đưa du khách dạo chơi Đầm Môn, nhân tiện tạt vào làng đảo Xuân Đừng.

Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Trần Việt Kỉnh ở Khánh Hòa, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu dân tộc học, xã hội học nào chứng minh và khẳng định người Đàng Hạ từ đâu đến Xuân Đừng và họ đã lưu cư ở đây từ lúc nào. Trong chuyến đi này, tôi cố công dò hỏi nhiều cán bộ địa phương và các bậc lão làng ở Vạn Thạnh, nhưng không một ai lý giải thông suốt.

Tất cả chỉ là truyền thuyết, có người kể rằng gốc gác người Đàng Hạ xưa kia là những ngư dân Indonesia trên đường hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, gặp cơn bão tố giữa khơi xa xô đẩy, trôi dạt vào những đảo nhỏ ở Vạn Thạnh. Sau nhiều ngày lang thang, họ đã tìm thấy nước ngọt ở Xuân Đừng nên dựng chòi, hái rau quả và sinh cơ lập nghiệp ở đó. Có người lại nói rằng người Đàng Hạ vốn là một nhóm người dân tộc thiểu số nào đó ở miền núi tỉnh Bình Định. Chiến tranh loạn lạc đã khiến cho họ phiêu bạt đến đây. Cũng theo ông Trần Việt Kỉnh, nguồn gốc thứ hai nghe có vẻ hợp lý hơn. Chỉ có một điều mà nhiều ý kiến đều thống nhất, đó là người Đàng Hạ đặt chân đến xóm Xuân Đừng cách đây khoảng 300 năm. Trải qua hàng trăm năm lưu cư truyền đời nhiều thế hệ, nên thoáng qua người Đàng Hạ cũng như người Kinh. Trong giấy chứng minh thư, sổ hộ khẩu, thẻ cử tri… đều xác định họ là dân tộc Kinh. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn sẽ nhận ra những nét khác biệt ở người Đàng Hạ: Dáng dấp trung bình, tóc xoăn, da đen bóng, lông mày rậm, hầu hết đều có cánh mũi cao.

Do ý tưởng mơ hồ nguồn gốc tổ tiên, nên có nhiều truyền thuyết về người Đàng Hạ, trong đó có chuyện họ Đinh, vốn là họ gốc của người Đàng Hạ. Chuyện rằng hơn 200 năm về trước, trên đường kinh lý qua vùng đất này, một vị đại thần cảm mến dân làng khi được tiếp đón chu đáo, nhưng khi hỏi nguồn gốc tộc họ thì không ai biết, nên vị đại thần đặt cho người Đàng Hạ chung một họ Đinh. Đến nay xóm Xuân Đừng đã có thêm họ Nguyễn, họ Trần.

Gọi là xóm, nhưng hiện tại ở Xuân Đừng chỉ có 10 hộ gia đình, 42 nhân khẩu thường trú. Người Đàng Hạ tôi gặp đầu tiên là cậu bé Minh, 16 tuổi. Khi ghe chúng tôi cách bờ vài chục mét, Minh đẩy chiếc bè tre cập sát ghe để đưa tôi vào bằng cách rút ngắn sợi dây nối với cọc tre đóng sát mép nước. Vào bờ, tôi tìm gặp trưởng xóm Đinh Văn Năm – cựu chiến binh duy nhất ở Xuân Đừng được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì. Ở tuổi 68, vẫn còn rắn chắc, ông Năm kể :“Ông bà tôi sống ở đây từ xa xưa, trong chiến tranh Xuân Đừng là căn cứ kháng chiến, nên thời chống Mỹ, bọn giặc xua đuổi bà con tản mạn nhiều nơi. Lúc đó tôi thoát ly tham gia cách mạng ở huyện rồi lên tỉnh, sau ngày giải phóng tôi về lại xóm này tiếp tục mưu sinh”.

Có lẽ ngoài sự hào phóng của thiên nhiên biển, núi, khí trời trong lành, người Đàng Hạ còn thiếu thốn rất nhiều. Cách đây 6 năm trở về trước, nhà ở của họ mái lá, cây săn; công cụ sản xuất chỉ là chiếc rựa, vài thước dây câu cá và dăm ba mảnh lưới. Họ lên núi chặt củi, đốt than, đào khoai, bẫy thú hay xuống biển lặn bắt sò, ốc để sinh sống. Cả làng mù chữ, không ai biết tivi, đài, báo, nên đời sống sinh hoạt hoang sơ, buồn tẻ và lạc hậu. Dẫu vậy, người Đàng Hạ vẫn có những nét riêng rất lạ và độc đáo, đó là chuyện “dọn vệ sinh” sân vườn và lấy nước ngọt. Ngoài việc quét dọn bằng chổi cọng dừa, họ xúc cát đổ vào sàn tre để lọc… rác, nên sân vườn lúc nào cũng sạch. Mỗi khi con nước thủy triều rút xuống, họ ra sát mép nước biển đào một hố sâu chừng vài tấc là có nước ngọt tha hồ sử dụng, một vài nhà đã có giếng đào nhưng chỉ dùng khi thủy triều lên và để tưới cây.

Người Đàng Hạ có truyền thuyết về nước ngọt rằng, thời xa lắc có vị tướng cùng nhóm binh lính thất trận, dạt vào Xuân Đừng. Khi lương thực, nước uống cạn kiệt, vị tướng lập đàn cầu khẩn thần linh. Quả nhiên từ phía biển một loài cá kéo vào bờ để quân lính bắt ăn, mấy hố nhỏ đào bên mép biển bỗng dưng có nước ngọt. Đến lúc vinh danh, vị tướng nọ truyền lệnh miễn thuế vĩnh viễn cho dân ở đó, và từ đó nguồn nước “trời ban” mang lại sự sinh tồn cho người Đàng Hạ. Phải chăng truyền thuyết về những vị đại thần, tướng quân đã khiến cho người Đàng Hạ lập miếu thờ ở phía tây bắc xóm Xuân Đừng và hằng năm đến ngày 18 tháng 3 âm lịch tổ chức cúng bái, cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển lặng, trời êm, được mùa tôm cá (?).

Từ trụ sở xã Vạn Thạnh có thể đi bộ vòng vèo qua nhiều đồi, núi cát để đến Xuân Đừng, xưa kia không có ghe xuồng, lâu lâu một nhóm người Đàng Hạ đi bộ gần hai giờ vào bán đảo Đầm Môn để mua gạo, mắm, áo quần gùi về. Anh Trương Thái Hùng – Chủ tịch xã Vạn Thạnh cho biết: “Năm 1999, chính quyền huyện Vạn Ninh triển khai biện pháp truy chặn nạn hái củi, đốt than, và đã quy hoạch khu tái định cư cho người Đàng Hạ ở Xóm Mới, để họ gần gũi, hòa nhập cuộc sống chung đang ngày càng phát triển. Nhưng không ai chịu đi, có người bảo “Vào trong đó biết làm gì để sinh sống”. Kết cục, Nhà nước phải xây dựng bảy ngôi nhà vách gạch, mái tôn, cấp mỗi hộ ba sào đất vườn, một lồng nuôi tôm và được vay vốn xóa đói giảm nghèo, nuôi trồng thủy sản. 6 năm nay xã đã xây hai phòng học để CBCS Đồn biên phòng 358 tham gia xóa nạn mù chữ cho trẻ em. Nhờ đó, cậu bé Minh mà tôi gặp đầu tiên đã học hết lớp 3 và cũng là một trong vài đứa trẻ có “học vấn” cao nhất xóm!

Đi dạo một vòng quanh xóm, tôi mới nhận ra rằng giữa thời đại bùng nổ thông tin, nhưng xóm Xuân Đừng vẫn còn thiếu thốn quá nhiều. Cuộc sống người Đàng Hạ dù có đổi thay đôi chút, nhưng vẫn còn cách biệt khá xa so với nhiều xóm làng khác. Hiện tại cả làng chỉ có hơn mười chiếc ghe nhỏ đánh lưới gần bờ, được gì hay nấy, vườn điều mới trồng vài năm nay không đáng kể. Ngoài bảy ngôi nhà do huyện đầu tư xây dựng, có thêm mấy ngôi nhà tạm bợ của con cháu trong xóm ra riêng.

Xuân Đừng còn nhiều cái không: Không có giáo viên, y tá, cộng tác viên dân số tại chỗ. Sinh đẻ, đau ốm, thậm chí muốn mua viên thuốc cảm đều phải… vào bờ. Không có điện. Không có phương tiện nghe, nhìn, nên người dân dự báo thời tiết “tầm nhìn gần” bằng… cảm quan! Nói đúng hơn khi chúng tôi đến Xuân Đừng, nhà ông Nguyễn Bảy mới xin được của người thân ở phố huyện một chiếc tivi trắng đen, nhưng… không xài được, vì cả máy lẫn ắc quy đều trục trặc. Mấy tuần nay, người Đàng Hạ đang háo hức niềm vui khi đường điện Nhà nước đầu tư xây lắp gần ba trăm triệu đồng đang thi công, mỗi nhà sẽ được cấp đồng hồ đếm điện và bóng đèn. Ước mơ nguồn điện thắp sáng đang đến gần, nhưng khi chia tay những người Đàng Hạ, tôi biết họ vẫn đọc được trong ánh mắt họ khát vọng đổi mới đời sống vật chất và tinh thần. Và tôi nhớ mãi câu nói chân quê của cô gái Đinh Thị Hoa “Vài bữa có điện, ước gì cả xóm mình có một cái tivi để coi ”

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.