An Giang: Mùa nước nổi, mùa làm ăn

Thứ Năm, 14/09/2006, 08:21

Qua Đề án 31 của Ban Cán sự UBND tỉnh, mà chuyện làm giàu nhờ khai thác hiệu quả lợi thế mùa nước nổi của ông Săn thật thú vị và bất ngờ. Nhiều hộ nông dân ở xã Phú Thuận đã học theo cách làm của ông và thoát cảnh "nghèo rớt mùng tơi".

Kể chuyện nông dân thoát nghèo, từ việc khai thác lợi thế mùa nước nổi ở An Giang người ta thường nhắc đến lão nông Trần Văn Săn (ngụ ấp Phú Tây, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn).

Cả chục năm trời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, diện tích lúa canh tác gần 60 công đất của gia đình ông Săn chẳng những không giúp ông ăn nên làm ra mà có năm lỗ nặng do sâu bệnh và giá lúa giảm. Có khi phải chạy đôn chạy đáo vay tiền ngân hàng để trả nợ tiền phân, tiền giống, nhất là vào vụ hè thu bởi quê ông nằm ở vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên, chưa bao giờ năng suất lúa cao.

Năm 2002, được sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, cho tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh ở Thái Lan, cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm từ ngành Nông nghiệp, ông quyết định không trồng lúa trong vụ hè thu nữa mà chuyển hẳn sang việc đào ao nuôi tôm.

Ông Săn kể: Kết quả thật bất ngờ. Năm 2004, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, tôi thả nuôi trên 600.000 con tôm giống và ngay vụ đầu tiên đã cho thu hoạch được 9 tấn tôm thịt, bán cho thương lái được 580 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí tôi bỏ túi gần 200 triệu đồng".

Nuôi tôm lãi gấp 4 lần trồng lúa. Thấy vậy, nhiều  hộ nông dân ở xã Phú Thuận đã theo cách làm của ông và đã vươn lên thoát nghèo. Đến nay, thì toàn xã đã có trên 300ha đất nuôi tôm càng xanh cho hiệu quả kinh tế cao.

Chuyện làm giàu nhờ khai thác hiệu quả lợi thế mùa nước nổi của ông Săn là vậy, nhưng đối với những nông dân thuộc diện "nghèo rớt mồng tơi", quanh năm suốt tháng chẳng đủ ăn, phải đi làm thuê, làm mướn như hộ anh Nguyễn Văn Bòn (xã Tân Hòa, huyện Phú Tân) thì việc khai thác lợi thế mùa nước nổi theo tinh thần Đề án 31 của Ban Cán sự UBND tỉnh thật sự là chiếc "cần câu" để gia đình anh thoát được cái nghèo dai dẳng.

Anh Bòn bộc bạch: "Năm 1996, tôi được gia đình cho mượn 2 công đất trầm thủy để trồng ấu, nhưng không đạt hiệu quả vì không nắm vững kỹ thuật trồng. Đến năm 2002, sau khi được chính quyền xã tập huấn kỹ thuật và giúp vốn sản xuất, tôi chuyển sang trồng rau nhút và đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình".

Mỗi tháng thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt được gần 500kg, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Bòn còn nuôi thêm 3.000 con cá lóc cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 4 triệu đồng… Gia đình anh Bòn đã thực sự thoát nghèo. Gian nhà lá ngày nào giờ được thay bằng nhà tường mái tole có thêm chiếc tivi xem thời sự mở mang kiến thức.

Cũng như anh Bòn, anh Nguyễn Văn So (ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) cũng vươn lên thoát nghèo nhờ áp dụng hiệu quả mô hình nuôi lươn trong bồn; anh Nguyễn Văn Ây (ngụ xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới) trở nên khá giả nhờ trồng nấm rơm.

Hay anh Võ Hữu Đời (xã Tân Trung, Tân Châu) từ hộ nghèo không "một cục đất chọi chim" trở thành hộ khá và là điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi nhờ áp dụng hiệu quả mô hình nuôi cá lóc giống…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Kim Yên cho biết: Sau 4 năm triển khai Đề án 31 của Ban Cán sự UBND tỉnh về khai thác lợi thế mùa nước nổi, An Giang đã giải quyết việc làm theo thời vụ cho trên 1 triệu lao động thuộc hộ nghèo. Qua đó, không những góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương mà còn phát huy được nội lực của người dân ở địa bàn nông thôn, giảm hẳn được tình trạng nông dân ỉ lại hay trông chờ từ sự giúp đỡ của Nhà nước.

Giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh cũng từ đó tăng theo, đạt trên 1.430 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, tăng đáng kể lượng lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống thường nhật của người dân…

Có thể khẳng định rằng, thành công của Đề án 31 là nhờ vào việc áp dụng đồng bộ các chính sách ngay tại địa bàn cơ sở, mục đích tạo điều kiện cho nông dân thoát nghèo, phát triển sản xuất, các dịch vụ ở nông thôn để thu hút lao động, giải quyết việc làm trong mùa nước nổi.

Cụ thể như: Giải quyết cho vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp trong mùa nước nổi, cấp xuồng cho hộ nghèo, hướng dẫn phương pháp sản xuất, giới thiệu mô hình làm ăn hiệu quả… Từ những chiếc "cần câu" này đã mang lại sức bật mới trong đời sống kinh tế bà con nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở An Giang.

Trong 4 năm qua đã xuất hiện 30 mô hình làm ăn, kinh doanh hiệu quả. Đấy là chưa nói đến việc làm sống lại các làng nghề truyền thống tưởng chừng như đã bị mai một như: dệt lưới, rèn lưỡi câu, đan lát, đóng ghe xuồng…

Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ mang lại từ Đề án cũng cần nhìn nhận rằng do việc tận dụng quá triệt để diện tích sản xuất vụ 3, nên đã xảy ra hiện tượng đất bị bạc màu, nguồn lợi thiên nhiên dần cạn kiệt. Mặt khác, do sản xuất lúa liên vụ, nên tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển…

Với mục tiêu khai thác từ mùa nước nổi khoảng 400.000 tấn lúa, gần 70.000 tấn rau dưa các loại, 6.000 tấn rau nhút, 5.000 tấn củ ấu và trên 8.000 tấn cá đồng, nhất là sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 100.000 lao động vùng ngập lũ từ nay đến năm 2010, bên cạnh tập trung vào việc đảm bảo thực hiện công tác xả lũ theo định kỳ "để dành" phù sa, An Giang sẽ chủ động giảm diện tích gieo trồng lúa, tăng diện tích gieo trồng hoa màu và nuôi trồng thủy sản phục vụ xuất khẩu gắn kết với phát triển du lịch, thương mại, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân…

Như thế, tin chắc rằng, qua Đề án 31 của Ban Cán sự UBND tỉnh, chẳng những An Giang chuyển dịch tốt cơ cấu trong nông nghiệp mà còn giúp nông dân giàu lên từ thửa ruộng, mảnh vườn của mình, ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, người ươm mầm cho việc thực hiện Đề án 31 khẳng định

Nam Thơ
.
.
.