Thợ may Việt Nam ở Honsin - Malaysia:

"Ăn nhanh, ngủ nhanh" và lương cao

Chủ Nhật, 17/04/2005, 07:57

Malaysia cuối xuân, không có gió lạnh nhưng hầu như đêm nào cũng có mưa, những cơn mưa giống như mưa Sài Gòn, ào ạt rồi tạnh rất nhanh. Batu Pahat không còn xa lạ với người Việt Nam bởi thị trấn sầm uất gần với biên giới Singapore

Đặc thù ngành may luôn cần nhiều nhân công nước ngoài, nhưng mức lương trong ngành dệt may không phải là cao vì vậy các đơn hàng tuyển lao động dệt may dù phí môi giới thấp hơn đơn hàng khác nhưng rất khó tuyển công nhân. Nhưng nhân công ở các nhà máy dệt, may ở Johor thì như một ngoại lệ.

Câu chuyện của 118 nữ công nhân may

Đón chúng tôi sau hành trình dài từ Kul xuống Johor, B.P Lau - Giám đốc nhân sự nhà máy may Honsin, đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm công nhân VN. Giám đốc Lau cho biết Honsin đang sử dụng 118 lao động nữ VN, người sang lâu nhất chỉ còn 4 tháng nữa là hết hợp đồng, một số “lính mới tò te” thì còn đang trong giai đoạn thử việc.

Khu công xưởng của nhà máy  dây chuyền công nghệ cao với máy móc hiện đại cùng hàng ngàn công nhân đang miệt mài làm việc. Khác với công xưởng may mặc mà chúng tôi có dịp tới thăm (cả ở VN và Malaysia), công xưởng của Honsin sử dụng máy lạnh công suất lớn khiến môi trường làm việc mát mẻ, dễ chịu. Có lẽ vì thế năng suất lao động của công nhân nhà máy này rất cao. Không khó khăn lắm chúng tôi nhận ra những nữ công nhân VN trong bộ đồng phục xanh của nhà máy. Họ trẻ trung và vui vẻ.

B.P. Lau đem thư của gia đình đến cho từng người lao động.

Giám đốc Lau rất tín nhiệm một nữ công nhân VN là chị Phùng Thị Nga nên cử chị là tổ trưởng của lao động VN. Chị Nga người Nghệ An, may giỏi lại biết tiếng Trung, chị cho biết, 118 công nhân nữ VN ở Honsin do Công ty Cung ứng thiết bị đường sắt (Virasimex) đưa sang từ năm 2002. Điều kiện làm việc ở Honsin khá tốt, chủ nhà máy rất quý công nhân Việt Nam, ngoài tiền lương cao, giờ làm thêm nhiều, chủ nhà máy còn chịu thuế Levy (thuế Chính phủ Malaysia buộc người lao động nước ngoài phải đóng) thay cho người lao động.

Khảo sát mức lương ở Honsin cho thấy phần lớn đạt mức lương 1.000 R.M/ tháng (4 triệu đồng Việt Nam). Nhiều lao động có mức lương trên 2.000 R.M/ tháng. Đặng Thị Nga ở Nam Định cho biết: "Em “phi” (may) không ngủ trưa thì đạt mức 1.600 R.M/tháng (trên 6 triệu đồng VN), em cũng phấn đấu lắm nhưng không lên mức 2.000 R.M như các chị được”. Lê Thị Lan - cũng người Nam Định là người luôn đạt mức 2.000 R.M hóm hỉnh bảo: “Sang bên này bọn em làm gì cũng phải nhanh: ăn nhanh, ngủ nhanh để còn làm việc”. Rồi lại như buồn buồn, chị Lan bảo: “Đạt mức 2.000 R.M em phải làm tới 14 giờ/ ngày nhưng cũng may mắn là nhà máy có nhiều giờ làm thêm nên mức lương mới cao như vậy”. Lan cho biết, tháng vừa rồi em đạt mức 2.200 R.M/tháng, một con số đáng nể thế nhưng theo Quản đốc Chang của Honsin thì vẫn chưa phải “top ten” vì lao động Indonesia ở nhà máy này còn thường xuyên đạt mức 3.200 R.M/tháng.

Buổi tối, chúng tôi cùng B.P.Lau tới thăm khu ký túc xá của công nhân. Không phải là một khu biệt lập, công ty thuê cho công nhân những khu nhà lớn nằm cùng khu dân cư. Bề ngoài khó có thể nhận ra sự khác biệt của lao động ta với người bản xứ, ngoài những tiếng cười, mùi thức ăn, không khí gia đình lan tỏa trong các khu nhà, và điều đặc biệt là trước cửa các ngôi nhà lao động VN ở thường treo cờ Tổ quốc đỏ tươi.

Trần Thị Hồng Liễu, người Nam Định cho chúng tôi biết, ở Batu Pahat, lao động VN đông đến nỗi đã hình thành ở đây những dịch vụ dành cho lao động VN từ chuyển tiền về nhà đến mua băng đĩa CD ca nhạc, phim từ Việt Nam chuyển sang. “Chủ nhà máy cho chúng em gia hạn hợp đồng, thậm chí còn muốn bọn em ở lại thêm tới... 10 năm nữa nhưng mà chắc bọn em phải về... lấy chồng thôi, đi 3 năm đủ để lập nghiệp rồi” - hàng chục cô gái ríu ran cười và hồn nhiên tâm sự như thế.

Đôi điều về Giám đốc B.P. Lau

B.P. Lau thường được công nhân vui vẻ, quý mến gọi là B.P, Công ty Honsin là công ty cổ phần của gia đình ông. B.P. Lau tự hào chỉ cho chúng tôi một tấm bằng treo trên tường và cho biết, Honsin có thương hiệu từ năm 1976, chuyên xuất hàng đi châu Âu, Mỹ, Nhật... Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy, B.P. Lau chỉ những khu công xưởng đang bừa bộn vật liệu xây dựng và cho biết đó là những công xưởng mới của Honsin đang được gấp rút hoàn thành để đón công nhân VN sang làm việc.

Điểm đặc biệt ở Honsin là công ty cung ứng lao động VN trực tiếp ký hợp đồng cung ứng lao động với chủ sử dụng không thông qua công ty môi giới. Ông B.P. Lau cho biết, đây là cách làm mới được Chính phủ Malaysia rất khuyến khích bởi nó giảm chi phí cho người lao động. Lao động tại Honsin cho hay, mỗi năm công nhân được nhà máy cho đi tham quan 2 lần vào kỳ nghỉ lễ, nhà máy hỗ trợ lao động tiền ăn hàng tháng và có ưu đãi đặc biệt với những lao động tay nghề cao. Như chị Phùng Thị Nga ở Nghệ An, sau một năm làm việc đã được đưa lên tổ may mẫu và chịu trách nhiệm quản lý công nhân VN. Khi chúng tôi bảo với ông B.P. Lau rằng lao động VN thật may mắn khi được làm trong nhà máy tốt như Honsin thì ông Lau thân thiện cho rằng: “Không chỉ lao động VN may mắn mà Honsin cũng may mắn vì đã có những lao động làm việc tốt. Tới đây, Honsin hợp tác với Công ty Hiteco để đưa 150 lao động nữ nữa sang làm việc, số lao động này sẽ được hỗ trợ vé máy bay và  phí dịch vụ (trả sau), giảm mọi chi phí để những lao động nghèo được đi làm việc tại Honsin. Tôi sẽ trực tiếp sang VN tuyển dụng số lao động này, đồng thời mong muốn 118 lao động đang làm việc khi hết hợp đồng sẽ xin gia hạn để làm việc thêm 2 năm nữa ở Honsin. Công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ lao động vé máy bay trở về VN nghỉ phép 1 tháng, sau đó quay lại làm việc”.

Nguồn lao động vẫn là bài toán nan giải

Ông Mai Viết Khai - Trưởng ban Quản lý lao động VN tại Malaysia, cho biết, năm nay Malaysia cần 400.000 lao động nhưng nhiều lĩnh vực hiện VN chưa cho phép cung ứng như lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, dọn dẹp vệ sinh, phục vụ... riêng trong lĩnh vực công xưởng họ cần hơn 100.000 lao động. Tập trung làm hợp đồng công xưởng cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp cung ứng lao động VN. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho biết nhiều hợp đồng tốt, lương cao như Honsin, thậm chí cao hơn nhưng không tuyển được lao động.

Theo Giám đốc Virasimex Đặng Mạnh Sức, khi Honsin tuyển thêm 200 lao động nữa công ty ông buộc phải từ chối vì không tuyển được nguồn cho dù rất tiếc, bởi đây là một nhà máy lương cao và chủ rất quý mến lao động. Ông Sức than vãn, từ đầu năm 2003 đến nay các doanh nghiệp như Virasimex đã phải nhiều lần tiếc đứt ruột như thế. Công ty đã đưa ra nhiều ưu đãi cho lao động nghèo như giảm phí môi giới, giảm phí dịch vụ, cho nợ vé máy bay sau đó trừ vào lương, nhưng tạo nguồn vẫn là bài toán nan giải

Thanh Lương
.
.
.