Ai chịu trách nhiệm việc ngân sách tỉnh Hà Giang nợ doanh nghiệp hàng ngàn tỷ đồng?

Thứ Năm, 17/11/2005, 15:57

Nguồn ngân sách trông chờ chủ yếu vào nhà nước nhưng từ năm 1998 Hà Giang thực hiện chủ trương “Đại công trường”, huy động hàng trăm doanh nghiệp tự ứng vốn, vay vốn để thi công hàng loạt công trình. Hậu quả là hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư đều vi phạm, ngân sách tỉnh nợ doanh nghiệp tới 953,387 tỉ đồng, các doanh nghiệp nợ ngân hàng 479,9 tỷ đồng.

Sau khi Chuyên đề ANTG và một số cơ quan thông tấn khác phản ánh về sự  kiện ngân sách tỉnh Hà Giang nợ đọng doanh nghiệp hàng nghìn tỉ đồng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành kiểm tra vụ việc báo nêu tại tỉnh Hà Giang và đã phát hiện hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản của tỉnh này...

Việc vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng tại tỉnh Hà Giang diễn ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư - từ chủ trương đầu tư cho tới các khâu tiếp theo như: lập dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, công tác đấu thầu, quản lý dự án cho đến giám sát và đánh giá đầu tư... Có thể nói, quy trình đầu tư ở tỉnh này đụng đâu sai đó.

Hà Giang là một tỉnh nghèo với gần 90% dân số là người dân tộc ít người. Cả tỉnh có 193 xã thì có tới 142 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Xuất phát điểm của nền kinh tế ở tỉnh này rất thấp, vì thế việc đầu tư phát triển chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Ấy thế mà, không căn cứ vào khả năng hỗ trợ của ngân sách Trung ương cũng như thực lực kinh tế của địa phương, từ năm 1998 Hà Giang đã bắt tay vào thực hiện chủ trương “Đại công trường” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng việc huy động hàng trăm doanh nghiệp tự ứng vốn, vay vốn để thi công hàng loạt công trình như đường giao thông, thủy lợi, nhà ở...

Thậm chí, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2000-2005 còn nhấn mạnh việc phải tiếp tục thực hiện chủ trương này. Sai lầm của Hà Giang về chủ trương đầu tư đã dẫn đến hậu quả tất yếu, đó là việc ngân sách tỉnh nợ các doanh nghiệp hàng nghìn tỉ đồng không có khả năng thanh toán.

Việc thẩm định và phê duyệt dự án cũng có nhiều sai phạm. Nhiều báo cáo nghiên cứu khả thi sơ sài, nặng về hình thức, có những dự án không nêu được sự cần thiết phải đầu tư cũng như phương án tài chính để thực hiện dự án nhưng vẫn được các cơ quan chức năng thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt. Thậm chí có cả những công trình đã triển khai từ trước khi có quyết định đầu tư như dự án đường giao thông liên xã Minh Sơn - Giáp Trung. Một số dự án còn chưa có thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt nhưng đã được ghi kế hoạch đầu tư như Dự án đường Vạt - Quảng Ngần, đường Tùng Bá - Na Sơn. Điều này là trái với Quy chế về quản lý đầu tư và xây dựng.

Kết quả kiểm tra còn cho thấy các dự án sử dụng nguồn ngân sách do tỉnh quản lý đều không có kế hoạch đấu thầu mà tất cả các dự án đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Nhưng việc chỉ định thầu trong nhiều dự án cũng vi phạm quy chế đấu thầu. Ví dụ, có nhiều dự án, có bút phê của nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho phép nhà thầu được thi công công trình, thậm chí còn ghi cụ thể mức vốn kế hoạch hàng năm. Điều này là vi phạm nghiêm trọng Quy chế đấu thầu và cho thấy ở Hà Giang, chuyện “bút phê” có hiệu lực hơn cả quy định pháp luật.

Nhưng, không chỉ có thế, nhiều dự án thậm chí không có trong kế hoạch đầu tư hàng năm của UBND tỉnh nhưng lại được nguyên Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp “bút phê” đồng ý cho đầu tư xây dựng, ấn định số vốn và chỉ định cả đơn vị thi công (!). Sau đó, Văn phòng Tỉnh ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy dưới hình thức Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, giao cho UBND tỉnh, các ngành hữu quan và chủ đầu tư thực hiện.

Điển hình cho kiểu dự án nằm ngoài kế hoạch nhưng vẫn được thực hiện nhờ “bút phê” là Dự án chung cư Hà Trung. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy đã không căn cứ vào kế hoạch hàng năm về đầu tư xây dựng cơ bản, can thiệp quá sâu vào từng dự án cụ thể theo hình thức “xin - cho” công trình, hạn chế vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó dẫn đến hậu quả nợ đầu tư xây dựng vượt quá khả năng thanh toán của tỉnh, các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Các khâu của quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã mắc nhiều vi phạm như vậy nhưng công tác giám sát đầu tư của UBND tỉnh cũng như của cơ quan chủ quản đầu tư theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cũng làm chưa tốt. Nhiều dự án đầu tư quá thời hạn nhưng chưa được bố trí vốn thanh toán dứt điểm. Công tác báo cáo định kỳ của UBND tỉnh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan chưa đúng quy định.

Một ví dụ điển hình là Báo cáo tổng hợp nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý không chính xác, nhiều số liệu khác nhau và thấp hơn nhiều so với số nợ thực tế.

Các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh về nghiệp vụ xây dựng cơ bản và cấp phát cho vay vốn như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ngân hàng... đều chưa làm tốt vai trò của mình. Từ đó dẫn đến tình trạng tỉnh nợ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp lại nợ ngân hàng.

Trước thực trạng tỉnh nợ doanh nghiệp hàng nghìn tỉ đồng, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết như: ngân hàng xem xét điều chỉnh thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn; cấp vốn bổ sung vốn cho các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đã quyết toán bao gồm đường giao thông đến trung tâm các xã, trạm xá và trụ sở xã, các công trình phúc lợi xã hội của tỉnh. Nhưng bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng cần phải tổ chức thanh tra trên diện rộng công tác quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản tại tỉnh trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 30/6/2005 nhằm làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị cá nhân, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực

.
.
.