Bán nhà rộng rãi cho Việt kiều hồi hương

Thứ Ba, 08/03/2005, 16:39

Mấy năm gần đây, số lượng Việt kiều về nước sinh sống ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu mua nhà, mua đất ngày càng tăng, đặc biệt là tại Tp.HCM. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về mặt thủ tục pháp lý nên việc Việt kiều đứng tên một ngôi nhà hay một mảnh đất hoàn toàn không phải là việc dễ dàng.

Mới đây, trong phiên họp ngày 22/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố người nước ngoài được xác lập trước ngày 1/7/1991 đã được các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đề cập và có ý kiến bổ sung. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nghị quyết này được soạn thảo sẽ là cơ sở giải quyết nhiều vấn đề, liên quan tới việc cho mượn, mua bán, tặng, cho, thừa kế nhà... đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Dưới đây là nội dung phỏng vấn với ông Nguyễn Việt Thuận, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM, về vấn đề này.

Thưa ông, qua mấy năm thực hiện, kết quả thực hiện Luật Đất đai theo tinh thần Nghị định 81/CP ra sao?

Năm 2001, Luật Đất đai (sửa đổi) ra đời và Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/CP quy định 4 nhóm đối tượng có thể mua một căn nhà để ở tại Việt Nam, bao gồm: người về nước đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học và chuyên gia về nước hoạt động thường xuyên, được Đảng, Nhà nước mời về làm chuyên gia, cộng tác viên; người Việt Nam ở nước ngoài có đơn đề nghị về sống ổn định tại Việt Nam và đã được cấp có thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao chấp thuận.

Nhu cầu nhà ở của bà con kiều bào rất lớn. Hầu như ngày nào cũng có người đến đăng ký xin cấp xét. Và phần đông nhu cầu nhà ở, đất ở đối với Việt kiều hiện nay rơi vào những trường hợp là bà con kiều bào thuộc diện những người có nhu cầu muốn về sinh sống ổn định tại Việt Nam. Song, qua 3 năm thực hiện Nghị định 81/CP, cho đến cuối năm 2004, chỉ có 60 trường hợp Việt kiều về quê hương mua nhà. Tp.HCM dù là nơi sôi động nhất cả nước trong vấn đề này nhưng cũng chỉ có 46 trường hợp Việt kiều được công nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở.

Có nhiều lý do. Chính sách mở ra nhưng bà con hưởng ứng chưa thật mạnh mẽ. Trong đó còn phải kể đến các quy định về đối tượng được mua nhà quy định trong nghị định còn quá hẹp. Việc cấp giấy sỡ hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đặt ra với ít trường hợp, đó là những trường hợp: người hồi hương về Việt Nam sinh sống; người về đầu tư lâu dài; người có công đóng góp với đất nước; các nhà văn hóa, khoa học có nhu cầu về nước hoạt động thường xuyên. Thủ tục cấp xét còn nhiều vướng mắc, rườm rà. Điều kiện đòi hỏi còn nhiều phức tạp nên chưa giải quyết được nhiều cho bà con kiều bào.

Vậy, thưa ông, nét mới trong chính sách nhà và đất ở cho Việt kiều sắp được ban hành là gì?

Ước tính có hơn 2,7 triệu người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở 90 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, đông nhất là Hoa Kỳ với 1,3 triệu người. Kế đó là Australia (250 nghìn), Pháp (250 nghìn), Canada (180 nghìn), Đức (100 nghìn).

Trong tổng số trên 2,7 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có hơn 1 triệu người có liên hệ với Tp.HCM. Tại Tp.HCM, có trên 250 hộ thân nhân kiều bào, đứng đầu các địa phương trong cả nước.

Cho đến nay, quyền và nghĩa vụ các bên tham gia giao dịch nhà ở được quy định trong Nghị quyết số 58, ban hành năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nghị quyết này lại không áp dụng cho các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, một lượng lớn nhà ở thuộc diện này bị “đóng băng”, dẫn đến nhiều vấn đề, như: nhà tư nhân mà chủ đang sống ở nước ngoài thì bán không được mà tặng, cho thừa kế cũng khó. Nhà đã cho mượn, cho thuê trước ngày 1/7/1991 nay có tranh chấp mà chủ sở hữu là Việt kiều hoặc các đồng thừa kế, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, muốn kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng không được vì tòa từ chối thụ lý hồ sơ... Những tồn đọng này đã kéo dài một thời gian khá lâu!

Để giải quyết những bất cập đó, dự thảo nghị quyết lần này đưa ra nguyên tắc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà, của những người tham gia giao dịch, bất kể họ đang sống ở trong hay ở ngoài nước. Với người đã định cư ở nước ngoài, nếu chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của mình với ngôi nhà thì sẽ được sở hữu phần giá trị tính bằng tiền của nó. Có nghĩa là họ sẽ có thể ủy quyền cho người thân trong nước quản lý, khai thác hoặc bán nhà của mình để chuyển tiền ra ngước ngoài.

Lần này, theo dự thảo nghị định mới, Chính phủ sẽ mở rộng diện đối tượng và xác định thời hạn cư trú tại Việt Nam. Theo đó, ngoài bốn đối tượng như lâu nay, sẽ có thêm hai đối tượng Việt kiều nữa được mua nhà trong nước: người cao tuổi được Chính phủ nước sở tại cho hưởng chế độ hưu trí hoặc bảo hiểm xã hội và người tạm trú liên tục tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên là đã có 1 trong những điều kiện để được xét. Sau khi được sở hữu nhà, Việt kiều được dùng nhà để ở, thế chấp, bán lại hoặc tặng lại nhà cho Nhà nước, cho người ở trong nước hoặc cho Việt kiều thuộc một trong 4 nhóm đối tượng nêu trên... Cũng theo nội dung này thì sẽ có những trường hợp Việt kiều được trả lại nhà theo đúng tinh thần phù hợp với luật pháp. Đây là những nét mới, rất thoáng, rất tiến bộ trong vấn đề nhà và đất ở đối với Việt kiều nói riêng, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung

T.B.S
.
.
.