Làng Thạch Long (Kim Long, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu):

Âm thầm đời mẹ, lặng lẽ đời con

Thứ Tư, 06/09/2006, 09:16
Đúng như tên gọi của làng, đất làng thì đá sỏi nhiều hơn, tháng tư về có loài nấm hương mọc lên từ mặt đất khô cằn, mà cũng chỉ đất làng này mới có, ai thưởng thức rồi thì nhớ mãi.

Một điều lạ khác, các đức ông chồng ở đây cứ lẳng lặng bỏ xứ mà đi. Để rồi chiều chiều, đời vợ, đời con hẩm hiu chờ đợi.

Đến với Thạch Long, tôi nhẩm trong lòng câu thơ của cụ Tú Xương xưa: "Có đất nào như đất ấy không". Lạ! Không thể giải thích được. Đi nhiều chốn thôn quê làng mạc, có nơi giàu, nơi nghèo; nơi nghèo nhưng vợ chồng vẫn rau cháo thương nhau. Nhưng ở cái thôn nhỏ bé Thạch Long, lại có khoảng 60 hộ gia đình vắng bóng người chồng, người cha. Có tổ dân cư chưa đầy 30 hộ dân thì có tới hơn 20 gia đình có người chồng bỏ con, bỏ vợ ra đi biệt tích ở phương nào. Từ lâu nay, ngôi làng vốn xa biển này luôn "dậy sóng" bởi những lời dị nghị: "Bến không chồng", "làng ở giá"... nhưng mặc kệ, các chị vẫn sống có ý nghĩa giữa cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Chi, ở tổ 28 vừa bóc vỏ điều vừa đưa nôi em bé. Chị cất giọng buồn buồn kể cho tôi nghe kết quả mối tình ngắn ngủi của mình. Làm công nhân may mặc tại một công ty ngoại thành Sài Gòn, hơn một năm trước, anh Nguyễn Ngọc Đức (quê Tây Ninh) bắt đầu xuất hiện trong cuộc đời chị. Đức đẹp trai, ăn nói có duyên. Chị biết Đức là dân công trình xây dựng, nay đây mai đó nhưng vẫn mê như điếu đổ. Hai người chung sống như vợ chồng, đó cũng là những ngày hạnh phúc đối với Chi.

Theo lẽ tự nhiên chị mang bầu, và cũng là ngày Đức thi công xong công trình xây dựng và quất ngựa truy phong. Từ đó, Chi như người mất hồn. Chỉ tội bé Nguyễn Ngọc Phương Trang chào đời không biết mặt người cha. Chị Chi tâm sự: Sang đầu tháng 9 là hết kỳ nghỉ sinh, mẹ lại lên thành phố làm công nhân, phải để bé lại cho bà ngoại. Cũng thật lạ, bà Bùi Thị Qườn, mẹ của chị Chi, hơn 70 tuổi đã chịu nhiều phiền muộn từ những lầm lỡ của các con nhưng vẫn lạc quan với cuộc sống. Người con gái đầu cũng lầm lỡ tới hai đời chồng và cả hai đều lẳng lặng ra đi khi có với nhau một đứa con. Bà Qườn tiếp tục nuôi dưỡng những cháu bé bất hạnh ấy cho tới lớn khôn. Thương con mình, thương những người phụ nữ nghèo trong thôn sớm phải chấp nhận cuộc sống đơn chiếc, bà mẹ già ấy đi động viên từng nhà để khuyên chị em không làm điều gì dại dột, cố gắng nuôi dạy con nên người.

Bà Qườn gắn bó với Hội Phụ nữ tại địa phương gần 20 năm nay, đôi chân bà quen thuộc từng gia đình, từng lối nhỏ vùng quê. Vừa qua, Hội Phụ nữ tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tặng cho bà căn nhà tình thương, nghèo quá, tuổi cao nhưng vẫn phải đi làm mướn để sống. Bụng đang muốn làm công tác hội lắm, người dân còn tín nhiệm bà nhưng tuổi cao, cái chân không bước nổi nữa, bà cho biết.

Chị Lê Thanh Bình, cán bộ phụ nữ thôn Thạch Long, tổ do chị phụ trách có 29 hộ dân thì tới 21 hộ thiếu bóng dáng người cha. Người vợ vẫn thủy chung nuôi con, đợi chờ, dù thời gian đằng đẵng hàng chục năm trời so với thời xuân sắc có hạn.

Mới đó mà đã 9 năm trôi qua, ngày anh Út Nhỏ, chồng chị Phùng Thị Yêm, bỏ nhà ra đi với lời nói dối bán đất đưa vợ con lên Tây Nguyên làm kinh tế mới. Anh bán hết đất mang tiền đi và không trở lại nữa. Từ đó đến nay, không một dòng hồi âm. Một mình chị Yêm làm thuê làm mướn nuôi 3 đứa con ăn học lớn khôn. Là hộ nghèo, nhưng các con chị ngoan ngoãn và học rất giỏi. Nhà sát cạnh chị Yêm là chị Lê Thị Thủy, cũng trong cảnh mẹ góa con côi vì người cha bỏ nhà ra đi từ khi đứa con của mình chào đời được mấy hôm. Chị Hồ Thị Thương mới 26 tuổi, nhưng người chồng cũng lặng lẽ ra đi từ 3 năm trước khi có với nhau một cháu nhỏ, đến nay vẫn bặt vô âm tín. 

Chính cuộc đời chị Bình, Trưởng Hội Phụ nữ thôn cũng chung hoàn cảnh như vậy. Từ ngày người chồng chị ra đi, chị nuôi con khôn lớn cho tới việc dựng vợ, gả chồng đều một tay chị. Chị cũng là hộ nghèo, được Công an tỉnh tặng nhà tình thương. Chị khoe, đến nay một mình chị kiêm tới 6 chức vụ, nào là Hội phó Hội Phụ nữ xã, thôn, Trưởng Hội chữ thập đỏ, Y tế thôn, chăm sóc bà mẹ, trẻ em…, với mức trợ cấp một tháng 300 ngàn đồng. Chỉ ngại có điều là mỗi lần phải bắt tay với lãnh đạo, mấy ông ấy chọc tay mình sao chai cứng như tay đàn ông, tất cả việc nặng như làm nhà, chặt cây vốn là công việc của người chồng nhưng đều đến tay các chị.

Thạch Long đang còn nghèo, nhưng chính những người phụ nữ đang chịu nhiều thiệt thòi về hạnh phúc gia đình cũng đang góp phần đưa quê hương phát triển bằng các phong trào nuôi dạy con giỏi, hiến máu nhân đạo (chị Lê Thanh Bình hiến máu nhân đạo 20 lần, chị Phùng Thị Yêm hiến 7 lần…) và nhất là nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chia tay làng Thạch Long, tôi không sao quên được ánh mắt mong mỏi nhìn xa xăm của các chị khi nhắc tới người chồng, người cha đang phiêu bạt ở phương trời nào 

Bá Dũng
.
.
.