Bài 3: Ký ức một đoàn tàu không trở về ga
Từ thông tin của bà Mỹ và bà Cẩm, một ngày tháng 4 năm 2018 nắng đỏ trời, chúng tôi tìm về Bàu Cá (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nơi 36 năm trước xảy ra vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng. Thời gian trôi đi, khúc cua định mệnh năm xưa đã thành khu chợ khang trang.
Tưởng như mọi dấu tích đã bị xóa mờ nhưng giữa cảnh sầm uất hôm nay vẫn còn lại một ngôi miếu thờ nhắc nhớ về một chứng tích tang thương.
Buổi sáng định mệnh
Hỏi về vụ tai nạn đường sắt năm 1982, hầu như người dân Bàu Cá đều biết. Ông Nguyễn Kim Hoạt, người đã tham gia công tác cứu nạn năm đó vẫn bị ám ảnh bởi những xác người ngổn ngang bên những toa tàu lật. Ông kể, sáng 17-3-1982, nghe dân làng hô hoán có tàu lật, ông cùng một số thanh niên trong xóm lập tức chạy tới hiện trường.
Cảnh tưởng tang thương hiện ra trước mắt: những xác người chồng lên nhau, nhiều xác không còn nguyên vẹn, hàng hóa dồn đống trộn lẫn với máu, tiếng kêu rên thảm thiết của những người bị thương hoặc đang hấp hối…
Sau công tác cứu nạn ban đầu, ông Hoạt và nhiều người dân được huy động trở về xã Tây Hòa tham gia đào mộ để chôn cất những xác người không có thân nhân đến nhận. “Khu đất được chọn làm nghĩa trang vừa mới thu hoạch mì nên khá tơi xốp, dễ đào. Chúng tôi đào từ trưa đến chiều thì xong hơn một trăm huyệt mộ. Sau đó tiến hành chôn cất, đến giữa đêm thì hoàn thành”.
Ngôi miếu thờ được dựng lên tại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến 200 người thiệt mạng. |
Nhớ lại ngày kinh hoàng ấy, ông Hoạt cứ thẫn thờ. Ông bị ám ảnh bởi những xác người mặt mũi lấm lem than củi, bột mì. Có người mất tay, chân. Có cặp vợ chồng khi chết còn nắm chặt tay nhau, bụng người vợ đã lùm lùm. Vì là tàu chợ nên hàng hóa rất nhiều, chủ yếu là than củi, cao su, cá mắm… từ Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Dầu Giây đưa về Sài Gòn tiêu thụ.
Buổi chiều, xe của ngành Đường sắt chở quan tài tới nghĩa trang. Những xác người được cơ quan chức năng chụp hình, lăn tay, đánh số. Ai có giấy tờ tùy thân thì đánh dấu bằng sơn đỏ trên bia mộ bằng gỗ, ai không có thì ghi là “Vô danh”.
Trong ngày, Tổng cục Đường sắt hỗ trợ hai tàu từ ga Nha Trang và ga Sài Gòn chở thân nhân ra Bàu Cá nhận xác mang về quê an táng. Áng chừng một nửa số nạn nhân được gia đình nhận xác, số còn lại chờ đến chiều thì đưa về nghĩa trang vừa hình thành. Tổng cộng, có 113 ngôi mộ được chôn cất tại Nghĩa trang Đường sắt.
Ông Đỗ Khương (75 tuổi), năm 1982 là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Mua bán An Lộc, một trong những người tham gia cứu nạn nhớ lại: “Nhà tôi ở ngay khu vực xảy ra tai nạn. Sau khi tàu lật, một số người may mắn chỉ bị thương dìu nhau ra đường lộ bắt xe. Chính quyền xã, ấp đã kêu gọi bà con trợ giúp. Xe cứu thương ngày đó không có nhiều để huy động nên du kích xã đã ra đường lộ chặn xe từ hai hướng. Xe nào về Long Khánh thì đưa nạn nhân tới Bệnh viện Long Khánh, xe nào đi Sài Gòn thì chở lên các bệnh viện tuyến trên... Đến sáng sớm thì đưa hết những người bị thương đi cấp cứu”.
Cảnh tượng đập vào mắt ông Khương tại hiện trường là những xác người la liệt, hỗn độn với hàng hóa. Đầu máy xe lửa văng lên cao nằm lại trên quả đồi, 10 toa tàu lật chỏng chơ, chỉ còn 3 toa cuối cùng chơ vơ trên đường ray.
Thoát chết kỳ diệu
Trong số những người thoát chết một cách kì diệu, có mẹ con bà Trần Thị Gạo (thường gọi là Bảy Gạo). Bà Gạo mưu sinh bằng việc buôn thuốc rê từ Nha Trang về Trảng Bom. Năm đó chị Cao Thị Thu Hồng 12 tuổi, thường được mẹ cho đi theo trong mỗi chuyến buôn. Trước tai nạn khoảng 10 phút, bỗng nhiên tàu chạy rất nhanh, rồi có tiếng la hét ở các toa. Nhân viên tàu chạy đi chạy lại chốt các cánh cửa và hét lớn “Không ai được mở cửa”.
Do đi tàu nhiều, có kinh nghiệm nên bà Gạo kéo con gái ngồi xuống sàn ôm chặt vào lòng. Tiếng la hét ngày một to và con tàu lướt đi rất nhanh. Ít phút sau chị Hồng nghe tiếng “rầm, rầm”. Trán bà Gạo đập vào thành ghế, tóe máu. Hai mẹ con bà Gạo bước xuống tàu, cảnh trước mắt là màu sương mờ đục, mùi khói khét lẹt. Bà Gạo một tay bít trán, một tay dắt con bước qua đống đổ nát.
Chị Cao Thị Thu Hồng, người may mắn thoát chết thẫn thờ khi nhớ lại vụ lật tàu. |
Chị Hồng còn nhớ, dọc đường tàu có cánh tay khều vào chân chị, có tiếng thều thào kêu cứu của những người đang hấp hối. Chị Hồng sợ quá ôm lấy mẹ và bật khóc. Hai mẹ con chạy ra đường tìm về thị trấn Trảng Bom, được trạm y tế băng bó vết thương. Năm tháng qua đi, ký ức kinh hoàng vụ tai nạn vẫn ám ảnh chị Hồng. Chị buồn rầu tâm sự: “Mẹ tôi hiểu rất rõ về những chuyến tàu và cũng quen nhiều người đi chuyến tàu đó. Mẹ muốn được kể lắm, nhưng chẳng có ai tới hỏi. Giờ thì mẹ đã mất, mang theo tất cả đi rồi”.
Trong chuyến tàu định mệnh ấy, vợ chồng bà Nguyễn Thị Đào cùng đứa con 3 tuổi, thêm đứa trong bụng mới 5 tháng tuổi đều thoát khỏi tay thần chết. Khoảnh khắc tuyệt vọng trong toa tàu “chạy về cõi chết” năm xưa mãi ám ảnh ký ức bà Đào. Hôm đó, bà ngồi toa giữa, cùng với nhóm bạn đi buôn than. Toa tàu chất đầy than củi và những bao cám. Khi tàu đột ngột lao nhanh, bà Đào linh cảm có chuyện chẳng lành. Những bước chân của nhân viên nhà tàu chạy rầm rập, mặt ai cũng đầy vẻ hoảng loạn. Bà Đào cảm nhận rõ cái chết đã cận kề. Hai vợ chồng bà ôm chặt lấy đứa con rồi nhắm mắt lại cầu nguyện. Tàu lật, toa của bà văng khỏi đường ray chừng 10m. May mắn, 3 người trong gia đình bà Đào bị hất văng vào những bao cám và thoát khỏi lưỡi hái tử thần. |