Bài học từ vụ ngộ độc thuốc nam dẫn đến chết người ở Điện Biên

Thứ Ba, 15/11/2005, 06:41

Không ít thầy lang, bà mế với kiểu chữa bệnh theo thói quen, không tuân theo một quy tắc nghề nghiệp nào đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chết người. Câu chuyện chúng tôi sắp kể sau đây ở bản Vằng Xôn, xã Chà Tở, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là một ví dụ.

Với đặc thù của các xã, bản vùng sâu vùng xa ở Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng, nơi mà người dân khi bị bệnh không thể hoặc chưa có điều kiện chữa trị tại bệnh viện, những bài thuốc gia truyền của người dân tộc đã góp phần cứu sống hàng ngàn người. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít thầy lang, bà mế với kiểu chữa bệnh theo thói quen, không tuân theo một quy tắc nghề nghiệp nào đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chết người. Câu chuyện chúng tôi sắp kể sau đây ở bản Vằng Xôn, xã Chà Tở, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là một ví dụ.

Từ cái chết oan…

Nhận được tin báo của Công an huyện Mường Chà, từ Điện Biên chúng tôi vượt hơn 130 cây số bằng xe máy đến bản Vằng Xôn, xã Chà Tở. Sau một hồi tìm kiếm, hỏi thăm, chúng tôi đến được nhà chị Khoàng Thị Cải. Không khí tang tóc dường như  vẫn lẩn quất trong ngôi nhà này; chồng chị: anh Poòng Văn Cươi (38 tuổi) bị ngộ độc thuốc nam dẫn đến tử vong cách đây hơn 1 tháng.

Hơn 4 tháng trước đây, anh Poòng Văn Cươi bị đau bụng, chụp X-quang bác sĩ chẩn đoán bị đau dạ dày và cho nhập viện điều trị hơn 2 tuần bằng thuốc tây ngoài Trung tâm Y tế huyện Mường Chà. Về nhà một thời gian do kiêng khem không tốt, bệnh tái phát, vợ chồng anh Cươi tìm đến ông Poòng Văn Sưn, một người biết nghề thuốc nam ở cùng bản,  để chữa trị.

Buổi sáng định mệnh ngày 12/9/2005, chỉ có anh Cươi và con gái út Poòng Thị Hà (13 tuổi), bị cảm sốt ở nhà,  anh Cươi sắc thuốc, sau đó uống gần 2 cốc (khoảng 200 ml). Một lúc sau, anh Cươi bắt đầu kêu chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, có lẽ nghi bị “say” thuốc nên anh bảo cháu Hà đi gọi bà nội và hàng xóm. Khi mọi người đến, anh cũng chỉ thều thào: “Nhanh đưa tôi đến bệnh viện... !” rồi tắt thở. Khoảng thời gian từ khi anh Cươi uống thuốc đến khi tắt thở theo các nhân chứng chỉ khoảng 30 phút.

Nỗi đau để lại và bài học cho người sống

Anh Poòng Văn Cươi ra đi ở tuổi 38, để lại vợ và 3 đứa con thơ dại. Trực tiếp chứng kiến cái chết của bố, cháu Poòng Thị Hà đang học lớp 6, Trường THCS xã Chà Tở đã phải nghỉ học vì không chịu nổi cú sốc quá lớn này.

Điều trái ngang của vụ án chính là mối quan hệ giữa “thủ phạm” và nạn nhân. Anh Poòng Văn Cươi và ông Poòng Văn Sưn là hai anh em đồng hao; xét về họ hàng anh Cươi còn là cháu gọi ông Sưn bằng chú. Từ trước đến nay, hai gia đình vẫn sống rất đỗi hòa thuận, vụ việc xảy ra, vẫn biết là do ông Sưn nhưng gia đình cũng khó xử bởi đều là anh em trong một nhà.

Với người dân tộc Thái, mối đoàn kết, hòa khí trong dòng họ bao giờ cũng được coi trọng, ai cũng phải có trách nhiệm vun đắp. Chính vì vậy sau khi vụ việc xảy ra, được sự đồng ý của các bậc cao niên và trưởng bản, hai gia đình thỏa thuận không báo công an mà tự “đóng cửa bảo nhau” (?!).

“Thầy lang” Poòng Văn Sưn (56 tuổi), học nghề thuốc nam từ khi ông ở bộ đội. Nhiều năm nay, ai đó không may bị gãy xương, bong gân, đau lưng... vẫn tìm đến ông nhờ cậy. Nhưng “ngón nghề” chữa bệnh dạ dày thì ông Sưn mới học từ ông Lò Văn Ơn ở bản Nậm Khăn, xã Chà Tở cách đây 4 năm. Theo lời khai của ông Sưn, ông cắt thuốc chữa bệnh dạ dày cho 2 người, trong đó có ông, đến người thứ 3 là anh Poòng Văn Cươi thì... anh Cươi chết.

Thuốc nam ông Sưn lấy để chữa trị cho Cươi gồm 2 loại là: rễ cây dương xỉ và củ cây xan tả khoạng - một loại cây mọc đầy cánh rừng Huổi Rằn và ven sông Nậm Pồ (tất nhiên đây mới chỉ là lời khai của ông Sưn, hiện Cơ quan Công an đang trưng cầu giám định).

Những năm gần đây, ở Điện Biên đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc khi sử dụng thuốc nam, thuốc bắc, trong đó có vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ ngộ độc rượu ngâm thuốc... bổ làm 6 người chết và bị thương ở xã Sam Mứn (Điện Biên) cách đây chưa lâu. Hành vi của ông Poòng Văn Sưn dù là vô ý, song đây là một vụ án nghiêm trọng để lại cho dân Vằng Xôn nói riêng và các bản vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nói chung lời cảnh báo và bài học xương máu. Đó là thói quen sử dụng các loại thuốc một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết; việc hành nghề và kiểu chữa bệnh lạc hậu, cổ hủ, không tuân theo một quy tắc khoa học nào của không ít thầy lang, bà mế người dân tộc.

Chúng ta không phủ nhận những đóng góp tích cực cùng hiệu quả của nhiều bài thuốc nam nhưng qua vụ việc này cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xét duyệt và cấp giấy phép hành nghề - dù là hành nghề nhân đạo cho các thầy lang miền núi. Nếu làm tốt được việc này, không những chúng ta sẽ phổ biến, nhân rộng những bài thuốc quý, kinh nghiệm chữa bệnh cổ truyền, mà còn có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các thầy lang, bà mế vùng cao.

Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc về cách phòng và chữa bệnh.

Khám chữa bệnh là một nghề cao quý - nói như danh y Hải Thượng Lãn Ông thuở trước, đại ý rằng: Y thuật là một nghề nhân đạo nhất nhưng cũng là một nghề phi nhân đạo nhất nếu thầy thuốc thiếu y đức và trình độ. Người chết thì không sống lại nhưng người chết để lại cho chúng ta nhiều bài học nhãn tiền mà câu chuyện đau lòng ở bản Vằng Xôn là một ví dụ điển hình

V.M.H
.
.
.