Bác sỹ pháp y và những nỗi khổ ít người biết

Chủ Nhật, 08/01/2006, 06:45

Mổ tử thi là công việc gian khổ của các bác sĩ pháp y. Thiếu thốn về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ đã đành, bác sỹ pháp y còn không nhận được sự cảm thông của người dân. Buồn hơn, nghề pháp y phải hiểu rộng, biết sâu mà bị đời rẻ rúng, đồng nghiệp xem thường dù trong nghề nghiệp họ chỉ làm được mỗi chuyên khoa của mình, còn bác sĩ pháp y phải làm tất cả.

Các nước giàu khi có người chết mà phải giám định pháp y (GĐPY), sau khi khám nghiện hiện trường xong họ đưa xác về Trung tâm PY. Bác sĩ GĐ chỉ việc đến trung tâm tiến hành công việc trong điều kiện có bàn mổ và đủ các tiện nghi khác, được đứng mổ thoải mái. Ở ta, có lẽ đến 99% các vụ GĐPY tử thi phải làm tại hiện trường, nghĩa là bất kỳ bờ sông, cánh đồng, núi cao hay rừng rậm, mưa thì được tạm nghỉ, nắng thì phải làm ngay mà chả thiếu những lúc phơi nắng chày chày giữa trưa hè hay ướt như chuột lội vì cơn mưa bất chợt. Mổ thì ngồi hoặc lom khom, tư thế gò bó nên chỉ một lúc là cả người, nhất là chân cẳng đau nhừ. Đến hiện trường thì vận dụng linh hoạt cả xe máy, xe đạp, đi ngựa hoặc “tung hoành” sông rạch bằng xuồng... khi mà ôtô đã hết đường tiến. Nếu không tận dụng được phương tiện thì cuốc bộ, trèo đèo lội suối vài ba ngày là chuyện thường. Thế nhưng có khi còn chẳng có gì để mà ăn!

Nhớ lần đi khai quật tử thi cháu Lý Văn Minh 15 tuổi ở An toàn khu (ATK), huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, vừa ra khỏi thị xã vài cây số thì trời mưa vần vũ. Đường lên ATK sau gần 50 năm cách mạng thành công, chiến tranh kéo dài không được tu bổ đã thành hầm hố, rãnh sâu như giao thông hào. Lại đúng dịp sửa chữa lớn chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám thành công nên mặt đường bị cày xới san ủi bung bét. Nhiều đoạn trơn quá, bốn bánh xe Uoát rê trượt thót tim, vã mồ hôi vì sợ rơi xuống vực! Những đoạn chưa san ủi lại khổ vì ổ voi, rãnh sâu hơn cả bánh xe. Đi khai quật nên trên xe có cả phạm nhân tự giác và cuốc, xẻng.

Thế là cả cán bộ điều tra, kỹ thuật hình sự, PY lẫn phạm nhân hò nhau đào, khuân đất đá lấp rãnh cho xe đi. Nhiều chỗ hai chiếc xe Uoát loại cứu thương của tỉnh và Bộ vừa kéo nhau vừa được hỗ trợ sức đẩy của tất cả mọi người. Thêm một chỗ bị sa lầy thì quần áo, mặt mũi lại dày thêm bùn đất. Có chỗ dốc quá phải dăm bảy lượt đẩy mà xe vẫn không lên được. Xe Uoát nóng quá lại hay chết máy vì kim phun xăng ngừng làm việc. Có 38 km mà đi từ 8 giờ sáng đến 16 giờ mới tới xã. Trời lại mưa không ngớt và giữa rừng chẳng có gì mà ăn.

Các điều tra viên của tỉnh bảo rằng: Bọn em cũng chưa bao giờ vào ATK. Vì thế, khi ra khỏi công an tỉnh họ mua một cây thuốc lá chứ không mua bánh mì! Càng đi lại càng lo vì suối nhiều quá, nếu mưa kéo dài, lũ suối đổ về thì phải nằm lại cả tuần là chuyện thường, vùng này lại có muỗi sốt rét lưu hành, rồi lấy gì mà ăn. Những năm cuối của thời kỳ bao cấp, địa phương vùng sâu rất nghèo. Hôm đó là ngày 27/7, xã mời cơm các gia đình thương binh, liệt sĩ mà chỉ có đậu phụ và thịt lợn toàn mỡ.

Đến được trụ sở Ủy ban nhân dân xã, mọi người già trẻ chẳng cần ý tứ gì, kiếm được chỗ nào là nằm lăn ra, mà sau này nhớ lại, mấy anh em khôi hài mô tả là “y như cái tử thi”. Trong khi chờ cơm, các bác sĩ PY bụng đói lả vẫn phải làm việc với địa phương để chuẩn bị nhân lực, phương tiện cho công việc khai quật ngày mai. Lâu lắm mới có đoàn cán bộ tỉnh, TW lên làm việc, được Ủy ban nhân dân tiếp toàn rượu sắn, đưa chén rượu lên mũi là biết ngay. Thế nhưng vẫn phải uống mà còn uống rất nhiệt tình nữa là đằng khác, nếu không các đồng chí cán bộ xã họ giận, mặc dù biết sẽ lãnh đủ tác hại vào sáng mai. Họ thay nhau nhè bác sĩ PY mà chúc rượu, không thể từ chối, vì thế tan cuộc thì tất cả đều thành thần lưu linh.

Khổ nỗi, khi đưa các bác sĩ về nhà dân ngủ nhờ, các già làng vớ được cán bộ TW lại thi nhau kể chuyện ngày xưa nấu cơm cho bác Phạm Văn Đồng, bác Trường Chinh, bác Võ Nguyên Giáp ra sao, tính nết các bác thế nào... mặc cho các bác sĩ mệt không buồn ngáp và mắt thì có cạy cũng không mở được. Không nghe thì sợ các cụ giận, đành phải ậm ừ một lúc cho qua chuyện rồi liều mạng ngủ quay.

Bốn giờ sáng các bác sỹ PY đã phải dậy đi làm việc. Trời vẫn mưa như trút, đường men sườn dốc núi trơn trượt, tay chống gậy, chân đất lần từng bước, đầu thì đau như búa bổ vì rượu sắn. Xã lục trong kho ra một chiếc chăn chiên (không có nilon) để dựng lều mổ xẻ. Mưa một lúc chăn ướt võng xuống, nước phẩm màu nhỏ xuống đầu, xuống áo blu đỏ lòm. May mà sau 5 tháng chôn cất ở sườn đồi khô ráo, tử thi cháu Minh phân hủy rất chậm. Xác định được cháu chết do áp xe ruột thừa vỡ gây viêm ổ bụng. Giải đáp được nghi vấn của gia đình và cũng là một bài học chuyên môn cho chẩn đoán, điều trị của các cơ sở y tế vùng sâu vùng xa. Những cực nhọc của cả đoàn khám nghiệm coi như được đền đáp xứng đáng.

Lại có lần ra bãi bồi ven biển Thái Bình để mổ đến 4 tử thi, lúc ra, nước triều xuống, mặc quần xà lỏn lội bùn, có chỗ sình đến bẹn. Mổ xong, triều lên thế là “alaxô” vừa bơi vừa giơ vali khám nghiệm lên đầu để vào bờ. Những chuyện nhọc nhằn thân xác thôi thì chẳng thiếu mà mỗi nơi, mỗi chỗ lại khác nhau, cũng chẳng dài dòng gì thêm làm mất thời gian của người đọc. Nhưng có những nỗi khổ mà nhiều người viết trước đây lại không chỉ mặt vạch tên được!

Do tâm lý người Á Đông, sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, cộng với sự thiếu thốn của hệ thống pháp luật nước nhà làm các bác sĩ PY lại phải chịu đựng những nỗi khổ khác. Thân nhân người chết - tất nhiên không phải là tất cả - có hàng trăm kế sách để ngăn cản bác sĩ PY mổ xẻ người thân của họ. Quan niệm “chết toàn thây” thâm căn cố đế trong suy nghĩ, vì thế câu cửa miệng của họ là: Đằng nào chết thì đã chết rồi, mổ xẻ làm gì cho thêm đau lòng. Viện đủ mọi lý do như nhà có cụ già cao niên đang bệnh nặng, nếu mổ xẻ con, cháu, cụ “sốc” mà chết thì nguy to. Nghe xong ai cũng phải “mềm lòng” ngay tức khắc.

Có ông bố, con chết nghi ngờ do chích ma túy bị sốc, quyết liệt to tiếng tuyên bố: “Nếu cứ mổ con tôi, tôi sẽ cắn lưỡi chết ngay tức khắc”, làm đồng chí Phó trưởng Công an huyện B, tỉnh H mặt cứ thộn ra. Vừa mới xong, anh còn nói rất có gang thép rằng: Dứt khoát cơ quan pháp luật phải mổ tử thi, đây là nguyên tắc tố tụng hình sự...! Tập trung đông người và phụ nữ khóc thật to khi đoàn công tác vừa đến hoặc khi nói đến chuyện mổ xẻ là chước bao giờ cũng có. Nạn nhân chết do tai nạn giao thông thì lý do xanh rờn là hai bên đã thỏa thuận “đền bù” rồi nên không cần mổ xẻ. Có khi cả phía gây tai nạn cũng đứng ra “xin” hộ phía bị nạn. Có không ít người lầm tưởng rằng (vì không hiểu biết luật pháp) họ đền tiền là không còn phạm pháp hình sự khi gây tai nạn giao thông chết người (?!).  “Cùn” nhất là câu: Tai nạn giao thông rõ ràng, ai cũng biết, việc gì phải mổ?... --PageBreak--

Có gia đình còn ngang ngược yêu cầu cơ quan pháp luật làm rõ nguyên nhân chết của thân nhân họ nhưng mổ tử thi thì dứt khoát không! Lại có cả những nơi mà cán bộ địa phương vì họ hàng, dây mơ rễ má đứng ra “xin" hộ gia đình “miễn pháp y”. Bao giờ thân nhân người xấu số cũng khẳng định và làm sẵn tờ đơn “xin miễn PY” (có gia đình còn viết là “đơn từ chối PY”), cam đoan không khiếu kiện gì. Nhưng có khi mực còn chưa ráo, họ đã có “đơn yêu cầu làm rõ nguyên nhân chết” của thân nhân.

Người dân cứ hay nhè lúc Quốc hội họp để đội đơn, thế là lại có trát từ trên xuống, lại phải khai quật tử thi để GĐ. Mà đã khai quật thì các đồng nghiệp ở tỉnh thường “kính chuyển” các cơ quan PYTW với lý do vượt quá khả năng chuyên môn, rất đúng luật. Nhưng nhiều khi không hẳn như vậy mà ý tứ “sâu xa tế nhị” là nỗi khổ thì dại gì mà không đá. Giải thích cho thân nhân người quá cố về mục đích pháp luật của việc mổ tử thi thường mất rất nhiều thời gian, có khi gấp đôi ba thời gian đi, về và GĐ. Đã có vụ việc phải đi đến lần thứ hai, thậm chí thứ ba mới mổ được.

Thế nhưng có phải vụ nào cũng “được” đi trong giờ hành chính đâu mà bất kể giờ nào. Bởi chưa đến thì địa phương còn vất vả vì bảo vệ hiện trường, bảo vệ tử thi. Nếu là tai nạn giao thông thì yêu cầu giải phóng đường là không thể chậm trễ, tất nhiên yêu cầu này vẫn phải xếp hàng sau yêu cầu điều tra, GĐ... rồi nếu chưa PY thì gia đình nạn nhân chưa thể chôn cất. Vì thế bất kể đêm hôm, mưa gió, nhịn đói dài dài, hai ba bốn giờ chiều ăn cơm trưa là chuyện thường ngày của bác sĩ PY.

Ở phía Nam, nhân dân sợ tử thi đến mức sợ cả người tiếp xúc với xác chết. Các bác sĩ điều trị làm PY kiêm nhiệm, nếu dân biết anh ta mổ xác, phòng mạch tư của anh ta sẽ vắng như chùa bà Đanh. Vì thế, các vị này nếu bị đưa vào danh sách làm PY của tỉnh thì còn sợ hơn... cha chết!

Một lần phải khai quật tử thi ở Gia Lai - Kon Tum (cũ), bác sĩ PY đã hướng dẫn Cơ quan điều tra làm việc cụ thể với địa phương và gia đình nạn nhân, được hồi âm là mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng. Do đường xa, 10 giờ sáng đến nơi mọi việc vẫn lặng như tờ. Xã báo cáo là không ai dám đào mồ. Rồi phải sang xã bên thuê một ông chuyên làm việc chôn cất người chết. 12 giờ trưa một mình ông ta bắt đầu đào, còn cả đoàn khám nghiệm nhịn đói ngồi giữa trời nắng vì nơi đó có đến mấy cây số vuông không một bóng cây!

Chuyện bị đe dọa, hành hung, thậm chí bị cầm giữ làm con tin không thiếu. Ở Yên Phong, Bắc Ninh, bốn thanh niên lực lưỡng - con trai của một người lính Âu Phi cũ ở lại Việt Nam không may bị chết nghi vấn - mắt trợn trừng long sòng sọc khi nghe nói mổ bố mình. Anh con cả cầm dao bầu cắm phập xuống bàn tuyên bố: “Thằng nào mổ bố tao, tao đâm chết!".  Ở Sóc Sơn, Hà Nội bị thân nhân người chết vác gậy, đòn gánh định hành hung, các bác sĩ PY bỏ đồ nghề, dùng chiêu “ù té quyền”.

Ở Cà Mau hay lác đác một số vùng miền Tây Nam Bộ, sau khi khám nghiệm xong, gia đình nạn nhân bắt bác sĩ PY phải trả lời nguyên nhân chết ngay tại chỗ, nếu không thì đơn giản là không được về (?!). Trả lời thì phạm luật tố tụng vì luật chỉ cho phép trả lời kết luận GĐ bằng văn bản cho cơ quan trưng cầu sau khi đã làm đủ các xét nghiệm cần thiết. Không nắm được luật pháp nên người dân cho rằng họ có quyền đòi hỏi như vậy. Chuyện “tạm giữ” đoàn khám nghiệm (kể cả ôtô) là chuyện có thật ở Thái Bình, Hà Tây...

Người dân sợ tử thi đã đành, họ rất thật thà bộc bạch với bác sĩ PY khi vừa mổ xong: Các bác giỏi thật, có cho em 10 triệu (chỗ khác thì các vàng) em cũng chịu thôi. Nghe người dân nói các bác sĩ PY chỉ... cười. Nhưng khi nghe không ít các bác sĩ làm công tác điều trị nói rằng: Làm nghề ấy kinh thế thì bác sĩ PY không cười được vì đau, mà không phải ít bác sĩ điều trị buột miệng tương tự. Lại có cả điều tra viên (những người rất cần kết luận GĐPY) nói: cái nghề cúi mặt xuống xác chết...

Đau vì nghề PY phải hiểu rộng, biết sâu mà bị đời rẻ rúng. Đau nhất là đồng nghiệp xem thường mặc dù trong nghề nghiệp họ chỉ làm được mỗi chuyên khoa của mình, còn bác sĩ PY phải làm tất. Có điều họ khác bác sĩ PY ở chỗ là thu nhập cao hoặc rất cao. Ai cũng biết bây giờ vào bệnh viện phải quà cáp, biếu xén, ít thì dăm chục, nhiều thì cả triệu. Vì thế nhiều bác sĩ công tác lâu năm ở các bệnh viện lớn đều đã có ôtô du lịch, tiền của dư giả. Bác sĩ PY theo quy định của Nhà nước sau một ca GĐ tử thi khai quật được bồi dưỡng 150.000đ, các trường hợp khác từ 70 đến 100.000đ. Các vụ GĐ tại phòng thí nghiệm được 20-30.000đ, mặc dù có những bộ xương hay mẫu giám định ô nhiễm không kém gì tử thi khai quật

Nguyễn Văn
.
.
.