Bát cháo từ thiện cho bệnh nhân AIDS

Thứ Sáu, 30/03/2007, 15:21
Lọt thỏm giữa những người đàn bà, chàng thanh niên với những vết xăm trổ kỳ quái khắp người đang xì xụp húp cháo. Trông anh ta thật ngoan hiền và mãn nguyện. Cái xích thô, cứng đang khóa chặt đôi chân anh phải chăng quá thừa? "Nó là phạm nhân", mẹ anh giải thích.

Tôi thoáng giật mình rồi tự nhủ, một bát cháo chưa tới 5.000đ và tấm lòng người nấu đã động viên, khích lệ rất nhiều tinh thần người bệnh. Nó giúp con người ta hướng thiện, là liều thuốc quý giá đối với những người mắc căn bệnh nan y.  

Bát cháo nóng và người tù

Hình ảnh trên chúng tôi bắt gặp lúc 7h45' ngày 27/3 tại Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội, nơi đang điều trị cho hàng trăm bệnh nhân AIDS.

Hình ảnh này thường bắt gặp vào 7h30' - 8h sáng hàng ngày tại đây. Những bát cháo thịt nóng hổi, nhừ tơi, ngọt lịm được đưa đến tận tay bệnh nhân đúng giờ và đều đặn. Bất kể bệnh nhân là ai: Một người tứ cố vô thân, một phạm nhân, người bị gia đình từ bỏ, kẻ vật vạ ngoài đường bị Công an gom… khi nằm ở đây đều được tặng cháo.

Mà cái cách tặng cháo ở nơi này cũng thật đặc biệt, nó khiến người nhận thấy được tôn trọng. Nếu người bệnh quá yếu, không thể tự ăn được, họ còn được người cho cháo bón từng thìa. Ân cần và chu đáo, đó là cảm nhận của hầu hết người bệnh và người nhà khi nói về những người làm từ thiện tại đây.

"Các chị là ai?", mẹ phạm nhân H. hỏi. Chị Đào Phương Thanh, người phụ nữ có vẻ đẹp sang trọng chỉ cười và hỏi: "Bác thấy nhân viên của cháu làm việc có tận tình chu đáo không?". "Các cô, các chú ấy nhẹ nhàng và tình cảm lắm", mẹ phạm nhân H. nói.

"Chẳng có người mẹ nào muốn con mình mắc bệnh, gây tội. Nhưng em nó trót hư, lại mắc bệnh AIDS nên bị người xung quanh khinh ghét, kỳ thị. Là mẹ, tôi khổ tâm lắm", người mẹ già của phạm nhân H. bộc bạch.

Nghe mẹ nói, H. ngồi im lắng nghe. Không biết có phải anh đang ân hận vì đã làm khổ bố mẹ, khổ mấy anh Cảnh sát trại giam phải theo vào bệnh viện để canh giữ hay đang tự hỏi những người không giới thiệu tên tuổi, không đòi hỏi tiền bạc tại sao lại tốt với mình như thế.

Mang án 5 năm tù, mới thi hành án được 1 năm 3 tháng nhưng đây là lần thứ 3 H. vào viện. Căn bệnh AIDS giai đoạn cuối khiến các bệnh cơ hội thay nhau phát triển. Ai dám tiếp xúc với một người tù, mà người đó đang bị căn bệnh nan y làm cho kiệt quệ, ghẻ lở? Chỉ có những người coi tù, những cán bộ y tế và người thân.

Thế mà có những người không thân thích, không ruột rà máu mủ tình nguyện chăm sóc, trò chuyện. Có mơ không? Là thực. Lần đầu tiên, H. ngạc nhiên lắm. Lúc đó, mẹ anh chưa biết tin con được chuyển từ trại Hoả Lò ra điều trị ở bệnh viện thì làm gì có chuyện gia đình cắt cử người vào chăm nom.

Thế mà sáng ra, một cô gái có khuôn mặt thanh tú bê cháo đến tận giường. Thấy anh không có người thân ở bên, cô còn chủ động trò chuyện. Cũng đôi khi, người ta nghi ngờ lòng tốt nên H. vẫn giữ vẻ lạnh lùng.

Sáng hôm sau, rồi hôm sau nữa, cứ đúng 7h30' lại có những người đi phát cháo miễn phí đến từng giường bệnh. Không chỉ có phạm nhân mới được đối xử như vậy đâu, tất cả mọi bệnh nhân ở đây đều được đón nhận những tình cảm như thế.

Một người gây bao tội lỗi cho cha mẹ, cho xã hội và bị tước đoạt quyền công dân lại được đối xử bình đẳng. Tự đáy lòng, H. biết ơn họ sâu sắc. Đặc biệt, khi biết họ là những người cũng mang căn bệnh HIV/AIDS, H. thán phục vô cùng. Họ đang sống có ích. Nếu có cơ hội được làm lại, anh sẽ cố như họ. Sẽ đem đến sự ấm áp cho những người cùng cảnh.   

Một người vì mọi người

Từ tháng 10/2004 đến nay, bát cháo từ thiện vẫn đều đặn phát cho bệnh nhân AIDS đang điều trị ở Bệnh viện Đống Đa, hôm nào cũng nóng hổi và ngọt ngào. Nó giúp người bệnh đủ no, đủ chất dinh dưỡng và cao hơn, nó cho họ liều thuốc tinh thần vô giá.

Những người thực hiện công việc đầy tình nghĩa không ai khác, họ chính là thành viên nhóm Hoa Sữa. Cùng cảnh ngộ, họ hiểu hơn ai hết những trạng thái tâm lý, thiệt thòi tình cảm cũng như đau đớn về thể xác mà người bệnh AIDS phải gánh chịu.

Không phí hoài thời gian và sức lực, họ đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là những người cùng mắc bệnh. Họ tìm đến nhau, nâng đỡ nhau vượt qua đớn đau bệnh tật. Cùng nhau tìm sự an lành trong cuộc sống.

Cách đây một tuần, chồng chị Vân Anh vẫn đến bệnh viện đưa cháo cho bệnh nhân AIDS bởi anh là một thành viên của nhóm. Vậy mà hôm nay, anh đang miên man trên giường bệnh. Không biết những bệnh nhân đang nằm bên kia có nhận ra anh, người đàn ông mới ngày nào đến bên giường họ ân cần hỏi han và động viên họ cố ăn hết bát cháo.

Anh đã gắng gượng đến hơi sức cuối cùng và hôm nay, anh cũng được tặng một suất cháo. Nhưng anh không ăn được, anh đang mê man bởi căn bệnh lao não. Bên giường bệnh, ngoài người vợ thủy chung, người may mắn không bị anh truyền cho căn bệnh nan y vẫn ân cần chăm sóc.

Cùng với chị, lúc nào cũng có thành viên của nhóm thay nhau túc trực. Ngoài giúp đỡ người ngoài, các thành viên của nhóm còn tuân thủ nguyên tắc giúp đỡ lẫn nhau. Có họ ở bên, chị Vân Anh vơi đi nỗi vất vả và sự bất an tinh thần.

Nguyễn Thành T., thành viên nhóm cho chúng tôi biết, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ cậu thấy mình sống có ích. Nhóm có gần 60 người, khi nào cần ới một tiếng là tất cả tụ tập đông đủ. Bình thường chỉ hơn 10 thành viên nòng cốt hoạt động trong 4 tổ: Tổ cháo, tổ rửa xe, tổ nhặt bơm kim tiêm, tổ chăm sóc. Chỉ cần nhìn qua cách phân công cũng đủ hình dung công việc của nhóm.

Không chỉ góp phần chăm sóc người bệnh, nhóm còn tạo kinh phí bằng lao động. Đặc biệt, họ còn ngăn ngừa nguy cơ lây lan cho cộng đồng khi cắt cử người nhặt bơm kim tiêm ở các tụ điểm. Chúng tôi còn được biết, để nồi cháo thêm một ít thịt, thêm vị ngọt, những thành viên nòng cốt còn trích lại 10% trong số 300.000đ/tháng tiền phụ cấp của mình.

Chỉ có mặt trong một buổi sáng ở Bệnh viện Đống Đa, chứng kiến giờ phút những người bệnh AIDS trao nhau lòng nhân ái, chúng tôi cảm phục họ và ước ao, có thật nhiều người chắp nối yêu thương như họ

Hồng - Hương
.
.
.