Bạo hành gia đình

Thứ Năm, 27/07/2006, 08:11

Người chồng trí thức đã ngấm ngầm dùng ớt để xát vào trang phục lót của vợ (mà là ớt  vàng cho vợ khỏi phát hiện ra), khiến chị vợ mặc vào thì nhảy lên la oai oái. Mãi sau, người vợ mới biết đó là hành vi trả thù của chồng.

Chúng tôi xin bắt đầu bài viết này bằng một chương trình mới phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam cách đây chưa.

1.001 kiểu bạo hành

Người đàn ông là Dương Đình Khanh, 46 tuổi, trú tại tổ 12, Thủy Công 2, phường Tân Thịnh, thị xã Hòa Bình. Vốn sinh ra ở Hà Tây, nhưng Khanh lên Hòa Bình làm công nhân từ khi nhà máy bắt đầu xây dựng. Ở công trường này, anh ta đã gặp và yêu chị Dương Thị Cánh cũng là công nhân của nhà máy.

Cuộc sống của gia đình họ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như sau khi nghỉ chế độ ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, vợ chồng Khanh quay sang kiếm sống bằng nghề kinh doanh và giết mổ lợn. Sau khi giết mổ, Khanh lại mua một cút rượu về uống với lòng lợn tiết canh, món khoái khẩu của anh ta.

Buồn thay, mỗi lần như thế, Khanh lại lớn tiếng chửi tất cả mọi người. Chửi vợ con chán, Khanh chửi cả hàng xóm. Sống với một người chồng vũ phu và nát rượu, người phải chịu đau khổ nhiều nhất chính là chị Cánh. Chị thường xuyên bị chồng đánh đập và chửi bới. Khi được tin mẹ mất, chị Cánh chuẩn bị đồ đạc, quần áo về quê thì bị Khanh cản đường. Khanh nói: “Mày phải bán hết số hàng ở ngoài chợ rồi mới được về”, đồng thời anh ta còn tạt tai, đá đít khiến chị phải sang nhờ hàng xóm lấy hộ quần áo rồi bắt xe về quê.

Khanh biết mẹ vợ mất đã không chia sẻ cùng vợ mà khi về quê, anh ta còn lớn tiếng chửi mắng các anh chị em vợ. Không thể để em gái mình tiếp tục chịu cảnh bị chồng hành hạ, chị ruột của chị Cánh đã làm đơn gửi lên các phương tiện thông tin đại chúng và Chương trình “Người xây tổ ấm” của Đài Truyền hình Việt Nam. Người phụ trách của chương trình đã về gặp chị và ghi lại toàn bộ nỗi bức xúc trên làm phóng sự cho chương trình. Sau khi chương trình này phát sóng, anh chồng đã bị Công an phường gọi lên làm kiểm điểm răn đe, giáo dục về tội đánh vợ.

PV ANTG  trao đổi với ông Khanh.

Trường hợp chị Nguyễn Thị H. kết hôn với anh Nguyễn Tân H. ở một phường trung tâm của TP Thái Nguyên là một ví dụ. Sau khi kết hôn, hai người bắt đầu có những mâu thuẫn nho nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên cách “nói chuyện” của anh H. là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, không ít lần chị phải đi làm với gương mặt tím bầm.

Giáp tết, H. đã đánh vợ hộc máu mồm, máu mũi. Sau trận đòn vô cớ này, không chịu được, chị H. bế con về nhà mẹ đẻ. Được thể, anh H uống rượu và đến nhà bố vợ. Biết vợ đang trực ở bệnh viện, H. xách dao phay đến để “nói chuyện”. Không cho vợ kịp thanh minh, anh ta chém tới tấp khiến chị bị thương nặng.

Cũng mới đây, Chuyên đề ANTG nhận được đơn kêu cứu của một chị là giáo viên trường THCS ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Trong đơn chị trình bày chồng chị là ông K., 54 tuổi, cán bộ một cơ quan bảo vệ pháp luật ở TP Hải Phòng đã chung sống như vợ chồng với một cô gái tên là H. ở thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa, huyện Kinh Thành, Hải Dương và đã có một con gái 2 tuổi. Sự việc xảy ra đã lâu, song ông K. đã uy hiếp vợ con không cho chị báo cáo việc này với cơ quan ông ta. Cùng với người tình, ông K. đã khủng bố tinh thần vợ nhằm ép buộc chị phải viết đơn ly hôn.

Được biết, khi xảy ra sự việc trên, cơ quan ông Khanh đã gọi ông lên khuyên bảo, giáo dục. Thế nhưng, ông K. đã không “cải tà quy chính” mà lại tiếp tục về nhà đánh đập dã man vợ và con gái, công an phường phải đến giải quyết...

Có một chuyện bạo hành mà người phụ nữ chẳng biết nói cùng ai, đó là việc người chồng bạo hành “câm” ai biết cũng phải giật mình. Một cặp vợ chồng sống với nhau suốt 4 năm trời nhưng anh chồng không hề nói với vợ một câu, nguyên nhân chỉ vì anh ta cho rằng “vợ mất dạy”. Còn có kẻ điên khùng hơn là bắt vợ nhốt ở nhà chỉ vì sợ vợ mình ra đường sẽ có thằng “mổ mất”.

Vì sao người phụ nữ bị bạo hành?

Trước đây phần lớn người phụ nữ bị hành hạ chủ yếu là sống phụ thuộc vào chồng. Tuy nhiên, vai trò của người phụ nữ cũng đã thay đổi, song thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn nhưng vẫn bị chồng đánh.

Theo nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì trường hợp này chiếm đến 72% trong tổng số các vụ xung đột gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng ban Gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do các ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình của họ bị đe dọa.

Lý do tiếp theo khiến phụ nữ bị bạo hành là việc rất nhiều người phụ nữ không đủ dũng khí làm một cuộc cách mạng để giải phóng bản thân. Họ âm thầm chịu đựng, khóc sau cánh cửa của mỗi gia đình, chấp nhận một cuộc hôn nhân được che đậy bằng một vẻ thanh bình và hạnh phúc hết sức giả tạo.--PageBreak--

Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, hơn 96% đàn ông đánh vợ có tính chất chu kỳ. Điều đó có nghĩa là, không thể thuyết phục rằng: “Anh đừng đánh em” hay bằng cách chịu đựng giấu giếm để “biết đâu anh ấy sẽ nghĩ lại”.

Trao đổi với PV ANTG, Thạc sĩ  Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới (CSAGA), gia đình phụ nữ và vị thành niên thì chưa bao giờ vấn đề bạo hành lại nóng bỏng như bây giờ. Bạo hành hiện nay đang bị hiểu sai vì vấn đề này không chỉ dừng lại ở việc bị đánh đập, mà còn khá nhiều nguyên nhân và điều đó thường xuất phát ngoài khả năng của người phụ nữ. Lý giải điều này, Thạc sĩ Vân Anh đưa ra những ví dụ hết sức đau lòng.

Đó câu chuyện của 6 người phụ nữ ở Tà Sùa (Lai Châu) đã phải ăn lá ngón tự tử mà nguyên nhân là do bị chồng hành hạ mà chẳng biết nói cùng ai. Một vài lần thì nhẫn nhịn chịu đựng, lâu dần thành trầm uất và tìm đến cái chết để mong có người hiểu mình. Tuy vậy, cái chết không lý do của họ cũng chưa chắc đã nói được nỗi uất ức của mình.

Một ví dụ  khác mà Thạc sĩ Vân Anh nêu ra về bạo hành trong một gia đình trí thức: Cả hai vợ chồng đều là những người có học thức, có địa vị nên cái chuyện “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” xem ra hơi... khó coi. Người chồng đã ngấm ngầm dùng ớt để xát vào trang phục lót của vợ (mà là ớt  vàng cho vợ khỏi phát hiện ra), khiến chị vợ mặc vào thì nhảy lên la oai oái. Chị vợ vẫn tưởng mình bị dị ứng hay bị côn trùng cắn, mãi sau mới biết cái hành động “tiểu nhân” đó là của đức lang quân.

Hay trường hợp một ông cán bộ ở một xã vùng cao thuộc tỉnh Yên Bái, vô cớ nghi vợ ngoại tình. Vì là cán bộ nên nói “không” thì dân làng người ta cười cho nên ông ta nghĩ làm thế nào để "chụp mũ" cho vợ. Vì vậy vào một hôm bà vợ vào rừng đi vệ sinh, chưa kịp kéo quần lên thì ông ta xông vào lột luôn quần vợ và chạy về làng hô hoán cả làng là vợ mình đi ngủ với trai trong rừng (?!). Ông ta thị uy ngay bằng cách cử một đội dân quân ra bắt vợ nhốt vào kho, khảo tra suốt đêm. Phải đến trưa hôm sau, khi công an huyện xuống can thiệp thì “ông quan xã” mới chịu thả vợ.

Hiện nay, tại CSAGA có Câu lạc bộ “Những phụ nữ bị bạo hành” gồm 37 thành viên. Khi trung tâm vừa có ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Những phụ nữ bị chồng ngược đãi đã có hàng chục chị em đến đăng ký tham gia. Thạc sĩ Vân Anh cho biết: buổi lễ ra mắt được chuẩn bị công phu của câu lạc bộ bị “phá vỡ” hoàn toàn, chị em đến, giãi bày, tâm sự cùng nhau và khóc, bởi có những nỗi đau khi đến đây chị em mới được chia sẻ.

Trong 37 chị đến đây, không phải chị nào cũng dám công khai danh tính bởi cuộc sống của họ có sự bạo hành nhưng vẫn còn quá nhiều sự ràng buộc rất đời thường như kinh tế, tiền bạc, con cái chi phối. Có nhiều phụ nữ đã bị bạo hành suốt cả một thời gian dài mà không dám nói ra vì chỉ xấu hổ với gia đình, anh em, bố mẹ. Nhiều người bị chồng bạo hành bằng những trò quái đản, nhưng cũng chẳng dám chống lại.

Những người phụ nữ này đã tìm đến nhau để chia sẻ. Họ cung cấp cho nhau những thông tin, cùng nhau phòng tránh những kiểu bạo hành có thể xảy ra trong gia đình, họ cùng cởi mở và tìm được những giải pháp chung.

Các dạng bạo hành gia đình được thống kê theo tài liệu của Viện Khoa học xã hội

1. Cưỡng bức thân thể: Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nhằm gây thương tích cho nạn nhân như đấm, đạp, xô đẩy, tát, nắm tóc kéo lê, vặn cổ tay, làm gãy xương, đâm bằng dao. Hạn chế các nhu cầu thiết yếu (ăn, uống, ngủ) bằng cách giấu dược phẩm, thực phẩm, nước uống; phá rối không cho ngủ hoặc ép dùng rượu, cần sa, ma túy; bỏ rơi nơi đường vắng vẻ nguy hiểm.

2. Cưỡng bức tình dục: Ép bạn đời làm tình và xem hình ảnh khiêu dâm. Ép ”chăn gối” sau khi đánh đập. Cố tình giày vò bộ phận sinh dục, không cho dùng thuốc ngừa thai, làm tình hậu môn. Cưỡng hiếp khi bạn đời ngủ, đau ốm; coi người phối ngẫu như một thứ đồ chơi, chê bai cách làm tình...

3. Cưỡng bức tâm lý, tình cảm:  Bắt bạn đời sống trong bầu không khí sợ hãi, khủng bố nạn nhân đến hoảng loạn tâm thần như nhục mạ trước công chúng, dùng lời lẽ chỉ trích quá đáng (so sánh với vợ, chồng người khác bằng những lời lẽ mạt sát, gọi người phối ngẫu là vợ, chồng tồi; mẹ, cha tồi), dùng lời đường mật hứa hẹn cho hy vọng rồi nuốt lời; liên tục truy hỏi, nói nặng lời để hạ nhục nhân phẩm; làm mất lòng tự trọng, kể lại một cách giễu cợt những vụ tình ái riêng tư.

4. Cưỡng bức về xã hội: Cắt đứt mối quan hệ giữa vợ (chồng) và người thân trong gia đình, với bạn bè thân hữu, đe dọa họ. Cô lập bạn đời bằng nhốt trong nhà, cắt điện thoại, không cho đi đâu và giao tiếp với bất cứ ai.

5. Cưỡng bức tài chính: Bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc, bắt bạn đời lệ thuộc về tiền nong, không cho giữ tiền và đi làm, bắt phải hỏi xin tiền và chứng minh mọi mua sắm chi tiêu lớn nhỏ.

Mai Phương - Hoàng Chiến Thắng
.
.
.