Ba cha con bác sỹ, liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện ngã xuống vì Thủ đô thân yêu

Thứ Hai, 06/09/2010, 10:30
Đêm 19/12/1946, đêm mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, tại ngôi nhà riêng ở 65 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (nay là ĐSQ Cuba), bác sỹ Nguyễn Văn Luyện, một thầy thuốc xuất sắc, một nhà hoạt động xã hội có tầm nhìn xa rộng, đại biểu QH khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với hai con trai là tự vệ thành đã cầm súng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã dũng cảm hy sinh trong lúc bị giặc Pháp bao vây, khi ông mới tròn 48 tuổi.

Và đây cũng là trường hợp duy nhất ở Việt Nam, một gia đình trí thức có 3 liệt sỹ ngã xuống ngay trong đêm đầu kháng chiến.

1. Ông Nguyễn Trần Lê, nguyên là cán bộ của Thành ủy Hà Nội, một trong những người cháu đã mở lòng với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện về người bác của mình - liệt sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Luyện đúng vào dịp Quốc khánh 2-9.

Ông Nguyễn Trần Lê nói rằng: Từ hồi còn rất nhỏ tuổi, ông thường được nghe cha mình là ông Nguyễn Văn Phác (em con chú của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện, cũng là một tri thức yêu nước, từng tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng kể rất nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời và sự nghiệp của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Phác, bác sỹ Nguyễn Văn Luyện sinh ra trong gia đình Nho giáo trung lưu tại Bắc Ninh ngày 30/4/1898. Năm 24 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Luyện đã quyết định vào học Trường Y Đông Dương, Hà Nội. Sau 4 năm học, với kết quả xuất sắc, ông được cấp học bổng sang học tiếp ở Pháp.

Trong thời gian học tập tại Thủ đô Paris, ông đã hoàn thành luận án bác sĩ với đề tài: "Nghiên cứu y học xã hội về tử vong của trẻ em tuổi đầu". Luận văn này được đánh giá xuất sắc và hiện vẫn còn được lưu trữ tại Thư viện Khoa học Paris và Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Với tấm lòng của một người con xa quê luôn đau đáu về Tổ quốc, sau khi hoàn thành khóa học, bác sỹ Nguyễn Văn Luyện đã về nước cống hiến. Và ông đã không ngần ngại về những vùng quê xa xôi, hẻo lánh như Lào Cai, Yên Bái - nơi mà ở đó đồng bào không chỉ thiếu thốn, nghèo khó, bệnh tật, mà còn mê tín dị đoan, đặc biệt là trong việc khám chữa bệnh...

Sau thời gian "cùng khổ" với người dân, bác sỹ Nguyễn Văn Luyện đã nhận ra một điều: Chỉ khám chữa bệnh, cứu người thì chưa đủ, mà điều không kém phần quan trọng là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, giúp người dân biết cách phòng bệnh, đặc biệt là cách tự chữa trị bệnh khi bệnh mới ở thời kỳ đơn giản.

Hồ Chủ tịch và các đại biểu ra mắt cử tri Hà Nội tại khu Việt Nam học xá ngày 5/1/1946 (bác sỹ Nguyễn Văn Luyện đứng thứ 3 từ phải sang).

Về Hà Nội, ông thôi làm việc ở nhà thương công mà cùng một số người có chí hướng khác mở nhà thương tư tại 167 Phùng Hưng, với mong ước có thể khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Đồng thời, tích cực viết sách, báo tuyên truyền về sức khỏe. Cuốn sách "Sản dục Nam" hướng dẫn cách chăm sóc bà mẹ và nuôi trẻ em đã ra đời trong thời điểm này. Đây là cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên dạy cho người dân những kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Về sau nó được tái bản rất nhiều lần.

Là một trí thức lớn, giàu lòng tự tôn dân tộc, lại thương yêu dân nghèo nên việc Bác sỹ Nguyễn Văn Luyện tìm đến với cách mạng là một điều tất yếu. Được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 30/6/1944, Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập. Bác sỹ Nguyễn Văn Luyện đã trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương của Đảng Dân chủ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay kỳ bầu cử Quốc hội khóa I (ngày 6/1/1946), ông trở thành một trong 6 vị đại biểu Quốc hội khóa I đầu tiên của Hà Nội là: Hồ Chí Minh, Trần Duy Hưng, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Luyện, Hoàng Văn Đức và Nguyễn Thị Thục Viên. Tại Quốc hội khóa I, ông là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 thành viên, do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban).

Sau đó, ông được tín nhiệm cử làm thành viên phái đoàn tham gia Hội nghị trù bị Đà Lạt từ ngày 12/4/1946 đến 12/5/1946; thành viên của phái đoàn Chính phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đi đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau từ ngày 6/7 đến 10/9/1946.

2. Nói về sự hy sinh của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện ngay trong đêm 19/12/1946, đêm mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ông Nguyễn Trần Lê đã không giấu nổi niềm xúc động, dẫu rằng tất cả những gì ông biết đều chỉ thông qua lời kể của cha mình. Đó là vào những ngày cuối năm 1946, không khí chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp đã rất khẩn trương.

Trong không khí căng thẳng trước cuộc chiến, nhiều ý kiến góp ý với bác sỹ Nguyễn Văn Luyện nên đi sơ tán, nhưng ông đã cùng hai con trai là Nguyễn Đỉnh Minh và Nguyễn Minh Giám (đều là tự vệ thành) quyết định ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô.

Ngay trong đêm 19/12, bác sỹ Nguyễn Văn Luyện đã bị giặc đến nhà vây bắt. Cha con ông đã kiên quyết chiến đấu và hy sinh anh dũng. Thi thể của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện đã bị giặc Pháp kéo lên xe riêng và đưa đi, sau này không ai biết ở đâu. Còn hai con trai bác sỹ Nguyễn Văn Luyện thì chúng để lại nhà, sau đó cũng bị lưu lạc, nay vẫn chưa tìm thấy mộ.

Năm 1953, ông cùng hai con trai đã được Nhà nước công nhận là liệt sỹ. Ba người con gái của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện là Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thị Hồng sau đó cũng được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để được học hành đến nơi đến chốn. Hiện toàn bộ tài liệu, tư liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện cũng bị thất lạc qua hai cuộc kháng chiến. Nay chỉ còn mỗi tấm bằng "Tổ quốc ghi công".

Cũng theo ông Nguyễn Trần Lê, ông cụ thân sinh ra ông kể rằng, bạn cùng thời với bác sĩ Nguyễn Văn Luyện có rất nhiều, trong đó có không ít người sau này đã trở nên nổi tiếng, thành danh như hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, nhà điêu khắc Vũ Văn Cẩn... Tuy nhiên, đến nay không ai còn nữa. Những kỷ niệm về ông chỉ còn lưu ở ký ức của những người đã được nghe qua lời kể của Giáo sư Nguyễn Tấn Di Trọng - một người bạn sống cùng thời với ông.

Theo cố Giáo sư Nguyễn Tấn Di Trọng, Nguyễn Văn Luyện là một bác sỹ giỏi, một nhà báo, một nhà hoạt động xã hội có tầm nhìn xa trông rộng; tư gia rất khá giả, nên ông đã giúp đỡ rất nhiều người, đặc biệt là các tài năng trẻ gặp khó khăn về vật chất. Ngôi nhà của gia đình ông ở 65 Lý Thường Kiệt (nay là Đại sứ quán Cuba) đã được ông sử dụng làm nơi làm việc của Ban soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ thường qua lại để chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp. Chính ông cũng đã nhiều lần sử dụng tiền của gia đình để mua súng ủng hộ Việt Minh đánh Tây, đuổi Nhật. Trong Hội nghị ở Fontainebleau, Bác sỹ Luyện cũng đã mua một máy in hiện đại nhất lúc đó để tặng Chính phủ làm công tác thông tin truyền thông.

Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Trần Lê chia sẻ: Ông cụ thân sinh ra ông kể rằng, tháng 12/1953, Quốc hội họp tại chiến khu Việt Bắc, các đại biểu đã dành thời gian để tưởng niệm các đại biểu Quốc hội đã vì nước hy sinh đó là: Thái Văn Lung (Gia Định), Huỳnh Bá Nhung (Rạch Giá), Lê Thế Hiếu (Quảng Trị), Nguyễn Văn Luyện (Hà Nội), Nguyễn Văn Tố (Nam Định). Để ghi nhớ công lao của các đại biểu Quốc hội là liệt sĩ, nhiều địa phương đã đặt tên đường phố để vinh danh. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, trong số rất nhiều con đường của Thủ đô mang tên những người con ưu tú ấy vẫn chưa có con đường nào mang tên bác sỹ, liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện. Vì vậy, toàn thể gia đình, gia tộc chỉ có một tâm nguyện nhỏ nhoi là thông qua các nhà nghiên cứu lịch sử có thể giúp gia đình tìm ra được phần mộ của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện cùng hai con đã bị lưu lạc qua hai cuộc chiến tranh, nay vẫn chưa biết ở chốn nào; thông qua các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử để có thể thu thập thêm được những tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cũng như những cống hiến của bác sỹ Nguyễn Văn Luyện làm cơ sở để giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ. Và đặc biệt là nguyện ước các cấp chính quyền Hà Nội nghiên cứu, xem xét để sớm có đường phố mang tên người bác sỹ, liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện, một trong 6 Đại biểu Quốc hội đầu tiên của Thủ đô.

Huyền Thanh
.
.
.