Bệnh xá anh hùng của một thời bom đạn

Chủ Nhật, 01/05/2016, 15:33
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm gặp được những nhân chứng lịch sử - những cán bộ y tế Công an đầu tiên gây dựng nên Bệnh xá Ban An ninh Trung ương (ANTW) Cục: Đại tá - bác sĩ Dương Văn Hiếu (tự Hai Nhỏ), và Trung tá - dược sĩ Hà Quang Trung.


Đại tá Hai Nhỏ cho biết: ông vào ngành Công an từ năm 1950.  Năm 1952, ông được học Y sĩ,  năm 1954 được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Sau  Hiệp định Geneve, hoạt động công an đi vào bí mật, nguy hiểm, nhiều anh em bị thương. Lúc đó, Ban ANTW Cục mới có một mình y sĩ Hai Nhỏ. Thấy ông cứ lội bộ tới các đơn vị chăm sóc anh em, lãnh đạo Ban ANTW Cục quyết định thành lập Bệnh xá Ban ANTW Cục miền Nam vào ngày 6-8-1962.

Ban đầu chỉ là một tổ y tế gồm 3 người: 1 y sỹ, 1 y tá và 1 hộ lý.  Đồng chí Nguyễn Thanh Phong (Tư Phong) làm Trưởng bệnh xá và ông Hai Nhỏ làm Phó. Sau này, quân số của bệnh xá dần tăng lên và đã đảm trách một nhiệm vụ nặng nề trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ: Chăm sóc sức khoẻ cho thương bệnh binh của Tiểu ban An ninh vũ trang, Đoàn An ninh vũ trang 180 và hàng ngàn học viên Trường An ninh miền Nam, đồng bào địa phương… tại những nơi bệnh xá dừng chân. Sau này, bệnh xá còn có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo Ban ANTW Cục miền Nam.

Năm 1964, ông Hai Nhỏ được cử đi học lớp bác sĩ ở Ban Dân y. Năm 1969, bệnh xá có thêm bác sĩ (BS) Hai Mẫn, BS Tư Phánh từ Ban Dân y sang, BS Dương Văn Tấn, BS Năm “Mắt kiếng”, BS Tư Khởi cũng được chuyển về… Bệnh xá vừa chữa trị vừa kết hợp đào tạo tại chỗ lớp y tá tại chức. Lúc đó bệnh xá đã đảm đương được 40 bệnh nhân nội trú/ngày.

Trung tá - Dược sĩ Hà Quang Trung kể: “Lúc đó tôi được cử giữ kho thuốc, tôi lo quá vì mình học còn chưa hết tiểu học. Anh Hai Nhỏ ra lệnh: “Mỗi ngày cứ học cho thuộc, viết cho được chính xác một tên thuốc”. Từ tên thuốc tiếng Việt như “Ký ninh” đến tên thuốc tiếng Pháp, tiếng Anh là vô cùng khó. Ngày tiếp nhận kho thuốc của Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia  Sài Gòn vào ngày giải phóng (nay là Bệnh viện 30/4), Trưởng kho Dược ở đây nhìn ông tỏ ý coi thường, nói: “Không biết ông có đủ khả năng làm việc này không!”.

Ông ta không hề biết rằng, khối lượng thuốc của Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia  lúc đó  chỉ bằng 1/3 số lượng và các chủng loại thuốc ông Trung quản lý trong Ban ANTW Cục, nhất là giai đoạn sát chiến dịch Hồ Chí Minh, lượng thuốc viện trợ, thuốc từ phía Bắc gửi vào là rất lớn.

Khu vực nơi trú đóng của căn cứ TW Cục, do sự oanh tạc của quân thù mà phải di chuyển rất nhiều, có khi phải lánh sang bên đất bạn Campuchia, cơ sở vật chất rất khó khăn. Cái khổ của y tế trong kháng chiến là thiếu thuốc, thiếu vật tư…

Tổ Dược lúc đó có 7 người, thiếu thuốc tây, phải tận dụng cây thuốc nam. Thời gian đầu, một mình một túi đeo trên vai, ông Hai Nhỏ vào rừng sâu, trèo lên những thân cây to cả vài người ôm, cố lấy cho được những nhánh dây Hoàng Đằng (thay thế thuốc Ký ninh). Ông kể, có lúc tưởng “đứt bóng”. Bám, trèo được lên đã bở hơi tai (vì chỉ ăn rau tàu bay thay cơm), hái dây Thường Sơn, sống bò trên thân cây, hay lấy tổ yến, tổ rồng để trị sỏi thận phải trèo lên tận nơi.

Có lần trèo được lên, với được nắm lá thuốc, chưa kịp thở, tay bám thân cây hết chịu nổi, tuột tay, trượt dài từ trên xuống, tưởng chết. Có những lúc đồng chí mình bị cơn sốt rét hành hạ không biết gì. Có người cứ ôm y sĩ Hai mà nói: “Đừng bỏ em nha anh Hai”. Ôm nhìn đồng đội mà rớt nước mắt, ông Hai nói: “Bây ráng uống thuốc đi. Tao còn thì bây còn”. Nhìn đồng đội bị sốt rét mà thương quá, tổ y tế phân công nhau, tranh thủ vào rừng, xuống suối bắt được con cá, con tôm, đặt bẫy con nhím, con chuột làm thịt nấu cháo để bồi dưỡng cho anh em chóng khỏi bệnh. Khó khăn cực khổ như vậy nhưng không có ai đào ngũ, bỏ đồng đội mà ra đi.

Còn có rất nhiều những câu chuyện thấm đẫm tình người, tình đồng chí ở bệnh xá ấy. Đó là những khi trên trời thì máy bay địch quần đảo, nhưng ngay trên miệng hầm (hầm phẫu thuật dã chiến) là 2 y tá còng lưng đạp xe đạp để lấy ánh sáng phẫu thuật cho thương binh. Bên dưới hầm, người giăng ni lông tránh máy bay địch phát hiện, người lo gây mê, người mổ cho bệnh nhân. Có bệnh nhân bị thương đứt động mạch cảnh, không ngại ngần, chính những BS đang phẫu thuật, chìa tay, ra lệnh: Lấy máu tôi đi!…

Ông Hà Quang Trung và ông Hai Nhỏ (bìa phải).

Nhắc lại đồng đội của mình, Trung tá Hà Quang Trung vẫn còn nhớ như in tên từng người, ông kể: “Bảy đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. 5 người đã được qui tập hài cốt, còn 2 người vẫn “lạc” đâu mất! Cứ vào ngày lễ 30-4 này chúng tôi trở lại căn cứ năm xưa, mua vài trái cam, quít, thắp cho họ nén nhang…”.

Trong đoàn quân từ căn cứ trở về giải phóng Sài Gòn lúc đó có cả những cán bộ An ninh mặc áo blue trắng của Bệnh xá Ban ANTW Cục miền Nam. Chia thành từng đợt, đoàn đi tiên phong, anh em hay nói đùa “Mặc quần áo đẹp, rửa chân chuẩn bị lên bàn thờ”. Hy sinh, mất mát, không nói trước được điều gì!... Và trưa ngày 1/5/1975, ngay khi có lệnh mới, thì các CBCS Bệnh xá Ban ANTW Cục đã thực hiện ngay việc tiếp quản và vận hành Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia  Sài Gòn, nay là  Bệnh viện 30/4, Bộ Công an.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, CBCS bệnh xá đã đào hơn 4.000m giao thông hào, trên 500 hầm trú ẩn tránh bom, xây dựng gần 4.000m2 nhà cửa, đặc biệt là đào trên 1.000m2 đất, xây dựng 6 hầm phẫu thuật dã chiến đảm bảo mọi tình huống cứu chữa thương bệnh binh. Khó có thể diễn tả được mồ hôi, công sức và cả xương máu họ đã đổ, đã làm nên những kỳ tích còn sống mãi. Với những thành tích đóng góp của Bệnh xá Ban ANTW Cục với ngành Y tế Công an nhân dân, năm 2001, đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” .

Huyền Nga
.
.
.