Khi người dân tự mời... bà Hỏa đến nhà

Thứ Năm, 23/11/2017, 13:58
Hà Nội với lịch sử lâu dài của mình tồn tại không ít những "ma trận" ngõ hẻm. Các cư dân tại của thành phố "nghìn năm tuổi" sống gắn liền với những ma trận này. Nhưng cuộc sống đó cũng tồn tại rất nhiều vấn đề trong đó nổi cộm nhất có lẽ là nguy cơ hỏa hoạn thường trực.

Bài 2: Giật mình những cái chết được báo trước


Thống kê của các cơ quan chức năng trong 10 năm trở lại đây, cả nước xảy ra hơn 17.000 vụ cháy nổ, làm chết 688 người, làm bị thương 1.848 người. Bên cạnh nỗi đau đớn mất mát về con người, cháy nổ cũng cướp đi ít nhất gần 5 nghìn tỷ đồng.       

Các vụ cháy nổ nhà dân trong các khu dân cư gây thiệt hại lớn về người và tài sản ngày càng gia tăng về số vụ và mức độ thiệt hại. Đáng báo động, những vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng với mức độ thiệt hại ngày càng lớn. 

Cả nước hiện có hàng chục triệu căn nhà vừa làm nơi sinh hoạt, vừa sản xuất kinh doanh, tập kết nhiều chất dễ cháy nhưng chỉ có một lối ra vào với nhiều lớp cửa chống trộm, thiết bị điện câu mắc tuỳ tiện. Qua thống kê, có đến gần 70% các vụ cháy trong khu dân cư có nguyên nhân từ điện

Hiện trường vụ cháy trong ngõ 88 Tân Xuân.

Có thể điểm lại một số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian gần đây tại Hà Nội. Như vụ bà hỏa “đến thăm” ngôi nhà số 5 ngõ 88 đường Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào chiều ngày 14-1 hoặc vụ cháy tại ngõ 254 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào chiều ngày ngày 20-3-2017. Ngọn lửa bùng lên từ tầng hầm ngôi nhà 4 tầng ở địa chỉ số 24 ngách 101/254 Minh Khai, sau nhanh chóng lan sang các nhà bên cạnh. 

Từ tin báo của người dân, phòng cảnh sát PCCC số 8 đã điều động 3 xe cứu hỏa cùng cán bộ chiến sĩ triển khai tới hiện trường. Tuy nhiên, hiện trường vụ cháy nằm sâu trong ngõ 254 Minh Khai, chiều rộng lối vào quá nhỏ, xe cứu hỏa phải dừng bên ngoài buộc lực lượng chức năng phải nối hàng trăm mét ống để phun nước vào hiện trường vụ cháy.

Từ thời điểm vụ cháy bùng lên là vào khoảng 14h nhưng phải đến 15h30 tức gần 1 tiếng rưỡi, lực lượng chức năng mới khống chết được đám cháy. Hai vụ cháy trên đều có chung đặc điểm là hiện trường đều nằm trong ngõ hẻm nhỏ, xe cứu hỏa khó tiếp cận nhưng may mắn không có thiệt hại về người. 

Lối vào ngõ khá nhỏ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường.


Lực lượng cảnh sát PCCC phải nối dài vòi cứu hỏa đến hiện trường dập lửa. Ảnh: Hoàng Anh

Một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra vào 2h sáng ngày 13-7-2017, lực lượng Cảnh sát PCCC số 3 (phụ trách quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận được tin báo của người dân về một vụ cháy nhà dân ở số 37 trong ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Hiện trường vụ cháy căn nhà 4 tầng nằm sâu trong ngõ. Điều này khiến xe cứu hỏa không thể tiếp cận đám cháy, cùng với đó lực lượng cứu hỏa buộc phải triển khai đội hình mang theo bình cứu hỏa và nối dài vòi cứu hỏa đến hiện trường, việc này mất rất nhiều thời gian không đáng có.

Những mảng tường loang lổ, ám đen sau chuyến ghé thăm của "bà hỏa" vào sáng 13-7
4 người trong một gia đình gồm bố mẹ cùng 2 con đã tử vong thương tâm sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng nằm sâu trong ngõ 205 đường Xuân Đỉnh.

Phải gần 1 giờ đồng hồ sau đó, đám cháy mới được lực lượng chức năng khống chế hoàn toàn, đáng tiếc là toàn bộ 4 nạn nhân bên trong căn nhà đều đã tử vong và nguyên nhân là do ngạt khói.

Qua điều tra của lực lượng chức năng sau đó, nguyên nhân gây ra vụ cháy đến từ việc các nạn nhân cắm sạc bình điện xe máy điện ở tầng 1 qua đêm dẫn đến chập điện khiến ngọn lửa bùng lên.

Cùng với đó, các lối ra vào chính ở tầng 1 và tầng thượng đều được các nạn nhân khóa chặt nên khi xảy ra cháy đã quá hoảng loạn, không thể tìm được khóa mở cửa để thoát ra ngoài dẫn tới dù đám cháy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn những hậu quả quá thảm khốc.

Hai lối thoát chính của ngôi nhà đều được khóa chặt để chống trộm nhưng khi đám cháy xảy ra, sự an toàn đó lại tước đi cơ hội thoát khỏi vụ cháy của chính các nạn nhân.

Vụ tiếp theo cũng với những đặc điểm tương tự xảy ra vào khoảng 2h ngày 19-7, ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ tầng một của ngôi nhà 4 tầng nằm trong ngõ 41 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nhận được tin báo, phòng phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã huy động 8 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Nhưng cùng phải mất tới gần 1 giờ, lực lượng cứu hỏa mới khống chế hoàn toàn được đám cháy. 

Trong số 3 người mắc kẹt bên trong chỉ có duy nhất cháu tên Lê Thanh Ngân (17 tuổi) được cứu sống, hai nạn nhân còn lại là cụ bà tên Ngọc (80 tuổi) và người phụ nữ tên Thúy (49 tuổi, con gái bà Ngọc) đều tử vong.

Ngọn lửa kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 2 người trong đêm 19-7

Cô Dương Thị Nga (hàng xóm gần nhà các nạn nhân) vẫn cảm thấy rất đau xót khi nhớ lại giây phút chứng kiến các nạn nhân kêu cứu sau song sắt chuồng cọp: 

“Khoảng 2h sáng, cô đang ở trong nhà thì nghe thấy kêu thét thất thanh ở bên ngoài. Khi mở cửa nhìn ra, cô chứng kiến ngọn lửa dữ dội đang bao trùm ngôi nhà số 48. Phát hiện cánh tay thò ra ngoài chỗ khung chuồng cọp kêu cứu nên cô cùng mọi người liền hắt nước vào đó và cố gắng giải cứu nhưng không được do chuồng cọp được hàn quá chắc chắn".

Cô Dương Thị Nga, người dân sinh sống trong ngõ 41 Phố Vọng.

Lực lượng cứu hỏa cùng có mặt rất nhanh chỉ sau khoảng 15 phút nhưng ngõ 41 nhỏ khiến xe chỉ có thể dừng lại ngoài đường. Các chiến sĩ buộc phải dùng bình cứu hỏa và nối vòi dài đến hàng trăm mét tới hiện trường vụ cháy nên mất rất nhiều thời gian.

“Mất khoảng 1 tiếng sau, mẹ con cô Mai mới được đưa ra ngoài, nhưng do vết thương nặng nên mẹ con cô ấy được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Còn thi thể cụ Ngọc và chị Thủy được phát hiện trên tầng 4. Lực lượng chức năng phải đưa thi thể qua khe chuồng cọp ở tầng 3 rồi thông qua nhà hàng xóm đi xuống”, bà Nga bàng hoàng kể lại.

1 tháng sau vụ cháy thương tâm, ngôi nhà số 48 ngõ 41 Phố Vọng đang được tu sửa.

Lý giải nguyên nhân vì sao đám cháy nhỏ lại gây ra thiệt hại lớn, đại diện lực lượng cảnh sát PCCC cho biết ngôi nhà bị cháy thuộc dạng nhà ống, diện tích mỗi sàn 60 m2, tầng một kinh doanh hàng tạp hóa, các tầng còn lại để ở.

Cầu thang các tầng đều chứa rất nhiều vật dụng nên khi cháy lửa lan rất nhanh từ tần một lên tầng bốn. Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nên lực lượng cứu hỏa mất khá nhiều thời gian để triển khai được người và phương tiện tới hiện trường. Mặt khác, ở các tầng phía trước của ngôi nhà đều có lồng sắt nên công tác cứu hộ cứu nạn, thoát hiểm gặp nhiều khó khăn.

Chuồng cọp trong ngõ sâu

Có một hiện thực rất nguy hiểm đang tồn tại hiện nay tại Hà Nội, đang có quá nhiều khu vực dân cư với mật độ dân số lớn. Sự gia tăng dân số kéo theo không gian sống hạn hẹp đã thúc đẩy người dân cơi nới khiến hành lang an toàn cháy nổ giữa các hộ dân cư bị thu hẹp dần. 

Cùng với đó là vô số “chuồng cọp” kiên cố được người dân tạo ra do mối lo trộm cắp mà tuyệt nhiên quên đi rằng mỗi gia đình cần ít nhất 1 lối thoát hiểm để phòng cháy nổ không may xảy ra.

Các xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát PCCC số 2 Hà Nội
Bộ dụng cụ cứu hỏa cá nhân này cực kỳ hữu hiệu  với các vụ hỏa hoạn xảy ra ở địa hình phức tạp nhất là ở khu vực ngõ hẻm nhỏ.

Những tồn tại này là một trong những nguy cơ cao dẫn đến hỏa hoạn nhanh chóng lây lan sang các nhà lân cận bởi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp với phương tiện như xe cứu hỏa gần như 100% không thể tiếp cận hiện trường.

Thông thường, hầu hết các vụ cháy khi được thông báo tới lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì đều đã bùng lên quá to. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhanh nhất cũng phải mất 15 phút để triển khai. Nếu gặp phải những đám cháy sâu trong ngõ như tại Xuân Đỉnh, phương tiện chữa cháy hiệu quả nhất là vòi rồng không thể sử dụng được mà bắt buộc phải sử dụng bình chữa cháy xách tay, máy bơm nhỏ và nối vòi. 

Tuy nhiên biện pháp này làm giảm khả năng dập tắt đám cháy nhưng làm tăng nguy cơ tử vong nếu có nạn nhân mắc kẹt bên trong. Đây thực sự là thực trạng chung đáng lo ngại đang diễn ra phổ biến ở khắp nơi trên cả nước.

Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết: “Phòng Cảnh sát PCCC số 2 phụ trách khu vực địa bàn được đánh giá là phức tạp với dân số đông, thêm vào đó là khu dân cư nằm trong ngõ sâu, nhỏ hẹp. Điều này làm giảm khả năng triển khai chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi không may có đám cháy xảy ra. Chính bởi vậy, chúng tôi xác định việc phòng cháy là nhiệm vụ quan trọng nhưng đi cùng với đó là việc tập trung tuyên truyền nâng cao kỹ năng sống, tuyên truyền  ý thức phòng ngừa sẽ là cách tốt nhất giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản”.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2) chia sẻ về nguyên nhân gây ra các vụ cháy gần đây.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cũng chia sẻ, nguyên nhân gây tử vong trong hầu hết các vụ hỏa hoạn đều do ngạt khói. Khi xảy ra hỏa hoạn người dân cần phải bình tĩnh bịt mũi thoát khỏi đám cháy theo cách khom thấp người nhất có thể. Trong trường hợp không thể thoát khỏi đám cháy thì  nhanh chóng vào phòng gần nhất đóng kín cửa lại, đồng thời bịt các khe cửa không để khói lọt vào phòng. Để ngăn khói xộc vào trong phòng, mỗi gia đình cần trang bị 2 cuộn băng dính bản to để ngay trong phòng, nơi dễ lấy nhất.

Khi xảy ra hỏa hoạn, dùng băng dính dán các khe cửa lại và nhanh chóng gọi lực lượng cứu hỏa theo số 114,  cần nói rõ địa chỉ nơi xảy hỏa hoạn, số tầng đang bị mắc kẹt để lực lượng cứu nạn tiếp cận nhanh nhất. Khi áp dụng biện pháp này, các thành viên trong gia đình có thể ở trong căn phòng ít nhất 1 giờ đồng hồ, đợi lực lượng cứu hỏa đến giải cứu.

"Đón đọc bài 3: Sống chung với lũ".

Nhóm PV
.
.
.