Bài cuối: Tàng trữ, buôn bán, vận chuyển pháo nổ là vi phạm pháp luật

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:28
Trong nội địa, tình trạng vận chuyển pháo lậu vẫn diễn ra phức tạp. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng đã thu gom pháo từ các tháng trước đó, sau đó chờ đến dịp Tết Nguyên đán mới đem ra tiêu thụ.

Pháo vận chuyển xuyên tỉnh

Dù nằm sâu trong nội địa nhưng Hải Dương là một trong những địa bàn có tình hình buôn bán, vận chuyển pháo lậu diễn biến phức tạp. 

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Hải Dương, từ khi triển khai các kế hoạch về cao điểm kiểm tra, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đến nay; Công an Hải Dương đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 18 vụ, 24 đối tượng tàng trữ, mua, bán, vận chuyển vật liệu nổ và pháo trái phép; thu giữ 362,6kg pháo các loại và 138kg thuốc nổ công nghiệp. 

Trong đó, khởi tố 3 vụ, 7 bị can về các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm và sản xuất, mua bán trái phép vật liệu nổ. Xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ, 17 đối tượng, số tiền phạt là 127,5 triệu đồng.

Vì lợi nhuận, các đối tượng đã hình thành những đường dây buôn bán, vận chuyển pháo từ đường biên vào trong nội địa. Điển hình như vào khoảng 19h ngày 7-12, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Ban Công an thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn (Hải Dương) làm nhiệm vụ tại khu 5, thị trấn Phú Thứ, phát hiện Đông và Kết, đang chuyển 3 bao tải dứa từ xe ôtô BKS 14-00030, xuống đất... 

Phát hiện thấy Công an, đối tượng Vương bỏ chạy nhưng đã bị bắt kịp thời. Qua kiểm tra, phát hiện bên trong các bao tải có tổng cộng 183 kg pháo các loại, trong đó có 50 bánh pháo đại, 100 bánh pháo tép và 991 quả pháo trứng. 

Gần 500kg pháo bị Công an TP Hà Nội thu giữ.

Số pháo trên, Đông và Kết chung tiền mua của một chủ xe chạy hàng tuyến Hải Dương - Móng Cái từ đầu tháng 11 để bán kiếm lời nhưng chưa kịp thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện và bắt giữ.

Một số đối tượng sau khi thu gom pháo đã thuê xe ôtô vận chuyển đi tiêu thụ. Vụ việc được phát hiện vào khoảng 19h20 ngày 7-12-2017 là một ví dụ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, Đội Kinh tế thương mại, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh, phát hiện xe ôtô BKS 29D – 305.65 bốc dỡ hàng có biểu hiện nghi vấn. 

Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 6 bao tải chứa 180 hộp pháo với trọng lượng 235kg. Tài xế Nguyễn Văn Hùng (27 tuổi, trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) thừa nhận đang giao số hàng nói trên cho Nguyễn Thị Nga (45 tuổi, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Khám xét khẩn cấp nơi ở của Nga, Công an thu giữ thêm 239kg pháo các loại.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo

Cách đây hơn 20 năm, nước ta đã có chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo... Người dân đều biết rằng các hành vi sản xuất, buôn bán và vận chuyển pháo nổ đều vi phạm pháp luật nhưng vì sao tình trạng trên vẫn có diễn biến phức tạp? 

Đi tìm câu trả lời trên, chúng tôi đã có buổi trao đổi với một cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lào Cai. Theo vị cán bộ này thì hiện nay, pháo nổ được bán công khai tại ở Trung Quốc, với cái giá rất rẻ mạt. 

Sau khi đưa về trót lọt trong nước, giá có thể tăng lên gấp 5 lần... Bên cạnh đó, cũng một phần xuất phát từ tâm lý, thói quen của một bộ phận người dân. Với quan điểm sai lầm, họ vẫn tin rằng việc đốt pháo vừa để đón chào năm mới và mang may mắn về cho gia đình. Vì thế, dù biết hành vi này là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn lén lút mua về sử dụng.

Trên thực tế, sau khi cấm, số các vụ tai nạn về pháo giảm đi rõ rệt. Việc đốt pháo không chỉ tốn kém tiền của mà việc sản xuất còn có thể gây ra những vụ tai nạn nhãn tiền mà nhiều năm trước không ít người đã chứng kiến. Và có “cầu” nên sẽ có “cung”, cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo lậu, pháo nổ của các lực lượng chức năng càng thêm cam go, phức tạp.

Một nguyên nhân khác khiến tình trạng buôn bán, vận chuyến pháo lậu có xu hướng gia tăng là do một số vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để xử lý đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ„ trong nội địa“. 

Theo hướng dẫn tại điểm a mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: “pháo nổ” (không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất) là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ.

Và theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo thì: Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ.

Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các  kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ. 

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ có quy định về pháo nổ và pháo hoa, không có quy định về pháo hoa nổ. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hay pháo hoa gây khó khăn cho công tác xử lý.

Trước tình hình đó, mới đây Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn hướng dẫn số 340/TANDTC-PC ngày 22-12-2017 cùng với Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28-4-2017 về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ trong nội địa; Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 thì các hành vi vi phạm về pháo đã được các văn bản pháp luật điều chỉnh xử lý kịp thời, không để các đối tượng lợi dụng vi phạm.

Theo đó, khi bị phát hiện đang sử dụng, tàng trữ và buôn bán trái phép pháo nổ mà không được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì tùy thuộc vào mức độ thực tế thì sẽ bị xử phạt hành chính cho tới truy cứu trách nhiệm hình sự theo nhiều mức phạt. 

Và kể từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành thì các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội liên quan đến pháo nổ sẽ bị xử lý nghiêm hơn. Theo quy định, tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ sẽ bị xử lý hình sự khi bảo đảm yếu tố định lượng.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo, Công an các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân việc thực hiện tốt Nghị định 36/CP. 

Xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; các vụ án đã khởi tố chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân đưa ra xét xử nhanh và xử lưu động trước Tết Nguyên đán để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. 

Đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm về pháo, kể cả thời điểm giao thừa. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 36/CP. Đồng thời, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các đơn vị địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng sử dụng pháo mà không phát hiện, xử lý kịp thời.

Quy định xử lý tội sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển pháo nổ

- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 kg đến dưới 40 kg sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù.

- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kg đến dưới 120 kg sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kg trở lên sẽ bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

- Các hành vi gây rối trật tự công cộng do đốt pháo nổ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nguồn: Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Xuân Mai
.
.
.