Ánh sáng ở trong tim thắp tình yêu của cặp vợ chồng khiếm thị

Thứ Sáu, 15/12/2006, 15:30
Dung phải dậy từ 3/4h sáng để chuẩn bị quán bán hàng. Từ giảng đường đại học trở về nhà, Lý lại phụ giúp vợ. Bươn chải từ sáng sớm tinh mơ tới tận đêm khuya, mỗi tháng họ cũng kiếm tạm đủ để nuôi sống bản thân, trang trải học hành và cả chuẩn bị cho một sinh linh bé nhỏ sắp chào đời.

Trả lời tôi qua điện thoại là giọng người con gái thật dễ thương: "Vâng, em là Ngọc Dung, vợ anh Lý đây ạ...". Sau đó, cô gái đã hướng dẫn đường đi để tôi tìm tới nhà cô ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Từ Ngã Tư Sở, men theo dòng sông Tô Lịch, quẹo vào một lối nhỏ ở ngõ 61 đường Khương Trung, tôi đã tới được số nhà 20A, ngôi nhà của cặp vợ chồng từng vượt qua bất hạnh, gặt hái những thành công trong cuộc sống.

Giiấc mơ đại học

Dù đang bận bịu với bữa cơm chiều nhưng thấy tôi đến, cả Lý và Dung đều vồn vã mời lên căn phòng của họ. "Chị ngồi ở đây mùi than độc lắm" - Dung ái ngại. Dáng hao gầy cùng những bước chân dò dẫm, Lý dẫn tôi lên căn phòng nhỏ đơn sơ nhưng ấm áp, một tấm ảnh cưới treo chính giữa nhà là đôi uyên ương đang ngất ngây trong hạnh phúc.

Lý bắt đầu kể cho tôi nghe về nỗi bất hạnh của đời mình. Quê ở huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, từ khi sinh ra mắt Lý đã mờ, chỉ có chấm trắng như hạt gạo. Thấy con trai có dấu hiệu không bình thường về đôi mắt khiến người mẹ cứ héo hon gầy mòn trong đau khổ, bởi bà biết rằng, con trai mình đã mang chứng di truyền từ người cha (bố Lý cũng bị mù bẩm sinh).

Ba năm sau, bà lại sinh thêm cho Lý một cậu em trai nhưng rồi nỗi đau kia đã lặp lại. Chồng và hai con trai đều bị khiếm thị khiến đôi vai gầy của người mẹ càng thêm trĩu nặng. Bà chạy chữa cho chồng con hết bệnh viện này tới bệnh viện khác nhưng chỉ mang về nỗi tuyệt vọng trong lòng.

Từ đó, ba cha con Lý vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng nữa. Lý kể rằng, ngày còn bé cậu rất thích đi học nhưng chẳng được lên lớp bao giờ, chỉ học mẫu giáo hoài cho tới năm 8 tuổi. Biết con trai khát khao việc học hành, thương con, bố mẹ Lý đã nhờ cậy đưa cậu ra Trường Nguyễn Đình Chiểu ngoài Hà Nội.

Ngày mới ra đi, nỗi nhớ nhà khiến em đêm đêm khóc ướt đầm cả gối. Lúc ở nhà, bố mẹ thương con đau ốm, bệnh tật nên chẳng bắt làm bất cứ việc gì, nhưng ở môi trường mới, mọi việc đều phải làm để hòa nhập cộng đồng và kèm theo việc học chữ nổi.

Vật vã suốt một năm trời, Lý mới bắt đầu quen dần. Em mau chóng trở thành một học sinh xuất sắc của Trường Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài học văn hóa, em còn được học nhạc, học họa. Em thổ lộ rằng đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Lạt, Huế...

Vậy là cuộc đời đã bước sang trang mới, không chỉ hòa nhập cộng đồng mà em còn làm được mọi việc như những người bình thường khác. Nhưng càng học lên cao thì lại càng khó, đặc biệt là những môn tự nhiên.

Sách giáo khoa cho người khiếm thị không có, em đã khắc phục bằng cách chép tay bằng chữ nổi, hoặc ghi âm để học. Càng học càng đam mê, kiến thức cứ đầy ắp mỗi ngày khiến Lý càng kỳ vọng về bản thân mình.

Ngặt nỗi, nhà nghèo không có tiền để thuê nhà trọ và tự túc hoàn toàn trong ba năm học THPT. Em từng là học sinh giỏi của Trường Nguyễn Đình Chiểu nên được các thầy cho ở nhờ nên tiết kiệm được khoản thuê nhà.

Ba năm học nghiệt ngã đã qua, tới lúc em muốn bước chân vào giảng đường đại học nhưng khó quá. "Trường nào họ cũng từ chối em vì không có quy chế cho sinh viên khiếm thị. Nhưng em thích nhất vẫn là nghề báo chị ạ. Em đã từng làm thơ, viết bài in trên nhiều tờ báo lớn rồi" - giọng Lý trầm buồn.

Nhưng rồi em lại cười ngay: "Bây giờ em đang học năm thứ ba Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Nguyện vọng của em sau này là được làm phóng viên cho tờ báo chữ nổi của Hội Người mù hoặc có chương trình phù hợp được về Đài Phát thanh thì tốt. Người khiếm thị rất thích nghe đài đấy".

Khát vọng trở thành nhà báo của Hoàng Văn Lý đã khiến em miệt mài học tập. Hàng ngày, em dạy từ mờ sáng, dò dẫm ra Ngã Tư Sở đón xe buýt vào trường đại học cách nhà chừng 4 chặng xe buýt đỗ.

Cứ ước lượng như thế, những chuyến đi về em cũng đã quen."Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay", tuy không nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng với Lý vẫn có một thứ ánh sáng vĩnh hằng luôn rọi sáng trong tim.

Hạnh phúc

Dung dò dẫm mang cốc nước chè xanh nghi ngút khói lên mời khách. Em có nụ cười quyến rũ, khuôn mặt tròn phúc hậu và giọng nói mượt mà. Năm lên 9 tuổi, Dung bị sốt cao, do uống thuốc hạ sốt nên em đã bị dị ứng thuốc.

Những cơn sốt ly bì không dứt, nằm viện suốt một tháng ròng, tới khi mở mắt ra thì em chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Tuổi thơ của em bắt đầu là những chuỗi ngày buồn. Khi các bạn đến trường là lúc em nằm nhà ôm gối khóc và từ chối không muốn tiếp xúc với ai.

Từ khi đến Trường Nguyễn Văn Tố để học chữ nổi, hòa nhập vào cuộc sống của những người khiếm thị thì em mới dần nguôi đi nỗi bất hạnh. Dung say mê trong hoạt động văn hóa thể thao, từng đoạt Huy chương bạc môn điền kinh cho người khuyết tật toàn quốc năm 2004.

Cũng năm ấy, trong một buổi giao lưu nhân ngày 8/3, em đã tìm thấy "một nửa" của mình. Tuy chẳng nhìn thấy mặt nhau, nhưng chàng trai khiếm thị Hoàng Văn Lý đã làm rung động trái tim cô qua tiếng đàn bầu, qua những câu thơ thấm đượm tình yêu từ giọng trầm trầm thiết tha của Lý trong đêm hội giao lưu.

Hai con tim đã cùng chung nhịp đập và họ đã thuộc về nhau từ đó. Một năm sau, họ làm lễ cưới. Cả cô dâu, chú rể đều khiếm thị mà vẫn đầy ắp những lời chúc tụng ngọt ngào.

Cũng bắt đầu từ đó là nỗi vất vả mưu sinh, hàng ngày, Dung phải dậy từ 3/4h sáng để chuẩn bị quán bán hàng. Từ giảng đường đại học trở về nhà, Lý lại phụ giúp vợ làm hàng quà để bán. Bươn chải từ sáng sớm tinh mơ tới tận đêm khuya, mỗi tháng họ cũng kiếm tạm đủ để nuôi sống bản thân, trang trải học hành và cả chuẩn bị cho một sinh linh bé nhỏ sắp chào đời.

Những vần thơ ấm áp trong bài thơ "Khu vườn thức giấc" mà Lý đã dành tặng cho người vợ yêu của mình thật cảm động: "Một sớm em đến/ như ngọn gió lành/ vườn tôi thức dậy/ một màu lá xanh. Giọt nắng lung linh/ từ ngày em đến/ vườn tôi dậy tiếng/ muôn vàn loài chim. Nhờ bàn chân em/ cỏ vườn tôi mượt/ nhờ bàn tay em/ quả vườn tôi mọng/ nhờ giọng hát em/ chim vườn tôi hót. Nhờ em đánh thức/ khu vườn ngủ quên/ nhờ em đánh thức/ một lần con tim". Dù không nhìn thấy nhau nhưng dường như có thứ ánh sáng diệu kỳ vẫn tỏa trong tim họ

Kim Quý
.
.
.