Đất và người Trường Sa:

Bài cuối: Để Trường Sa thêm gần

Chủ Nhật, 02/06/2013, 10:45
Trong chuyến công tác ra huyện đảo Trường Sa của Đoàn đại biểu Bộ Công an, tình cảm đất liền với biển đảo và biển đảo với đất liền luôn thắm đượm, hòa quyện. Chúng tôi, những thành viên đoàn công tác thấy rõ hơn “biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa” và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa cảm nhận sâu sắc niềm tin yêu, sự sẻ chia của đất liền. Vài năm gần đây, còn có những đoàn của các tỉnh, thành phố, kiều bào ở nước ngoài được ra thăm Trường Sa để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của vùng biển đảo thiêng liêng... Tình cảm đó, sẽ góp phần làm cho Trường Sa thêm gần với đất liền và đất liền thêm an bình, phát triển nhờ Trường Sa thân yêu.
>> Bài 3: Cột mốc chủ quyền sống trên biển Đông

Hơi ấm của đất liền

Đến thăm các đảo nổi, đảo chìm và nhà dàn, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu luôn quan tâm, ân cần thăm hỏi tình hình công tác, đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Sau khi trao đổi những thông tin mới nhất về tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, Thượng tướng đề nghị cán bộ và nhân dân huyện đảo tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt sứ mệnh mà Tổ quốc đặt trên vai những “người con Trường Sa”.

Thượng tướng nhấn mạnh: “Dù các thế lực thù địch có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt và lắm tham vọng; nhưng chúng có thực hiện được hay không, chủ yếu là do ta quyết định. Nếu ta đoàn kết, giàu mạnh, ổn định thì không kẻ nào dám xâm lấn bờ cõi, biển đảo của ta”.

Là Phó đoàn công tác, Trung tướng Trần Văn Nhuận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND cũng tranh thủ thời gian để tìm hiểu mọi mặt công tác, chiến đấu, tâm tư, tình cảm của bộ đội và nhân dân huyện đảo. Ông nhắc anh em phóng viên chúng tôi phải thu thập tư liệu thật kĩ, ghi được nhiều hình ảnh cuộc sống thường nhật trên đảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục biển đảo cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND...

Một góc thị trấn Trường Sa Lớn.

Tối muộn trên đảo Trường Sa Lớn, ông ngập ngừng cho tôi xem một bài thơ ông cảm khái sau lễ chào cờ thiêng liêng vừa tổ chức sáng cùng ngày. Đầu bài thơ có dòng chữ “Viết vội ở Trường Sa”; lời thơ mộc mạc nhưng chan chứa niềm tin yêu, tự hào: “Chào cờ trên đảo Trường Sa/ Chúng tôi hát Quốc ca/ Hào hùng, xúc động/ Trời xanh lồng lộng/ Biển rộng mênh mông/ Tổ quốc vô cùng tươi đẹp/ Lịch sử vọng về hồn thép/ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”...

Cùng đi với đoàn công tác của Bộ Công an trên tàu HQ 996 ra Trường Sa còn có một số đơn vị, địa phương khác; trong đó có đoàn của tỉnh Bắc Kạn, do đồng chí Hoàng Ngọc Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu. Tâm sự với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đến thăm, đồng chí Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn xúc động: Để quyết định ai là người được đi Trường Sa, chúng tôi đã phải họp Thường vụ Tỉnh ủy và chọn 15 người, trong đó có 9 đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy.

Chúng tôi xin được thay mặt hơn 30 vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn gửi đến quân và dân Trường Sa niềm tin yêu và những tình cảm nồng ấm nhất của chiến khu Việt Bắc năm xưa. Tuy còn khó khăn về nhiều mặt, nhưng trong những năm gần đây, cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã tích cực quyên góp ủng hộ Quỹ Vì Trường Sa thân yêu...

Với tình cảm chân thành và xúc động, ông ví von: “Bắc Kạn chúng tôi được thiên nhiên ban cho “hòn ngọc” hồ Ba Bể. Hồ rộng hơn 500 ha, bị thắt lại ở vài chỗ nên nhìn như ba hồ lớn nối vào nhau. Vậy mà bà con chúng tôi đã thấy rất rộng lớn và gọi là “Ba Bể”. Ra đến đây, chúng tôi mới thấy biển trời của Tổ quốc ta thật bao la, vĩ đại. Các đồng chí đang canh giữ biển đảo bao la này, chính là canh giữ cho không gian phát triển, cho tiền đồ của dân tộc Việt Nam”.

Câu chuyện ghi ở chùa Trường Sa Lớn

Nằm cách không xa đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là chùa Trường Sa Lớn. Giữa cái nắng như dội lửa dù mới hơn 7 giờ sáng, ngôi chùa với kiến trúc cổ truyền mái ngói như đỏ rực rỡ hơn. Trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, thân tình và trọng thể đón tiếp Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực và Đoàn công tác Bộ Công an. Vị Thượng tọa bận bộ cà sa màu vàng, trân trọng giới thiệu những kỉ vật của ngôi chùa: Đây là bức tượng Phật ngọc do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cung tiến.

Một bức thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng treo trang trọng, viết những lời tâm huyết: “Tôi xin kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni. Tượng Phật ngọc này của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Chùa vàng Shwedagon, thủ đô Yangon, trong chuyến thăm chính thức Myanmar.

Tiết mục văn nghệ tập thể giữa lính đảo và các nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc CAND.

Mong Đức phật phù hộ độ trì: Cho quân dân huyện đảo Trường Sa mạnh khỏe, bình yên, hạnh phúc, thắng lợi/ Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh/ Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”. Thượng tọa Thích Giác Nghĩa cho hay, trong chùa Trường Sa Lớn, mỗi bức tượng, mỗi hiện vật đều do đồng bào cả nước, các địa phương cung tiến với tình cảm sâu sắc, thiêng liêng nhất.

Kết thúc loạt bài “Đất và người Trường Sa”, tôi xin được ghi lại ý kiến của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Ra Trường Sa, chúng ta thấy mình cần sống, làm việc tốt hơn để xứng đáng với sự hi sinh của cán bộ và nhân dân huyện đảo đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ra Trường Sa, chúng ta càng tin tưởng biển đảo mà bao thế hệ cha ông đã mở mang, gìn giữ nhất định sẽ được bảo vệ vững chắc.

Tuy lo việc tu hành, nhưng là một con dân của nước Việt, Thượng tọa Thích Giác Nghĩa không thể không lo lắng việc đời, đau đáu với Hoàng Sa và Trường Sa. Thượng tọa tâm sự: Ngay khi biết tôi ra trụ trì chùa Trường Sa Lớn, một hãng thông tấn nước ngoài đã hỏi tôi liên quan đến việc xây chùa và cơ sở khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa. Tôi phân tích những cơ sở lịch sử, pháp lí để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Về việc xây chùa trên đảo, tôi giải thích với họ: Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam từ mấy ngàn năm qua, đã trở thành tâm thức của mỗi người Việt.

Do vậy, người Việt Nam đi đến đâu đều xây chùa để cầu an lành. Ra nước ngoài, người Việt Nam cũng xin phép xây chùa. Nay chúng tôi trùng tu chùa ngay trên đảo của chúng tôi, thì đó là lẽ thường tình”. Nói rồi, vị Thượng tọa cho chúng tôi xem bài thơ do người thầy của ông tặng trước lúc lên đường ra trụ trì tại chùa Trường Sa Lớn. Bài thơ có nhan đề ngăn gọn “Đi”: “Hãy ra đi vì biên cương biển đảo/ Đi ra đi cỡi sóng vượt trùng dương/ Đi, đi đi cho yên bình hiện hữu/ Đi, bước đi để củng cố sơn hà”.

Cũng tại chùa Trường Sa Lớn, tôi được nghe kể mới đây, một đoàn bà con Việt kiều được ra thăm huyện đảo. Trong đoàn, có một số người từng là công chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trước năm 1975 đã có thời gian ở Trường Sa. Nay sau gần 40 năm trở lại, họ đã òa khóc vì sự thay da đổi thịt của mảnh đất thiêng liêng giữa trời biển bao la...

Tận mắt được chứng kiến sự phát triển của Trường Sa, họ đã thành thực tâm sự: Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam đã giữ gìn, bảo vệ và xây dựng Trường Sa tươi đẹp như hôm nay

Trần Duy Hiển
.
.
.