Bài 2: Cam go cuộc chiến chống “cát tặc”
Núp bóng giấy phép nạo vét luồng đường thủy để tận thu cát
Khi theo chân lực lượng Công an một số địa phương như: Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đấu tranh với các đối tượng có hành vi sử dụng tàu, thuyền khai thác cát trái phép, chúng tôi thấy rằng, dù các đơn vị chức năng khá kiên quyết đẩy đuổi “cát tặc”, nhưng tình trạng vi phạm trên vẫn diễn biến phức tạp. Như một “cái gai” khó nhổ, chỉ một thời gian ngắn sau, vi phạm lại tiếp tục diễn ra.
Đáng chú ý, khi ghi nhận ở các địa phương có nhiều tuyến sông đường thủy nội địa đi qua trên, PV Báo CAND thấy rằng, thời gian qua, nổi lên tình trạng “cát tặc” núp bóng một số dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh khẳng định, hoạt động khai thác cát trái phép trong thời gian qua là do hai loại đối tượng. Một là số cá nhân mua sắm tàu, thuyền trang bị các phương tiện kỹ thuật (máy bơm, vòi rồng, máy xúc…) để khai thác cát trái phép.
Loại thứ hai là số công ty, doanh nghiệp núp dưới vỏ bọc thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa để tổ chức khai thác cát không đúng quy định gây sạt lở, làm mất an toàn hệ thống đê, kè, cống, khiến người dân sinh sống trên địa bàn bức xúc.
Cần rà soát lại các dự án nạo vét luồng đường thủy tận thu sản phẩm để phòng “cát tặc”. |
Trước tình hình trên, để ngăn ngừa những hệ lụy đi kèm, UBND tỉnh đã có Văn bản số 55/UBND-NN.TN ngày 9-3-2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn thuộc địa bàn 2 tỉnh giáp ranh: Bắc Ninh và Bắc Giang.
Tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, tình trạng núp bóng các dự án nạo vét, khơi thông đường thủy để khai thác cát trái phép đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa bàn có các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (hay còn gọi là tuyến đường sông quốc gia) đi qua.
Ở tỉnh Phú Thọ, nơi có 3 con sông lớn gồm: sông Lô, sông Đà, sông Hồng chảy qua, thời gian qua cũng xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa khai thác cát, sỏi không đúng quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ tỏ ra khá bức xúc khi đề cập đến vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trương xã hội hóa giao cho các doanh nghiệp triển khai một số dự án nạo vét khơi thông luồng đường thủy kết hợp tận thu cát, sỏi trên địa bàn. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hoạt động khơi thông luồng của các đơn vị thi công chủ yếu chú trọng vào việc khai thác cát, sỏi. Nhiều vị trí đã đảm bảo luồng tàu chạy với tải trọng lớn nhưng vẫn đưa vào thiết kế để thi công nạo vét.
Điển hình, như trên sông Lô, mơn nước đã sâu trên 4m nhưng vừa qua vẫn đưa vào thiết kế. Hoạt động này tại địa phương rất khó quản lý, do hồ sơ kỹ thuật thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt, việc phối hợp với địa phương để quản lý chưa chặt chẽ; cơ quan phê duyệt dự án chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc xác định ranh giới, phạm vi nạo vét luồng; ranh giới nạo vét luồng không rõ ràng nên dễ xảy ra tình trạng nạo vét ra ngoài phạm vi thiết kế, vượt độ sâu cần nạo vét. Tình trạng khai thác cát không đúng quy định theo đó đã xảy ra.
Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, qua nắm tình hình từ các địa phương, có tình trạng đơn vị thi công cho các tổ chức, cá nhân thuê từng đoạn sông để thi công theo hình thức hợp đồng nạo vét luồng; cùng với đó là các bến bãi tập kết cát tự phát mọc lên hai bên bờ sông Hồng, tạo ra tình trạng lộn xộn, mất ANTT, khó khăn cho công tác quản lý.
Đổ máu giữa thời bình
Có theo chân tuần tra trên các tuyến đường thủy nội địa mới thấy được hết sự vất vả, khó khăn của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Trưa 22-3, chúng tôi theo chân lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy – Công an tỉnh Hưng Yên tổ chức tuần tra trên tuyến sông Luộc (với 25km đi qua địa bàn).
Trên dọc tuyến sông này, chúng tôi bắt gặp những con tàu chở vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát) cũng như tàu được trang bị các phương tiện khai thác cát lưu thông trên sông.
Trung tá Đinh Ngọc Tùng, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy cho biết, các đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép thường lợi dụng thời điểm đêm tối, ngày nghỉ vắng người qua lại. Để tránh lực lượng chức năng, số đối tượng này còn “cài cắm” các “ăng ten” – đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới quanh các khu vực tổ chức khai thác cát trái phép.
Từ đó, thông báo kịp thời tới các chủ tàu nhanh chóng rút vòi rồng, tăng tốc đi sang khu vực thuộc địa bàn tỉnh khác, rồi vờ như không có chuyện gì xảy ra trước đó khi lực lượng chức năng xuất hiện. Tình trạng này, tập trung chủ yếu tại các tuyến đường sông có địa giới hành chính giáp ranh giữa các tỉnh. Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, do tuyến sông trải dài, khi nhận được thông tin của người dân về các đối tượng khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng sử dụng tàu tới thì các đối tượng cũng đã rời khỏi vị trí vi phạm…
Lợi nhuận thu về từ khai thác cát trái phép là siêu khủng. Theo lái tàu chở cát trên sông Hồng Nguyễn Đức Ngọc, quê ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) mà chúng tôi gặp trên sông Luộc, đoạn thuộc tỉnh Hưng Yên thì trên thị trường, giá cát đẹp đen có giá 80-90 ngàn đồng/m3 và khoảng 230-260 ngàn đồng/m3 cát vàng.
Còn cát san lấp có giá là 10-20 ngàn đồng/m3. Chính vì khoản lãi khủng trên, nên số đối tượng khai thác cát trái phép không từ bỏ các thủ đoạn tinh vi để đối phó cũng như chống trả lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Công tác đấu tranh với các loại đối tượng thực hiện hành vi này hết sức khó khăn.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, các đối tượng khai thác cát trái phép tỏ ra manh động, sẵn sàng liều lĩnh điều khiển tàu đâm va tàu của lực lượng làm nhiệm vụ. Thực tế này cũng đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đã có không ít cán bộ làm nhiệm vụ đổ máu giữa thời bình.
Như vụ xảy ra vào ngày 1-5-2009 tại tỉnh Bắc Giang, các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép đã chống đối, làm Thượng sĩ CSGT Nguyễn Văn Hoan (SN 1984) tử vong, làm bị thương 2 người khác. Rồi vụ việc xảy ra vào ngày 7-8-2009 tại tỉnh Tiền Giang làm một cán bộ thực thi nhiệm vụ tử vong.
Hay như ngày 4-4-2012, Nguyễn Công Đại và một số đối tượng khác đã sử dụng tàu cuốc từ huyện Phù Ninh (Phú Thọ) sang bãi Soi, bờ sông Lô thuộc xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô để khai thác cát trái phép. Khi bị người dân xã Bạch Lưu ra ngăn cản, đuổi tàu không cho khai thác, Đại đã dùng súng tự chế bắn bị thương 4 người v.v...
Còn nữa những vụ các đối tượng khai thác cát trái phép manh động chống trả lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Cuộc chiến chống “cát tặc” sẽ còn diễn biến cam go và quyết liệt, nếu như tới đây không có một giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn nữa.
Nhiều kẽ hở kiểm soát khai thác cát trái phép Theo Vụ Vật liệu xây dựng, riêng khu vực TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương, mỗi năm nhu cầu về cát xây dựng đã lên tới trên 10 triệu m³. Nguồn cung cấp cát cho nhu cầu tiêu thụ này chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch các tuyến thủy nội địa. Nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 đến 65% nhu cầu, do đó phần còn lại được cung cấp bởi các nguồn khai thác trôi nổi và “cát tặc”. Còn theo Sở TN-MT Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh này có tới 13 dự án xã hội hóa nạo vét được cấp phép, trong đó Bộ GTVT cấp phép 9 dự án và tỉnh Đồng Nai cấp phép 4 dự án. Hầu hết các dự án do Bộ GTVT cấp phép khi đi vào hoạt động đều không thực hiện nạo vét đúng như cam kết đăng ký, mà chỉ nhắm vào việc hút cát bán lấy tiền, còn khối lượng bùn đất chiếm tỷ lệ rất lớn chẳng mấy DN bỏ tiền chở đi san lấp. Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý việc đăng ký tận thu sản phẩm của các dự án nạo vét, Sở TN-MT Đồng Nai cũng đã phải thừa nhận rằng công tác giám sát các dự án nạo vét trong thời gian qua chủ yếu theo định kỳ nên còn bộc lộ nhiều kẽ hở. Việc quản lý khai báo tận thu sản phẩm chỉ diễn ra trên giấy chứ ít được giám sát thực tế. Đã vậy, một số dự án còn được cấp phép nạo vét cả ban đêm càng gây khó cho việc giám sát. Hiện tượng các dự án được Bộ GTVT cấp phép lợi dụng nạo vét luồng lạch trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải dùng vòi rồng loại lớn hút cát đem bán, còn bùn đất thả lại xuống lòng sông khiến người dân địa phương hết sức bức xúc. UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT phối hợp chấn chỉnh tình trạng này. Trong vòng 5 năm trở lại đây chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT cho tạm ngưng thi công đối với một số dự án nạo vét luồng lạch, tận thu cát trên sông Đồng Nai do gây sạt lở đất. Nhưng sự việc đã không được cơ quan cấp phép quan tâm, điều này khiến nhiều người dân ở quận 9 bị mất trắng hơn 45ha đất ven sông, hiện chưa thể khắc phục. Bắt giữ nhiều “cát tặc” thời gian qua, nhưng theo Công an Đồng Nai, vấn đề khó trong xử lý hình sự với “cát tặc” là hành vi khai thác khoáng sản trái phép nói chung, cát nói riêng chưa được quy định cụ thể về định lượng, định tính thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Đã vậy, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng khai thác cát trái phép tái phạm không thuộc diện phải áp dụng biện pháp quản chế đặc biêt tại địa phương hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Do đó nhiều đối tượng vẫn tiếp tục tham gia bơm hút trộm cát trái phép sau khi bị xử phạt. Đ.Thắng |