Bác Hồ và đạo luật chống tham nhũng đầu tiên

Thứ Ba, 08/05/2007, 12:51

Chỉ có 5 điều với 300 chữ nhưng Sắc lệnh 223 do Hồ Chủ tịch ký ngày 27/11/1946, hội đủ nội dung cơ bản của một văn bản quy phạm pháp luật về việc chống tham nhũng và cũng thể hiện tính nghiêm minh và nhân đạo của một Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân.

Bác Hồ ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã nhận ra hiện tượng tiêu cực: một số phần tử xấu, lợi dụng tình hình "đục nước béo cò" mưu cầu lợi ích cá nhân "vinh thân phì gia" gây oán thán trong dân, làm sứt mẻ lòng tin của nhân dân.

Vì vậy, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ: Giám sát tất cả công việc và nhân viên của các UBND và các cơ quan của Chính phủ.

Sắc lệnh đã trao cho Ban Thanh tra đặc biệt "Thượng phương bảo kiếm" với các chức năng:

- Nhận đơn khiếu nại của nhân dân.

- Điều tra, hỏi chứng, xem xét tài liệu, giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát.

- Đình chỉ bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bổ nhiệm vào Ban Thanh tra đặc biệt này những vị vừa có tài, vừa có đức, có uy tín với nhân dân như cụ Bùi Bằng Đoàn, nhà thơ Huy Cận (SL 80 ngày 31/12/1945); cụ Tôn Đức Thắng (SL 221 năm 1947).

Theo Sắc lệnh 64 Người là Chánh án của Toà án đặc biệt được thành lập để xử các nhân viên của UBND hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố cùng với hai Hội thẩm là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Một năm sau đó, ngày 27/11/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 về việc: "xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân".

Sắc lệnh 223 là Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ có 5 điều với 300 chữ nhưng Sắc lệnh 223 hội đủ nội dung cơ bản của một văn bản quy phạm pháp luật về việc chống tham nhũng và cũng thể hiện tính nghiêm minh và nhân đạo của một Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân.

Sắc lệnh quy định hình phạt tù và hình phạt bổ sung cho các tội danh trên là: Khổ sai từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật (Điều 1). Điều này còn quy định: Người phạm tội còn có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Quy định này có tính răn đe nghiêm khắc vừa giúp khắc phục hậu quả kinh tế do cấu thành hành vi tội phạm và có tính nhân văn cao cả của chế độ dân chủ mới (để lại một phần tư gia sản có thể bảo đảm cuộc sống cho những người phụ thuộc).

Điều 2: Người phạm tội đưa hối lộ cho một công chức mà tự ý cáo giác cho nhà chức trách việc hối lộ ấy và chứng minh rằng đã đưa hối lộ là vì bị công chức cưỡng bách... Trong trường hợp này, tang vật hối lộ được hoàn lại. Những quy định trên đã khuyến khích công dân tố giác tội phạm hoặc thành khẩn khai báo nếu trót đưa hối lộ.

Điều 3: Mở rộng phạm vi đối tượng xử lý của sắc lệnh "Đối với các tội trên công chức còn gồm nhân viên trong Chính phủ, trong các ủy ban hành chính các cấp, các cơ quan, do dân bầu lên, trong bộ đội và tất cả các người phụ trách một công vụ".

Điều 4: "Các luật lệ hiện hành trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ" và điều cuối cùng: "Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu ủy nhiệm thi hành sắc lệnh này".

Sắc lệnh 223 thể hiện tư tưởng của một lãnh tụ vĩ đại là tài liệu học tập giá trị đối với các nhà hành pháp, các nhà tư pháp, các luật sư và nhân dân. Việc xử Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu Bộ Quốc phòng là một trong những minh chứng điển hình cho hiệu lực và tính khả thi của văn bản pháp quy này.

Hơn 60 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 - Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nhà nước dân chủ mới. Sắc lệnh 223 vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiến hành cuộc chiến không khoan nhượng với giặc "nội xâm" tham nhũng đang hoành hành đe dọa ổn định chính trị - xã hội, làm chậm tốc độ phát triển kinh tế, phá hoại thành quả cách mạng của nhiều thế hệ. Nghị quyết Đại hội Đảng X coi tham nhũng là một quốc nạn và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc Quốc hội khoá XI thông qua Luật Chống tham nhũng (55/2005); Việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chống tham nhũng (120/2006 NĐ-CP); Việc các tổ chức chống tham nhũng được thành lập ở Trung ương, các Bộ, ngành, các địa phương chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng nhằm đem lại cho người dân những hy vọng mới về một chính quyền Công bộc của dân có tài và trong sạch, thực sự của dân, do dân và vì dân như tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày ngày soi sáng trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta

Nguyễn Đăng Luận
.
.
.