Thiêng liêng ký ức những cán bộ Công an tham gia bảo vệ, tiếp quản Thủ đô

Bài 2: Vẹn nguyên kí ức về Hà Nội trước ngày chuyển giao 10/10

Thứ Ba, 07/10/2014, 09:13
Để góp phần giải phóng Thủ đô tháng 10 năm 1954, cũng như chung tay bảo vệ, giữ ổn định trật tự trị an cho Hà Nội những ngày đầu sau giải phóng, bên cạnh lực lượng Quân đội chủ lực còn có sự tham gia của các cán bộ Công an. Nay hầu hết các cụ đều ở tuổi bát thập, cửu thập, mắt đã mờ, chân đã chậm, sức khỏe đã yếu, nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn lắm. Qua những câu hỏi của cánh phóng viên hậu thế chúng tôi, những ký ức lịch sử như sống dậy trong tâm trí những người chiến sỹ Công an năm xưa…
>> Bài 1: Nhìn lại những ngày tháng lịch sử

Cán bộ trinh sát hoạt động bí mật trong lòng địch

Trong ngôi nhà nhỏ ở số 67 phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội), ông Nguyễn Minh Hùng (89 tuổi) chậm rãi kể với chúng tôi về những dấu mốc thời gian cách đây hơn nửa đời người: “Tôi công tác ở Công an Hà Nội, khu vực ngoại thành từ năm 1947. Đến năm 1951 thì được Sở Công an Hà Nội điều động vào hoạt động trong nội thành…”. Là Đội trưởng Công an khu phố Quán Sứ, ông có nhiệm vụ xây dựng cơ sở, nắm tình hình, âm mưu thủ đoạn của địch trong nội đô, để báo cáo ra ngoài, chuẩn bị cho việc giải phóng Thủ đô.

Đến tháng 2 năm 1952 quá trình hoạt động, ông bị địch bắt, giam vào nhà tù Hỏa Lò, rồi chuyển sang trại Thanh Liệt, đến tháng 8 năm 1954 mới được ra. “Thời gian ở tù kham khổ nhưng anh em đoàn kết lại, bàn bạc với nhau chống trả việc bị địch đối xử hà khắc, tổ chức học văn hóa, giác ngộ về chính trị, củng cố lòng tin của anh em đối với cách mạng…” – ông Minh Hùng nhớ lại. Cũng nhờ những năm tháng trong tù được tôi rèn, hun đúc về bản lĩnh chính trị, ý chí cách mạng, nên khi ra tù ông được cấp trên tin tưởng, bổ sung vào Đại đội Hình cảnh, thuộc Phòng Trị an dân cảnh của Sở Công an Hà Nội.

Đại tá Hoàng Đăng Đỉnh (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội những ngày sau giải phóng.

Nhiệm vụ của ông lúc này vẫn là trinh sát, nắm tình hình địch, phụ trách rà soát, thâu lượm một số cảnh binh của địch, lưu dung để giúp ta nắm tình hình, đuổi bọn lưu manh, phòng việc cướp bóc, trấn lột, bọn phản động tôn giáo hoạt động, rải truyền đơn, khẩu hiệu, tổ chức biểu tình... Trong những ngày này, Hà Nội bên ngoài vắng vẻ, im ắng nhưng bên trong các lực lượng của ta vẫn hoạt động tích cực, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, để đảm bảo sinh hoạt bình thường của nhân dân ngay sau khi tiếp quản.

Đại đội Hình cảnh chính là tiền thân của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội hiện nay, là lực lượng chủ công giữ gìn trật tự trị an, hoạt động bí mật, theo dõi lưu manh, cướp trộm, phá hoại, trộm cắp tài sản của nhà nước và nhân dân, xây dựng cơ sở chuẩn bị cho lực lượng vào tiếp quản. Đóng trụ sở tại số 7 Thiền Quang, Đại đội lúc bấy giờ có khoảng 40 người, chia làm nhiều tổ: trinh sát, khám nghiệm hiện trường, bảo vệ trật tự trị an…

“Địch bố trí kiểm soát ghê lắm, trong quá trình đi lại nắm tình hình mình phải nắm được giờ giấc, khu vực, quy luật hoạt động của chúng để đối phó. Chẳng hạn đầu giờ sáng đến 10h hay buổi chập tối địch tăng cường tuần tra kiểm soát, khi kiểm tra chúng hỏi giấy tờ, nếu nghi ngờ chúng giữ lại ngay”. Vì thế, ông Minh Hùng cùng đồng đội phải lợi dụng buổi trưa, buổi chiều hoặc đêm tối để hoạt động, nắm tình hình. Tất cả các đường phố chính đều có địch, ông phải đi vào ngõ hẻm. Ngoài việc canh gác ở các đồn bốt thì chúng còn tăng cường kiểm soát lưu động, ông phải tìm đường hẻo lánh, xuyên qua ngõ ngách để tránh né…

Về một trong những vụ án mà ông tham gia giải quyết, phải kể đến vụ trộm ở Bào tàng Hà Nội. Vụ này gây xôn xao dư luận thời đó vì mất nhiều đồ quý, các đối tượng đột nhập trộm cắp tài sản có giá trị trong bảo tàng, đặc biệt là các ấn bằng vàng, bạc của vua chúa ngày xưa để lại, sau đó mang ra tận Hà Bắc tiêu thụ. “Lực lượng Hình cảnh chúng tôi phải phối hợp lần tìm, khổ công lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm. Chưa đầy 1 tháng sau thì bắt được 2 đối tượng lưu manh, cộm cán, tịch thu lại ấn…” – ông Minh Hùng cho biết thêm. Sau này, ông lần lượt giữ chức vụ Đội trưởng Đội Hình cảnh, Trưởng phòng Quản lý trị an, tham gia tiếp quản Sài Gòn, rồi công tác ở Cục Cảnh sát Quản lý trị an cho đến tháng 1 năm 1980 thì về hưu.

Người lính “tiền trạm” và 5 ngày đêm sống chung với giặc Pháp

Bên cạnh đội ngũ những CBCS Công an hoạt động trinh sát bí mật trong lòng Hà Nội những ngày tiền giải phóng, còn có lực lượng được phân công vào trước làm công tác “tiền trạm”. Đại tá Hoàng Đăng Đỉnh (80 tuổi) là một trong số đó. Ngày  5/10/1954, ông theo đoàn Công an trật tự do đồng chí Lê Quốc Thân (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) làm Trưởng đoàn đi vào Hà Nội trước 5 ngày, sống chung với giặc Pháp và ngụy quyền để nắm tình hình an ninh trật tự, vận động đồng bào chuẩn bị đón quân của ta tiếp quản Thủ đô an toàn vào sáng 10/10. Lúc này, ông mới tròn 20 tuổi, đang là học viên lớp đào tạo khóa I Trường Công an Trung ương. 6h sáng, mọi người đều đã mặc cảnh phục, đội mũ, đeo súng ngắn, tập duyệt đội hình chỉnh tề bắt đầu hành quân ra đường tỉnh lộ, tiến về căn cứ Phù Lỗ.

Sau khi đoàn cán bộ của ta và sỹ quan Pháp làm thủ tục bàn giao, mỗi người trong đoàn nhận được một “giấy ủy nhiệm” bằng tiếng Việt và tiếng Pháp với chữ ký của Thiếu tá Phạm Hồng Thái, Trưởng đoàn đại biểu QĐND Việt Nam trong Ban Liên lạc hợp Bắc Bộ Ký và  Le Colonel – Libert (phía Pháp). Đoàn được chia làm nhiều tốp được đưa lên xe GMC hộ tống bởi hai tên lính Pháp. Đi đầu là chiếc thiết giáp, tiếp theo là 10 xe GMC, ở giữa có xe mô-lô-tô-ba của ta cung ứng hậu cần. “Tôi ngồi trên chiếc xe GMC mui trần, xung quanh rất nhiều người dân và công nhân nhà máy, quần áo vẫn còn lem luốc, chân tay dầu mỡ bám vào hàng rào dây thép gai hoan hô. Nhiều tốp thợ khác chạy ra, chen chúc say sưa ngắm nhìn đoàn quân ta tiến vào, ánh mắt hoan hỉ. Tuy nhiên, mọi người trong đoàn quân nhận được mệnh lệnh chỉ mỉm cười biểu lộ khuôn mặt không được giơ tay vẫy” – Đại tá Đỉnh hồi tưởng, dù mừng vui nhưng mọi người không tỏ rõ thái độ, tránh việc khiêu khích quân địch.

Đoàn xe tiến vào trung tâm, tập kết ở khu Đồn Thủy, sau đó tỏa xuống 50 đồn cảnh sát ở 4 quận nội thành và 1 quận ngoại thành Hà Nội. Đại tá Hoàng Đăng Đỉnh và hơn 25 đồng chí khác được phân công về quận 4, cuối phố Khâm Thiên (nay là quận Đống Đa). Sau đó về Đồn Cảnh sát Hàng Bột (đối diện với Nhà thờ hàng Bột hiện nay). Nhiệm vụ trước mắt phải tranh thủ thời gian xuống địa bàn được phân công nắm bắt hệ thống phòng thủ của Pháp, tìm hiểu ANTT trong thời điểm “giao thừa”, khi giặc Pháp rút khỏi Hà Nội. Khi gặp trực diện những chiến sỹ Công an trật tự của ta, binh lính Pháp đều tỏ ra rất ngạc nhiên khi người chiến thắng đoàn quân viễn chinh của họ đều là những anh lính gầy gò, nhỏ bé. Tất cả đều rất trẻ và với nhiều chiến sỹ, đây là lần đầu đến Hà Nội. Họ bắt tay ngay vào nhiệm vụ trong niềm hạnh phúc, nhưng luôn đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh.

Thời gian "tiền trạm" cho ngày đại quân tiến về Giải phóng Thủ đô chỉ có 5 ngày, nhưng với Đại tá Hoàng Đăng Đỉnh có nhiều kỉ niệm không thể nào quên. Trong quá trình làm nhiệm vụ, vào ngày 6/10, trong đồn chỉ có 6 người lính Âu – Phi. Họ cũng mới được điều về đồn vài hôm vì bọn cảnh sát, cảnh binh ngụy bỏ trốn từ lâu, cấp trên bắt họ đến thay cho người trực làm việc với ta. Để không khí giữa ta và địch bớt căng thẳng, ông và đồng đội tìm cách trò chuyện, giao tiếp với họ, 6 người lính trên cũng bắt đầu biểu lộ vui mừng, rất sung sướng vì đã thoát chết trong chiến tranh nay hòa bình chỉ mong về quê quán làm ăn, sinh sống...

“Ngày 9/10, tình hình căng thẳng khi một chiếc xe Jeep cắm cờ Pháp từ phía Cát Linh chở toán hiến binh đến đồn thay trực. 4 tên cao to, đi ghệt trắng, đứa nào cũng đeo súng Colt khệ nệ bên hông, vào đồn thị uy ngay với số lính Pháp đang trực. Bọn này rất hiếu chiến và ngạo mạn nên anh em chúng tôi bàn nhau cẩn trọng trong đi lại, phải luôn có 2 người, hỗ trợ nhau, đề phòng bọn này tổ chức bắt cóc. Đồng chí tổ trưởng động viên chúng tôi phải kiên định tự hào là người chiến thắng, bọn chúng không có gì đáng sợ…” – Đại tá Hoàng Đăng Đỉnh nhớ lại. 6h chiều có lệnh thiết quân luật. Cấm người và xe cộ đi lại. Trên đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng xe thiết giáp, lính Pháp tuần tra thị uy, dân Hà Nội chỉ được ở trong nhà nhìn ra. Về khuya, Đại tá Hoàng Đăng Đỉnh đang chợp mắt thì súng nổ ran, hết loạt này đến loạt khác, tiếng xích sắt ầm ầm của tăng bọc thép, tiếng la hét inh ỏi của Pháp đuổi bắt người dân trong ngõ. Một đêm nghẹt thở khủng khiếp, tất cả chỉ qua đi khi trời dần về sáng…

Đúng 8h ngày 10/10/1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiếm. Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, cờ hoa hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về trong ngày lịch sử. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Và bước ngoặt lịch sử ấy, có dấu chân của ông Nguyễn Minh Hùng, Đại tá Hoàng Đăng Đỉnh – những cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô anh dũng, kiên trung…

Minh Hiền – Quỳnh Vinh
.
.
.