Bác Hồ với Công an nhân dân
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm dạy bảo lực lượng Công an Nhân dân. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn dành thời gian đến thăm, động viên và huấn thị để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Những lời dạy bảo của Bác được thể hiện từ nhiều việc làm, qua nhiều tình huống của các cán bộ Công an.
Các chú nhớ: Không được lộng quyền
Đồng chí Phạm Lê Minh, nguyên phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, kể lại câu chuyện về một lần ông được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác. Đó cũng là lần mà ông được Bác chỉ bảo những điều rất thấm thía trong cuộc đời làm Công an của mình.
Lần đó Bác có chương trình đi dự mít tinh kỷ niệm quốc khánh 2/9 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. “Nhận nhiệm vụ, tôi mời anh em trong đơn vị đến họp để phổ biến kế hoạch công tác bảo vệ Bác. Sau khi hoàn tất phương án bảo vệ; tôi thận trọng vào xem lại bản ghi lịch công tác rồi kiểm tra lại tất cả các khâu công việc bảo vệ Bác đi dự mít tinh. Theo kinh nghiệm nghề nghiệp và để đảm bảo tính chính xác theo thời gian làm việc của Bác, tôi tự nhẩm một con toán đơn giản: 7h30 cuộc mít tinh bắt đầu. Đoạn đường từ Phủ Chủ tịch đi Nhà hát lớn chỉ mất 15 phút. Như vậy 7h15 mời Bác lên xe đi là vừa kịp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ công an bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960)
Tôi yên tâm trong tư thế sẵn sàng, mắt luôn luôn theo dõi kim đồng hồ nhích từng giây. Đúng 7h15 tôi mời Bác lên xe. Chiếc xe Pôpêda quen thuộc mà Bác thường dùng hàng ngày bon bon trên đường mà chúng tôi đã định. Nhưng bất ngờ một tình huống xảy ra khiến tôi lúng túng và vô cùng lo ngại. Khi xe Bác vừa đến ngã năm phố Nguyễn Thái Học - Điện Biên - Hàng Bông - Tràng Thi và Phan Bội Châu thì vừa lúc đèn phân luồng giao thông bật đỏ. Đồng chí lái xe nhìn tôi, rồi cho xe từ từ dừng lại đúng vạch quy định. Phía sau xe Bác có hàng chục xe ôtô, xe đạp, xe xích lô. Thấy chiếc xe Bác có ri đô vải kéo kín họ cứ tò mò ngó nghiêng nhìn vào. Phần vì lo Bác trễ giờ cuộc mít tinh, phần sợ bị lộ, đồng bào vây lại quá đông thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho Bác biết xoay sở ra sao? Lúc này, trên xe, Bác vẫn ngồi bình thản như không có gì tỏ ra sốt ruột. Nhìn sang bục điều khiển đèn phân luồng giao thông của cảnh sát giao thông, tôi thấy có một đồng nghiệp đang giải thích gì đó; còn luồng xe thuận chiều đèn xanh vẫn cứ nối đuôi nhau tấp nập từ phía Tràng Thi đổ về. Thời gian cứ như kéo dài thêm. Vì quá lo với trách nhiệm, trong tôi loé ra một ý nghĩ. Tôi thò tay vào túi rút chiếc thẻ công an có gạch đỏ chéo; còn tay kia định bật cửa bước ra khỏi xe để can thiệp ưu tiên cho xe Bác đi. Bác như đọc được ý nghĩ đó của tôi bèn ngăn lại. Bác nói:
- Chú định xuống yêu cầu Cảnh sát ưu tiên cho xe Bác đi phải không? Luật Nhà nước ai cũng phải chấp hành. Xe Bác mà được ưu tiên thì sẽ có hai cái bất lợi. Thứ nhất là xe Bác vi phạm luật, thứ hai là sẽ gây ra không bình thường, mọi người, kể cả những bọn xấu sẽ chú ý.
Nghe Bác dạy, tôi vội dời tay khỏi tay nắm cánh cửa xe, những giọt mồ hôi cứ vã ra chảy dọc theo cột sống, và tôi ngồi yên như phỗng. Cùng lúc đó đèn xanh báo thông đường, chiếc xe chở Bác hoà vào dòng xe và người tiếp tục đi. Rất may hôm đó Bác đến địa điểm cuộc mít tinh vừa khít giờ. Sáng hôm sau tập thể dục xong, Bác lại gần tôi. Như người có tật hay giật mình, nỗi lo về tình huống và ý định việc làm của tôi hôm qua lại trỗi dậy. Chân tay tôi cứ luống cuống như thừa, mãi khi Bác đã đứng bên, tôi mới thưa được với Bác một câu: “Cháu chào Bác ạ”.
Nhận ra thái độ lúng túng của tôi, Bác kéo tôi đi sát lại bên mình, vừa đi Bác vừa dạy đại ý: “Các chú làm công tác bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thì các chú phải hiểu Nhà nước ta là Nhà nước của dân chứ, bình đẳng và bác ái. Do đó các chú phải nhớ và hết sức thận trọng kẻo đồng bào hiểu nhầm là cậy quyền cậy thế. Công việc của các chú cảnh vệ làm càng bí mật, càng bình thường thì kết quả càng cao. Nghe Bác dạy, càng nghĩ tôi càng thấm thía.
Phải dựa vào nhân dân
Nhà báo Đinh Chương, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, cũng thuật lại một câu chuyện diễn ra vào đúng ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp tại thành phố Hà Nội cách đây đã tròn 36 năm. Ông kể rằng: “Vào sáng ngày 27/4/1969, Bác Hồ đi bầu cử Hội đồng nhân dân tại hòm phiếu số 6, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình. Giữa lúc các phóng viên còn lơ đãng nhìn về phía Hồ Tây thì chợt nghe tiếng bánh xe lăn lạo xạo trên sỏi, tôi giật mình quay lại, cửa xe đã mở. Anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác, định đỡ Bác xuống, vì thời gian này Bác đã yếu nhiều.
Bác gạt nhẹ tay, tự mình bước xuống. Bác mặc bộ quần áo vải màu xám, đầu đội mũ mềm ka-ki, tay chống gậy mây, chân đi đôi dép cao su quen thuộc. Nhìn thấy Bác, tôi rưng rưng nước mắt vì Bác không còn được khoẻ như những lần tôi gặp Bác trước đây. Chỉ có đôi mắt Bác vẫn sáng một cách kỳ lạ và cử chỉ vẫn nhanh nhẹn.--PageBreak--
Tất cả cử tri có mặt lúc đó ùa ra vây quanh thưa chuyện với Bác. Bác ân cần thăm hỏi người già, âu yếm các cháu nhỏ theo mẹ đi bầu. Bác căn dặn bà con phát huy cao độ quyền làm chủ để lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình đảm đương việc nước. Nhiều người vừa thưa chuyện với Bác vừa lau nước mắt vì xúc động trước sự thăm hỏi ân cần của Bác - vị Cha già dân tộc. Bác ngoắc chiếc gậy lên cổ tay và đi vào nhà, đến trước dãy bàn làm thủ tục. Tất cả cán bộ trong phòng bầu cử đứng dậy chào Bác. Bác bảo: “Các cô, các chú cứ làm việc”. Rồi Bác lại hỏi: “Đã có bao nhiêu phần trăm cử tri đi bỏ phiếu? Bao nhiêu trường hợp không đến hòm phiếu được? Có mấy hòm phiếu lưu động?”...
Sau khi nghe cán bộ phụ trách hòm phiếu trả lời, Bác khen ngợi mọi người có tinh thần phục vụ chu đáo. Nói xong, Bác vào phòng viết phiếu. Nhưng các phòng đều đang có người, Bác đứng đợi ở phòng viết phiếu thứ ba. Cán bộ phụ trách phòng bầu cử thấy Bác yếu mệt, ngại Bác đợi lâu, đến mời Bác vào phòng viết phiếu trước. Bác nói: “Trong phòng có người đang viết. Ai đến trước viết trước. Bác đến sau thì Bác chờ”.
Chờ một bà cụ viết xong phiếu bầu bước ra, Bác mới vào phòng viết. Chúng tôi liền chạy đến. Phòng hẹp quá, mấy đồng chí quay phim và nhiếp ảnh cứ loay hoay không biết làm thế nào để ghi lại hình ảnh Bác lúc này. Đèn pha của máy quay phim chiếu sáng rực. Đồng chí Vũ Tín - phóng viên ảnh, đồng chí Ma Cường - quay phim, giơ máy ảnh, máy quay phim lên bấm. Ánh đèn điện tử loé sáng liên tục. Nhưng Bác Hồ lấy tay che phiếu bầu rồi quay lại nhìn các nhà báo chúng tôi, nói thân mật nhưng nghiêm khắc: “Các chú làm gì thế! Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri mà. Các chú không biết nguyên tắc bỏ phiếu kín à?”.
Chúng tôi như sực tỉnh, thấy mình có lỗi, đành lùi ra xa. Các đồng chí quay phim, nhiếp ảnh sợ khoảnh khắc bấm máy lịch sử qua đi, không bao giờ ghi lại được. Mấy phút suy nghĩ, Bác đặt bút viết lên phiếu bầu, rồi ra khỏi phòng viết phiếu, cẩn thận gấp lá phiếu, bước đến bỏ vào hòm, làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.
Những chi tiết mà tôi được chứng kiến để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về phong cách sống mẫu mực của Bác. Bác đã tôn trọng trật tự công cộng và làm việc gì cũng tuân theo luật pháp. Được biết, trước ngày bầu cử, đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ, được phân công đến bàn với đồng chí Khang, Chủ tịch khu phố Ba Đình về thời gian và kế hoạch cụ thể. Các đồng chí muốn mời Bác đi bỏ phiếu trước lúc khai mạc, nhưng sợ làm như thế sai nguyên tắc. Cuối cùng, các đồng chí nhất trí cứ để nhân dân đi bỏ phiếu, khoảng sau một, hai giờ đợi lúc vãn người sẽ mời Bác đến bỏ phiếu. Đồng chí Kháng còn dặn đồng chí Khang: “Nếu lúc Bác đến mà hãy còn lác đác một số bà con đi bỏ phiếu, thì tốt hơn hết là tạm hoãn họ lại, đợi Bác bỏ phiếu xong đã”.
Hôm ấy, các đồng chí ở Cục Cảnh vệ và lãnh đạo chính quyền địa phương đinh ninh sẽ “thuận buồm, xuôi gió”, không làm phiền đến nhân dân và cũng chẳng ảnh hưởng đến việc bảo vệ Bác. Nhưng không ngờ, các đồng chí lại bị Bác phê bình một trận.
Lúc Bác bỏ phiếu về, vừa thấy đồng chí Kháng ra đón, Bác hỏi :
Hôm nay, chú bố trí mấy người bảo vệ Bác?
Thưa Bác, ít người thôi ạ.
Chú bố trí thế nào, có kín không?
Dạ...
Đồng chí Kháng lúng túng chưa kịp thưa, Bác liền nói :
- Mấy năm nay, tuy có các chú giúp đỡ tích cực, nhưng Bác được an toàn chủ yếu là nhờ nhân dân.
Đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh vệ lo lắng bởi nhiệm vụ mình chưa làm tròn. Sau, hỏi lại một số đồng chí có liên quan, đồng chí Kháng mới biết, lúc Bác bước vào phòng bỏ phiếu, Bác thấy hai đồng chí cảnh sát đứng thấp thoáng gần cửa. Bác còn biết cả chuyện các đồng chí định ngăn dân nữa...
Vinh dự được phục vụ Bác đi bầu cử hôm ấy, tôi thấy Bác hết sức giản dị, thân mật và gần gũi nhân dân biết chừng nào. Như chúng ta biết, lúc bấy giờ Bác đã yếu lắm rồi, đi đâu cũng phải chống gậy, đôi lúc có người dìu. Các đồng chí Cục Cảnh vệ muốn Bác ít đi ra ngoài để giữ gìn sức khoẻ cho Bác và việc bảo vệ Bác càng thuận lợi. Nhưng Bác không làm theo ý muốn của những người phục vụ Bác.
Làm xong nghĩa vụ công dân, Bác tươi cười, thân mật nói chuyện với bà con, khuyên mọi người hãy tích cực tham gia bầu cử để xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng vững mạnh. Nói chuyện xong, Bác lại tiếp tục đi thăm một số hòm phiếu khác ở Thủ Đô