Lan man quanh tờ lịch 30-4

Chủ Nhật, 30/04/2017, 12:55
Về hình thức thời gian, hiển nhiên, ngày 30-4-1975 cũng chỉ bình thường như bao ngày khác -“Lịch” mà không có “Sử” thì chỉ là “Lịch” thôi - Nhưng vì có “Sử”, mà với người Việt Nam chúng ta, ngày 30-4-1975 mới thành ra “Ngày vĩ đại”.


I. Về hình thức thời gian, hiển nhiên, ngày 30-4-1975 có từ “Công lịch” (Lịch Mặt trời). Nếu không có “Công lịch”, cũng về hình thức thời gian, đó sẽ là hai ngày khác, có từ “Âm lịch” (Lịch Mặt trăng) và “Phật lịch” (Lịch nhà Phật). 

Thế là trên “Lịch”, ngày ấy cũng chỉ bình thường như bao ngày khác -“Lịch” mà không có “Sử” thì chỉ là “Lịch” thôi - Nhưng vì có “Sử”, mà với người Việt Nam chúng ta, ngày 30-4-1975 mới thành ra “Ngày vĩ đại”.

* *  *

“Sử” đã “chuẩn bị” cho ngày 30-4-1975 như thế nào? Ngược dòng thời gian, nếu không có cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), tất không có “Ngày vĩ đại” ấy. Trong 20 năm này, người Việt đã gạt máu đứng lên từ “Luật 10-1959”, đã gan góc đi ra từ “Đồng khởi”; đã đường hoàng với “Mặt trận Dân tộc giải phóng”, “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”; với “Ba thứ quân” và “Quân giải phóng”. 

Ta đã là một, từ “Hậu phương lớn” đến “Tiền tuyến lớn” - không bao giờ để sông Bến Hải chặn đường. Miền Bắc thì “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân/ Quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…; Miền Nam thì “Còn một cái lai quần cũng đánh”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”… 

Ta “nối liền” 20 năm ấy bằng “Đường mòn Hồ Chí Minh”- “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” - con đường ra trận có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại; ta biến Đông Dương thành một chiến trường, biến nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, thành đồng minh; ta “len lỏi” giữa những phân hóa và rạn nứt trong phong trào cộng sản quốc tế để có được sự ủng hộ lớn lao từ cả phe XHCN một thời; ta sang Pa-ri để “vừa đánh vừa đàm…”.

Lực lượng vũ trang ta, chiến tranh nhân dân ta, vạm vỡ dần lên qua Ấp Bắc, Bầu Bàng, Đồng Xoài, Ba Gia, Bình Giã, Núi Thành, Vạn Tường… cho đến Đắc Tô- Tân Cảnh, Ia-đrăng, Đường 9- Nam Lào, Bình Long, Phước Long… rồi “Mậu Thân” 1968, “Mùa hè Quảng Trị” 1972…, đặc biệt là “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm ấy, để đến Mùa xuân 1975, thì từ Ban Mê đổ xuống, từ hướng Bắc tràn vào, từ Bình-Phước lao sang, từ Miền Đông ập tới và thế là, khát vọng thống nhất “trăm năm”, được những người Việt thời đại Hồ Chí Minh trực tiếp thực hành.

II. Thế là đã rất phức tạp, rất máu xương, rất đằng đẵng…! Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào 20 năm ấy, thì lại là đơn giản quá! Tiếp tục ngược chiều năm tháng, ta sẽ có câu hỏi khác: Nếu không có Điện Biên Phủ 1954 thì liệu có ngày 30-4-1975 như thế? “Chín năm làm một Điện Biên”, tức là ta đã chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ nhất, từ năm 1946 -“Nhớ hôm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng”! Nhưng như thế đã đủ chưa? Chưa! Trước đó là 15 năm (1930-1945) của “Cách mạng vô sản”, trước đó nữa là “Việt Nam Quang phục hội”, “Đông Du”, “Đông Kinh nghĩa thục”…; là “Thái Nguyên”, “Yên Thế”… và trước đó nữa, là “Cần vương”.

Nói đến tận “Cần vương” thì có quá xa không? Không! Nếu ta lật lại ít trang “Sử” Nguyễn triều:

- Ngày 28-11-1783, chúa Nguyễn khi ấy là Nguyễn Phúc Ánh, giao vương ấn và hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), ủy nhiệm cho viên giáo sĩ này thay mặt mình, sang Pháp đàm phán xin trợ giúp nhằm đánh lại Quang Trung.

- Năm 1787, Bá Đa Lộc/ thay mặt Nguyễn Ánh, cùng với Bá tước Măng-ma-ranh (De Mantmarin)/ thay mặt vua Lu-i XVI của Pháp, ký “Hiệp ước Véc-xây”, nhượng cho Pháp cửa biển Tu-ran (Đà Nẵng) và quần đảo Côn Lôn (trong đó, lớn nhất là Côn Đảo). Tuy rằng sau đó, vì vướng Cách mạng Tư sản Pháp, hiệp ước này không được thực hiện và sau này, Nguyễn Ánh (đã thành vua Gia Long) cũng không bao giờ muốn thực hiện, thì về lý thuyết, một phần lãnh thổ Việt Nam, đã bị đem “cầm cố” từ đó và sau này, ngày 1-9-1858, khi xâm lược nước ta, nơi đầu tiên quân Pháp đổ bộ, là Đà Nẵng - Sơn Trà!

- 10 giờ sáng 28-11-1861, Thủy sư đô đốc Pháp, Bô-nác-đơ (Bonard), hạ lệnh cho Thông báo hạm Noóc-gia-ga-rây chiếm Côn Đảo, kéo cờ Pháp. Trung úy thuyền trưởng Thông báo hạm, Lơ-pê-xơ Xê-bát-chiên Ni-cô-lát Hoa-kim (Lespès Sebastien Nicolas Joachim), ra bản “Tuyên cáo chủ quyền” của Pháp, với quần đảo Côn Lôn!

- Ngày 14-1-1862, tàu vận tải Ni-ê-vơ-rơ đưa thợ và vật liệu ra Côn Đảo, xây ngọn hải đăng đầu tiên của Pháp trên biển - đảo Việt Nam.

- Ngày 1-2-1862, Bô-nác-đơ ký sắc lệnh xây “Nhà tù Côn Đảo”...

Nói kỹ thế, để trở lại việc chính: “Nhà tù Côn Đảo” khởi xây từ năm 1862 bởi người Pháp, phong trào “Cần vương” bắt đầu từ năm 1885, vậy ai là người tù Việt đầu tiên của “Nhà tù Côn Đảo”? Ta chưa biết! Chỉ biết đến 2 người tù “Cần vương” đầu tiên ở đây. Đó là hai anh em sinh đôi, Đặng Trác Vân và Đặng Phong Tài. Cả hai đều là tùy tùng của vua Hàm Nghi khi ngài xuất bôn chống Pháp và đều bị đày ra Côn Đảo vào năm 1899. Bây giờ, tên của hai anh em yêu nước ấy được đặt tên cho 2 hòn đảo trong số 16 đảo của quần đảo Côn Lôn, đó là “Hòn Trác” và “Hòn Tài”.

Thế là “Nhà tù Côn Đảo”- “Địa ngục trần gian” - được người Pháp lập ra rồi kẻ sau “kế nghiệp”, đã giam cầm/ tra tấn/ giết hại tù nhân người Việt suốt 113 năm (1862-1975), mà như đã nói, tù nhân ở đây là những người, ít nhất là từ “Cần vương”, qua thời thuộc Pháp cho hết thời Mỹ-ngụy. Hơn 2 vạn người tù đã chết ở đây! Họ đã “cùng ta” chống ngoại xâm Âu-Mỹ từ đó. Không một địa danh nào ở nước ta, lại có thể đại diện “xuất sắc” hơn cho “Kỷ nguyên mất nước” của ta như Côn Đảo! Cũng không đâu có thể đại diện xuất sắc hơn, cho “Kỷ nguyên bất khuất” đòi độc lập - thống nhất - tự do của ta, như Côn Đảo.

Từ hai người tù đầu tiên của “Kỷ nguyên” vừa nói, đến người tù cuối cùng ra khỏi xà-lim Côn Đảo ngày 30-4-1975 là Lê Quang Vịnh, khí phách Việt đủ sức mạnh để đuổi Pháp, đuổi Mỹ, mà cái mốc son vĩ đại chính là ngày 30-4-1975. Như thế, tối thiểu là người Việt đã trực tiếp chống ngoại xâm Âu-Mỹ từ khi Pháp thực chiếm Côn Đảo (1861). Tính đến ngày 30-4-1975 là 114 năm!

“Lịch” là thế. Còn bao nhiêu “Sử” trong 114 năm ấy, ai mà chép hết? Nhiều triệu người Việt đã ngã xuống trong thời gian đó. Ai ngã xuống đúng ngày 19-8-1945, ngày 9-5-1954, ngày 30-4-1975 và nhiều ngày lịch sử khác? Không thể biết hết được! Chỉ biết rằng, người Việt yêu nước trong lịch sử cận-hiện đại Việt Nam, chung nhau có ngày 30-4-1975 -  “Ngày vĩ đại”.

Không “Ngày vĩ đại” nào sinh ra từ sự bình thường/ tầm thường. Và, không phải sống thế nào cũng xứng với ngày ấy.

Đỗ Trung Lai
.
.
.