Ba cùng với đất rừng Tây Nguyên
Tôi nhớ mãi ánh mắt tư lự của Trung tá Nguyễn Đinh Sơn, Phó Công an huyện Sa Thầy (Kon Tum), trong một chiều cuối năm trò chuyện bên ché rượu cần với các già làng ở ngôi làng nhỏ nằm giữa đại ngàn heo hút trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Đã nhiều năm trôi qua rồi, anh chưa một lần được cùng những người thân yêu của mình quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa đón năm mới, mặc dù nhà anh ở thị xã Kon Tum, cách Sa Thầy cũng không xa lắm.
Vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi thì anh ở với bà con làng Răk, làng Chôk bên dòng suối Ya Xiêr; lúc lại đón xuân cùng đồng bào Jrai tít tận những ngôi làng xa xôi, dưới chân núi Chư Mom Ray... Anh tâm sự, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giáp Tết, các con anh lại hỏi: "Tết này bố có ở nhà không ?". Những lúc như thế, anh chỉ biết khẽ cười, hẹn các con mình chờ đến ra giêng anh trở về cùng gia đình ăn Tết muộn.
Chỉ có vợ anh hiểu được công việc của chồng, chị lẳng lặng gói ghém hành trang để anh đi chuyến công tác về cơ sở dài ngày... Hỏi ra mới biết, quê anh ở Sông Cầu, Phú Yên. Hơn mười năm trước, khi được phân công về huyện Sa Thầy công tác, anh đã chuyển hẳn gia đình lên Kon Tum để được gần gũi vợ con.
Nhưng rồi, công việc của một huyện có đến 85 cây số đường biên giới, với quá nhiều phức tạp, đã xoay anh như chong chóng. Anh phải dành phần lớn thời gian cùng các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trụ bám cơ sở, cùng ăn, ở, làm lụng với đồng bào, giữ gìn bình yên cho các thôn, làng.
Sa Thầy có 9 xã và 1 thị trấn, với gần 100 thôn, làng, nơi nào cũng đã có mặt các anh. Thậm chí, những ngôi làng của bà con Jrai ở các xã Mo Ray, Rờ Cơi sát đường biên giới, cách trung tâm thị trấn Sa Thầy hơn 80 cây số, mùa mưa xe máy quấn dây xích vào bánh cũng không sao bám nổi mặt đường mòn luồn lách trong rừng, trơn như thoa mỡ, song các anh vẫn không nản chí. Đường trơn thì mặc đường trơn. Không đi xe máy được, các anh đi bộ.
Dù lãnh đạo hay chiến sĩ đơn vị, ai cũng quyết tâm làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao, đảm bảo bình yên cho các buôn làng, nhất là những dịp lễ, Tết... Tâm sự của Trung tá Sơn làm tôi nghĩ về những chiến sĩ Công an đã gặp ở miền đất Ia Kla của huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai).
Thượng tá Trần Hữu Hảo, Phó Công an huyện, kể rằng: Quê anh ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình. Học xong Cao đẳng CAND tại Sóc Sơn, anh được điều vào Tây Nguyên, công tác tại Đức Cơ. Ở nơi quê mới, anh lấy vợ và đã có hai con. Nhưng, năm nào anh cũng ăn Tết với đồng bào Jrai ở các ngôi làng Sung Tung, Sung Le, Sung Kar, Sung Kep của Ia Kla, xã được Công an huyện nhận trách nhiệm đỡ đầu.
Từ năm 1980 về trước, bọn phản động FULRO lưu vong đã nhiều lần lừa phỉnh, lôi kéo, thậm chí còn dùng vũ khí khống chế đồng bào vượt biên sang Campuchia, đi tìm "miền đất hứa", dẫn đến mất tích cả trăm người. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai giao trách nhiệm cho Công an huyện Đức Cơ tăng cường phối hợp cùng cấp ủy và chính quyền địa phương, vực dậy phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở Ia Kla.
Qua một thời gian dài "Ba cùng" của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, cùng với sự giúp đỡ tận tình của đội ngũ già làng có uy tín, bà con Jrai, Êđê… sinh sống trên địa bàn không chỉ hiểu rõ bản chất xấu xa, âm mưu thâm độc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của bọn phản động, mà còn thay đổi những tư duy cũ, tập tục lạc hậu để tiếp nhận nếp sống văn minh của thời đại mới.
Đã có rất nhiều người ngày trước mê muội, nghe lời kẻ xấu làm điều càn quấy, trở về làm lại cuộc đời, được cấp ủy đảng, chính quyền và dân làng đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ có công việc làm với mức thu nhập ổn định, tích cực tham gia công tác xã hội như: Siu Sơn, Rơ Mah Hyơi…
Về Gia Lai, tôi đã nhiều lần đi cơ sở cùng với các cán bộ, chiến sĩ Phòng Bảo vệ chính trị VI (PA43), đơn vị Công an trực tiếp đấu tranh chống các hoạt động của tổ chức phản động FULRO. Ra đời chưa đầy ba năm nay nhưng tập thể PA43 đã hai lần vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba về thành tích xuất sắc. Biết bao tấm gương tận tụy với công việc được ghi nhận từ đơn vị này.
Đó là chuyện của Thượng tá Trưởng phòng Nguyễn Duy Lanh, dù gia đình ở huyện Đăk Đoa, song chỉ vì lo cho công việc vẹn toàn mà anh phải đến ở tập thể cùng anh em. Bố ruột của anh Lanh còn ở quê nhà tại TP Đà Nẵng, vài ba năm anh mới về thăm một lần. Hồi đầu năm nay, nghe tin bố bị bệnh anh tranh thủ về đưa đi bác sĩ chữa trị, dặn dò người thân chăm sóc, rồi vội vã trở lại đơn vị. Nào ngờ, đó cũng là lần cuối anh được nhìn thấy mặt bố...
Đó còn là chuyện của anh lính trẻ, Thiếu úy Lê Xuân Cường, quê ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Bốn năm trước, Cường tốt nghiệp Trường Trung học An ninh I và được điều về Tây Nguyên công tác tại PA43, phụ trách địa bàn các xã phía Nam Đăk Đoa, Gia Lai. Anh ruột của Cường là Bộ đội Biên phòng đóng quân ở vùng biên giới thuộc tỉnh Đắk Nông.
Dù tuổi đã già, song bố, mẹ Cường vẫn động viên các con yên tâm lên đường công tác. Bố của Cường, ông Lê Xuân Đường đã có 27 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, thường xuyên điện thoại cho Cường, dặn dò: "Bố và mẹ con khỏe lắm! Con đừng lo lắng gì, phải cố gắng công tác cho thật tốt!". Cường đâu biết được bố mình đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Đến khi anh em Cường hay tin, xin phép đơn vị về tới quê nhà thì bố đã không còn nữa...
Những ngày giáp Tết, trong ánh nắng xuân ấm áp, cả vùng đất Tu Mơ Rông ở độ cao 1.350m so với mực nước biển trong dãy núi Ngok Linh rực lên một màu vàng tươi tắn của hoa cúc quỳ. Con suối Đăk Pxi đổ về sông Pô Kô đã thôi đục ngầu, cuộn xoáy. Dòng nước trong xanh, róc rách luồn qua từng khe đá, soi bóng đại ngàn và những ngôi làng của người Xêđăng trên vách núi.
Tu Mơ Rông là huyện mới thành lập chỉ hơn hai năm qua, song hầu hết cán bộ, chiến sĩ Công an về đây đều có thâm niên công tác, gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên hàng chục năm rồi. Các anh đều có quê ở dưới miền xuôi, tít tận các tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... Những già làng trên miền đất "nhà treo vách núi" này bảo tôi rằng, đất rừng nơi đây là khu căn cứ cách mạng của những năm kháng chiến đánh giặc cứu nước.
Hồi đó, cán bộ người Kinh lên ở với đồng bào phải cà răng, căng tai, đóng khố. Khổ nhất là cà răng, già làng dùng liềm cứa sát gốc đến bốn chiếc răng cửa, người bị cứa đau đớn đến ngất lịm đi, hơn mười ngày sau mới dậy húp được vài muỗng nước cháo; còn người cứa và bà con trong làng lòng cũng đau như xát muối. Song, vì đó là tập tục ông bà truyền lại. Ngày nay, nhận thấy tập tục cà răng, căng tai ảnh hưởng đến sức khỏe nên đồng bào mới bỏ...
Nhưng, để trở thành những đứa con của buôn làng trên đất Tây Nguyên, các cán bộ, chiến sĩ Công an xa gia đình đi làm nhiệm vụ vẫn phải trải qua bao cực khổ, gian nan. Nhập gia tùy tục, ngoài việc am hiểu phong tục, tập quán, các anh còn phải đọc thông, viết thạo chữ viết của từng dân tộc Bahnar, Êđê, Xêđăng, Jrai... Cũng vì thế mà nhiều chiến sĩ trẻ cứ đùa với tôi rằng, họ biết từ 4-5 "ngoại ngữ".
Nhắc đến Tết cổ truyền, Trung tá Nguyễn Văn Ước, Phó Công an huyện, gốc người Long Xuyên, huyện Kinh Môn (Hải Dương), bảo tôi, anh lên Tây Nguyên đã 25 năm rồi, song rất hiếm khi đón Tết với gia đình. Và các cán bộ, chiến sĩ khác của đơn vị cũng thế. Cứ gần ngày Tết, vợ con của những người lính già, người yêu của những anh lính trẻ vượt đèo Măng Rơi mang vào cho bánh chưng, bánh tét, mứt, kẹo, hạt dưa... Những món quà đó được chia đều cho từng người cất cẩn thận vào ba lô cõng về các thôn, làng chung tiệc liên hoan mừng năm mới với đồng bào...
Trong núi Ngok Linh, một đêm nằm lại làng Tân Rát (xã Ngọc Linh, Đăk Glei), dưới ánh lửa xà nu bập bùng, ông già A Huim vít cần rượu, bất chợt đọc lại mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về những ngày bị giặc Pháp bắt, giam cầm ở ngục Đăk Glei: "Núi hỡi, từ đây băng xuống đó. Chừng bao nhiêu dặm, bấy đêm trường".
Rồi già A Huim bảo tôi, khi Tố Hữu vượt ngục Đăk Glei, một người Xêđăng ở làng La Lua, Đăk Choong, tên là A Nhít đã cõng nhà thơ băng rừng về làng, nấu cơm, nướng cá cho ăn, uống để lại sức mới chỉ đường cắt rừng về làng Rô. Người Xêđăng trong núi Ngok Linh, cũng như đồng bào Jrai, Bahnar, Êđê, Giẻ Triêng... trên đất rừng Tây Nguyên hùng vĩ một lòng theo Đảng và Bác Hồ nên bây giờ cũng yêu thương cán bộ, chiến sĩ Công an về với dân như những đứa con ruột thịt...
Ngày cuối năm, tôi đi trên những nẻo đường Tây Nguyên dưới cái nắng vàng như rót mật. Thoảng nghe trong gió đại ngàn vọng về tiếng cồng, chiêng huyền diệu như giục giã bước chân chàng dũng sĩ Đăm Noi đi đánh đuổi kẻ ác Drang hẹ - Drang hơm; rồi tiếng đàn T'Rưng, Klông Pút réo rắt báo hiệu vụ mùa tươi tốt, điệu Đinh Túk đằm thắm như tiếng con chim hoong gọi bạn tình... chợt nhận ra một mùa xuân yên bình nữa đang mang no ấm, hạnh phúc đến với các buôn làng...