Ăn lá ngón tự tử: Nỗi đau dai dẳng ở vùng cao

Thứ Ba, 07/03/2017, 13:23
Tự tử bằng lá ngón không còn là điều mới mẻ với người dân vùng cao, nhưng nỗi đau về những cái chết bằng lá ngón vẫn tiếp tục là điều ám ảnh khôn nguôi với dư luận ở Lai Châu. 

Bởi việc tuyên truyền được tiến hành sâu rộng, thậm chí lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an còn phát động chiến dịch “nhổ cây lá ngón” nhưng số vụ tự tử bằng loại độc dược này vẫn tiếp tục.

Trong khi cả bản Mù Sang, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu người dân đang rộn rã đón Tết thì tại nhà của bà Chang Thị Ly tràn ngập không khí tang tóc. Nước mắt của bà Ly đã cạn kiệt, thân hình của bà giống như đổ sập khi nhìn thi thể của con trai. 

Sự hối hận giày vò khiến bà câm lặng như hóa đá, chỉ mới vài tiếng trước đây, con trai bà – Giàng A Sang, SN 1997, còn khỏe mạnh mà nay đã không còn nữa. Đau đớn hơn khi con trai bà chọn cái chết bằng cách ăn lá ngón, trong khi nguyên nhân lại hết sức “trời ơi”.

Nhớ lại bi kịch dẫn tới cái chết của con, bà Ly nghẹn ngào. Sang là con trai thứ hai của bà, vừa tham gia nghĩa vụ quân sự tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Mu Lù Thàng, huyện Phong Thổ. Ngày 29-1, Sang được đơn vị cho về thăm nhà ăn Tết.

Công an tỉnh Lai Châu tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tránh những cái chết oan uổng vì lá ngón. Ảnh: M.H.

Thấy con về, bà Ly rất vui nên đã mời Giàng A Sở, Giàng Chỉnh Mình, Sùng A Sở, Chang Phử đều ở xã Mù Sang đến ăn cơm, uống rượu với con. Khi đang uống rượu thì Sang mượn xe máy của anh trai là Giàng Chỉnh Mình để đi đón bạn về nhà uống rượu cùng. Khoảng 30 phút sau thấy Sang về một mình nhưng trên cánh tay lại bị chảy máu, mọi người ùa ra hỏi thì Sang bảo bị ngã xe.

Nhìn em như vậy, anh Mình nói: “Đã say rượu thì không đi xe nữa, bây giờ bị ngã hỏng hết xe rồi”. Sang cự lại: “Xe hỏng thì em sửa xe đền cho” và tiếp tục uống rượu cùng mọi người. Mình chạy ra ngoài xem xe hỏng như thế nào, rồi vào nhà xin lỗi Sang. Vì bị mọi người nói nên Sang tỏ thái độ bực tức và đứng dậy đi ra khu rừng phía sau nhà khoảng 100m tìm lá ngón để ăn.

Thấy thái độ của Sang không bình thường, anh Sùng A Sở liền đi theo. Nhưng lúc này Sang đã đi đến bụi cây lá ngón và vặt ăn. Anh Sở can ngăn không được nên hô to để mọi người đến hỗ trợ. Dù mọi người ngăn cản thế nào nhưng Sang vẫn tiếp tục ăn lá ngón, kể cả có người lấy lá ngón trong miệng Sang ra thì lại bị Sang cắn vào tay.

Sau cùng, Sang nói: “Không phải cứu em đâu, em đã ăn rất nhiều lá ngón, em không muốn sống nữa”. Sang đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế xã Dào San.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Lai Châu thì quá trình điều tra, xác minh đã xác định trước khi đi nghĩa vụ quân sự, Sang đã hai lần ăn lá ngón để tự tử nhưng được cấp cứu kịp thời.

Thiếu tá Hà Thái Hoàn, Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Lai Châu cho biết, tự tử bằng lá ngón đã tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc, chủ yếu là người Mông và người Thái. 

Ở vùng cao, lá ngón mọc khắp nơi, là loài cây dễ sống, tốt mơn mởn. Trẻ em ở vùng cao đều biết đâu là cây lá ngón và biết ăn nó sẽ ngộ độc mà chết. Nhưng do mọc tràn lan, chỉ vì bộc phát mà nhiều người không kịp suy nghĩ đã bứt lá ngón kết liễu cuộc đời. Theo thống kê, từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2017, tại Lai Châu xảy ra 44 vụ tự tử, trong đó có 39 vụ là do ăn lá ngón.

Theo Thiếu tá Hà Thái Hoàn thì khoảng năm 2007 – 2008 số vụ tự tử bằng lá ngón xảy ra nhiều nhất, đến nay đã giảm bớt do công tác tuyên truyền đã đến được với bà con dân tộc ở sống ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về nguyên nhân dẫn tới nhiều người tự tử bằng lá ngón chúng tôi hết sức đau lòng, bởi phần lớn là do mâu thuẫn gia đình và mâu thuẫn tình ái.

Vụ việc đau lòng của 3 học sinh lớp 2 ở Trường Tiểu học Hô Mít, huyện Than Uyên xảy ra cách đây nhiều năm vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi với người dân vùng cao. 

Hôm đó cháu Vàng A Sinh không có bút viết, cô giáo nhắc nhở: “Đi học phải mang bút, không mang bút thì học cái gì, về nhà bảo bố mẹ mua bút”, sau đó cô giáo đi mượn bút cho cháu viết. 

Đến tiết thứ hai của buổi học chiều, cô giáo không thấy 3 học sinh trong lớp (trong đó có Sinh), hỏi ra thì được biết các cháu đã về nhà. Nhìn 3 cháu đang trên đường về tới gần bản Khau Giềng, cô giáo yên tâm. Tuy nhiên, điều mà không ai ngờ tới là Sang lại rủ hai bạn đi tìm lá ngón để ăn. 

Trên đường về, 3 học sinh này còn gặp 4 em nhỏ đang trên đường tới lớp mẫu giáo, Sinh bảo các em quay về nhà đừng đi học nữa. Sinh tâm sự rằng, đi học bị cô giáo nói, về nhà bị bố mẹ nói. Cậu bé còn nói “các em sẽ không được nhìn thấy các anh nữa đâu. Các anh sẽ đi ăn lá ngón chết làm con chim hót trên rừng”.

Nói rồi cả ba trèo lên cây hái lá ngón nhưng lại không ăn. Ở bản, người lớn thường dặn trẻ em ăn lá này vào sẽ đứt ruột mà chết, nên các em rất sợ không dám lại gần cây độc. Cả ba về nhà, câu chuyện tưởng thế là xong. Nào ngờ, đến chiều tối khi lên rừng lấy củi, cả 3 cháu lại đi tìm cây lá ngón hái ăn. Khi người lớn phát hiện thì đã không kịp cấp cứu. Cái chết của 3 học sinh này đã ám ảnh người dân bản Khau Giềng tới tận bây giờ.

Để tránh những cái chết oan uổng vì lá ngón, Đồn Biên phòng Nậm Xé, huyện Phong Thổ đã phát động cuộc vận động nhổ cây lá ngón quanh khu dân cư. Công an tỉnh Lai Châu đã tuyên truyền, vận động bà con không tự tử bằng lá ngón lồng ghép trong các cuộc phát động nhân dân tố giác tội phạm hay phong trào văn hóa, văn nghệ. 

Để người dân vùng cao không phải chịu những cái chết oan uổng, thiết nghĩ công tác tuyên truyền, vận động bà con không tự tử bằng lá ngón cần phải tiến hành sâu rộng và quyết liệt hơn nữa.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.