Anh thợ cày và những sáng kiến độc đáo

Thứ Hai, 19/01/2009, 10:04
Thi đỗ một lúc vào 2 trường cao đẳng chuyên nghiệp, nhưng nhà quá nghèo nên Nguyễn Văn Phương, xã Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình không thể tới giảng đường mà phải ở nhà làm ruộng. Tuy nhiên, với bản tính ham học hỏi, anh thợ cày này đã tự mày mò và chế tạo thành công những chiếc máy nông cụ đem lại lợi ích cho hàng vạn bà con nông dân vùng đất nghèo cát trắng Quảng Bình. Những chiếc máy nông cụ của Phương đang thực sự làm vơi bớt những giọt mồ hôi của người nông dân trên đồng ruộng.

Từ thợ cơ khí làng…

35 tuổi, Nguyễn Văn Phương đã gắn bó với đồng ruộng từ khi biết cắp sách đến trường. Ước mơ trở thành một thợ cơ khí giỏi từ khi còn chăn trâu, cắt cỏ nên tốt nghiệp phổ thông, Phương thi đỗ vào 2 trường chuyên nghiệp là Cao đẳng Quảng Bình và Cao đẳng Cơ khí Ninh Bình.

Nhận xong giấy báo Phương đến trường nhập học, khoác áo sinh viên chỉ được đúng 2 tuần thì Phương đành phải chia tay bạn bè, thầy cô về lại ruộng đồng vì không thể kiếm đâu ra tiền để nộp học. Mặt khác nếu Phương theo đuổi ngành học thì những đứa em còn nhỏ của Phương phải nghỉ học vì gia cảnh quá nghèo.

Ngoài những giờ ra với ruộng đồng, gò bãi, Nguyễn Văn Phương lại đạp xe hàng chục cây số xuống thành phố Đồng Hới mua sách về nông nghiệp, cơ khí để đọc. Vừa làm ruộng, vừa tự học, Phương còn làm thuê, làm mướn bất cứ việc gì người làng cần để kiếm thêm tiền nuôi 3 đứa em ăn học.

Phương bảo: "Mình đã không thể thực hiện được ước mơ thì bằng mọi cách phải giúp các em thực hiện được ước mơ của chúng". Từ sự hy sinh ước mơ của anh, mấy đứa em Phương đã gắng học và tất cả đã trở thành cô giáo. Riêng Phương, sau khi thấy những đứa em của mình thành đạt, gia đình bớt khó khăn... Phương quyết định mở xưởng cơ khí.

Ngày một, ngày hai rồi mọi người đều thấy Phương có khả năng khiến những "cỗ máy sắt vụn" hoạt động còn tốt hơn trước... Bên cạnh việc sửa chữa, anh còn tự mình mày mò nghiên cứu và cải tạo, chế tạo thành công nhiều chiếc máy nông cụ khác rất hữu ích phục vụ bà con nông dân như chế tạo máy bơm nước, máy tiện gỗ, cải tạo máy cày, bừa.

...Đến những chiếc máy nông cụ hữu ích

Ngày chế tạo thành công chiếc máy bơm nước đầu tiên, để thử nghiệm cho bà con xem, Phương dùng nó áp dụng ngay chính chân ruộng của mình, trước sự chứng kiến của đông đảo người làng. Kết quả, máy bơm nước do anh chế tạo có nhiều ưu điểm: nhẹ, sử dụng được ở nhiều địa hình, không bị nghẹt nước, lắp đặt không cần chuyên môn sâu, giá thành lại rẻ, ít tiêu tốn nhiên liệu...

"Tiếng lành đồn xa", rất nhiều người tìm đặt mua máy bơm nước do Phương chế tạo. Đến nay, đã có hàng trăm nông dân từ các miền quê trên địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… mách nhau tìm đến mua và đặt cho anh chế tạo loại máy bơm này.

Qua tìm hiểu, giá trên thị trường đối với những loại máy bơm thông dụng là 850 nghìn đồng/chiếc, công suất chừng 60m3/giờ và tiêu tốn khoảng 1 lít xăng. Trong khi đó, máy bơm do anh Phương chế tạo, giá chừng 350 nghìn đồng/chiếc, công suất đạt 90m3/giờ, tiêu tốn hơn nửa lít xăng, độ bền không thua kém gì những loại máy bơm bán ngoài thị trường.

Được biết, để chế tạo thành công nhiều chiếc máy bơm nước đa năng, Phương phải cất công đi tìm hiểu về những loại máy bơm nước bán trên thị trường khá kỹ. Rồi anh tiếp tục lặn lội ngoài đồng, tìm đến những vùng có chân ruộng khác nhau và tìm hiểu về nguồn nước, chất đất... Sau đó, anh áp dụng những kiến thức có được vào cách chế tạo máy.

Không chỉ chú trọng tới việc chế tạo ra những chiếc máy bơm nước đa năng có công suất vừa và nhỏ, Phương đã chế tạo thành công chiếc máy bơm có công suất lên tới 450m3/giờ cho một số trạm thủy lợi lớn ở Quảng Bình.

Ngoài ra, có một số máy cày, bừa khi đưa vào cày ải, bừa đất tại vùng đồng ruộng ở các khu vực thấp thường bị lún sâu, máy không chạy được, đến khi Phương lội đồng xem xét, anh bắt đầu cải tạo một số chi tiết và chiếc máy này vận hành rất hiệu quả, nhờ đó lịch thời vụ của bà con không bị chậm trễ

Dương Sông Lam
.
.
.