Bến Tre: Sông ô nhiễm do mụn dừa

Thứ Năm, 30/11/2006, 15:38

Mỗi ngày có đến hàng trăm tấn mụn dừa đổ xuống sông, làm cho mặt nước trở nên xám xịt, có khi chuyển màu đen. Nhiều người dân Bến Tre đang sống ở thôn quê có thói quen sử dụng nguồn nước sông đang lo lắng trước thực trạng này.

Nghề làm chỉ sơ dừa xuất khẩu lợi nhuận cao rất nhiều lần so với nghề nông đã khiến người dân xứ dừa bỏ cả việc khác. Tại Mỏ Cày, chỉ khoảng chục năm trở lại đây, đã có hàng trăm cơ sở làm chỉ sơ dừa mọc lên, tập trung dày đặc, nhất là ven sông Thom ngang qua các xã An Thạnh, Khánh Thạnh Tân, Đa Phước Hội, Thành Thới B. Đã xuất hiện những "đại gia miệt vườn" nhờ chỉ sơ dừa.

Thế nhưng, hệ lụy từ sự phát triển ồ ạt nghề làm chỉ sơ dừa cũng đã phát sinh. Dòng nước sông Thom hiện bị ô nhiễm trầm trọng. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 500 tấn mụn dừa (thứ được thải ra trong quá trình là chỉ sơ dừa) được đổ xuống dòng sông này. Mặt nước sông Thom nhiều nơi bị bao phủ một lớp mụn dừa.

Ô nhiễm trầm trọng

Ông Ngô Văn Bình - Chủ tịch UBND xã An Thạnh nói: "Hồi trước, họ lén lút đổ mụn vào ban đêm. Giờ thì công khai giữa ban ngày. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, vận động, kiểm tra nhưng chẳng mấy kết quả. Năm 1998, khi thấy sông Thom có dấu hiệu đổi màu, tỉnh, huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra, xử phạt nhưng rồi đâu lại vào đấy".

Một người dân bức xúc: "Lâu lâu bị phạt 1 triệu đồng thì có thấm tháp gì so với lợi nhuận thu được của mấy cơ sở này. Thế nên phần lớn mụn dừa được đổ xuống… dòng sông".

"Chưa xác định được mức độ ảnh hưởng của nguồn nước đối với sức khỏe con người nhưng nguồn nước sông Thom như hiện tại quá ô nhiễm. Trước đây, chúng tôi đã làm quyết liệt trong xử lý, bắt những cơ sở đổ mụn dừa xuống sông hốt trở lên và phạt, nhưng sau đó đâu lại vào đấy và ngày càng nhiều cơ sở mọc lên ngang nhiên đổ mụn xuống sông!

Nếu căn cứ theo luật, chúng tôi đủ cơ sở để cấm các cơ sở sản xuất chỉ sơ dừa gây ô nhiễm môi trường ngưng hoạt động. Nhưng rõ ràng là rất khó vì xét kỹ lại, các cơ sở này đã giúp ngành dừa Bến Tre phát triển, người dân trồng dừa tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho  hàng ngàn lao động thu nhập ổn định" - ông Đoàn Văn Phúc - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre khẳng định.

Trông chờ vào những dự án

Ông Phan Văn Hợp - Phó trưởng Phòng Kinh tế Mỏ Cày cho biết: "Ô nhiễm do mụn dừa gây ra ở các sông của huyện Mỏ Cày đúng là một vấn đề đau đầu hiện nay không chỉ của người dân mà của lãnh đạo tỉnh, huyện. Bến Tre hiện đã có một số công ty sản xuất chất thải mụn dừa thành đất sạch xuất khẩu, nhưng công suất chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng trăm tấn mụn bỏ ra hàng ngày”.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, sau một thời gian mời gọi đầu tư xử lý vấn đề chất thải mụn dừa, hiện nay đã có 3 nhà đầu tư đến Bến Tre xúc tiến việc xây dựng nhà máy sản xuất mụn dừa thành đất sạch xuất khẩu. Cách đây chưa lâu, UBND tỉnh Bến Tre đã cấp phép cho Công ty TNHH Đất Sạch TP HCM đầu tư 2 nhà máy tại vùng sản xuất chỉ sơ dừa xã Khánh Thạnh Tân và Cụm công nghiệp An Hiệp (Châu Thành) để sản xuất đất sạch, đất sinh học, tấm ván ép từ mụn dừa.

Mới đây, tỉnh Bến Tre cũng đã cấp phép cho một nhóm 3 công ty Australia đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ từ mụn dừa. Trước đó, năm 2005, tỉnh Bến Tre cũng đã cấp giấy phép cho Công ty Covina (Hàn Quốc) về đầu tư sản xuất đất sạch, đất sinh học từ mụn dừa. Hiện công ty này đang làm thủ tục thuê 5ha đất ở Cụm công nghiệp An Hiệp để xây nhà máy.

Sáng 28/11, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre cho PV Báo CAND biết, Sở này đang liên kết với Trung tâm Môi trường của một đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ Bến Tre làm dự án xin thủ tục đầu tư xử lý nguồn mụn dừa phế thải. Trong khi chờ các dự án chính thức hoạt động, phải tăng cường công tác kiểm tra xử lý việc đổ mụn tuỳ tiện xuống sông để hạn chế ô nhiễm

Binh Huyền
.
.
.