"Bà đỡ" của các sinh viên nghèo vượt khó

Thứ Tư, 12/09/2007, 11:11
Sống trong căn nhà 14m2 chật hẹp với đồng lương công chức ít ỏi, nhưng từ năm 1996 đến nay, chị Nguyệt, giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội đã giúp gần 1.000 sinh viên với trợ cấp 300 nghìn đồng/tháng. Đến nay nhiều sinh viên của chị ra trường và đã giúp đỡ được nhiều cuộc đời nghèo khó khác…

Chị Tôn Thị Thu Nguyệt sinh năm 1954 trong một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi. Cha chị đang hoạt động cách mạng, lúc chị mới 3 tháng tuổi cha đã tập kết ra Bắc. Để giữ bí mật, ngay từ khi chị mới bi bô tập nói, mẹ chị đã nói dối là cha đã mất.

Lên 10 tuổi, chị chịu thêm nỗi đau mất mẹ, được cậu và dì thay nhau nuôi ăn học, chị đỗ đại học, một mình lên Sài Gòn nhập học, phải bươn chải làm thêm, lúc làm gia sư, lúc đi phụ may, lúc đánh máy chữ…

May thay trong những tháng ngày khốn khó đó đã có một ân nhân giấu tên giúp chị một khoản tiền đóng học, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chị. Sau năm 1975, chị ra Bắc rồi làm giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội.

Người ăn mày của sinh viên

Lớp học cử tuyển mà chị Nguyệt được phân công giảng dạy chỉ dành riêng cho sinh viên miền núi, con em dân tộc thiểu số. Hằng ngày chị tiếp xúc với nhiều trường hợp rất thương tâm, người thì mất mẹ, cha lại là thương binh nặng; người thì bản thân là nạn nhân chất độc da cam không thể tự mình đi lại được, người thì gia cảnh quá khốn khó, cha mẹ già, đi học đồng nghĩa với trụ cột kinh tế chính trong gia đình không còn...

Vậy là sau mỗi giờ học trên giảng đường, chị lại thầm lặng đi xin quần áo, giày dép cũ để phân phát cho sinh viên nghèo. Chị lặn lội đến các đại sứ quán xin về cho sinh viên hàng chục chiếc máy tính đã được thanh lí; thu xếp hẳn một buổi cho sinh viên đi khám bệnh…

Nhưng chị nghĩ những vật chất và việc làm trên chỉ là giúp đỡ trước mắt, lâu dài phải làm sao để sinh viên đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở mới học tốt để đưa chữ về cho con em miền núi.

Một lần, chị Nguyệt tâm sự với nữ học viên Majatla người Phần Lan mà chị dạy tiếng Việt. Chị Marjatla đã thốt lên rằng "trái tim của chúng ta đã gặp nhau". Marjatla tự nguyện gửi tiền giúp cho 1 sinh viên trong vòng 5 năm, tổng số tiền là 15 triệu.

Còn hành trình đi xin tiền của chị Nguyệt gian truân lắm. Có lúc chị phải vượt qua bao nhiêu luồng dư luận và dị nghị, có người nghĩ rằng chị toàn lo việc thiên hạ, trong khi mình và gia đình vẫn sống trong căn hộ chật hẹp; có người nghi ngờ chị làm như vậy là một hình thức để trục lợi cá nhân.

"Những mảnh đời éo le đang chờ vào đồng tiền mà tôi đi xin được, vì vậy những lời dị nghị đó không làm cho tôi quản ngại tuy tôi rất buồn. Nhưng khi được nghe lời nói chân thành của bà Margaretta - vợ của Đại sứ Thụy Điển "giúp cho sinh viên là giúp cho cả tương lai Việt Nam", đã càng làm cho tôi có thêm nghị lực để gặp gỡ nhiều người xin tiền cho sinh viên".

Chị Nguyệt tâm sự như vậy và luôn dạy sinh viên rằng: "Khi nhận được tiền, các em phải viết thư cảm ơn những người đã giúp đỡ và để thông báo với họ rằng số tiền của họ đã được cô Nguyệt chuyển đến tay người cần đến". Lá thư đó phải viết bằng ngoại ngữ, nhờ thế sinh viên được rèn luyện giúp ích cho việc học tập của mình.

Lòng tốt đã được nhân lên

Tính đến thời điểm này đã có hơn 100 nhà hảo tâm trong và ngoài nước góp số tiền 300.000 đồng/tháng để giúp cho các sinh viên. Từ năm 1996 đến nay đã có gần 1.000 sinh viên được nhận trợ cấp từ "mẹ Nguyệt". Người giúp các em ít nhất là 3 tháng, giúp nhiều là từ 2 đến 3 năm.

Chị tâm sự: "Bây giờ không chỉ có người nước ngoài mà ngay cả đồng nghiệp cũng đóng góp tiền để giúp các sinh viên. Chị Giang, chị Tâm (Khoa Tiếng Anh), giúp 2 sinh viên 2 năm; chị Mai (Khoa Tiếng Trung) giúp 1 sinh viên 3 năm".

Nhiều sinh viên đã vươn lên từ sự giúp đỡ ấy. Lâm Thùy Mai, hiện đang học năm thứ 5 ĐH Y Thái Nguyên, bố là thương binh nặng, đang học năm thứ 2 thì mẹ mất, Mai băn khoăn lắm vì thương bố ở nhà không người chăm sóc, bản thân mình nếu học tiếp sẽ không biết lấy tiền đâu.

Chị Nguyệt đã gửi thư động viên và tiền trợ cấp cho Mai. Năm học thứ 5 này, Mai đã có thể đi dạy thêm tiếng Anh, có thu nhập, thật cảm động Mai đã nhường số tiền trợ cấp hằng tháng của mình cho sinh viên khác.

Nguyễn Sơn Lâm quê ở Quảng Ninh - là nạn nhân chất độc da cam, tốt nghiệp 2 trường đại học, được chị Nguyệt xin nhà hảo tâm tặng cho chiếc xe lăn và mới đây anh đã tự nguyện nhường chiếc xe lăn đó cho một người khuyết tật khác là Hoàng Văn Thái (Sơn Động, Bắc Giang). Có nhiều sinh viên được chị Nguyệt giúp, ra trường công tác lại trở thành những nhà từ thiện.

Ví như Phùng Thị Biên Thùy quê ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa là cựu sinh viên lớp K38-A21, ĐHNN-ĐHQG Hà Nội, vợ chồng Thùy đều được huyện cử đi học, con nhỏ, cha mẹ già không biết cậy nhờ vào đâu, đã được chị Nguyệt giúp cho mỗi tháng 300 nghìn đồng để hỗ trợ ăn học.

Nay về quê dạy học, hằng ngày khi dạy, kèm thêm cho nhiều con em có gia cảnh khó khăn, Thùy đã không lấy tiền. Đáng mừng là đã có hơn 10 cựu sinh viên khác hằng tháng đã trích ra 300 nghìn đồng gửi chị để giúp sinh viên nghèo khác.

Tôi không sao quên được nụ cười của chị khi chị tâm sự: "Tôi sẽ vẫn tiếp tục đi xin tiền để cho người nghèo và tin tưởng rằng số người có hoàn cảnh éo le được giúp đỡ sẽ nhiều lên. Họ sẽ giúp đỡ nhiều người khác nữa và nhân lên lòng tốt - phải chăng đó là quy luật muôn đời"

Nguyễn Hoàng Ly Na
.
.
.