Thiêng liêng ký ức những cán bộ Công an tham gia bảo vệ, tiếp quản Thủ đô

Bài 4: Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng: Vẹn nguyên ký ức về Thủ đô trước ngày tiếp quản

Thứ Năm, 09/10/2014, 09:52
Trong không khí Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, chúng tôi gặp ông, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Ông không chỉ là nhân chứng của lịch sử, chứng kiến thời khắc thiêng liêng của Hà Nội, của dân tộc vào ngày trọng đại giải phóng Thủ đô 60 năm trước, mà còn là một trong những con người đã góp phần vào sự kiện lịch sử ấy - một trong những chiến sĩ công an đầu tiên được vinh dự vào Thủ đô ngay từ những ngày “tiền tiếp quản”.
>> Bài 3: Giữ ổn định an ninh, trật tự Thủ đô những ngày đầu giải phóng

Theo chân vị tướng Công an nhân dân dạo qua nhiều con phố, dù đã bước sang tuổi 87 mà mỗi bước chân ông vẫn còn vững vàng, rắn rỏi. Cứ mỗi tuyến phố chúng tôi đi qua, lại gợi cho ông biết bao hồi ức đẹp – Ký ức về một thời trai trẻ sục sôi nhiệt huyết yêu nước của thuở nào.

Chậm bước dọc phố Tràng Thi tới sát hồ Hoàn Kiếm, đến trước cửa trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, ông chợt dừng lại, quay sang chỉ cho tôi với vẻ mặt đầy xúc động: 60 năm trước, đây là nơi đóng quân của Cảnh binh quận Nhất, một trong ba cơ quan cảnh binh quan trọng hàng đầu của Pháp tại Thủ đô thời kỳ bấy giờ. Bồi hồi, ông nhớ lại, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Ngày 27/7/1954, 2 bên Việt - Pháp thực hiện ngừng hẳn tiếng súng trên tất cả các mặt trận, đó là ngày hòa bình đầu tiên sau 9 năm kháng chiến trường kỳ…

Để thi hành nghiêm túc các nội dung của hiệp định Giơ-ne-vơ, hai bên Việt - Pháp đã tổ chức hội nghị ở Trung Giã (ngoại thành Hà Nội) bàn bạc, quyết định các điều khoản chi tiết về công tác tiếp quản Thủ đô. Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng chia sẻ, thời điểm đó ông là cán bộ thuộc Bộ Công an quản lý, đóng quân tại an toàn khu (ATK). Một hôm vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9, ông đột ngột được Tổ chức gọi lên giao nhiệm vụ, biệt phái về lực lượng Công an Hà Nội trực tiếp tham gia công tác tiếp quản Thủ đô.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng.

Một nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn khiến ông không khỏi lo lắng, nhưng cũng rất phấn khởi, tự hào vì được Đảng, được Chính phủ tin tưởng trao trọng trách. Ngay lập tức ông đeo ba lô hăm hở lên đường về Đại Từ (Thái Nguyên) tham gia lớp tập huấn do các đồng chí lãnh đạo cao cấp Trung ương như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… làm giảng viên. Đây là lớp tập huấn được tổ chức cho cán bộ chủ lực các bộ, ngành, địa phương mà Hà Nội là chủ lực để học tập về chủ trương, đường lối, chính sách tiếp quản. Rất vinh dự, trong khi học tập tại đây, lớp tập huấn của ông đã được Bác Hồ tới trực tiếp cho chỉ thị, quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng của công tác tiếp quản, đặc biệt là công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Sau lớp học, ông và các học viên được phân chia thành các nhóm về tập kết tại thị trấn Vân Đình (Hà Đông). Tại đây, với kinh nghiệm sẵn có, ông và một số cán bộ được phân công truyền giảng lại về chính sách lưu dụng cho các cán bộ của ta cũng như rất nhiều viên chức, cảnh binh thuộc chính quyền Pháp và chính quyền Bảo Đại trốn ra đây trình diện cách mạng. Nhờ vậy, nhiều trí thức, tư sản dân tộc, các cảnh binh từng phục vụ trong chế độ cũ đã hiểu về chính sách lưu dụng của ta, yên tâm, phấn khởi tham gia vào hàng ngũ quân kháng chiến, tình nguyện ở lại công tác phục vụ Tổ quốc và nhân dân, không nghe theo luận điệu phản động dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào Nam.

Đến khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10/1954, ông được tổ chức gọi lên để may đo quần áo đồng phục, cấp phát giày, mũ và một khẩu súng. Tất cả mọi thứ được trang bị đều mới toanh, toát lên dáng vẻ rất oai phong, đĩnh đạc thật phù hợp với tâm thế của “những người chiến thắng”, đến tận sau này, mỗi lần nhớ lại, ông vẫn không thể quên cái cảm giác hãnh diện  lúc đó. Sau đó, ông được tổ chức phân công vào Ban chỉ huy “Đội trật tự vào trước” (Police Precurseure). Để tiếp quản các cơ quan quản lý hành chính của Pháp như Toà Thị chính; Thủ hiến Bắc Bộ…; Đội Trật tự vào trước (Police Precurseure) để tiếp quản các cơ quan cảnh binh quan trọng của Thủ đô như Ty Cảnh binh TP Hà Nội; trụ sở Cảnh binh quận Nhất (khi đó còn gọi là quận Hàng Trống); trụ sở quận CSGT đường bộ và đi tiền trạm, tiếp cận hệ thống giao thông nội đô, bố trí đảm bảo ANTT trước khi quân đội ta trở về tiếp quản chính thức. Lúc đó, ông Nguyễn Ngô Học, cán bộ Công an Hà Nội được cử giữ chức Trưởng ban; còn ông và ông Nguyễn Xuân Tám được phân công làm Phó trưởng ban. Kể đến đây, vị tướng già chợt đỏ hoe đôi mắt, giọng trầm lại, 3 vị chỉ huy Đội trật tự vào trước năm xưa, nay đã người còn người mất, các ông Nguyễn Ngô Học và Nguyễn Xuân Tám đều đã khuất núi cả rồi.

Tối 4/10/1954, Ban Liên hiệp đình chiến tới phổ biến, đúng 5h30 sáng 5/10/1954, bên phái đoàn Pháp sẽ đón đoàn công tác của Đội vào nội thành. Vì đã được thông báo trước nên sáng 5/10, Đoàn công tác do ông dẫn đầu chỉnh tề đi qua 2 hàng tiêu binh của quân đội Pháp lên 10 ôtô vận tải, ung dung chuyển bánh về Hà Nội. Dù 60 năm trôi qua mà ông vẫn còn nhớ như in quang cảnh Hà Nội vào buổi sáng mùa thu năm ấy, đất trời Thủ đô sao đẹp lạ thường, những tia nắng dịu dàng chiếu xuống cánh đồng lúa hai bên đường khiến những giọt sương đêm đọng trên những ngọn lúa óng ánh như những hạt kim cương. Bà con nông dân đang làm cỏ lúa hai bên đường ven đô ngẩng đầu lên tươi cười, hớn hở vẫy vẫy, đoàn quân ta cũng hồ hởi vẫy tay đáp lại, trong lòng ông khẽ rộn lên bao tình nghĩa đồng bào. Đoàn xe qua Cầu Đuống, qua thị trấn Gia Lâm, lên dốc cầu Long Biên, chạy qua nhà Khai trí tiến đức ở phố Lê Thái Tổ, đỗ lại cạnh cổng trụ sở quận Nhất.

Vừa kể ông vừa đưa tay chỉ về cái địa danh mà đối với lớp người trẻ như tôi hẳn ít ai biết được, trước đây nơi đó từng là nhà Khai trí tiến đức và nay là địa chỉ của Không gian văn hóa Việt, gần trụ sở của Tòa soạn báo Nhân dân bây giờ. Khi đoàn công tác tiến vào trong sân, trụ sở cảnh binh quận Nhất lúc đó đang có rất đông các binh sĩ Pháp và phóng viên đứng chờ, xúm vào hỏi chuyện và chụp ảnh. Đại tá Cô-da-phông nói đã ủy nhiệm mọi công việc cho ông Ác – nô. Bước đầu ông Ác - nô trao đổi sơ qua kế hoạch, bố trí nơi ăn, chốn ở cho một bộ phận anh em trong Đội, số còn lại do ông Nguyễn Ngô Học tập hợp đi về nhà thương La Net Săng (Bệnh viện Đồn Thủy) nay là Quân y viện 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, lúc đó được Thành ủy Hà Nội tạm đặt làm Chỉ huy sở để chỉ đạo các đoàn vào tiếp quản Thủ đô.

Theo kế hoạch đã định trước, đúng 14h chiều 5/10/1954, ông Ác-nô đến cùng phiên dịch, thống nhất cụ thể lịch làm việc với Đội cho đến hết ngày 9/10/1954. Trong khoảng thời gian này, Đội Trật tự vào trước được ông Ác-nô đưa đi khắp nơi để thực hiện bàn giao 3 trụ sở cảnh binh quan trọng  như kế hoạch Hiệp định Trung Giã đã đề ra, tuy nhiên, trước khi bàn giao trụ sở cho phía ta, phía Pháp và chính quyền Bảo Đại đã tháo gỡ gần như toàn bộ các trang thiết bị vật dụng, tất cả chỉ còn lại là những xác nhà trống rỗng.

Do tính chất công việc của Đội vào nội đô vừa nhận bàn giao trụ sở cảnh binh vừa tiếp cận, bố trí các chốt giao thông, đảm bảo ANTT trong thời gian “tiền tiếp quản”, nên khoảng thời gian này ông và các cán bộ Đội Trật tự vào trước được tự do đi khắp thành phố, nhờ vậy ông được chứng kiến toàn bộ quang cảnh sinh động của Thủ đô trước ngày quân ta chính thức tiếp quản. Xe của Đội đi đến đâu, đồng bào đều tập trung lại để được ngắm, hoan hô, bắt tay anh bộ đội Cụ Hồ đến đó. Hồi ấy bà con chưa phân biệt được phù hiệu và trang phục của Công an nên họ cứ gọi chung các cán bộ Công an là bộ đội Cụ Hồ. Tuy trong lòng rất phấn khởi, xúc động trước tình cảm của đồng bào, dù sống trong vùng tạm chiếm lâu ngày nhưng vẫn luôn dành tình yêu thương thắm thiết cho cách mạng, nhưng ông và các đồng chí trong Đội vẫn phải kìm lòng, hạn chế trực tiếp nói chuyện với đồng bào, bởi trong hiệp định Trung Giã phía Pháp rất ngại để ta tiếp xúc với quần chúng, dễ gây kích động, dẫn tới tình trạng khó kiểm soát. Đến chiều 9/10/1954, công tác bàn giao giữa Pháp và Đội Trật tự vào trước gần như đã được hoàn tất, để sẵn sàng cho ngày trọng đại, chuyển giao 10/10/1954.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng tâm sự, gần như suốt đêm 9/10 năm ấy, ông và các anh em trong Đội đều thao thức không ngủ được vì mong mỏi, chờ đón thời khắc lịch sử của Thủ đô, của dân tộc. 60 năm trôi qua mà ký ức ông vẫn nhớ như in cái cảnh tượng kỳ thú của Hà Nội vào sáng 1/10 năm ấy, cứ quân đội Pháp rút đến đâu, thì người dân nhà nào nhà ấy đều mở toang cửa ngõ, treo cao cờ đỏ sao vàng, mọi người ào ra đường hân hoan vẫy tay chào đón đoàn quân bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản.

Kể đến đây, dòng hồi ức của ông như chợt lắng lại, khi nghe vang đâu đó từ chiếc loa phường những lời ca hào hùng bất hủ của ca khúc Tiến về Hà Nội:

"Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về..."

Nghe lời ca cùng những hồi ức của ông khiến tâm trí tôi chợt dậy lên khung cảnh của Hà Nội 60 năm về trước, cả Thủ đô bừng dậy trong rừng cờ hoa cùng tiếng cười hân hoan rạng rỡ của muôn triệu người dân Thủ đô đang ùa ra trên khắp các phố phường, vẫy tay đón chào đoàn quân Việt Minh oai dũng chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô thân yêu

Phạm Tâm
.
.
.